Phương pháp điều chế và một số chỉ tiêu kiểm nghiệm Nacl dược dụng

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Hình ảnh: Nacl dược dụng

Nhà thuốc Ngọc Anh – Bài viết sau đây xin trình bày về các phương pháp điều chế và một số chỉ tiêu kiểm nghiệm Nacl dược dụng.

Đại cương về Nacl dược dụng

Dung dịch NaCl 0,9% có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực Dược học. Dung dịch NaCl 0,9% được dùng để làm nước muối sinh lí súc miệng, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, hoặc dùng trong tiêm truyền tĩnh mạch để bổ sung nước và các chất điện giải trong tình trạng mất nước do tiêu chảy, sau phẫu thuật, đổ quá nhiều mồ hôi hoặc do các nguyên nhân khác, hoặc có thể làm dung môi pha tiêm truyền một số thuốc tương hợp….

Natri clorid với công thức: NaCl, M=58,44 đvC

Công thức của Nacl
Công thức của Nacl

Natri clorid dược dụng là những tinh thể hình lập phương, không màu, tan trong 2,8 phần nước ở 25°C, 2,5 phần nước ở 100°C. Rất ít tan trong ethanol 96° và không tan trong ethanol tuyệt đối.

Nhiệt độ (°C) Độ tan (g NaCl/ 100g nước)
0

10

20

30

40

50

60

70

80

90

100

35,65

35,72

35,89

36,09

36,37

36,69

37,04

37,46

37,93

38,47

38,99

Phương pháp điều chế Nacl dược dụng

Điều chế NaCl dược dụng từ muối ăn, bao gồm quá trình loại tạp và kết tinh bằng phương pháp tách một phần dung môi.

Nguyên phụ liệu chuẩn bị:

  • Muối ăn: 1 Kg

Với các thành phần:

+ NaCl chiếm khoảng 96-99%

+ Tạp chất vô cơ: Ca++, Mg++, Fe3+, SO4 2- , Br- , I – và các ion khác.

+ Tạp chất hữu cơ; tạp không tan: Cát, phù sa …

  • Dung dịch Na2CO3 20%
  • Acid hydrocloric 35%
  • Dung dịch bari clorid 10%

Dụng cụ, thiết bị:

  • Chậu men 5 L
  • Bếp điện
  • Chảo gang
  • Máy vảy li tâm hoặc bộ lọc Buchner
  • Tủ sấy

Sơ đồ quy trình:

Sơ đồ quy trình điều chế Nacl dược dụng

Mô tả quy trình và một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình điều chế:

Mô tả quy trình Các yếu tố ảnh hưởng
Rang 1 kg muối ăn trong chảo gang trên bếp điện hoặc bếp gas, khi muối trở nên trắng hoàn toàn thì dừng lại. Các tạp hữu cơ dưới tác dụng của nhiệt độ sẽ phân hủy thành CO2 và H2O và được loại đi.

Hòa tan muối đã rang trong 3L nước cất, để lắng lấy 15 phút, loại tạp không tan và lấy dịch trong.

Đun sôi dịch lọc, khuấy, thêm từ từ dung dịch Na2CO3 20% đến pH=10-11. Các ion kim loại sẽ bị tủa dưới dạng carbonat. Để lắng, lọc, loại bỏ tủa, thu lấy dịch trong.

Để nguội rồi trung hòa dịch lọc bằng HCl 35% đến pH=4-5, tạo nhân muối NaCl.

Cô đặc để kết tinh phân đoạn: cho dung dịch trong ở trên vào chậu men, cô trên bếp và vớt dần muối kết tinh nóng cho vào cốc. NaCl ít tan hơn các muối khác nên sẽ kết tinh tách ra trước. Cô như vậy đến khi còn 1/3 thể tích thì kết thúc. Phần dịch còn lại chứa Br-, I-, KCl…

Loại tạp sulfat: rửa muối thô bằng nước cất, mỗi lần rửa cho khoảng 30-50 ml nước cất, trộn đều, sau đó vắt kiệt.

Rửa đến khi ion SO42- trong nước rửa không được nhiều hơn sulfat trong dịch mẫu chuẩn theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam IV(dùng BaCl2 và sử dụng phương pháp so sánh)

Sấy khô sản phẩm ở 100°C đến khối lượng không đổi.

Kiểm nghiệm sản phẩm theo tiêu chuẩn dược điển việt nam IV.

Rang kỹ để loại hoàn toàn tạp hữu cơ.

 

Đun sôi nhẹ để phản ứng xảy ra nhanh hơn, nếu sôi quá nước sẽ bay hơi một phần làm muối kết tinh lại, bị loại bỏ cùng tủa khi lọc, hiệu suất sẽ giảm. Không nên thay bằng K2CO3 vì sẽ gây nhiễm thêm tạp. Giai đoạn này có thể chưa hết tạp do CO32- vẫn còn, chưa tủa hết ion kim loại.

Nếu dịch acid quá có thể cân bằng lại bằng Na2CO3. HCl dư tuy không ảnh hưởng đến kết quả nhưng sẽ gây độc khi tiến hành các bước tiếp theo là cô cạn kết tinh (HCl bay lên khi cô cạn hít phải gây độc).

Phương pháp kết tinh cho bay hơi bằng cô đặc có nhược điểm là các tinh thể dễ bị dính lên bề mặt truyền nhiệt, nồng độ tạp chất tăng cao, khắc phục cần tăng khuấy trộn.

Quá trình kết tinh có thể bị lẫn tạp, ảnh hưởng đến độ tinh khiết của NaCl.

Giai đoạn này rửa bằng nước nhiều lần có thể khiến một phần muối bị hòa tan và loại đi, làm giảm hiệu suất.

Phương pháp kết tinh bằng tách một phần dung môi được áp dụng cho điều chế NaCl vì đây là chất bền với nhiệt, có độ tan ít phụ thuộc vào nhiệt độ.

Kích thước và dạng của tinh thể do quá trình kết tinh quyết định.

Ở nhiệt độ thấp, dung môi bay hơi ít, trạng thái bão hòa thấp, các tinh thể phát triển có thể nhanh hơn tạo mầm, dẫn đến tinh thể to, hình lập phương đều đặn.

Ở nhiệt độ sôi, độ bão hòa cao hơn, tạo mầm tinh thể chiếm ưu thế so với tăng trưởng tinh thể, cuối cùng dẫn đến các tinh thể nhỏ hơn.

Ở nhiệt độ khoảng 85°C, khuấy liên tục, có thể thu được tinh thể rất nhỏ và trắng.

Một số chỉ tiêu kiểm nghiệm NaCl

Tính chất:

Bột kết tinh trắng hoặc gần như trắng hay tinh thể không màu hay hạt trắng hoặc gần như trắng. Dễ tan trong nước thực tế không tan trong ethanol khan.

Hình ảnh: Bột kết tinh Nacl
Hình ảnh: Bột kết tinh Nacl

Định tính:

Chế phẩm phải cho phản ứng của clorid (Phụ lục 8.1).

Chế phẩm phải cho phản ứng của natri (Phụ lục 8.1).

Dung dịch S: Hòa tan 20,0 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 100,0 ml với cùng dung môi. Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).

Giới hạn acid – kiềm: Thêm 0,1 ml dung dịch xanh bromothymol (TT) vào 20 ml dung dịch S. Lượng dung dịch acidhydrocloric 0,01N (CĐ) hoặc dung dịch natri hydroxyd 0,01 N (CĐ) cần dùng để làm dung dịch chuyển màu không quá 0,5 ml.

Bromid không được quá 100 phần triệu: Thêm 4,0 ml nước, 2,0 ml dung dịch đỏ phenol (TT) và 1.0 ml dung dịch cloramin T 0,01 % vào 0,5 ml dung dịch S, trộn đều ngay. Sau đúng 2 min, thêm 0,15 ml dung dịch natri thiosulfat 0,1 M (TT), trộn đều và pha loãng thành 10.0 ml bằng nước. Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được ở bước sóng 590 nm, dùng nước làm mẫu trắng. Độ hấp thụ của dung dịch trên không được lớn hơn độ hấp thụ của dung dịch đối chiếu được chuẩn bị trong cùng một thời gian, cùng cách tiến hành, dùng 5,0 ml dung dịch kali bromid 3,0 mg/l.

lodid: Làm ẩm 5 g chế phẩm bằng cách thêm từng giọt hỗn hợp vừa mới pha gồm 0,15 ml dung dịch natri nitrit 10% (TT), 2 ml dung dịch acid sulfuric 0,5 M (TT), 25 ml dung dịch hồ tinh bột (TT) và 25 ml nước. Sau 5 min, quan sát dưới ánh sáng ban ngày, hỗn hợp chất thử không được có màu xanh.

Nitrit: Thêm 10 ml nước vào 10 ml dung dịch S. Độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch thu được ở bước sóng 354 nm không được lớn hơn 0,01.

Phosphat không được quá 25 phần triệu (Phụ lục 9.4.12): Pha loãng 2,0 ml dung dịch S thành 100 ml bằng nước và tiến hành thử.

Sulfat không được quá 0,02 % (Phụ lục 9.4.14): Pha loãng 7,5 ml dung dịch S thành 30 ml bằng nước cất và tiến hành thử.

Arsen không được quá 1 phần triệu (Phụ lục 9.4.2, phương pháp A): Dùng 5 ml dung dịch S để đo.

Bari: Thêm 5 ml nước cất và 2 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (TT) vào 5 ml dung dịch S. Sau 2 h, dung dịch không được đục hơn hỗn hợp gồm 5 ml dung dịch S và 7 ml nước cất.

Sắt không được quá 2 phần triệu (Phụ lục 9.4.13): Lấy 10 ml dung dịch S và tiến hành thử. Dùng hỗn hợp gồm 4 ml dung dịch sắt mẫu 1 phần triệu Fe (TT) và 6 ml nước để chuẩn bị mẫu đối chiếu.

Magnesi và các kim loại kiềm thổ không được quá 0,01 % tính theo Ca (Phụ lục 9.4.16): Dùng 10,0 g chế phẩm và 150 mg hỗn hợp đen eriocrom T (TT). Thể tích của dung dịch natri edetat 0,01 M (CĐ) đã dùng không được quá 2,5 ml.

Kali không được quá 0,05 %: Nếu chế phẩm được dự định để sản xuất thuốc tiêm, hoặc các dung dịch thẩm tách máu, lọc máu, thẩm tách màng bụng, thì chế phẩm phải đáp ứng yêu cầu phép thử này. Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử (Phụ lục 4.4, Phương pháp 1). Dung dịch thử: Hòa tan 1,00 g chế phẩm trong nước và pha loãng thành 100,0 ml với cùng dung môi. Dãy dung dịch chuẩn: Hòa tan 1,144 g kali clorid (TT) đã được sấy ở 100 °C đến 105 °C trong 3 h trong nước và pha loãng thành 1000,0 ml với cùng dung môi (dung dịch chứa 600 μg K/ml). Tiếp tục pha dãy dung dịch chuẩn theo yêu cầu. Đo cường độ phát xạ ở bước sóng 766,5 nm.

Kim loại nặng không được quá 5 phần triệu (Phụ lục 9.4.8): Lấy 12 ml dung dịch S và tiến hành thử theo phương pháp 1. Dùng dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb (TT) chuẩn bị mẫu đối chiếu.

An toàn lao động

NaCl không độc nhưng khi tiếp xúc lâu với nước muối đậm đặc, dã sẽ bị loét, tổn thương biểu bì sâu, lâu khỏi và để lại sẹo.

Khi rang muối tránh để muối bắn vào mắt.

Tài liệu tham khảo

Sách thực tập kĩ thuật sản xuất dược phẩm (Trường Đại học Dược Hà Nội, bộ môn công nghiệp dược)

Dược điển Việt Nam IV.

Xem thêm: Công thức và kĩ thuật bào chế Lotion giữ ẩm

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here