Biên dịch: Bác sĩ Hà Văn Huy.
Có gì chú ý trong hướng dẫn của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ 2022 dành cho thai phụ mắc đái tháo đường (GDM)?
Những phụ nữ mắc đái tháo đường từ trước đang có kế hoạch mang thai nên được quản lý ngay từ khi bắt đầu thai nghén từ các chuyên gia bao gồm: bác sĩ nội tiết, bác sĩ chuyên khoa sản nhi, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia giáo dục – chăm sóc đái tháo đường nếu có.
Ngoài việc tập trung chú ý vào việc đạt được mục tiêu đường huyết, cần tăng cường chăm sóc tiền sản tiêu chuẩn với việc chú trọng hơn vào dinh dưỡng, giáo dục đái tháo đường, tầm soát các bệnh đi kèm và biến chứng của đái tháo đường.
Phụ nữ mắc đái tháo đường type 1 hoặc type 2 từ trước đang có kế hoạch mang thai hoặc đã có thai nên được tư vấn về nguy cơ phát triển và / hoặc tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường. Lý tưởng nhất là nên khám mắt trước khi mang thai hoặc trong ba tháng đầu, sau đó bệnh nhân nên được theo dõi mỗi ba tháng và trong 1 năm sau sinh theo mức độ bệnh lý võng mạc và theo khuyến cáo của các bác sĩ nhãn khoa.
Tự theo dõi đường huyết lúc đói và sau ăn được khuyến cáo ở thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ để đạt được mức đường huyết tối ưu.
Mục tiêu đường huyết là :
- Đường huyết lúc đói < 95 mg/dL (5,3 mmol/L) và.
- Đường huyết sau ăn 1 giờ < 140 mg/dL (7,8 mmol/L) hoặc đường huyết sau ăn 2 giờ < 120 mg/dL (6,7 mmol/L).
Do tăng lưu lượng hồng cầu, HbA1C trong thai kỳ bình thường thấp hơn một chút so với phụ nữ không mang thai bình thường. Lý tưởng nhất là mục tiêu HbA1C trong thai kỳ <6% (42 mmol / mol) nếu có thể đạt được mà không bị hạ đường huyết đáng kể, nhưng có thể nới lỏng mục tiêu < 7% (53 mmol / mol) nếu cần thiết để ngăn ngừa hạ đường huyết.
Khi được sử dụng cùng với việc theo dõi đường huyết trước và sau ăn, theo dõi đường huyết liên tục có thể giúp đạt được HbA1C mục tiêu ở đái tháo đường và thai kỳ.
Theo dõi đường huyết liên tục theo thời gian cùng với việc theo dõi đường huyết trước và sau ăn có thể làm giảm tỉ lệ thai to và hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh;
Các chỉ số theo dõi đường huyết liên tục có thể được sử dụng bổ sung nhưng không được sử dụng thay thế cho việc tự theo dõi đường huyết để đạt được mục tiêu đường huyết tối ưu trước và sau ăn.
Tương tự như các mục tiêu được khuyến nghị bởi ACOG, các mục tiêu do ADA khuyến nghị cho phụ nữ mắc đái tháo đường type 1 hoặc type 2 như sau:
- Glucose lúc đói 70–95 mg / dL (3,9–5,3 mmol / L) và
- Glucoe sau ăn một giờ 110–140 mg / dL (6,1–7,8 mmol / L) hoặc
- Glucose sau ăn hai giờ 100–120 mg / dL (5,6–6,7 mmol / L).
Thay đổi hành vi lối sống là một thành phần thiết yếu trong quản lý bệnh tháo đường thai kỳ và có thể đủ để điều trị cho nhiều phụ nữ. Nên bổ sung insulin nếu cần để đạt được các mục tiêu về đường huyết.
Insulin là thuốc ưu tiên để điều trị tăng đường huyết trong bệnh đái tháo đường thai kỳ. Không nên dùng metformin và glyburide làm thuốc đầu tay, vì cả hai đều qua nhau thai. Các thuốc hạ glucose đường uống và tiêm “không phải insulin” khác thiếu dữ liệu an toàn lâu dài.
Metformin khi được sử dụng để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang và gây rụng trứng, nên ngừng sử dụng vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên.
Ở những thai phụ bị đái tháo đường và tăng huyết áp mạn tính, huyết áp mục tiêu là 110–135 / 85 mmHg vì giảm biến chứng tăng huyết áp ở người mẹ và thai hạn chế tăng trưởng trong tử cung.
Nên ngừng sử dụng các loại thuốc có khả năng gây hại trong thai kỳ (thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, statin) khi thụ thai và tránh dùng ở phụ nữ có quan hệ tình dục trong độ tuổi sinh đẻ không sử dụng biện pháp tránh thai đáng tin cậy.