Chỉ số BMI là gì? Cách tính BMI cho người lớn và trẻ em

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

CHỈ SỐ BMI LÀ GÌ ?

Chỉ số BMI (viết tắt của Body Mass Index) hay còn được gọi là chỉ số khối của cơ thể. BMI có thể là một khái niệm tương đối mới mẻ với đại đa số người dân Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến thể hình, vóc dáng, các chế độ dinh dưỡng… của bản thân, có thể sẽ không xa lạ với khái niệm này. Vậy, BMI được tính toán như thế nào? BMI có ý nghĩa gì trong thực tiễn? Cách áp dụng chỉ số BMI và kiểm soát cân nặng bản thân hợp lý như thế nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Ngọc Anh tìm hiểu những thông tin về chỉ số BMI trong bài viết sau đây.

BMI là gì?

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một công thức dùng chỉ số cân nặng và chiều cao để ước tính lượng mỡ có trong cơ thể của mỗi người.

Đây là một trong những chỉ số đơn giản nhất và được xem như là một công cụ đầu tiên dùng để tiếp cận với các vấn đề về cân nặng của cá nhân. BMI giúp bạn nhanh chóng xác định được tình trạng của cơ thể (béo phì, thừa cân, bình thường hoặc thiếu cân). Chính vì vậy, khi biết được chỉ số BMI của bản thân, bạn có thể tự lên kế hoạch kiểm soát cân nặng hoặc bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho cơ thể của mình.

BMI thường được dùng như là một công cụ tầm soát để xác định trọng lượng cho mỗi cơ thể. Tuy nhiên, BMI không phải là một công cụ dùng để chẩn đoán.

Ví dụ: Một người có chỉ số BMI được xếp loại cao, tuy nhiên để xác định trọng lượng có phải là một nguy cơ cho sức khỏe hay không thì các bác sĩ cần thực hiện thêm nhiều đánh giá khác, không dùng chỉ số BMI như một tiêu chuẩn chẩn đoán nguy cơ cho sức khỏe.

Trên thực tế, chỉ số BMI thường chỉ áp dụng cho người lớn (trưởng thành) với độ tuổi từ 20 trở lên.

Còn với trẻ em và thanh thiếu niên không thể kiểm tra nếu chỉ dựa vào chỉ số này. Bởi ứng với mỗi độ tuổi, hàm lượng mỡ và tốc độ phát triển cơ thể mỗi giới sẽ khác nhau, thường các bé gái sẽ cần lượng mỡ trong cơ thể cao và phát triển sớm hơn bé trai.

Cách tính này cũng không được dùng cho vận động viên. Điều này là do người tập thể hình hay vận động viên có các múi cơ lớn (nặng hơn mỡ), khi áp dụng công thức tính BMI, kết quả trả về sẽ thường ở mức béo phì, dẫn đến không chính xác.

Tương tự, BMI cũng không phù hợp đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người già hay người vừa mới ốm dậy.

Tại sao Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ ( CDC) lại đánh giá sự thừa cân và béo phì thông qua BMI?

Sử dụng chỉ số BMI là một phương pháp đơn giản nhất để đánh giá sơ bộ sự thừa cân và khả năng béo phì cho một quần thể người dân. Để tính được chỉ số BMI, chúng ta chỉ cần thu thập số liệu về chiều cao và cân nặng của mọi người, phương pháp này rất ít tốn kém và dễ thực hiện. Sử dụng chỉ số BMI cho phép so sánh tình trạng cân nặng của một người với quần thể nói chung. Công thức tính BMI được theo đơn vị kilograms và mét.

Sử dụng chỉ số BMI cho phép so sánh tình trạng cân nặng của một người với quần thể nói chung.
Sử dụng chỉ số BMI cho phép so sánh tình trạng cân nặng của một người với quần thể nói chung.

Cách tính BMI

ĐO CHỈ SỐ CÂN NẶNG - CHIỀU CAO (BMI) ONLINE

Tính BMI cho người trưởng thành

Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính theo công thức:

BMI = (cân nặng) / (chiều cao x chiều cao).

BMI =W/H2 ( kg/m2 )

Trong đó

  • BMI có đơn vị là (kg/m2)
  • Cân nặng (W) tính bằng kilogam (kg)
  • Chiều cao (H) tính bằng mét (m)

Công thức tính BMI khi H được tính bằng inch và W được tính bằng pound là:

BMI =W/H2 x 703 (lb/in2)

Ngoài ra còn có một loại chỉ số BMI khác là BMI nguyên tố, được tính bằng cách dùng BMI (kg/m²) chia cho 25.

Tính BMI cho trẻ em

Đối với trẻ em và thiếu niên, BMI có chia theo tuổi và giới tính cụ thể và thường được gọi tắt là BMI theo tuổi.

Biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ phần trăm BMI theo tuổi ( từ 2 tuổi tới 20 tuổi)
Biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ phần trăm BMI theo tuổi ( từ 2 tuổi tới 20 tuổi)

Cách tính BMI cho trẻ em cũng giống như người trưởng thành, áp dụng theo công thức tính BMI

BMI = (cân nặng) / (chiều cao x chiều cao).

Dưới đây là 1 ví dụ về cách tính BMI cho một bé trai 8 tuổi, cao 1.3m và nặng 25kg:

BMI của trẻ = 25/1,3*1,3 = 14,8

Để biết bé thuộc tình trạng thì bạn sẽ tra biểu đồ BMI cho bé như sau:

  • Xác định chính xác tuổi của bé trên trục tuổi và kẻ 1 đường kẻ dọc
  • Tại trục chỉ số BMI xác định chỉ số BMI vừa tính được và kẻ 1 đường kẻ ngang
  • 2 cột này cắt nhau ở đâu chính là trình trạng của cơ thể trẻ
BMI có giá trị 14,8 sẽ nằm ở vùng xanh lá (giữa số 1 và số 2) nên trẻ 8 tuổi BMI 14.8 là bình thường, thuộc nhóm bình thường hoặc khỏe mạnh (thuộc khoảng phần trăm từ 5% tới 85%: nghĩa là BMI của trẻ lớn hơn của 5% trẻ nhưng vẫn nhỏ hơn 15% trẻ khác).
BMI có giá trị 14,8 sẽ nằm ở vùng xanh lá (giữa số 1 và số 2) nên trẻ 8 tuổi BMI 14.8 là bình thường, thuộc nhóm bình thường hoặc khỏe mạnh (thuộc khoảng phần trăm từ 5% tới 85%: nghĩa là BMI của trẻ lớn hơn của 5% trẻ nhưng vẫn nhỏ hơn 15% trẻ khác).

Phân loại theo WHO

Phân loại theo người Châu Âu

Theo WHO, người trưởng thành có BMI trong khoảng từ 18,50 – 25,00 cho thấy chỉ số khối của cơ thể bình thường. Thấp hơn 18,50 là bạn là người gầy, từ 25,00 – 30,00 là người béo và trên 30 là béo phì.

Phân loại BMI (kg/m²) BMI nguyên tố
Từ Đến Từ Đến
Thiếu cân 18,5 0,74
Thiếu cân rất nặng 15,0 0,60
Thiếu cân nặng 15,0 16,0 0,60 0,64
Thiếu cân 16,0 18,5 0,64 0,74
Bình thường 18,5 25,0 0,74 1,00
Thừa cân 25,0 1,00 1,20
Tiền béo phì 25,0 30,0 1,00 1,20
Béo phì 30,0 1,20
Béo phì độ I 30,0 35,0 1,20 1,40
Béo phì độ II 35,0 40,0 1,40 1,60
Béo phì độ III 40,0 1,60

 

Phân loại theo người Châu Á

Phân loại BMI (kg/m²)
Thiếu cân < 18,5
Bình thường 18,50 – 22,99
Thừa cân 23,00 – 24,99
Béo phì ≥ 25
Béo phì độ I 25,00 – 29,99
Béo phì độ II 30-34.99
Béo phì độ III 35<

Phân loại cho người trên 20 tuổi

Phân loại BMI (kg/m2)
Người gầy < 18
Người bình thường 18,50 – 25,00
Người béo phì độ I 25 – 30
Người béo phì độ II 30 – 40
Người béo phì độ III > 40

Phân loại cho trẻ em

Thể trạng dinh dưỡng ở trẻ em từ 2-20 tuổi cũng được tính theo phương pháp tương tự như đối với người lớn, nhưng sau đó được so sánh với các giá trị tiêu biểu với trẻ cùng độ tuổi, cùng giới tính. Thay vì có ngưỡng dinh dưỡng cố định cho trẻ, thì chỉ số BMI ở trẻ em được so sánh với tỷ lệ phần trăm với các trẻ cùng giới tính và tuổi tác.

Trẻ gầy chỉ số BMI nằm trong vùng giá trị < bách phân vị thứ 5
Trẻ bình thường chỉ số BMI nằm trong khoảng bách phân vị thứ 5 – 84
Trẻ thừa cân chỉ số BMI nằm trong khoảng bách phân vị 85 – 94
Trẻ béo phì chỉ số BMI nằm trong vùng giá trị lớn hơn bách phân vị 95
Ví dụ: Thu thập số liệu chỉ số BMI của 10.000 trẻ cùng độ tuổi và giới tính. Con bạn có BMI là 22 thuộc bách phân vị thứ 52 bởi vì con bạn có chỉ số BMI cao hơn 52% so với các trẻ cùng độ tuổi hoặc con bạn có chỉ số BMI thấp hơn 48% so với các trẻ còn lại trong mẫu khảo sát.

Ảnh hưởng của BMI đến cơ thể

Khi chỉ số BMI tăng cao

Chỉ số BMI tăng quá cao, chứng tỏ cơ thể bạn đang rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể liên quan đến tình trạng thừa cân hoặc béo phì như:

  • Bệnh về tim mạch tim mạch
  • Các bệnh liên quan đến lượng đường trong máu như đái tháo đường
  • Các bệnh về túi mật
  • Tăng các nguy cơ gây ra một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng, túi mật, tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
  • Các chứng bệnh về xương khớp
  • Vô sinh.

Khi chỉ số BMI quá thấp

Khi bạn đang ở mức chỉ số BMI này tức là cơ thể bạn đang bị thiếu cân. Bạn có thể sẽ gặp phải một số chứng bệnh không muốn như:

  • Dễ mắc các bệnh về xương như: loãng xương, hạ huyết áp,… do cơ thể bị thiếu dưỡng chất và các vitamin cần thiết. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các sức khỏe xương, dẫn đến xương dễ gãy, giòn, không chắc chắn.
  • Người gầy , bị mất khối lượng cơ bắp, làm các cơ trong cơ thể trở nên lỏng lẻo và không săn chắc do bị thiếu đạm.
  • Người gầy rất dễ bị suy giảm hệ miễn dịch và dễ mắc các bệnh thường gặp liên quan đến hệ miễn dịch như hô hấp hay tiêu hóa.
  • Cơ thể thiếu dưỡng chất cũng có thể dẫn đến tóc rụng nhiều và da bị khô.

Các yếu tố nguy cơ tác động đến chỉ số BMI bạn cần lưu ý

Một số yếu tố có thể làm tăng trọng lượng cơ thể

Lượng kalo dư thừa

Cơ thể chúng ta cần bổ sung đủ kalo để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, lượng kalo nạp vào mà không được sử dụng triệt để trong ngày, lâu ngày sẽ tồn đọng lại và trở nên dư thừa. Kalo dư thừa sẽ được lưu trữ trong cơ thể dưới dạng chất béo. Việc bổ sung quá nhiều thực phẩm giàu kalo nhưng không tiêu thụ hợp lý dẫn đến hiện tượng dư thừa kalo gây béo phì.

Tuổi tác cao

Cân nặng của cơ thể người thường sẽ được tăng thêm một ít khi già đi.

Các yếu tố về gen

Trong một số trường hợp bị rối loạn di truyền về gen, có thể dẫn đến béo phì.

Quá trình mang thai

Trong khi mang thai, mẹ bầu thường sẽ tăng cân vì lượng chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể cần thiết cho cả con và cơ thể của mẹ, nên lượng chất dinh dưỡng mẹ bầu nạp vào thường nhiều hơn bình thường trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, sau khi sinh con, người mẹ thường khó có thể giảm cân về cân nặng như trước khi mang thai vì kết cấu da bị giãn ra và thường sau khi sinh, người mẹ sẽ thường dành nhiều thời gian chăm lo cho con nên không có thời gian để giảm cân.

Tuy nhiên, bạn cũng có thể chủ động lên kế hoạch kiểm soát lượng kalo nạp vào cơ thể hàng ngày để luôn giữ chỉ số BMI ở mức bình thường.

Một số yếu tố có thể làm giảm trọng lượng cơ thể

  • Bữa ăn thiếu dưỡng chất và các vitamin cần thiết
  • Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể kém do các bệnh lý đường tiêu hóa hoặc sau khi trải qua một đợt bệnh nặng dẫn đến cảm thấy ăn không ngon miệng, chán ăn.
  • Một số rối loạn tâm thần kinh có thể làm ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người bệnh như trầm cảm, chứng ăn ói, chứng chán ăn tâm thần và các rối loạn ăn uống khác.
  • Đối với trẻ sơ sinh, không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh và cho trẻ cho ăn dặm quá sớm làm hệ miễn dịch của trẻ giảm đi dẫn đến làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng.

Phương pháp để cải thiện BMI đạt mức lý tưởng

Để có được một chỉ số BMI lý tưởng, điều đầu tiên, bạn cần phải kiểm soát cân nặng hợp lý. Để kiểm soát được cân nặng của mình, bạn cần lên kế hoạch luyện tập thể dục thường xuyên để đốt cháy lượng kalo dư thừa, bên cạnh đó, bạn cũng cần kết hợp với một chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.

Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày một cách hợp lý

Bạn nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa hàm lượng đường và chất béo cao. Để lấy lại vóc dáng cân đối, bạn có thể hạn chế lượng kalo và giảm thiểu lượng đường bằng cách tránh tiêu thụ nhiều đồ uống hoặc đồ ăn vặt có đường như nước ngọt có gas hay bánh kẹo ngọt.

Các loại thực phẩm này chứa nhiều đường và rất giàu năng lượng, lại thường được tiêu thụ trong ngày cùng với bữa ăn chính, điều này khiến cho lượng kalo cung cấp cho cơ thể trở nên quá dư thừa.

Bên cạnh đó, bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống hợp lý bằng việc kiểm soát các khẩu phần ăn, tránh ăn quá no, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ và dùng nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin để đa dạng hóa bữa ăn thay vì chỉ ăn một loại thực phẩm. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được việc nạp quá nhiều năng lượng vào cơ thể sau mỗi bữa ăn.

Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày một cách hợp lý là một phương pháp để cải thiện BMI đạt mức lý tưởng
Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày một cách hợp lý là một phương pháp để cải thiện BMI đạt mức lý tưởng

Duy trì tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên

Để có chỉ số BMI lý tưởng, bạn nên duy trì thói quen dành 60 – 90 phút cho các bài tập vận động đốt cháy kalo với cường độ vừa phải mỗi ngày. Không nhất thiết bạn phải dồn các bài tập lại để thực hiện cùng một lúc từ 60-90 phút/ ngày. Bạn có thể chia nhỏ các bài tập thành các bài tập nhỏ từ 20 – 30 phút, chia làm ba lần mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn phải duy trì thói quen vận động này thật đều đặn hàng ngày, hàng tuần trong một thời gian dài, có như vậy mới có thể đạt được hiệu quả giảm cân rõ rệt. Ngoài ra, việc tập thể dục còn tăng cường sức khỏe và cải thiện tâm trạng, giúp giảm căng thẳng mệt mỏi và ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm khác.

Bên cạnh việc kiểm soát cân nặng, để có được một chỉ số BMI lý tưởng bạn cũng có thể cải thiện chiều cao của bản thân nếu như bạn vẫn còn trong độ tuổi đang phát triển về chiều cao. Một số phương pháp giúp bạn cải thiện chiều cao trong độ tuổi phát triển:

  • Uống nhiều sữa. Sữa là thực phẩm chứa nhiều canxi và các khoáng chất quan trọng giúp xương phát triển.
  • Luyện tập các bài tập giãn cơ như tập yoga hay luyện võ có thể sẽ giúp xương bạn kéo giãn một cách tự nhiên
  • Kết hợp tập luyện thể dục như bơi lội, đạp xe hay chạy bộ và chơi các môn thể thao thiên về phát triển chiều cao như bóng rổ, cầu long, bóng chuyền….
  • Có chế độ ngủ hợp lý và cân bằng chế độ dinh dưỡng thích hợp.

Một số nghiên cứu về các ảnh hưởng của việc tăng chỉ số BMI

Ảnh hưởng của việc tăng BMI và béo phì đến kết quả của COVID-19 bệnh nhân người lớn: Một tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp

Effect of increased BMI and obesity on the outcome of COVID-19 adult patients: A systematic review and meta-analysis.
Effect of increased BMI and obesity on the outcome of COVID-19 adult patients: A systematic review and meta-analysis.

Đại dịch virus Corona 2019 (COVID-19) lây lan nhanh chóng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng thừa cân và béo phì mà gần một phần ba dân số thế giới có liên quan đến COVID-19 nghiêm trọng. Nghiên cứu này nhằm khám phá mối liên quan và nguy cơ tăng BMI và béo phì với kết cục kém kết hợp ở bệnh nhân người lớn COVID-19.

Béo phì là một yếu tố nguy cơ của kết quả xấu tổng hợp của COVID-19. Mặt khác, bệnh nhân COVID-19 có kết cục kém kết hợp có chỉ số BMI cao hơn. BMI là một thủ tục thường quy quan trọng luôn phải được đánh giá trong quản lý bệnh nhân COVID-19 và cần đặc biệt chú ý đối với bệnh nhân béo phì.

Nước ép trái cây và sự thay đổi chỉ số BMI: Một phân tích tổng hợp

Fruit juice and change in BMI: a meta-analysis
Fruit juice and change in BMI: a meta-analysis

Việc uống 100% nước ép trái cây có gây tăng cân ở trẻ hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Mục tiêu của phân tích là để xác định mối liên quan giữa tiêu thụ 100% nước ép trái cây và sự thay đổi chỉ số BMI hoặc BMI z ở trẻ em. Kết luận sau khi đánh giá phần tích rằng: Tiêu thụ 100% nước trái cây có liên quan đến việc tăng cân một chút ở trẻ từ 1 đến 6 tuổi, không có ý nghĩa về mặt lâm sàng và không liên quan đến tăng cân ở trẻ từ 7 đến 18 tuổi. Cần có nhiều nghiên cứu hơn ở trẻ em từ 1 đến 6 tuổi.

Tài liệu tham khảo

  1. Soeroto, A. Y., Soetedjo, N. N., Purwiga, A., Santoso, P., Kulsum, I. D., Suryadinata, H., & Ferdian, F. (2020). Effect of increased BMI and obesity on the outcome of COVID-19 adult patients: A systematic review and meta-analysis. Diabetes & Metabolic Syndrome: Clinical Research & Reviews, 14(6), 1897-1904.
  2. Auerbach, B. J., Wolf, F. M., Hikida, A., Vallila-Buchman, P., Littman, A., Thompson, D., … & Krieger, J. (2017). Fruit juice and change in BMI: a meta-analysis. Pediatrics, 139(4).
  3. Centers for Disease Control and Prevention, BMI Calculator Child and Teen, Truy cập ngày 10/5/2022.
  4. Diabetes Canada, Body Mass Index Calculator, Truy cập ngày 10/5/2022.
  5. HealthyChildren.org, Body-Mass Index (BMI) in Children.Truy cập ngày 10/5/2022.
  6. National Health Service UK, What is the Body Mass Index (BMI)?Truy cập ngày 10/5/2022.
  7. National Heart Lung, and Blood Institute. Assessing Your Weight and Health Risk, Truy cập ngày 10/5/2022.
  8. National Health Service UK, Underweight Adults. Truy cập ngày 10/5/2022.
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here