Bệnh gai đen ở mặt: Cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân, điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Bệnh gai đen ở mặt

FACIAL ACANTHOSIS NIGRICANS (BỆNH GAI ĐEN Ở MẶT) – Tác giả: Bs. Trương Tấn Minh Vũ

ĐỊNH NGHĨA

– Bệnh gai đen (acanthosis nigricans, AN) là một rối loạn da có thể là biểu hiện của một bệnh toàn thân có liên quan đến tình trạng kháng insulin, đái tháo đường, béo phì, bệnh ác tính bên trong, rối loạn nội tiết hoặc phản ứng thuốc. Bệnh gai đen được đặc trưng bởi các mảng da tăng sắc tố, dày mượt như nhung ở các vùng kẽ, nếp gấp và ít phổ biến hơn ở các vùng duỗi, mặt.

– Bệnh gai đen ở mặt (facial acanthosis nigricans, FAN) là một trong những nguyên nhân gây tăng sắc tố trên mặt liên quan đến rối loạn chuyển hóa. Bệnh gai đen ở mặt được định nghĩa là dát tăng sắc tố có màu nâu đến đen, bờ không rõ và có thay đổi kết cấu với mức độ khác nhau với bề mặt sần sùi nhẹ đến biểu hiện dày mượt rõ. Vị trí thường gặp nhất trên mặt là vùng trán và thái dương, tiếp theo là vùng gò má, quanh hốc mắt, quanh miệng, và lan rộng. Màu phổ biến được ghi nhận là màu nâu sẫm, tiếp theo là màu đen và nâu nhạt. Bên cạnh vị trí và màu sắc, mức độ sắc tố, độ dày mượt và độ bóng của da được phát hiện tăng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh.

NGUYÊN NHÂN

– Bệnh gai đen (AN) là một biểu hiện da phổ biến của bệnh toàn thân có liên quan đến tình trạng kháng insulin, đái tháo đường, béo phì, bệnh ác tính bên trong, rối loạn nội tiết và phản ứng thuốc.

– Khi bệnh gai đen có liên quan đến bệnh ác tính bên trong, các thay đổi ở da phát triển nhanh và thường đi kèm với tổn thương niêm mạc, dày sừng tiết bã, acrochordons. Bệnh gai đen liên quan đến rối loạn nội tiết phát triển từ từ hơn và bao phủ một vùng cơ thể nhỏ hơn, bệnh nhân thường béo phì và có thể có tiền sử hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc hội chứng buồng trứng đa nang.

CƠ CHẾ BỆNH SINH

– Mức độ nghiêm trọng của bệnh gai đen tỷ lệ thuận với nồng độ insulin lúc đói. Bệnh gai đen có khả năng là kết quả của việc insulin nồng độ cao liên kết với các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1) trên tế bào sừng và nguyên bào sợi, dẫn đến sự gia tăng của cả hai loại tế bào. Ngoài ra, nồng độ insulin cao làm tăng lượng IGF-1 lưu thông tự do, dẫn đến sự phát triển và biệt hóa tế bào sừng.

– Các mảng da rối loạn trong bệnh gai đen xuất hiện khi các tế bào biểu bì da bắt đầu sinh sản nhanh chóng do được kích hoạt bởi nồng độ insulin cao trong máu. Đối với những người có làn da có nhiều hắc tố hơn, những tế bào mới này có nhiều hắc tố hơn. Sự gia tăng hắc tố này tạo ra một mảng da sẫm màu hơn vùng da xung quanh.

– Trong một số ít trường hợp, sự gia tăng tế bào da có thể do thuốc, ung thư hoặc các tình trạng sức khoẻ khác gây ra.

– Một số loại thuốc có thể kích hoạt bệnh gai đen như: tiêm insulin bổ sung, axit nicotinic, thuốc tránh thai, dietylstilbestrol, hormone GH người, glucocorticoid toàn thân, thuốc tuyến giáp, một số thực phẩm bổ sung thể hình, chất ức chế protease, nội tiết tố… các loại thuốc này có thể gây ra những thay đổi về mức độ insulin, tình trạng sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.

– Nhiều người thấy làn da của họ sạch tổn thương khi được điều trị tình trạng gây ra bệnh gai đen. Nếu bị tiền tiểu đường, việc kiểm soát bệnh này thường giúp làm mờ các mảng sẫm màu trên da. Nếu xét nghiệm phát hiện tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận có vấn đề, việc điều trị tình trạng đó có thể làm sạch tổn thương trên da.

DẤU HIỆU LÂM SÀNG

– Bệnh gai đen có biểu hiện lâm sàng là các mảng da sẫm màu, có màu từ nâu đến đen, dày mượt như nhung ở vùng cổ, nách, bẹn và các vùng co giãn của cơ thể, một số trường hợp biểu hiện ở mặt.

– Biểu hiện bệnh gai đen thường gặp trên khuôn mặt là trán dày mượt như nhung, sẫm màu vùng thái dương và vùng má, sẫm màu quanh hốc mắt, sẫm màu ở quanh miệng, và sẫm màu lan rộng.

– Mức độ sắc tố, độ dày mượt và độ bóng của da được phát hiện tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh.

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

– Chẩn đoán phân biệt bệnh gai đen ở mặt gồm tăng sắc tố do chà sát, viêm da tiếp xúc tăng sắc tố, nám, lichen phẳng tăng sắc tố… Chẩn đoán bệnh gai đen ở mặt cần thiết do có liên quan đến rối loạn chuyển hóa, kháng insulin (insulin resistance, IR) và béo phì…

XÉT NGHIỆM VÀ SINH THIẾT

XÉT NGHIỆM

– Bao gồm xét nghiệm đường huyết hoặc xét nghiệm insulin lúc đói. Hiện tại, các xét nghiệm sinh hóa phổ biến được sử dụng để đánh giá chuyển hóa glucose là đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn 2 giờ chỉ giúp phát hiện bệnh đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường (rối loạn dung nạp glucose). Điều này có khả năng gây hiểu lầm vì các xét nghiệm không phát hiện cụ thể tình trạng kháng insulin (insulin resistance, IR), mà chỉ có thể được phát hiện bằng nồng độ insulin lúc đói trong huyết thanh và HOMA2-IR.

– Một bệnh nhân bệnh gai đen nên được kiểm tra toàn diện về các bệnh toàn thân tiềm ẩn như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch và xem xét các loại thuốc đang sử dụng để xem chúng có phải là yếu tố góp phần hay không.

SOI DA

– Kết quả soi da của bệnh gai đen ở mặt thường cho thấy lớp biểu bì dạng tuyến tính và rãnh biểu bì với các chấm và khối cầu tăng sắc tố màu đen hoặc nâu sẫm rải rác.

– Trong các tổn thương mãn tính với da dày lên, các cấu trúc nhú bì lồi ra ngoài được nhìn thấy.

SINH THIẾT

– Sinh thiết da cho thấy tăng sinh tế bào sừng và tăng melanin ở lớp đáy phù hợp với các mức độ khác nhau của tăng sinh biểu mô và sự nhô lên của nhú bì.

– Mối tương quan lâm sàng – soi da – mô học cho thấy các biến thể nhẹ hơn (nâu nhạt) của bệnh gai đen ở mặt có nút nang lông và kiểu hình rãnh nông với các hạt màu nâu không đều và sắc tố quanh nang lông trên soi da và tăng sừng hóa nhẹ và tăng hắc tố của lớp đáy với tăng sinh biểu mô và sự nhô lên tối thiểu của nhú bì trên mô bệnh học.

– Các biến thể mãn tính (màu nâu sẫm và đen) cho thấy các rãnh nổi bật, các hạt màu nâu lớn hơn và tăng sắc tố quanh nang lông trên soi da, tăng sừng mức độ trung bình và tăng melanin của lớp đáy với tăng sinh biểu mô và sự nhô lên của nhú bì mức độ từ trung bình đến nặng trên mô bệnh học.

ĐIỀU TRỊ

– Điều trị bệnh gai đen là đa yếu tố vì các dấu hiệu trên da thường đi kèm với bệnh lý có từ trước như hội chứng kháng insulin đặc trưng bởi béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và đái tháo đường týp II. Nếu bệnh gai đen tiến triển nhanh nghi ngờ có liên quan đến bệnh ác tính, các chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang, CT, MRI có thể cung cấp thông tin có giá trị.

– Mô hình điều trị hiện tại đối với bệnh gai đen bao gồm giải quyết các bệnh hoặc thuốc tiềm ẩn gây ra cũng như tình trạng rối loạn ở da. Mục tiêu là điều trị nguyên nhân chính, nhưng việc giải quyết các tổn thương bệnh gai đen về mặt thẩm mỹ cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân và chất lượng cuộc sống của họ.

Điều trị tình trạng cơ bản gây ra bệnh

– Giảm cân và tập thể dục để tăng độ nhạy insulin ở bệnh gai đen do kháng insulin, và điều chỉnh chứng tăng insulin máu có thể cải thiện các tổn thương rối loạn da trong bệnh gai đen.

– Ngừng tác nhân thuốc gây bệnh để giải quyết bệnh gai đen.

– Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị chính trong bệnh gai đen liên quan đến bệnh ác tính.

Điều trị vấn đề thẩm mỹ của bệnh gai đen: mục tiêu làm sáng màu và giảm độ dày của rối loạn da

a/ Tại chỗ

Retinoid bôi tại chỗ được coi là một trong những lựa chọn điều trị đầu tay cho bệnh gai đen kháng insulin bằng cách điều chỉnh tốc độ sừng hóa.

– Axit salicylic, podophyllin, urê và calcipotriol bôi tại chỗ cũng được sử dụng thường xuyên.

– Calcipotriene được cho là có tác dụng ức chế sự tăng sinh tế bào sừng và thúc đẩy sự biệt hóa bằng cách tăng nồng độ canxi nội bào và GMP tuần hoàn của tế bào sừng, bằng cách giảm số lượng tế bào sừng, nó có thể giảm thiểu tác dụng trên da của insulin.

b/ Đường uống

– Retinoids đường uống như isotretinoinacitretin cũng có thể là những lựa chọn điều trị hiệu quả cho bệnh gai đen. Tuy nhiên, để cải thiện cần liều lượng lớn và các liệu trình kéo dài, với các đợt tái phát. Cơ chế tác dụng được đề xuất cho các loại thuốc này là bình thường hóa sự phát triển và biệt hóa biểu mô.

Metformin đường uống cho thấy có hiệu quả. Metformin làm tăng khả năng đáp ứng insulin ngoại vi, dẫn đến giảm sản xuất glucose, tăng insulin máu, trọng lượng cơ thể và khối lượng chất béo, cũng như tăng độ nhạy insulin ở bệnh nhân kháng insulin và bệnh gai đen. Một thử nghiệm lâm sàng ở Ấn Độ điều trị cho 40 bệnh nhân có bệnh gai đen và kháng insulin với 500 mg metformin 3 lần/ ngày trong 3 tháng. So với 20 bệnh nhân đối chứng được cho dùng giả dược, những bệnh nhân được điều trị bằng metformin cho thấy sự cải thiện đáng kể về mặt thống kê và lâm sàng đối với tổn thương gai đen ở cổ và nách, nhưng không cải thiện tổn thương gai đen ở khớp ngón tay, ngón tay hoặc khuỷu tay.

– Sự kết hợp của metformin với thiazolidiones, thuốc làm tăng độ nhạy insulin ở cơ ngoại vi, cũng được báo cáo là có kết quả tốt ở bệnh nhân AN.

– Sự kết hợp metformin và thuốc tránh thai cũng được dùng điều trị bệnh nhân tăng androgen máu, kháng insulin và hội chứng AN (HAIR-AN syndrome).

c/ Lột da bằng hóa chất là một lựa chọn điều trị bệnh gai đen tương đối an toàn và hiệu quả. Axit trichloroacetic (TCA) thường được dùng như là một chất gây ra sự phá hủy lớp biểu bì để sửa chữa, gây ra sự tái tạo biểu mô với làn da mịn màng hơn.

d/ Laser: các bước sóng laser nhắm mục tiêu cải thiện sắc tố và tái cấu trúc da cũng được dùng hiệu quả trong điều trị bệnh gai đen như laser 755nm, 1064nm, 1540nm, 10600nm…

Một số hình ảnh bệnh gai đen ở mặt

Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt
Bệnh gai đen ở mặt

2 thoughts on “Bệnh gai đen ở mặt: Cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân, điều trị

    • Trương Tấn Minh Vũ says:

      anh đang dùng fractional pico 1064nm kết hợp 1540nm thì thấy cải thiện khá ổn, mấy ca tới anh đã bôi đủ loại trước đó mà ko đáp ứng, em phối hợp thêm laser khác hay needle RF thử xem

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here