nhathuocngocanh.com – Theo nghiên cứu, hiện nay tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi 30 đến 50 mắc bệnh u xơ tử cung khá phổ biến. Trong bài viết này, hãy cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này để có những biện pháp điều trị và phòng bệnh hiệu quả.
Bệnh u xơ tử cung là gì?
Bệnh u xơ tử cung hay còn gọi là nhân xơ tử cung, là các khối u lành tính phổ biến, thường xuất hiện ở trên hoặc trong thành cơ tử cung. Khối u xơ được hình thành khi một tế bào cơ trơn phân chia nhiều lần và phát triển thành một khối vững chắc, đàn hồi, tách khỏi phần còn lại của thành tử cung. Chúng có thể phát triển thành một khối hoặc nhiều khối với các kích cỡ từ 1mm đến 20mm.
Có thể chia ra 4 loại u xơ như sau:
- U xơ dưới thanh mạc: Phát triển từ tử cung và hướng ra phía ngoài.
- U xơ trong vách: Phát triển từ trong thành tử cung và có thể làm cho tử cung to lên.
- U xơ dưới niêm mạc: Phát triển trong nội mạc tử cung và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, do đó dẫn đến vô sinh hoặc sảy thai.
- U xơ có cuống: Loại u này tách ra khỏi tử cung nhưng vẫn còn dính bởi 1 cuống nhỏ.
Triệu chứng của bệnh u xơ tử cung
Biểu hiện của bệnh u xơ tử cung không rõ ràng hoặc thậm chí không có đối với các khối u nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian, khối u có thể phát triển và đạt kích thước đủ lớn và gây ra một số triệu chứng điển hình sau:
- Chảy máu âm đạo: Biểu hiện bằng việc số lượng máu và ngày hành kinh tăng lên. Trong trường hợp nặng, tình trạng ra máu có thể kéo dài lên đến 2 tuần khiến mất máu, suy nhược cơ thể.
- Đau bụng vùng dưới và lưng: Đặc điểm của bệnh u xơ tử cung là việc đau nhức âm ỉ, đau vùng bụng dưới và lan ra sau lưng do khối u xơ chèn ép dây thần kinh và mạch máu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Bụng dưới có biểu hiện bất thường: Trong u xơ tử cung người bệnh sẽ cảm thấy nặng nề và căng tức vùng bụng dưới.
- Táo bón: Khối u kích thước lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận trong đó có trực tràng gây táo bón.
- Đi tiểu nhiều lần và bí tiểu: Tử cung nằm gần bàng quang nên khi xuất hiện khối u sẽ có ảnh hưởng lên đường tiết niệu khiến người bệnh đi tiểu nhiều và kèm theo đó là cảm giác bí tiểu.
- Chậm có thai, sảy thai: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng u xơ tử cung là một trong những nguyên nhân khiến chậm có thai hoặc thậm chí sảy thai.
Nguyên nhân gây ra bệnh u xơ tử cung
Nguyên nhân gây u xơ tử cung hiện nay vẫn chưa được công bố chính xác. Tuy nhiên qua rất nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ cường estrogen bị u xơ cao hơn nhưng cũng không thể khẳng định đây là nguyên nhân chính. Một số yếu tố sau có thể là nguyên nhân gây bệnh:
-
Sử dụng estrogen liều cao kéo dài: Sử dụng estrogen liều cao, kéo dài làm tăng kích thước u xơ. Khi có thai, lượng estrogen tăng cao làm cho khối u cũng phát triển nhanh và to hơn. Những người cường estrogen nếu kết hợp với tiểu đường và u xơ tuyến vú cũng có nguy cơ rất cao bị u xơ tử cung.
- Yếu tố di truyền: Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu trong gia đình có người thân từng mắc u xơ tử cung thì người đó cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Béo phì: Béo phì cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây u xơ tử cung. Phụ nữ ở độ tuổi trung niên bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường
- Quan hệ tình dục sớm và thường xuyên sau khi phá thai hoặc sinh đẻ: Sau khi phá thai hoặc sinh đẻ, nếu quan hệ tình dục sớm và thường xuyên thì cũng rất dễ mắc u xơ tử cung. Lý do là sau khi phá thai và sinh đẻ thì cổ tử cung chưa lành hẳn, việc quan hệ sớm và liên tục thì khiến cho chị em bị tổn thương ở cổ tử cung. Những tổn thương đó có thể là nguyên nhân gây u xơ tử cung.
- Do viêm nhiễm phụ khoa: Viêm nhiễm phụ khoa trong thời gian dài mà không được điều trị có thể khiến cho niêm mạc tử cung bị tổn thương và tăng sinh quá mức dẫn đến các khối u xơ tử cung hình thành bên ngoài tử cung.
- Stress kéo dài: Stress kéo dài khiến cho nội tiết tố estrogen bị rối loạn gây nên sự phát triển xấu của các khối u xơ ở tử cung.
- Độ tuổi: Đây là căn bệnh mà theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh ở các lứa tuổi khác nhau là khác nhau. Ở Việt Nam, đa số bệnh là những người trong độ tuổi 40-50. Bệnh cũng gặp ở người trẻ từ 18-20 tuổi nhưng số lượng không nhiều.
Bệnh u xơ tử cung có nguy hiểm không?
Tuy đây là căn bệnh lành tính nhưng có gây hại đến tình trạng sức khỏe đặc biệt là vấn đề mang thai ở phụ nữ. Nếu người bệnh mắc này mà không điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm sau:
- Mất máu: Do tình trạng rong kinh kéo dài, từ đó có thể gây suy nhược cơ thể và thậm chí ngất xỉu.
- Ảnh hưởng các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể: Khối u xơ tử cung phát triển có thể gây chèn ép các cơ quan như trực tràng, bàng quang, niệu đạo hoặc chèn ép các mao mạch khiến máu không thể lưu thông đi tới nuôi dưỡng các cơ quan gây hoại tử.
- Vỡ u xơ: Khối u nếu kích thước quá lớn khi bị áp lực bụng đè xuống có thể gây vỡ dẫn đến hàng loạt tình trạng nguy hiểm như: nhiễm trùng, xuất huyết hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
- Hình thành polyp (bướu thịt).
- Nguy hiểm đến khả năng sinh sản: U xơ có thể gây biến dạng hoặc ảnh hưởng đến chức năng của tử cung gây nên nhiệt tượng chậm thai hoặc sảy thai. Trong quá trình chuyển dạ, vị trí khối u cũng ảnh hưởng gây khó khăn trong việc sinh đẻ. Ngoài ra sau sinh, khối u có thể phát triển dẫn đến nhiễm trùng hậu sản.
Tuy u xơ là khối u lành tính, nhưng nó có thể gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày và trong trường hợp xấu có thể gây nguy hiểm tính mạng. Chính vì thế bạn không nên chủ quan, hãy tới gặp bác sĩ nếu xuất hiện các tình trạng sau:
- Đau vùng hố chậu, đau kéo dài, không giảm.
- Rong kinh kéo dài.
- Rỉ máu hoặc chảy máu ngoài chu kỳ kinh.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Tử cung và bụng lớn bất thường, cảm giác trướng.
- Tiểu bí, tiểu buốt.
Điều trị bệnh u xơ tử cung
Tùy theo tình trạng phát triển của u xơ mỗi người và mong muốn, nguyện vọng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị tại nhà bằng phương pháp tự nhiên
Một số biện pháp điều trị tại nhà và phương pháp tự nhiên có thể đem lại tác dụng tích cực với trường hợp bệnh nhẹ như: châm cứu, tập yoga, xoa bóp, dùng các bài thuốc từ thảo dược, chườm nóng khi bị đau bụng kinh.
Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống cũng đem lại kết quả khả quan, bằng cách hạn chế sử dụng các loại thịt và thực phẩm giàu năng lượng, tăng khẩu phần ăn cá ngừ, cá hồi và thực phẩm có nhiều Flavonoid như rau xanh, trà xanh… Người bệnh cũng cần hạn chế stress và giảm cân nếu bị thừa cân hay béo phì.
Điều trị bằng thuốc
Các bác sĩ có thể sẽ kê toa cho bệnh nhân dùng thuốc nhằm điều chỉnh nồng độ hormone cơ thể, làm giảm tình trạng u xơ tử cung. Hormone giải phóng GnRH sẽ giúp nồng độ Estrogen và Progesteron giảm xuống, khiến u xơ tử cung và tình trạng băng huyết giảm.
Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng thuốc hoặc phương pháp khác kiểm soát tình trạng chảy máu kinh quá nhiều và đau dữ dội do bệnh gây ra như:
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen.
- Đặt dụng cụ tránh thai vào tử cung để giải phóng hormone Progesterone.
- Dùng thuốc tránh thai.
Điều trị bằng phẫu thuật
Nếu có khối u quá lớn hoặc có đồng thời nhiều khối u đang tăng trưởng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u xơ. Có 2 hình thức phẫu thuật:
- Phẫu thuật mở: Bác sĩ rạch một đường trên bụng để có thể tiếp cận với tử cung và loại bỏ các u xơ
- Phẫu thuật nội soi: Dụng cụ phẫu thuật được đưa qua vết mổ nhỏ trên bụng và tiến hành loại bỏ khối u.
Sau phẫu thuật, u xơ tử cung có thể tiếp tục phát triển trở lại. Nếu tình trạng bệnh xấu đi hoặc không còn phương pháp điều trị nào phù hợp, bác sĩ có thể chỉ định u xơ tử cung. Lúc này, người bệnh không thể mang thai và sinh con nữa.
Cách phòng ngừa bệnh u xơ tử cung
Đây tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng các triệu chứng của nó làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. Bạn có thể tham khảo những cách phòng bệnh đơn giản mà hiệu quả sau đây
- Tập thể dục thường xuyên: Phụ nữ tập thể dục thường xuyên sẽ giảm được nguy cơ mắc u xơ tử cung tới 30% – 40%.Việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên không chỉ phòng tránh được bệnh, tập thể dục thể thao còn có tác dụng rất tốt với sức khỏe và ngăn ngừa được nhiều bệnh tật nguy hiểm khác.
- Kiểm soát cân nặng: Các nghiên cứu cho thấy, thừa cân và béo phì là các yếu tố nguy cơ gây bệnh u xơ tử cung (gấp 2 – 3 lần người bình thường). Nguyên nhân có thể là vì nồng độ Estrogen ở phụ nữ béo phì cao hơn và dễ bị rối loạn nội tiết hơn. Do đó hãy cố gắng kiểm soát cân nặng ở ngưỡng cho phép để tránh bệnh tật cũng như có thêm tự tin về vóc dáng của bản thân.
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Tránh ăn nhiều thịt đỏ, xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung. Ngoài ra, vitamin D có thể giúp hạn chế phát triển u xơ lên tới 30% và còn giúp thu nhỏ kích thước khối u. Do đó nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, cá ngừ, cá thu.
- Chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tránh tối đa các nguy cơ có thể gây viêm nhiễm phụ khoa.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ: bệnh không có dấu hiệu khởi phát rầm rộ nên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Trên đây là bài viết về căn bệnh phụ khoa u xơ tử cung dễ mắc phải ở phái nữ. Mong rằng qua bài viết các bạn đã có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Xem thêm:
- Ung thư vú: Dấu hiệu cảnh báo, phương pháp điều trị
- Ung thư vòm họng: Nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị
Tài liệu tham khảo
Fibroids, NHS.UK, đăng ngày 17/9/2018. Truy cập ngày 27/11/2021.