Thuốc mỡ Benzosali: Công thức bào chế, các bước tiến hành

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển nên những vấn đề bệnh tật cũng từ đó mà phức tạp hơn. Một trong những bệnh đang được quan tâm hiện nay là viêm da tiết bã, nấm da, lang ben, nấm đầu, vẩy nến, nấm chân tay, chai chân tay…Thuốc mỡ Benzosali do công ty TRAPHACO sản xuất và phân phối rất nổi tiếng trong việc điều trị những bệnh về da nói trên. Bài viết dưới đây, Nhà thuốc Ngọc An sẽ mô tả chi tiết về việc tạo ra thuốc mỡ Benzosali, những tiêu chuẩn cần đạt được trước khi đưa vào sử dụng trên bệnh nhân.

Công thức bào chế thuốc mỡ Benzosali

Thành phần để bào chế thuốc mỡ Benzosali gồm dược chất và tá dược, tá dược để tạo nên dạng thuốc mỡ được sử dụng trong công thức này là tá dược nhũ hóa.

Công thức:

Dược chất:

Acid benzoic ……………………….. 6,0g

Acid salicylic ……………………….. 3.0g

Tá dược:  Tá dược nhũ hóa vừa đủ 100,0g

(Tá dược nhũ hóa gồm: sáp nhũ hóa ………….. 30,0g

Vaselin ………………… 35,0g

Dầu parafin ……………. 35,0g

Sáp nhũ hóa gồm: Ancol cetostearylic ………….. 27,0g

Natri laurylsulfat …………….. 3,0g

Nước tinh khiết ………………. 1,2g)

Đặc điểm lý hóa, vai trò các thành phần

Acid benzoic

Là một hợp chất hữu cơ có vòng thơm gắn với nhóm carboxyl (-COOH).

Tồn tại ở dạng tinh thể rắn, không màu, không mùi, vị đắng nhẹ.

Ít tan trong nước, có thể tan được trong nước nóng với độ tan là 3,4g/l, tan trong cồn với tỷ lệ 1:3, tan được trong diethyl ether, tan vô hạn trong este.

Acid benzoic có tính acid do nhóm carboxyl tạo ra nên phản ứng được với kim loại, oxid base, base.

Công dụng của acid benzoic là kháng nấm, kháng khuẩn, có thể dưỡng ẩm. Khi sử dụng cần lưu ý acid benzoic có thể tác động lên cả hô hấp, thần kinh, kích ứng mắt, một số nghiên cứu chỉ ra rằng chất này có thể gây tăng động ở trẻ em, khi kết hợp với vitamin C có thể gây ung thư.

Acid salicylic

Là một acid phenolic với cấu trúc là vòng thơm gắn 1 nhóm carboxyl (-COOH) và 1 nhóm hydroxyl (-OH) tại vị trí ortho.

Là acid béo nên kém tan trong nước, tan trong cồn với tỷ lệ 1:4, tan được trong các dung môi hữu cơ.

Acid salicylic có tính chất của một acid hữu cơ tương tự như acid benzoic và có thêm tính chất của nhóm hydroxyl nên tác dụng acid của nó mạnh hơn acid benzoic nhiều.

Acid salicylic có tác dụng làm mềm da, có tính acid mạnh, giảm pH nên có thể làm tróc lớp sừng trên da, làm tăng khả năng thấm của các thuốc dùng kèm. Vì thế, kết hợp acid benzoic và acid salicylic làm tăng tác dụng của acid benzoic tăng phổ diệt nấm, giảm đối kháng.

Acid salicylic cũng có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm nên tạo hiệp đồng tác dụng với các thuốc nhóm này.

Thuốc chỉ dùng ngoài, không dùng trên mắt, niêm mạc, vết thương hở, tránh sử dụng trong thời gian dài với loại có hàm lượng cao. Tối đa được bôi ngoài ra với thuốc mỡ có chứa 60% acid salicylic.

Natri laurylsulfat

ngoccanhblognta 49
Bột Natri laurylsulfat

Là một chất hoạt động bề mặt, mang điện tích âm, làm giảm sức căng bề mặt, tăng phân tán.

Là chất diện hoạt thân nước, giúp tăng thấm thuốc qua da, đánh tan lớp nhầy trên da, giúp lưu giữ dược chất lâu hơn.

Cần lưu ý Natri lauryl sulfat là một chất tương đối độc khi bị lạm dụng, có thể gây kích ứng da, rụng tóc, lở loét răng miệng…

Ancol cetostearylic

Còn gọi là sáp Lanet 0 là ancol béo được kết hợp bởi >40% ancol stearic và ancol cetylic tổng hàm lượng hai ancol này không dưới 90%.

Công dụng của ancol cetostearylic là chất nhũ hóa tăng tính thấm của dược chất, điều chỉnh thể chất dạng thuốc, có thể phối hợp với vaselin để hút nước của tá dược khác.

Nước

Nước được dùng phải là nước tinh khiết, trong công thức này, nước có vai trò như một chất gây phân tán đều Natri laurylsulfat vào ancol cetostearylic do dùng với lượng nhỏ nên sau đó sẽ bay hơi hết ngay.

Vaseline

Là hidrocacbon có thể chất mềm, độ nhớt thay đổi theo nhiệt độ, có nhiệt độ nóng chảy là 38-56°C. Vaseline rất bền vững nên không bị vi khuẩn và nấm mốc tấn công.

Gồm hai loại là vaseline trắng và vaseline vàng, trong đó vaseline vàng trung tính hơn.

Vaseline là tá dược cho thuốc mỡ nhờ có vai trò nhũ hóa. Vì nó có chỉ số phân bố dầu nước thấp nên khó phối hợp với các dung dịch nước hoặc dược chất lỏng lớn hơn 5%.

Để tăng khả năng nhũ hóa của vaseline thường dùng phối hợp với lanolin, sáp ong, alcol cetostearylic…

Dầu parafin

Có cấu tạo từ hỗn hợp các hidrocacbon no ở thể lỏng, không tan trong nước, không tan trong cồn, tan trong ether và chloroform.

Thường dùng kết hợp với một số tá dược khan nhằm điều chỉnh thể chất thuốc mỡ hoặc dễ nghiền mịn các hợp chất rắn trước khi phối hợp với tá dược trong phương pháp trộn đều đơn giản.

Cấu trúc hóa lý thuốc mỡ benzosali

Thuốc mỡ benzosali có cấu trúc kiểu hỗn dịch với dược chất là acid benzoic và acid salicylic không tan trong môi trường phân tán, chất gây phân tán là natri lauryl sulfat, chất gây thấm là ancol cetostearylic, tá dược khan gồm vaseline kết hợp ancol cetostearylic, môi trường phân tán là tá dược thân dầu gồm dầu parafin và vaseline.

Phương pháp bào chế thuốc mỡ benzosali

Thuốc mỡ benzosali sử dụng phương pháp trộn đều đơn giản  tạo hỗn dịch do dược chất là chất rắn không tan hoặc ít tan trong tá dược, dược chất sẽ tương kỵ với nhau nếu ở dạng dung dịch ( acid và alcol tạo phản ứng este)

Đặc điểm của tá dược nhũ hóa

ngoccanhblognta 2
Bào chế tá dược nhũ hóa

Cũng như các tá dược khan, tá dược hút, tá dược hấp phụ, tá dược nhũ hóa có khả năng hút nước, dung dịch nước hoặc các chất lỏng phân cực tạo nhũ tương kiểu nước trong dầu.

Ưu điểm của nhóm này là giải phóng dược chất nhanh hơn so với tá dược thân dầu, khá bền vững, có thể thấm sâu, phối hợp được với dược chất kỵ nước hoặc dung dịch dược chất.

Tuy nhiên, nhóm này thường có nhược điểm là có thể gây cản trở hoạt động sinh lý bình thường của da, trơn nhờn, khó rửa sạch

Sự khác biệt giữa tá dược nhũ hóa và tá dược nhũ tương

Tá dược nhũ hóa Tá dược nhũ tương
  • Thành phần chỉ có pha dầu và chất nhũ hóa thân dầu.
  • Có khả năng hút nước và chất lỏng phân cực để tạo nhũ tương nước trong dầu.
  • Có đầy đủ pha dầu, pha nước và chất nhũ hóa.
  • Có thể tạo nhũ tương kiểu dầu trong nước hoặc nước trong dầu.

 

Kỹ thuật bào chế

Trong quy trình bào chế thuốc mỡ Benzosali, có thể chia thành ba giai đoạn chính là tạo sáp nhũ hóa, tạo tá dược nhũ hóa, bào chế thuốc mỡ. Dưới đây là mô tả chi tiết toàn bộ quy trình.

Bào chế sáp nhũ hóa

Cho lượng ancol cetostearylic vào cốc có mỏ, đun chảy ở nhiệt độ 95-100°C, khi ancol béo đã chảy lỏng hoàn toàn thì thêm Natri lauryl sulfat vào khuấy đều, tăng nhiệt độ lên 115°C thì cho nước vào khuấy mạnh đến khi không còn sủi bọt, lượng nước thêm vào rất nhỏ chỉ để tăng phân tán đều hai thành phần trên. Sau khi nước đã bay hơi hết thì đưa ra làm lạnh nhanh trong nước đá sẽ tạo dạng sáp, tương đối ổn định, dễ bảo quản.

ngoccanhblognta 63
Bào chế sáp nhũ hóa

Bào chế tá dược nhũ hóa

Sáp nhũ hóa đã chế ở trên đem đun chảy hoàn toàn rồi cho Vaseline và dầu Parafin vào trộn đều để nguội tạo tá dược nhũ hóa.

Bào chế thuốc mỡ

ngoccanhblognta 3
Quy trình bào chế thuốc mỡ benzosali

Thuốc mỡ được bào chế theo kiểu tạo hỗn dịch nên sẽ có các bước điển hình như nghiền đơn, trộn bột kép khô, nghiền ướt, pha loãng. Đầu tiên, nghiền mịn từng thành phần dược chất là acid benzoic và acid salicylic rồi trộn bột kép cho đồng nhất, sau đó cho đồng lượng tá dược nhũ hóa vào nghiền trộn tạo hỗn dịch thuốc mỡ đặc bước này cũng gọi là nghiền ướt trong quy trình tạo hỗn dịch, cuối cùng là phối hợp với lượng tá dược nhũ hóa còn lại theo nguyên tắc đồng lượng đến hết. Trộn đều đồng nhất thuốc mỡ rồi đóng tuýp, kiểm tra bán thành phẩm, dán nhãn kiểm tra thành phẩm.

Tiêu chuẩn chất lượng

Đặc điểm thành phẩm về cảm quan là thuốc có thể chất mềm, màu trắng đục, đồng nhất.

Định tính bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng chạy song song chất chuẩn và chất đối chiếu trong pha động gồm toluen và acid acetic băng tỷ lệ 8:2, bản mỏng silicagel GF254. Có thể phát hiện vết bằng phun thuốc thử tạo màu FeCl3 5% hoặc soi UV. Yêu cầu vết của mẫu thử và mẫu chuẩn phải tương tự nhau về màu sắc, vị trí, độ đậm, chỉ số Rf.

Định lượng acid benzoic bằng phương pháp chuẩn độ với NaOH 0,1N, định lượng acid salicylic bằng phương pháp đo quang song song mẫu thử và mẫu chuẩn.

Cách tiến hành chi tiết bạn có thể tham khảo trong dược điển Việt Nam V.

Tài liệu tham khảo

Dược điển Việt Nam V

Xem thêm: Phương pháp bào chế thuốc mỡ Methyl salicylat 

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here