Thuốc mỡ là gì? Các phương pháp bào chế, Lựa chọn tá dược

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Quy trình bào chế thuốc mỡ

Bài viết sau đây, nhà thuốc Ngọc Anh xin chia sẻ về thuốc mỡ là gì và các phương pháp bào chế, lựa chọn tá dược.

Thuốc mỡ là gì?

Thuốc mỡ là chế phẩm thuốc có thể chất mềm, có chứa một hay nhiều dược chất, dùng để bôi lên da hoặc niêm mạc nhằm bảo vệ da, tác dụng tại chỗ hoặc hấp thu qua da gây tác dụng toàn thân. Thuốc mỡ có thể thuộc hệ phân tán đồng thể (thuốc mỡ một pha): dung dịch, hoặc thuộc hệ phân tán dị thể (thuốc mỡ hai pha): hỗn dịch, nhũ tương, hỗn nhũ tương.

Một số chế phẩm thuốc mỡ trên thị trường:

  • Thuốc mỡ một pha: cao xoa Sao Vàng, gel Lidocaine 3%, Niflugel.
  • Thuốc mỡ hai pha: thuốc mỡ Tetracyclin 1%, thuốc mỡ Dalibour, Voltaren Emugel.

Ưu điểm, nhược điểm của thuốc mỡ

Ưu điểm

  • Thể tích gọn nhẹ, dễ mang theo bên người, dễ sử dụng
  • Thích hợp với các thuốc nhằm mục đích tác dụng tại chỗ.
  • Hệ trị liệu qua da cho tác dụng toàn thân cho nhiều ưu điểm hơn so với chế phẩm qua đường tiêu hóa như tránh được chuyển hóa lần đầu qua gan, dược chất tránh bị ảnh hưởng bởi pH dạ dày, thích hợp với dược chất có thời gian bán thải ngắn.
  • Hầu hết chế phẩm thuốc mỡ dịu với da, niêm mạc, tác dụng tại chỗ nên ít gây tác dụng không mong muốn.
baiblogNgocAnh 39
Thuốc mỡ có nhiều ưu điểm

Nhược điểm

  • Một số chế phẩm thuốc gây trơn nhờn, khó rửa sạch, gây bẩn.
  • Có thể gây cản trở hoạt động sinh lý bình thường của da (tá dược thân dầu).

Quy trình bào chế thuốc mỡ

Để bào chế được một chế phẩm thuốc mỡ hoàn chỉnh cần thực hiện đầy đủ theo quy trình các bước sau:

Lựa chọn tá dược bào chế thuốc mỡ

Tá dược đóng vai trò là thành phần rất quan trọng trong một công thức thuốc mỡ. Tá dược là môi trường phân tán dược chất, ảnh hưởng lớn đến sự giải phóng và hấp thu dược chất, thể chất thuốc mỡ, độ ổn định của dược chất cũng như chất lượng của chế phẩm thuốc.

Việc lựa chọn tá dược và yêu cầu của tá dược tùy theo mục đích sử dụng của các chế phẩm thuốc mỡ khác nhau là khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung một tá dược lý tưởng cần các đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Dược chất phải được phân tán đều trong tá dược thành một hỗn hợp đồng nhất.
  • Tá dược không được có tác dụng dược lý riêng, không tương kỵ với dược chất.
  • Dịu với da, niêm mạc (pH gần pH của da), không cản trở các hoạt động sinh lý bình thường của da, không kích ứng da.
  • Bền vững về mặt lý hóa và không bị hỏng bởi vi sinh vật.
  • Phải giải phóng dược chất với mức độ và tốc độ mong muốn.

Thực tế khó có thể chọn được một tá dược lý tưởng, do đó nên lựa chọn tá dược thích hợp với tính chất lý hóa của dược chất, đáp ứng yêu cầu điều trị.

Các nhóm tác dược thuốc mỡ được sử dụng như nhóm tá dược thân dầu, tá dược thân nước, tá dược khan và tá dược nhũ tương.

Nhóm tá dược thân dầu

Ưu điểm: dễ bắt dính da và hấp thu tốt lên da, một số loại có nguồn gốc động vật thường có khả năng thấm sâu.

Nhược điểm: giải phóng hoạt chất chậm, dễ bị ôi khét, thể chất dễ bị thay đổi bởi nhiệt độ, trơn nhờn, khó rửa sạch, cản trở hoạt động sinh lý bình thường của da.

Một số đại diện của nhóm tá dược thân dầu

  • Dầu: dầu cá, dầu lạc, dầu vừng, dầu thầu dầu. Trong đó dầu lạc là dầu thực vật được sử dụng nhiều nhất làm dung môi và tá dược.
  • Dầu thực vật với đặc tính lỏng sánh ở nhiệt độ thường và rất dễ bị ôi khét không được dùng riềng mà phối hợp với các tá dược khác nhằm điều chỉnh thể chất, tăng tính thấm và độ ổn định hóa học
  • Mỡ: thường chỉ dùng mỡ lợn. Mỡ lơn có nhiều ưu điểm như dịu với da, niêm mạc, có khả năng thấm cao, thích hợp với nhiều loại dược chất trừ kiềm mạnh. Tuy nhiên mỡ lợn rất dễ bị ôi khét nên thường dùng mỡ lợn cánh kiến.
  • Sáp: có thể chất dẻo hoặc rắn, bền vững, ít bị biến chất, ôi khét hơn so với dầu mỡ.
  • Sáp ong: gồm 2 loại sáp ong trắng và sáp ong vàng. Sáp ong hay được dùng để phối hợp với các tá dược dầu, mỡ, vaselin, … nhằm mục đích tăng độ chảy, độ cứng, khả năng hút nước.
  • Lanolin: còn gọi là sáp lông cừu. Lanolin dịu với da, niêm mạc, có khả năng thấm cao, khả năng hút nước và các chất lỏng phân cực rất mạnh tạo thành nhũ tương N/D. Tuy nhiên lanolin có nhược điểm rất dễ bị ôi khét. Để khắc phục nhược điểm này, người ta sử dụng lanolin hydrogen hóa như Hydrolan, Lanocerin.
ngoccanhblognta 43
Lanolin

Các dẫn chất của dầu, mỡ, sáp.

  • Các dầu, mỡ, sáp hydrogen hóa: khắc phục nhược điểm dễ bị ôi khét, tăng khả năng nhũ hóa của dầu, mỡ, sáp và tạo ra sản phẩm có thể chất thích hợp.
  • Các dầu, mỡ, sáp polyoxyethylen glycol hóa: có khả năng thấm cao, thích hợp với tất cả các loại da và niêm mạc.

Các acid béo: hay dùng acid stearic và acid oleic. Acid stearic có thể đóng vai trò là tướng dầu trong nhũ tương, điều chỉnh thể chất hay tạo chất diện hoạt xà phòng kiềm. Acid oleic thường dùng làm tướng dầu, có khả năng tăng tính thấm qua da của nhiều dược chất đặc biệt là khi phối hợp với propylene glycol.

Các dẫn chất của acid béo:

  • Ester với alcol isopropylic: hay gặp isopropyl myristate (IPM), isopropyl palmitat (IPP), có thể đóng vai trò làm tướng dầu và có khả năng tăng tính thấm của dược chất.
  • Ester với glycerol: hay gặp glycerin monostearate, chất có khả năng nhũ hóa yếu tạo nhũ tương N/D. Thường dùng kết hợp với các chất diện hoạt khác để tạo nhũ tương D/N như kali stearate (Galabase), natri laurylsulfat (gelacid), tween 80 (Gelot), …
  • Ester với glycol: Cremophor, Myrj, Ethylen glycol stearate, …
  • Các alcol béo:  bền vững, không bị biến chất, ôi khét, dịu với da và niêm mạc, thể chất mịn màng. Thường được dùng để tăng độ cứng, độ min, tăng khả năng nhũ hóa, điều chỉnh thể chất thuốc mỡ. Các alcol béo hay dùng là alcol cetylic, và alcol cetostearylic.

Các chất phân lập từ lanolin: Viscolan, Cholesterol, Waxolan.

Hydrocacbon: có ưu điểm là rất bền vững, không bị biến chất, ôi khét, không bị vi khuẩn, nấm mốc phá hủy; trơ về mặt hóa học; giá thành rẻ. Tuy nhiên hydrocacbon có khả năng thấm rất kém, không có khả năng hút các chất lỏng phân cực và giống với dầu mỡ sáp về khả năng giải phóng dược chất chậm cũng như trơn nhờn, kỵ nước và cản trở hoạt động bình thường của da.

Tá dược nhóm hydrocacbon điển hình gồm: vaselin, parafin rắn, dầu parafin.

baiblogNgocAnh 46
Vaseline

Silicon: rất bền vững về mặt lý hóa và vi sinh vật, không kích ứng da và niêm mạc (trừ niêm mạc mắt) và không có khả năng thấm qua da nên thường được dùng trong các thuốc có tác dụng bảo vệ da hoặc làm tăng độ ổn định của dược chất kém bền.

Nhóm tá dược thân nước

Ưu điểm: giải phóng hoạt chất nhanh, thể chất tương đối ổn định ít thay đổi theo điều kiện thời tiết, có thể trộn đều với nước và nhiều chất lỏng phân cực, không trơn nhờn, dễ rửa sạch, không cản trở hoạt động bình thường của da.

Nhược điểm:

  • Với tá dược Gel: kém bền vững, dễ bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc nên thường phải thêm chất bảo quản như paraben, natri benzoate, …Ngoài ra còn dễ bị khô cứng, nứt mặt trong quá trình bảo quản nên cần có thêm các chất háo ẩm như sorbitol, glycerin, PG, … (10-20%).
  • Với tá dược PEG: rất háo nước dễ gây khô da nên không dùng một mình làm tá dược thuốc điều trị bệnh khô da mà kết hợp với lanolin, nước, alcol cetylic.

Các loại tá dược hay dùng gồm: gel polysaccarid, gel dẫn chất cellulose, gel carbomer (carbopol), polyethylene glycol.

Gel dẫn chất cellulose: khá bền vững, có thể tiệt khuẩn mà không bị biến đổi thể chất, có thể điều chỉnh pH bằng đệm nên có thể dùng trong thuốc mỡ tra mắt. Tuy nhiên tá dược này dễ bị nhiễm khuẩn.

PEG: bền vững, không bị thủy phân, oxy hóa hay ôi khét, bảo quản lâu, có khả năng giải phóng hoạt chất nhanh nhưng không có khả năng thấm qua da lành nên thường chỉ dùng cho thuốc mỡ tác dụng tại chỗ.

Tá dược khan: Gồm tá dược thân dầu và chất diện hoạt tan trong dầu.

  • Lanolin alcol: gồm lanolin, alcol béo cao hoặc thơm và ít nhất 30% cholesterol.
  • Lanolin khan
  • Hỗn hợp dầu paraffi, lanolin khan, vaselin (10 : 10 : 80).

Ưu điểm: có thể phối hợp với nhiều loại dược chất kỵ nước, khá bền vững, có thể hút nước và chất lỏng phân cực, giải phóng hoạt chất tương đối nhanh và có khả năng thấm sâu.

Nhược điểm: cản trở hoạt động bình thường của da, trơn nhờn, khó rửa sạch.

Tá dược nhũ tương: có cấu trúc như một nhũ tương hoàn chỉnh.

Ưu điểm: giải phóng hoạt chất nhanh, thấm sâu, dễ bám trên da, niêm mạc thành lớp mỏng, không cản trở hoạt động sinh lý của da.

Nhược điểm : không bền dễ bị tách lớp, kém bền với nhiệt độ, độ ẩm môi trường, dễ bị vi khuẩn và nấm mốc phát triển, nhũ tương N/D khó rửa sạch.

Chuẩn bị dược chất và tá dược

Dược chất: cân lượng dược chất cần sử dụng (sai số cho phép thường không quá 5%). Có thể nghiền nhỏ làm giảm kích thước tiểu phân, tăng tốc độ hòa tan đối với các dược chất khó tan.

Tá dược:

Các tá dược thân dầu, tá dược khan hay PEG có độ nhớt cao, khó phân tán đều dược chất nên cần đun chảy và lọc (nếu cần) trước khi phối hợp dược chất.

Tá dược gel cần ngâm trương nở trong nước và khuấy cho hòa tan. Chú ý khuấy nhẹ nhàng để tránh tạo bọt khí trong hỗn hợp làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tá dược gel carbomer (như Carbopol) cần trung hòa bằng kiềm để có thể tạo được gel đặc hơn.

Tá dược Carbomer
Tá dược Carbomer

Tá dược nhũ tương: cần chuẩn bị pha dầu và pha nước rồi nhũ hóa 2 pha ở nhiệt độ thích hợp, lực khuấy trộn và thời gian khuấy trộn thích hợp.

Đối với các chế phẩm thuốc yêu cầu vô khuẩn (thuốc mỡ tra mắt), cần tiệt khuẩn tá dược trước và phối hợp dược chất trong môi trường cấp độ sạch A. Tiệt khuẩn tá dược thân dầu, tá dược khan bằng nhiệt khô: 160°C/2 giờ hoặc 180°C/30 phút. Tiệt khuẩn tá dược thân nước bằng nhiệt ẩm 121°C trong 15 phút. Với tá dược nhũ tương, tiệt khuẩn/lọc riêng từng pha rồi nhũ hóa trong điều kiện vô khuẩn.

Phối hợp dược chất vào tá dược.

Tùy thuộc vào bản chất dược chất và tá dược, có 4 phương pháp phối hợp dược chất vào tá dược như sau : hòa tan, phân tán (hay còn gọi là trộn đều đơn giản), trộn đều nhũ hóa và nhũ hóa.

Phương pháp hòa tan.

Áp dụng với dược chất tan trong tá dược và áp dụng với tất cả các nhóm tá dược thuốc mỡ.

Tiến hành: hòa tan hoàn toàn dược chất vào tá dược đã chuẩn bị ở nhiệt độ thường hoặc đun nóng và kết hợp với khuấy trộn để tăng tốc độ hòa tan.

Chú ý:

Trong trường hợp đun nóng, cần kiểm soát nhiệt độ để tránh gây phân hủy dược chất và với chất dễ bay hơi, thăng hoa thì cần thực hiện trong thiết bị kín.

Nếu như dược chất chậm tan hoặc khó tan, trong công thức cần có các tá dược làm tăng độ tan dược chất (ví dụ chất diện hoạt)

Phương pháp phân tán

Áp dụng bào chế thuốc mỡ dạng hỗn dịch hoặc hỗn nhũ tương với :

  • Dược chất rắn không hoặc ít tan trong TD.
  • Thành phần có 2 hay nhiều dược chất mà một vài dược chất tương kỵ nếu ở dạng dung dịch
  • Tất cả các nhóm tá dược thuốc mỡ.

Tiến hành:

Nghiền đơn, trộn kép: Dược chất cần được nghiền mịn đến kích thước thích hợp để dễ phân tán đều vào trong tá dược (thực tế thường sử dụng dược chất dạng siêu mịn hoặc siêu siêu mịn).

Nếu như thành phần thuốc chứa 2 hay nhiều dược chất thì cần nghiền riêng các dược chất rồi trộn bột kép theo nguyên tắc. Nếu tỉ lệ 2 dược chất lớn hơn 10% thì có thể trộn trực tiếp vào nhau. Nếu tỉ lệ từ 1-10%, trộn dược chất khối lượng nhỏ với 1 phần dược chất kia thành hỗn hợp bột mẹ rồi trộn tiếp với lượng dược chất còn lại. Nếu tỉ lệ nhỏ hơn 1%, trộn theo nguyên tắc đồng lượng.

Nghiền ướt tạo mỡ đặc: thêm đồng lượng tá dược vào bột dược chất đựng trong cối sứ hoặc máy rồi trộn kỹ thành mỡ đặc.

Chú ý: nếu như thực hiện trong cối, sau khi thêm tá dược cần đánh nhanh và mạnh để đảm bảo dược chất phân tán đều trong tá dược

Phối hợp với lượng tá dược còn lại theo nguyên tắc đồng lượng. Mỗi lần thêm tá dược đều cần trộn kỹ để đảm bảo hỗn hợp đồng nhất. Sau khi phối hợp hết tá dược, tiếp tục trộn đều trong máy hoặc đánh đều trong cối đến khi đạt được thể chất mong muốn.

Làm đồng nhất bằng thiết bị thích hợp.

Các thiết bị sử dụng: máy xay hoặc máy nghiền, rây, máy nhào trộn, máy làm đồng nhất.

Chú ý:

  • Mục đích giai đoạn tạo mỡ đặc: làm mịn thêm dược chất và để trộn đều với lượng tá dược còn lại
  • Cần tuân thủ nguyên tắc đồng lượng khi phối hợp, đặc biệt là với lượng dược chất nhỏ.
  • Khi trộn trong cối, cần đánh nhanh và đều theo một chiều để làm cho hỗn hợp đồng nhất.

Phương pháp trộn đều nhũ hóa

Áp dụng bào chế thuốc mỡ dạng nhũ tương N/D với:

  • Dược chất ở thể lỏng phân cực hoặc bán phân cực ko tan trong tá dược.
  • Dược chất rắn dễ tan trong các DM trơ phân cực
  • DC là những chất rắn chỉ phát huy tác dụng dưới dạng dung dịch nước: iod, bạc keo (argyron, colacgon, protacgon…)
  • Áp dụng với tá dược khan.

Tiến hành:

  • Chuẩn bị tá dược khan, cho tá dược vào cối.
  • Thêm từ từ dược chất ở dạng lỏng vào, dùng chày đánh đều tới khi thu được nhũ tương ổn định bền vững có thể chất yêu cầu

Chú ý: ban đầu khi thêm từ từ dược chất vào tá dược, đánh đều và nhẹ nhàng trong cối. Khi đã cho hết dược chất vào tá dược thì đánh nhanh và mạnh để tăng độ đồng nhất hỗn hợp.

Phương pháp nhũ hóa

Áp dụng bào chế thuốc mỡ dạng nhũ tương D/N hoặc N/D với:

ngoccanhblognta 57
Hai dạng nhũ tương thường gặp
  • Dược chất tan được trong pha nước hoặc pha dầu.
  • Tá dược nhũ tương hoàn chỉnh.

Tiến hành:

  • Chuẩn bị pha dầu: hòa tan các thành phần tan trong dầu vào dung môi thân dầu, duy trì nhiệt độ pha dầu 60-65°C.
  • Chuẩn bị pha nước: hòa tan các thành phần tan trong nước vào dung môi thân nước (thường dùng nước), duy trì nhiệt độ pha nước ở 65-70°C.
  • Phối hợp 2 pha với nhau: cho pha dầu vào pha nước để tạo nhũ tương D/N hoặc cho pha nước vào pha dầu để tạo thành nhũ tương N/D.
  • Khuấy trộn hoặc đánh nhanh trong cối đến khi nguội.

Chú ý: nếu như không thể chuẩn bị pha dầu và pha nước đồng thời trên hai thiết bị đun nóng thì chuẩn bị pha dầu trước rồi mới chuẩn bị pha nước do pha dầu giảm nhiệt độ chậm hơn pha nước. Nếu trước khi phối hợp mà có pha nào giảm xuống dưới nhiệt độ quy định thì nên đun lại để cho kết quả tốt nhất.

Cuối cùng đóng thuốc mỡ đã hoàn thành vào hộp hoặc tuýp thích hợp. Thường dùng bao bì nhôm hoặc bao bì nhựa.

Kiểm tra chất lượng thành phẩm

  • Độ đồng nhất
  • Độ đồng đều khối lượng
  • Giới hạn nhiễm khuẩn hoặc vô khuẩn với thuốc tra mắt.
  • Các phần tử kim loại > 50µm trong thuốc mỡ tra mắt.
  • Giới hạn kích thước tiểu phân trong thuốc tra mắt (≤ 75 µm)
  • Các yêu cầu kỹ thuật khác: xác định chỉ số nước, độ nhớt, độ xuyên sâu, khả năng giải phóng hoạt chất.
Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here