Thuốc cốm là gì? Các phương pháp và quy trình bào chế

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Quy trình bào chế thuốc cốm

Bài viết sau đây, nhà thuốc Ngọc Anh xin chia sẻ về Các phương pháp và quy trình bào chế thuốc cốm.

Định nghĩa thuốc cốm

Thuốc cốm là dạng thuốc rắn, bào chế từ dược chất và các tá dược thích hợp để tạo thành các hạt có kích thước với đường kính từ 1-2 mm hoặc các sợi thuốc ngắn và xốp. Thuốc cốm thường dùng đường uống.

Phân loại thuốc cốm

Cốm pha dung dịch uống

Cốm để pha hỗn dịch uống

Ưu nhược điểm của dạng thuốc cốm

Ưu nhược điểm của thuốc cốm
Ưu nhược điểm của thuốc cốm

Ưu điểm:

Thẩm mỹ đẹp: là dạng thích hợp dùng cho trẻ em

Dễ bảo quản: ít hút ẩm hơn so với dạng thuốc bột; với cốm pha hỗn dịch và dung dịch dược chất sẽ ổn định do không bị tiếp xúc nước trong quá trình bảo quản, hạn chế được quá trình thủy phân dược chất.

Dễ đóng gói: thể tích gọn nhẹ hơn các dạng dung dịch và hỗn dịch.

Dễ phối hợp các thành phần tương kỵ: có thể phối hợp các thành phần tương kỵ vào các cốm khác nhau rồi trộn lại như cốm sủi bọt để tách thành phần acid và natri bicarbonate.

Thích hợp cho bệnh nhân khó nuốt: đặc biệt người già và trẻ em.

Nhược điểm:

Phải phân tán hoặc hòa tan vào trong nước trước khi sử dụng.

Thành phần của thuốc cốm

Dược chất: thường là các dược chất kém bền ở dạng lỏng, dễ bị thủy phân như các kháng sinh, men vi sinh, các thuốc hạ sốt… Các thuốc có mùi vị khó chịu cũng thường được bào chế dưới dạng cốm pha siro hoặc cốm sủi bọt.

Tá dược:

Tá dược độn: các loại bột đường hay được sử dụng như saccarose, lactose… vì bên cạnh đảm bảo khối lượng cho một liều nó còn đồng thời đóng vai trò điều vị cho chế phẩm. Trong các thuốc cốm pha hỗn dịch nó còn làm tăng độ nhớt làm giảm quá trình sa lắng của tiểu phân trong quá trình phân liều nhờ đó mà liều dùng được chính xác.

Tá dược trơn: cũng giống như thuốc bột hay các viên nén hoặc nang cứng, tá dược trơn được sử dụng để giảm ma sát, chống dính và điều hòa sự chảy khi phân liều vào bao bì. Nhờ đó đảm bảo đồng đều khối lượng cho chế phẩm. Các tá dược trơn hay sử dụng trong cốm thuốc như talc, aerosil, magie stearate, acid stearic

Tá dược dính: đây là điểm khác biệt so với các thành phần trong cốm thuốc, tá dược dính được sử dụng để tạo hạt và sợi cho cốm thuốc. Các tá dược dính hay được sử dụng nhất là siro, dung dịch PVP và dung dịch CMC.

Hình ảnh minh họa: Tá dược dính

Tá dược rã: đôi khi cũng được thêm vào để làm tăng nhanh quá trình phân tán của

chế phẩm vào nước, đặc biệt với các chế phẩm hút ẩm dễ đóng bánh khi bảo quản lâu ngày. Các tá dược rã hay sử dụng là natri croscarmellose, natri starch glycolat…

Ngoài ra, với dạng thuốc cốm pha hỗn dịch, trong công thức của các chế phẩm này còn có các thành phần khác tương tự như hỗn dịch như chất gây thấm và chất gây phân tán. Các thành phần này đảm bảo về cấu trúc hóa lý của chế phẩm khi được hoàn nguyên, đảm bảo đồng đều phân liều đối với các cốm đa liều.

Ngoài các thành phần kể trên, các tá dược điều hương, điều vị cũng được thêm vào để tăng sức hấp dẫn cho chế phẩm.

Tham khảo thêm: Tá dược dính là gì? Phân loại, vai trò, các loại tá dược dính thường gặp

Phương pháp bào chế

Có 3 phương pháp phổ biến để bào chế cốm thuốc là:

  • Phương pháp tạo hạt ướt
  • Phương pháp tạo hạt khô
  • Phương pháp tạo hạt tầng sôi

Quy trình:

  • Nghiền rây cân
  • Trộn
  • Tạo hạt
  • Trộn tá dược trơn
  • Đóng gói.

Quá trình nghiền rây cân

Nghiền:

Mục đích: làm nhỏ kích thước tiểu phân giúp thuận lợi cho quá trình trộn các thành phần được đồng đều. Đồng thời kích thước tiểu phân nhỏ cũng làm tăng quá trình giải phóng và hòa tan của thuốc do đó làm tăng sinh khả dụng.

Thiết bị: các thiết bị nghiền hay được sử dụng như máy nghiền búa, máy nghiền bi, máy nghiền cắt, máy nghiền trục cán và đặc biệt là thiết bị nghiền siêu mịn có thể thu được kích thước nm. Cần chú các tương tác dược chất và tá dược để đưa ra quy trình nghiền thích hợp. Đồng thời cũng cần lưu ý về nhiệt sinh ra trong quá trình nghiền và bản chất của vật liệu nghiền để lựa chọn thiết bị phù hợp.

Các phương pháp nghiền đặc biệt như: nghiền lợi dụng dung môi, nghiền lợi dụng môi trường nước và nghiền lợi dụng nhiệt độ.

Máy nghiền búa

Rây:

Mục đích: để đảm bảo thu được kích thước tiểu phân mong muốn, đồng đều tiểu phân sẽ cải thiện độ trơn chảy và giảm phân lớp cho khối bột. Đồng thời, quá trình rây sau trộn cũng đảm bảo độ đồng nhất cho khối bột.

Thiết bị rây cấu tạo gồm: lưới rây, đáy rây, thân rây và nắp rây. Quan trọng nhất trong 4 thành phần này là lưới rây được lắp giữa đáy rây và thân rây. Tùy theo đường kính, hình dạng và góc cạnh lưới mắt rây mà có các cỡ rây khác nhau. Các rây này được phân loại theo số rây (mcm), cỡ mắt rây (mm0 và đường kính sợi rây (mm)

Quá trình trộn

Các thiết bị trộn:

Thiết bị trộn lắc (không có cánh đảo) như thiết bị trộn hình lập phương, thiết bị trộn hình chữ V, thiết bị trộn hình nón.

Thiết bị trộn có cánh đảo: thiết bị không nhào lộn trong quá trình trộn

Các phương pháp trộn: tuy theo tỉ lệ giữa nguyên liệu và dược chất mà có cần áp dụng các tiến trình trộn thích hợp.

Thiết bị trộn hình chữ V

Nếu tỉ lệ dược chất lớn hơn 10% thì có thể trộn trực tiếp

Nếu tỉ lệ dược chất từ 1 đến 10% thì tiến hành trộn 2 hoặc nhiều lần, mỗi lần đảm bảo nồng của dược chất hoặc hỗn hợp bột và dược chất phải lớn hơn 10%.

Nếu tỉ lệ dược chất dưới 1%: sử dụng phương pháp trộn đồng lượng đến khi trộn xong. Nguyên tắc của trộn đồng lượng: mỗi lần trộn 2 loại bột có thể là đơn chất hoặc là hỗn hợp đã trộn đều trước đó và mỗi lần trộn phải lấy 1 lượng bằng nhau về thể tích hoặc khối lượng của mỗi loại. Ưu điểm của phương pháp này là trộn đều các thành phần. Tuy nhiên, quá trình này trải qua nhiều giai đoạn tốn thời gian.

Nếu tỉ lệ dược chất thấp hơn nữa, nên sử dụng dung môi khi trộn. Hòa tan dược chất vào dung môi rồi trộn đều với khối bột, sau đó sấy loại dung môi. Với những dược chất nhạy cảm với nhiệt và ẩm thì có thể sử dụng các dung môi hữu cơ như cồn. Hoặc có thể thực hiện biện pháp phun sấy trong quá trình này.

Đánh giá độ đồng đều khối bột:

Có thể sử dụng 1 lượng tá dược màu khi trộn để quan sát độ đồng đều.

Đánh giá qua lấy mẫu tại các vị trí khác nhau của khối bột. Sau đó tính RSD, yêu cầu RSD dưới 5% và 2% là tối ưu.

Ngoài ra còn đánh giá các chỉ tiêu về độ trơn chảy, tỉ trọng, phổ hồng ngoại của khối bột.

Tạo hạt

Với phương pháp tạo hạt ướt:

Tạo khối ẩm, xát hạt: bột kép sau khi được tạo thành sẽ được trộn với tá dược dính lỏng trong thiết bị thường là thiết bị nhào trộn cao tốc để liên kết các tiểu phân bột với nhau. Thời gian trộn, tốc độ trộn, tỉ lệ và loại tá dược dính sử dụng sẽ phụ thuộc vào từng công thức cụ thể. Sau khi trộn sẽ tiến hành xát hạt, thường tiến hành xát hạt qua rây. Với các chế phẩm là sợi cốm thì liên kết giữa các tiểu phân phải cao hơn xát thành hạt và thường phải tạo thành khối dẻo. Cần đun nóng các tá dược dính trước khi tạo khối ẩm với các tá dược dính có độ nhớt cao và môi trường lạnh. Với các khối bột khó tạo hạt và để đảm bảo hạt chắc có thể tiến hành xát hạt lần 2. Sau đó đem hạt đi sấy ở nhiệt độ dưới 70 độ C. Phương pháp này không phù hợp với các dược chất nhạy cảm với nhiệt và ẩm. Nếu vẫn muốn sử dụng phương pháp này thì nên sử dụng ethanol để hòa tan tá dược dính và sấy trong ở nhiệt độ thấp dưới áp suất giảm.

Phương pháp tạo hạt khô (nén 2 lần): khối bột kép sau khi được tạo thành sẽ được ép để tạo thành các tâm hoặc thổi. Sau đó, lại được đập, cán để tạo hạt. Phương pháp này thích hợp với các chế phẩm nhạy cảm với nhiệt và ẩm. Tuy nhiên, chất lượng hạt kém, độ trơn chảy và đồng đều khối lượng thấp.

Phương pháp tạo hạt tầng sôi: chính là phương phương pháp tạo hạt ướt đặc biệt. Các tiểu phân sẽ chuyển động hỗn loạn dưới tác dụng của dòng khí nóng, va chạm và kết dính vào nhau nhờ các tá dược dính, đồng thời các hạt tạo thành cũng được làm khô nhờ dòng khí nóng. Hạt tạo thành trong phương pháp này cầu và đều, đồng đều hàm lượng cao. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thiết bị đắt tiền, kỹ thuật và chương trình vận hành phức tạp.

Sửa hạt: hạt sau tạo thành sẽ được sửa quâ rây quy định để loại bỏ các bột mịn, các hạt hỏng hoặc vón cục để thu được các kích thước hạt đồng đều. Nếu hạt chưa đạt độ ẩm dưới 5% thì nên tiến hành sấy để đạt yêu cầu độ ẩm trước khi phân liều.

Trộn tá dược trơn: trộn tá dược trơn cũng trong các thiết bị trộn thông thường. Tuy nhiên thời gian sẽ ngắn hơn trong khoảng từ 3-5 phút.

Phân liều: với các thuốc cốm đơn liều thường được đóng gói trong các túi thiếc kín. Với các dạng thuốc cốm pha dung dịch, hỗn dịch, siro đa liều thường đóng vào các trai nhựa hoặc thủy tinh chia vạch để bổ sung nước trước khi sử dụng và có các dụng cụ để tính liều.

Các tiêu chuẩn dược điển (DĐVN V) của thuốc cốm

Cảm quan: khô, đồng đều về kích thước hạt, không bị biến màu, hút ẩm trong quá trình bảo quản.

Độ ẩm: không quá 5%

Đồng đều khối lượng: sai lệch 5%

Đồng đều hàm lượng: áp dụng cho các thuốc cốm đóng gói một liều, có chứa một hoặc nhiều dược chất. Với các chế phẩm có hàm lượng dược chất dưới 2 mg hoặc dưới 2 % (kl/kl) so với khối lượng cốm trong 1 liều cần phải tiến hành phép thử này. Yêu cầu: tuy theo từng chuyên luận.

Độ rã: Cho lượng cốm thuốc trong một đơn vị phân liều vào cốc chứa 200 ml nước ở 15 độ C đến 25 độ C, tiến hành thử với 6 liều. Yêu cầu: phải có nhiều bọt khí bay ra, cốm được coi là rã hết nếu hòa tan hoặc phân tán hết trong nước, chế phẩm đạt yêu cầu phép thừ nếu mỗi liều rã trong vòng 5 min.

Định tính, định lượng: theo từng chuyên luận

Một số công thức thuốc cốm

THUỐC CỐM ACECLOFENAC

Công thức cho 1 túi:

  • Aceclofenac 50,00 mg
  • Tá dược mùi cam 165,83 mg
  • Sorbitol 3292,30 mg
  • Lutrol F 68 169,23 mg
  • Cremophor RH 40 169,23 mg
  • Nước khử khoáng 2 ml

Phương pháp bào chế: dùng phương pháp tạo hạt ướt, với tá dược dính hòa tan trong nước khử khoáng, sau đó trộn đều với khối bột kép.

THUỐC CỐM SỦI BỌT ACETAMINOPHEN, DOXYLAMINE VÀ CAFEIN

Công thức cho 1 túi:

  • Acetaminophen 500,00 mg
  • Doxylamin succinat 5,00 mg
  • Cafein 33,00 mg
  • Acid tartaric 391,00 mg
  • Natri hydrocarbonat 417,00 mg
  • Kollidon 30 PVP 6,00 mg
  • Isopropanol (hoặc ethanol) vừa đủ
  • Natri citrat 30,00 mg
  • Saccarose 707,00 mg

Phương pháp bào chế: tạo hạt ướt với tá dược dính là kolidon 30 hòa tan trong alcol Isopropanol (hoặc ethanol). Với 2 thành phần acid tartaric và natri hydrocarbonat có thể thực hiện bào chế trong các côm riêng để tránh xảy ra tương tác.

Tài liệu tham khảo

Sách “kỹ thuật bào chế và sinh dược học các dạng thuốc” chương “thuốc cốm và pellet” trg 148- 149

Slide bài giảng “thuốc cốm”- Ths Nguyễn Văn Lâm

Tham khảo thêm: Tá dược trơn là gì? Vai trò, một số loại tá dược trơn hay dùng

2 thoughts on “Thuốc cốm là gì? Các phương pháp và quy trình bào chế

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here