Thuốc bột kép là gì? Các nguyên tắc và kỹ thuật bào chế

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Thuốc bột kép

Bài viết sau đây, nhà thuốc Ngọc Anh xin trình bày về Thuốc bột kép là gì? Các nguyên tắc và kỹ thuật bào chế

Thuốc bột kép là gì?

Thuốc bột kép là một loại thuốc bột mà thành phần trong đó có từ hai loại dược chất trở lên, có thể hoặc không kết hợp với một số loại tá dược như tá dược hút, độn, trơn, … Thuốc bột kép mang đầy đủ tính chất và cần phải đạt các chỉ tiêu chất lượng của thuốc bột nói chung.

Thành phần thuốc bột kép

Dược chất

Có từ hai loại trở lên kết hợp với nhau

Tá dược

  • Tá dược độn (còn gọi tá dược pha loãng) hay dùng là lactose, ngoài ra có thể sử dụng các đường carbohydrat khác như glucose, saccharose, … hay các dẫn chất nhóm cellulose đặc biệt là cellulose vi tinh thể (avicel) hoặc tinh bột. Tá dược độn được sử dụng để bổ sung đủ thể tích, để pha loãng nồng độ của các dược chất có dược lực mạnh hoặc mang độc tính, ngoài ra còn có khả năng làm tăng độ trơn chảy của thuốc bột. Tá dược độn gồm hai nhóm là nhóm tan trong nước và không tan trong nước. Nhóm tá dược độn tan nước, đại diện là các đường carbohydrat giúp khả năng thấm ướt của khối bột nên tăng tốc độ hòa tan dược chất từ đó làm tăng sinh khả dụng của thuốc. Nhóm tá dược độn không tan trong nước, đại diện dẫn chất cellulose, do trương nở trong nước tạo gel bao quanh khối bột làm cản trở nước thấm vào làm chậm quá trình hòa tan nên không được sử dụng với tỉ lệ lớn trong công thức.
  • Tá dược trơn: hay dùng là aerosil, talc, magnesi stearate, …với vai trò chống dính và cải thiện độ trơn chảy cho khối bột giúp phân liều chính xác hơn và cải thiện độ đồng đều phân liều của thuốc bột. Các tá dược trơn hầu như đều sơ nước nếu sử dụng với tỉ lệ lớn có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hòa tan của khối bột.
  • Tá dược hút: như magnesi carbonat, calci carbonat, magnesi oxyd, … thường được dùng khi trong công thức thuốc có chứa chất háo ẩm hay chất lỏng. Tỉ lệ của loại tá dược này phụ thuộc vào tỉ lệ các chất lỏng và chất háo ẩm có trong hút nước. Vai trò của nó trong thuốc bột là hút nước, tạo tính chất khô, tơi cho khối bột, đồng thời bảo vệ các dược chất khỏi tác động của của ẩm.
  • Tá dược bao: hay dùng magnesi carbonat hay oxyd magnesi. Tá dược bao được sử dụng đối với thuốc bột kép chứa các dược chất hay tá dược có khả năng xảy ra tương kỵ. Tỉ lệ tá dược sử dụng là 50% đến 100% các chất cần bao.
  • Tá dược màu: hay được dùng nhất là đỏ carmin với tỉ lệ từ 25% đến 100% chất cần kiểm tra. Tá dược màu đóng vai trò một chất chỉ thị để kiểm tra sự phân tán đồng nhất của các dược chất có hàm lượng thấp trong thuốc bột, có độc tính cao hay dược chất có hoạt lực mạnh.
  • Tá dược điều hương, vị: như đường hóa học, các tinh dầu thơm, … để che dấu mùi vị khó chịu của thuốc bột, đặc biệt là thuốc có chứa thành phần có nguồn gốc dược liệu.

Nguyên tắc bào chế thuốc bột kép

Nghiền bột đơn

Vai trò: làm nhỏ kích thước tiểu phân để cải thiện tốc độ hòa tan dược chất đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trộn và tạo khối bột đạt được độ đồng nhất dễ dàng hơn.

Nguyên tắc: Thứ tự nghiền cần phù hợp để quá trình trộn bột kép dễ dàng và tạo khối bột đồng nhất, đồng thời để tránh chuyển bột nhiều lần. Nên nghiền các dược chất có khối lượng lớn trước rồi lấy ra khỏi cối/ thiết bị nghiền để nghiền tiếp dược chất có khối lượng nhỏ. Sau khi nghiền xong thì thêm bột dược chất có khối lượng lớn ở trên vào để trộn bột kép theo nguyên tắc trộn. Dược chất có tỉ trọng lớn nên được nghiền trước và phải nghiền mịn hơn dược chất tỉ trọng thấp để làm cho bột kép dễ trộn thành khối đồng nhất, ngoài ra để hạn chế nguy cơ phân lớp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nghiền bao gồm lực nghiền, tốc độ nghiền, lực tác động lên tiểu phân (bao gồm lực cắt, lực va chạm, lực nén ép, lực mài mòn), bản chất vật liệu đem nghiền (giòn, mềm, cứng, dai, …), độ cứng, cấu trúc tinh thể, tính mài mòn, hàm ẩm, tốc độ nạp và thu nguyên liệu, các yếu tố ngoại môi như độ ẩm, không khí, …

Một số thiết bị thường được sử dụng để nghiền như: chày cối (làm bằng sứ, mã não, thủy tinh, đồng, … với quy mô nhỏ trong phòng thí nghiệm), thiết bị nghiền bi (chủ yếu dùng để nghiền bột rất mịn), nghiền búa (năng suất cao, dễ vận hành), thiết bị nghiền cắt dùng trong sản xuất công nghiệp, …

Trộn bột kép

Nguyên tắc trộn bột kép: Cách trộn được quyết định bởi tỉ lệ dược chất trong khối bột.

Trường hợp dược chất chiếm tỉ lệ thành phần trên 10% thì có thể dễ dàng tạo ra khối bột đồng nhất bằng cách trộn bột dược chất cùng với tá dược trong một bước duy nhất với tốc độ trộn cũng như thời gian trộn quy định.

Trường hợp dược chất chiếm tỉ lệ thành phần trong khoảng 2-10%, cần ít nhất 2 bước trộn để tạo khối bột đồng nhất: trước hết trộn toàn bộ bột dược chất với một phần tá dược thích hợp để tạo hỗn hợp có tỉ lệ trên 10% rồi trộn hỗn hợp trên với phần tá dược còn lại.

Trường hợp dược chất chiếm tỉ lệ thành phần trong khoảng 0,1-2% thì cần tuân thủ nguyên tắc đồng lượng khi trộn các thành phần để đảm bảo phân bố đồng đều dược chất.

Trường hợp dược chất chiếm tỉ lệ dưới 0,1% trong thành phần thì khối bột được trộn bằng biện pháp trộn rắn lỏng gồm các bước hòa tan dược chất vào một dung môi dễ bay hơi được lựa chọn phù hợp rồi đưa vào và trộn đều với hỗn hợp bột tiếp theo sấy cho bay hơi hết dung môi thu được khối bột kép đồng nhất.

Ngoài ra mỗi số dược chất hay tá dược dễ phát bụi, bay hơi thì nên được trộn sau cùng để tránh hao phí, thiếu hụt trong quá trình sản xuất và tránh ô nhiễm môi trường.

Khi trộn xong, nên rây lại qua cỡ rây thích hợp để một lần nữa trộn đều các thành phần bột.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất trộn là kích thước tiểu phân và phân bố kích thước dược chất, tỷ trọng, hình dạng tiểu phân bột, lực kết dính giữa các tiểu phân, tương tác tĩnh điện, độ ẩm của khối bột, nhiệt độ môi trường, tốc độ quay của thiết bị trộn, thời gian trộn bột kép, …

Một số thiết bị trộn thường dùng là máy trộn hộp lập phương, thiết bị trộn chữ V, chữ Z, thiết bị trộn hình chóp đối xứng, thiết bị trộn có cánh đảo, …

Bào chế một số thuốc bột kép đặc biệt

Các thuốc bột kép chứa thành phần chất lỏng (không quá 10%)

Thuốc bột kép chứa tinh dầu
Thuốc bột kép chứa tinh dầu

Tinh dầu thường được dùng trong công thức thuốc bột với vai trò làm chất điều hương như tinh dầu bạc hà, tinh dầu hồi, …. Ngoài ra một số loại tinh dầu cũng có tác dụng sát khuẩn, kích thích đường tiêu hóa giúp tăng hiệu quả của chế phẩm thuốc bột. Trong quá trình bào chế thuốc bột chứa tinh dầu, nên phối hợp nhanh tinh dầu vào bước cuối cùng hoặc trong thiết bị kín, sau đó nhanh chóng đóng gói để tránh bay hơi làm giảm hiệu quả điều hương. Có thể sử dụng riêng tinh dầu hoặc cho nó hấp thụ vào bột đường với tỉ lệ thích hợp.

Các loại dầu khoáng và glycerin có thể được sử dụng trong thuốc bột kép nhằm mục đích tăng khả năng bám dính của thuốc bột dùng ngoài da, đồng thời giúp giữ ẩm, làm mềm và dịu da. Tỉ lệ của chúng trong công thức nên dưới 10% để tránh làm bột quá ẩm, ảnh hưởng đến độ trơn chảy và cảm quan của thuốc. Dầu khoáng và glycerin thường được đưa vào hỗn hợp bột sau cùng và thành phần bột nên có các tá dược hút.

Thuốc bột có chứa dược chất (thường là các dược chất có tác dụng dược lý mạng) ở dạng cồn thuốc, cao lỏng hay dung dịch thì cần sử dụng các biện pháp để giảm bớt lượng dung môi trong đó rồi mới trộn với bột kép. Có thể cô ở áp suất thường hoặc áp suất giảm để làm bay hơi dung môi trong trường hợp dược chất bền với nhiệt đồng thời dung môi là chất dễ bay hơi (như ethanol). Hoặc thêm vào các tá dược hút trong trường hợp dược chất kém bền nhiệt và dung môi khó bay hơi. Nếu có thể, thay thế bằng các dạng khác như cao khô.

Thuốc bột kép chứa thành phần các chất mềm

Thuốc bột chứa cao mềm dược liệu cần giới hạn lượng cao mềm sử dụng dưới 30% để tránh làm ẩm bột và gây bết dính. Ngoài ra nếu có thể, nên thay thế bằng cao khô một nửa có sẵn hoặc thêm trực tiếp lactose vào cao mềm sau đó sấy đến cao khô rồi nghiền mịn và trộn với các thành phần bột khác. Để hạn chế hiện tượng khối bột ẩm, có thể tác động nhiệt trong quá trình trộn hoặc thêm tá dược hút thích hợp.

Thuốc bột kép chứa các thành phần có khả năng chảy lỏng trong quá trình bào chế

Thuốc bột kép có chứa đường
Thuốc bột kép có chứa đường

Các chất háo ẩm thường gặp trong thuốc bột như muối amoni, kali, natri, calci, … của ion bromid, clorid, iodid; một số chất hữu cơ như các đường glucose, saccharose, amoni acetat, kali natri lactat, … Khả năng hút ẩm của các chất này phụ thuộc vào độ ẩm tương đối của môi trường. Đây là một khó khăn của nước ta khi bào chế thuốc bột có chứa các chất hút ẩm này do Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Tuy nhiên có thể khắc phục bằng cách sấy khô các chất này trước khi phối hợp, bào chế trong thiết bị kín để tránh tiếp xúc với không khí ẩm, có tác động nhiệt trong quá trình bào chế hay thêm tá dược hút, …

Các thành phần trong bột có tương kỵ chảy lỏng ví dụ như long não- menthol- phenol- cloral hydrat, cloral hydrat với thymol, hay long não với resorcin, … Các chất này khi phối hợp với nhau có thể tạo thành hỗn hợp có độ chảy thấp hơn độ chảy riêng của mỗi thành phần. Biện pháp khắc phục là đóng gói riêng các hợp phần này hoặc bao bằng bột trơ.

Các muối ngậm nước thường gặp trong bào chế như phèn chua (công thức  [AỊ2(SO3)3. K2SO4. 24H2O], đồng sulfat dược dụng (dạng ngâm 5 phân tử nước), kẽm sulfat dược dụng (dạng ngậm 7 phân tử nước), … Các chất này có cấu trúc tinh thể, khi nghiền cấu trúc bị phá vỡ và giải phóng nước làm ẩm khối bột. Có thể khắc phục bằng cách thay bằng dạng khan.

Thuốc bột kép nồng độ

Khi mà tỉ lệ dược chất trong công thức quá thấp dưới 50mg (thường là các chất độc hay chất có dược lực mạnh , để dược chất được phân tán đồng đều trong khối bột, ta cần trộn nó với một lượng tá dược pha loãng thích hợp để tạo thành bột nồng độ có tỉ lệ tối thiểu 10% so với tổng lượng thuốc bột rồi sau đó mới phối hợp với lượng tá dược còn lại. Tá dược pha loãng hay được dùng nhất là lactose với nhiều ưu điểm là trơ về mặt hóa học, không có tác dụng dược lý riêng, so với đường glucose hay saccharose thì nó ít hút ẩm hơn và dễ phối hợp

đồng đều với dược chât độc. Có thể kiểm tra độ đồng đều khối bột bằng cách sử dụng các chất màu chỉ thị.

Thuốc bột pha dung dịch- hỗn dịch

Loại thuốc bột này thường được dùng cho các dược chất kém ổn định ở môi trường lỏng trong thời gian bảo quản. Bột pha dung dịch hay hỗn dịch thường được đóng trong chai, lọ có vạch chia thể tích thích hợp đi kèm với dung môi để pha, có thể kèm theo dụng cụ chia liều như thìa, cốc chia vạch, … Về thành phần, bột pha hỗn dịch cần chứa các chất gây thấm, chất ổn định trạng thái phân tán hỗn dịch. Ngoài ra trong thành phần bột có thể thêm các chất như acid hữu cơ (acid citric, tartric, …) và muối của kim loại kiềm (Na2CO3 , Mg(HCO3)2, …) tạo thành dạng sủi bọt giúp tăng hấp thu đồng thời giảm bớt mùi vị khó chịu của thuốc.

Tài liệu tham khảo

Dược điển Việt Nam V

Xem thêm: Kỹ thuật bao đường là gì? Quy trình bào chế viên nén bao đường

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here