Tất tần tật những điều cần biết về sẹo rỗ, cách điều trị sẹo rỗ

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Sẹo rỗ là gì?

Nhathuocngocanh.comSẹo rỗ là một vấn đề gây mất thẩm mỹ và làm bạn mất tự tin? Bạn muốn loại bỏ các vết sẹo đó ngay lập tức nhưng chưa biết phải làm sao bởi vì chưa hiểu rõ về nó? Hôm nay nhà thuốc Ngọc Anh sẽ đem đến cho bạn hiểu rõ về sẹo rỗ là gì cũng như cách phòng ngừa, các phương pháp điều trị sẹo rỗ như thế nào cho hiệu quả.

Sẹo rỗ là gì?
Sẹo rỗ là gì?

1, Sẹo rỗ là gì?

Sẹo rỗ là một tình trạng xuất hiện sau khi bị mụn, tập trung thành từng đám ở mặt và rất khó khăn trong việc điều trị.

Đây là hậu quả của tổn thương sâu nghiêm trọng trên da. Ở tầng trung bì của da, tổ chức nguyên bào sợi bị tổn thương, gây tổn thương da quá sâu, đồng thời thiếu hụt collagen trong quá trình lành thương.

Bản chất là do ở trung bì và các tổ chức da, các tế bào mô liên kết của da bị đứt gãy, thiếu hụt sợi collagen và elastin, từ đó hình thành sẹo rỗ và làm cho việc điều trị sẹo triệt để là vô cùng khó khăn, đặc biệt là với những người tuổi tác càng cao.

Theo các chuyên gia, hiện tại chưa có một nghiên cứu nào khẳng định hoàn toàn 100% là sẽ điều trị triệt để được sẹo rỗ, chỉ tối đa 90% là có thể khắc phục được. Nhất là có những trường hợp mà da bị lõm lan rộng và sâu do các vết sẹo để lâu tạo thành, khiến cho bệnh nhân rất tự ti về ngoại hình của bản thân.

2, Những nguyên nhân nào gây hình thành sẹo rỗ?

2.1, Sẹo rỗ hình thành sau tình trạng mụn trứng cá, mụn bọc, mụn đầu đen…

Điều trị mụn không đúng cách, thói quen sờ, nặn mụn là nguyên nhân chính gây ra sẹo. Làn da sẽ bị tổn thương, viêm nhiễm sẽ có thể bị hoại tử và ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành sẹo. Thậm chí chân sẹo có thể bị cố định và phát triển thành sẹo rỗ lâu năm nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

Các loại vi khuẩn có hại sẽ dễ dàng xâm nhập vào trong vết mụn và làm tăng nguy cơ hình thành sẹo thông qua các vết xước từ hành động sờ hay nặn mụn của bạn, dù cho tay bạn có sạch đi chăng nữa.

Ngoài ra, nếu da của bạn được điều trị không đúng khoa học khi bị mụn kéo dài, mật độ dày đặc, dần dần các vết mụn như mụn bọc, mụn mủ cũng sẽ dễ hoại tử, các mô ở da dần mất đi và để lại vết lõm trên da, hình thành sẹo rỗ.

2.2, Sẹo rỗ hình thành sau khi bị các bệnh về da liễu như Thủy Đậu (Trái Rạ)

Thủy đậu là một bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi gây ra tình trạng phát ban da cấp và rất dễ lây lan. Nếu điều trị bệnh không kịp thời, triệt để thì rất dễ xảy ra biến chứng viêm da bội nhiễm, từ đó sẽ gây hình thành sẹo rỗ do tổn thương dưới hạ bì.

Sẹo do thủy đậu thường lớn hơn sẹo do mụn để lại nhưng nông hơn. Chúng thường là các vết lõm, kích thước to nhỏ phụ thuốc vào bệnh nặng hay nhẹ, bề mặt rộng khoảng 3-8mm và nằm rải rác.

Đối với mức độ nhẹ thì sẹo có thể tự lành mà không cần điều trị, tuy nhiên nếu ở mức độ nặng kết hợp với chế độ chăm sóc và điều trị sẹo không tốt thì không dễ để chữa khỏi và có thể gây sẹo rỗ vĩnh viễn.

2.3, Sẹo rỗ hình thành sau các tai nạn đáng tiếc như tai nạn giao thông, bị bỏng…

Sau khi xảy ra các tai nạn thì vùng da sẽ bị tổn thương, mức độ tổn thương có thể nặng hoặc nhẹ. Nếu bạn không chăm sóc kỹ vết thương và điều trị chúng sớm thì rất dễ gây ra sẹo rỗ lớn. Các vết sẹo nếu để lâu không điều trị thì khả năng lành sẹo là rất khó và có thể gây sẹo vĩnh viễn trên da.

2.4, Sẹo rỗ hình thành do việc sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng hay không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Việc này thường xuyên xảy ra trong đời sống của chúng ta. Thường xuyên sử dụng các mỹ phẩm kém chất lượng như thế này sẽ trực tiếp khiến cho da dễ bị kích ứng, nhiễm trùng, lên mụn… và nếu bạn không điều trị, chăm sóc da cẩn thận thì lâu dài nó sẽ hình thành nên các vết sẹo rỗ, ảnh hưởng tới thẩm mỹ của da.

3, Sẹo rỗ được chia thành mấy loại?

Phân loại sẹo rỗ

Người ta phân chia sẹo rỗ theo 2 cách:

Cách 1: Phân loại dựa vào hình dạng của vết sẹo thì có 4 loại chính:

  • Sẹo hình chân vuông (sẹo đáy hộp):

Nguyên nhân gây ra sẹo: Vùng da bị tổn thương bị thiếu hụt collagen để tạo ra mô liên kết trên da, nguyên nhân chủ yếu là do không chăm sóc cẩn thận cũng như điều trị triệt để vết tổn thương da do nặn mụn (mụn trứng cá, mụn nang…), bệnh thủy đậu…

Một nguyên nhân khác có thể là do yếu tố di truyền và cơ địa cũng dễ gây ra sẹo rỗ chân vuông.

Đặc điểm: vết sẹo hình dáng hố lõm, có chân hình vuông, đáy nông, bằng phẳng, chiều sâu khoảng 1,5mm và đường kính sẹo từ 2-4mm.

Một lưu ý nhỏ đây là biến thể nặng nhất của sẹo rỗ, nó rất khó để điều trị và vết sẹo cũng khó biến mất hẳn mà chỉ mờ theo thời gian, do đó rất ảnh hưởng tới phương pháp điều trị cũng như sự kiên trì của bạn.

  • Sẹo hình chân đá nhọn:

Nguyên nhân gây ra sẹo: Do nặn mụn trứng cá bọc, mụn nang sai cách và thường xuyên; điều trị mụn đầu đen, đầu trắng không cẩn thận, từ đó sẽ làm cho lớp hạ bì bị tổn thương nặng, collagen và elastin bị đứt gãy không thể tái tạo lại, từ đó gây hình thành sẹo rỗ đáy nhọn.

Yếu tố di truyền hay cơ địa cũng là một nguyên nhân có thể gây ra sẹo rỗ đá nhọn.

Đặc điểm: Hình dạng và kích thước vết sẹo sẽ khác nhau phụ thuộc vào mức độ tổn thương nặng hay nhẹ trên da.

Thông thường sẹo có dạng như 1 vết đâm vào da, hẹp và sâu, chiều dài hơn 0,5mm và đường kính sẹo không quá 2mm.

  • Sẹo hình lượn sóng:

Nguyên nhân gây ra sẹo: Do di chứng sau việc nặn những vết mụn trứng cá bị viêm phần u nang, ăn sâu vào lớp biểu bì gây phá hủy làn da. Nếu không điều trị mụn sớm thì các hố lõm trên da sẽ xuất hiện do các tế bào da bị viêm và hoại tử không được tái tạo lại.

Đặc điểm: Vết sẹo hình lượn sóng có chân hình tròn, miệng rộng hơn 4-5mm và khá sâu do được tạo ra từ những tổn thương dưới bề mặt da.

  • Sẹo hỗn hợp:

Xuất hiện trên cùng một vùng da tất cả 3 loại sẹo kể trên. Loại sẹo này rất nặng do bao gồm cả 3 loại sẹo trên, do đó việc điều trị vô cùng khó khăn và cần sự can thiệp của các công nghệ điều trị tiên tiến, hiện đại và chuyên sâu.

Cách 2: Phân loại dựa vào mức độ bị sẹo thì có 3 mức độ chính:

  • Sẹo rỗ nhẹ:

Dễ dàng dấu đi được thông qua việc trang điểm và dễ dàng điều trị.

Dấu hiệu nhận biết là vùng da có sẹo bị lõm nhẹ, xuất hiện rải rác và khó phát hiện khi nhìn từ xa.

  • Sẹo rỗ trung bình:

Điều trị khó khăn hơn mức độ nhẹ nhưng nếu kiên trì điều trị từ sớm với phương pháp đúng thì sẽ đạt kết quả tốt.

Dấu hiệu nhận biết là vùng da xuất hiện các vết sẹo lõm vừa phải, tập trung chủ yếu ở 2 bên má và dễ dàng phát hiện ra.

  • Sẹo rỗ nặng:

Với mức độ này thì việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi việc điều trị sớm, kiên trì và phải can thiệp các phương pháp hiện đại thì mới đỡ được.

Dấu hiệu nhận biết là cấu trúc mô liên kết ở trên bề mặt và vùng dưới da bị biến đổi gây hình thành nên các vết sẹo lõm sâu, có chân sẹo ổn định. Vùng da có sẹo trở nên thô ráp, dày, sần sùi và tập trung chủ yếu ở vùng trán, gò má và 2 bên thái dương.

4, Phương pháp điều trị sẹo rỗ

Có khá nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ trên thị trường. Ở bài viết này chúng tôi đề cập đến 2 phương pháp điều trị chính mà bạn có thể tham khảo đó là:

  • Phương pháp trị sẹo rỗ bằng kỹ thuật hiện đại.
  • Phương pháp trị sẹo rỗ từ các nguyên liệu tự nhiên.

4.1, Phương pháp trị sẹo rỗ bằng kỹ thuật hiện đại

Theo các chuyên gia cho biết sẹo rỗ không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn được, tuy nhiên hiện nay cùng với các kỹ thuật công nghệ tiên tiến thì chúng ta có thể cải thiện sẹo rỗ lên tới 90%.

Điều trị sẹo rỗ bằng công nghệ lăn kim

Điều trị sẹo rỗ bằng công nghệ lăn kim

Đây là phương pháp trị sẹo đầu tiên mà các cơ sở thẩm mỹ trên toàn quốc hay sử dụng. Kỹ thuật lăn kim giúp kích thích làm lành các vết thương đồng thời tăng sản sinh collagen bằng cách tạo ra một tổn thương giả rất nhỏ trên da. Qua đó vùng da được hấp thu các dưỡng chất cần thiết, làn da dần mờ thâm và mịn màng hơn.

Điểm mạnh của phương pháp:

  • Chi phí hợp lý với từng phân khúc khách hàng khác nhau.
  • Thực hiện xong là có kết quả ngay tức thì.
  • Làn da đều màu, sáng, bề mặt da giảm gồ ghề và mịn màng hơn trước.
  • Giúp mờ thâm và cải thiện lỗ chân lông to.

Điểm yếu của phương pháp:

  • Phương pháp này không phù hợp đối với tình trạng sẹo rỗ nặng, lâu năm mà chỉ có thể khắc phục được các vết sẹo rỗ nhẹ và nông.
  • Làn da sau khi lăn kim sẽ dễ xuất hiện nám và da sẽ bị mỏng đi, không được đầy đặn như ban đầu.
  • Da của bạn sẽ bị sưng tấy và bong tróc sau lăn kim do vậy bạn cần một thời gian dài để phục hồi làn da.
  • Bạn cần có thời gian nghỉ ngơi và che chắn cẩn thận khi ra ngoài vì phương pháp này sẽ gây tổn thương da trên diện rộng, đồng thời làn da của bạn cũng sẽ bị sưng tấy và bong tróc sau lăn kim.

Điều trị sẹo rỗ bằng tia laser Fractional CO2

Đây là phương pháp thông dụng ở các quốc gia hàng đầu trên thế giới và được đánh giá cao bởi các giáo sư tiến sĩ đầu ngành da liễu.

Laser Fractional CO2 sử dụng những tia laser CO2 ở bước sóng λ = 10.600nm. Đây là bước sóng có khả năng tác động sâu vào da ở lớp hạ bì mà không ảnh hưởng đến vùng da xung quanh, tạo ra những tổn thương nhỏ trên da để kích thích tăng sinh collagen làm đầy sẹo rỗ nhanh, vừa an toàn và mang lại hiệu quả tốt.

Điểm mạnh của phương pháp:

  • Chi phí hợp lý với từng phân khúc khách hàng.
  • Đạt hiệu quả cao chỉ trong thời gian ngắn điều trị cũng như đảm bảo an toàn do không gây xâm lấn, ảnh hưởng tới các vùng da xung quanh.
  • Giúp se khít lỗ chân lông, ngăn ngừa các vết thâm nám, nếp nhăn, chống lão hóa da.
  • Sau điều trị bạn sẽ có làn da sáng, mịn màng, săn chắc đều màu và bề mặt da giảm gồ ghề, bằng phẳng hơn.

Điểm yếu của phương pháp:

  • Tùy thuộc vào mỗi loại sẹo thì sẽ có cách điều trị chuyên sâu cho nó, do đó mà phương pháp này cũng không thể phù hợp với tất cả các vết sẹo nhất là hiệu quả kém đối với các vết sẹo quá sâu.
  • Phương pháp này cũng giống như lăn kim, bệnh nhân cần thời gian để phục hồi các vết bong tróc da sau điều trị, tuy nhiên mức độ lành của laser sẽ nhanh và dễ dàng hơn lăn kim.

Điều trị sẹo rỗ bằng kỹ thuật thay da vi siêu điểm

Đây là một phương pháp sẽ đem lại làn gió mới cho bạn bởi sự thay một làn da mới, rất được mọi người ưa dùng nhờ hiệu quả tốt mà nó đem lại.

Phương pháp này cũng sử dụng các biện pháp nhằm tạo ra các tổn thương giả từ bên ngoài vào sâu trong da, giúp kích thích tăng sinh collagen, tăng tự tái tạo da và liền sẹo, mang lại cho bạn một làn da mịn màng hơn mà lại rất an toàn và hiệu quả.

Điểm mạnh của phương pháp:

  • Hiệu quả và an toàn cho da của bạn.
  • Làn da đều màu, sáng hơn, bề mặt da giảm gồ ghề và mịn màng hơn sau điều trị.
  • Tình trạng sẹo rỗ trên da được khắc phục một cách nhanh chóng.

Điểm yếu của phương pháp:

  • Giống như 2 phương pháp trên, khi điều trị sẹo rỗ bằng công nghệ thay da vi siêu điểm thì bạn cần có thời gian nghỉ ngơi cũng như che chắn cẩn thận khi đi ra ngoài để phục hồi những vết tổn thương và bong tróc da nếu có.
  • Làn da cũng có thể xuất hiện nám và mỏng da sau khi điều trị.
  • Giống như lăn kim, phương pháp này cũng có hiệu quả kém đối với các vết sẹo rỗ nặng, quá sâu và lâu năm, vì thế thường chỉ sử dụng để điều trị sẹo rỗ giai đoạn nhẹ và nông.

Điều trị sẹo rỗ bằng kỹ thuật cấy da siêu vi điểm

Trị sẹo rỗ bằng kỹ thuật cấy da siêu vi điểm

Đây cũng là một phương pháp điều trị sẹo rỗ an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. Làm đầy sẹo rỗ một cách tự nhiên nhờ việc phá vỡ cấu trúc của mô liên kết da ở vùng sẹo rỗ, từ đó kích thích các mô da tăng sinh collagen, tăng tái tạo và thay thế các tế bào da bị tổn thương.

Điểm mạnh của phương pháp:

  • So với 3 phương pháp kể trên thì phương pháp này có ưu thế hơn ở chỗ có hiệu quả ngay cả với các tình trạng sẹo rỗ nặng, sâu và phức tạp nhất.
  • An toàn, thân thiện với mọi làn da, không gây đau và thực sự hiệu quả nhờ sự kết hợp việc bắn laser fractional nhằm làm sáng da, loại bỏ tế bào chết đồng thời với việc đưa tế bào gốc trực tiếp vào vết sẹo rỗ để lấp đầy chúng.
  • Sau khi điều trị, làn da trở nên mịn màng, căng bóng và khỏe mạnh hơn.
  • Có hiệu quả nhanh chóng sau mỗi lần điều trị.

Điểm yếu của phương pháp:

  • Bởi vì tính an toàn cũng như hiệu quả tốt mà nó đem lại nên công nghệ này có chi phí khá tốn kém, không phù hợp hết với tất cả phân khúc khách hàng.

4.2, Phương pháp trị sẹo rỗ từ các nguyên liệu tự nhiên

Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng những nguyên liệu tự nhiên để chăm sóc và làm đẹp da, trong đó cũng có ứng dụng để điều trị sẹo rỗ, vừa rẻ, dễ kiếm, thích hợp làm tại nhà mà lại thân thiện với làn da. Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm là thời gian điều trị lâu nên bạn cần phải kiên trì trong thời gian dài.

Dưới đây là một số phương pháp trị sẹo từ nguyên liệu tự nhiên mà bạn có thể tham khảo.

Điều trị sẹo rỗ bằng nha đam

Sử dụng nha đam điều trị sẹo rỗ

Nha đam từ lâu đã được chị em ưa chuộng để làm đẹp, bởi có công dụng giúp dưỡng ẩm, cấp nước, tăng đàn hồi da, trẻ hóa làn da… do thành phần chứa nhiều dưỡng chất như các loại acid amin, khoáng chất (Zn, Mg, Cu…), vitamin (E, D, A, B…) và với lượng nước trong gel rất lớn tới 99%.

Ngoài ra các khoáng chất trong cây còn giúp làm lành thương nhanh, đầy sẹo lõm và làm cho làn da mịn màng, săn chắc hơn nhờ tác dụng tăng kích thích tổng hợp collagen và elastin ở chỗ tổn thương.

  • Cách thực hiện:

Bạn tách lấy phần gel trong lá nha đam sau khi đã rửa sạch, sau đó đem đi xay để được hỗn hợp lỏng nhớt, bảo quản trong tủ lạnh.

Bạn cần kiên trì thực hiện 2-3 lần/tuần cho đến khi không còn sẹo rỗ. Trước khi bôi bạn cần làm sạch và để da khô ráo, mỗi lần bôi một lớp mỏng vừa đủ vào vùng da cần điều trị trong 20 phút rồi đem rửa sạch.

Điều trị sẹo rỗ bằng vitamin E

Vitamin E có rất nhiều công dụng trong làm đẹp như chống oxh, chống lão hóa da, điều hòa da tự nhiên, tăng cường chỉ số chống nắng, giữ ẩm cho da, chống viêm da, mờ thâm nám, mềm mịn da… Ngoài ra vitamin E còn giúp làm tăng độ đàn hồi giúp da nhanh chóng đẩy mạnh làm liền sẹo rỗ nhờ cung cấp collagen và elastin, do vậy được chị em ưa dùng trong điều trị sẹo rỗ.

  • Cách thực hiện:

Bạn tách lấy phần dung dịch trong viên vitamin E ra ngoài, có thể cắt đôi để lấy. Trước khi bôi bạn phải rửa sạch tay cũng như vùng da cần thoa và chờ khô ráo.

Bôi lên vùng da bị sẹo rỗ và để qua đêm cho các dưỡng chất thấm sâu vào da và sáng hôm sau rửa mặt lại.

Bạn cần kiên trì sử dụng 2-3 lần/tuần cho đến khi mờ sẹo, thực hiện 1 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và không nên sử dụng thường xuyên vì sẽ gây bào mòn da.

  • Lưu ý:

Vitamin E có thể gây bít tắc lỗ chân lông và gây mụn nên thường chỉ thích hợp với người da khô hoặc hỗn hợp thiên khô.

Viên vitamin E được sử dụng trong cách này phải là loại có thể dùng để bôi ngoài da, tránh việc sử dụng vitamin E đường uống bôi mặt sẽ dễ gây kích ứng da, mọc mụn.

Ngoài việc bôi vitamin E thì bạn có thể uống trực tiếp hoặc ăn nhiều rau xanh, các loại quả, hạt… chứa nhiều vitamin E.

Trị sẹo rỗ bằng vitamin E

Điều trị sẹo rỗ bằng mật ong

Mật ong có chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho da như vitamin (E, A, B, C, D…), các khoáng chất và các chất kháng khuẩn, giúp kháng viêm, trị mụn, cấp ẩm cho da, chống lão hóa da, giảm thâm sẹo… giúp làn da sáng, mịn màng, tươi trẻ hơn.

  • Cách thực hiện:

Bạn luôn nhớ rửa sạch tay, vùng da cần thoa sạch sẽ và để khô ráo trước khi thoa lên mặt, sau đó bôi một lớp mỏng vừa đủ và mát xa trong 15-20 phút rồi đem rửa sạch.

Bạn có thể tiếp tục sử dụng các bước làm đẹp da sau đó.

Bạn cần kiên trì sử dụng 2-3 lần/tuần cho đến khi mờ sẹo, nên thực hiện 1 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.

  • Lưu ý:

Trước khi thoa mật ong lên da mặt bạn nên test thử một ít trước vào phần da khỏe để xem có bị kích ứng không, nếu có thì bạn nên ngừng sử dụng.

Nếu bạn là da dầu hoặc hỗn hợp thiên dầu cũng nên cân nhắc trước khi dùng vì có thể gây kích ứng, mọc mụn do bít lỗ chân lông.

Điều trị sẹo rỗ bằng nghệ

Nghệ từ lâu đã được biết đến nhờ công dụng điều trị sẹo của nó.

Thành phần chứa nhiều dưỡng chất như các vitamin (E, A…) và khoáng chất, trong đó có curcumin là chất có tính kháng khuẩn, chống viêm, kết hợp với vitamin E, A có tính chống oxh sẽ giúp ngăn ngừa các tế bào viêm nhiễm, tăng phục hồi, tái tạo da và làm đầy sẹo rỗ. Kết hợp tinh bột nghệ cùng với mật ong sẽ đem lại kết quả cao hơn.

  • Cách thực hiện:

Tách lấy nước cốt từ củ nghệ tươi sau khi làm sạch và xay nhuyễn, sau đó trộn mật ong với nghệ theo tỉ lệ 1:3.

Bôi lớp mỏng vừa đủ lên vùng da có sẹo rỗ, kết hợp mát xa trong 15-20 phút rồi đem rửa sạch lại với nước.

Kiên trì thực hiện 3-4 lần/tuần trong khoảng 2 tháng cho đến khi mờ sẹo.

  • Lưu ý:

Giống như các biện pháp trên thì bạn nên test thử trước khi bôi để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn cho da.

Điều trị sẹo rỗ từ quả bơ

Thành phần chứa nhiều khoáng chất và vitamin ( A, E…) rất thích hợp trong việc làm đẹp da mà lại còn tốt cho sức khỏe của bạn.

  • Cách thực hiện:

Làm sạch quả bơ, tách lấy phần thịt và xay nhuyễn tạo thành khối nhão, sau đó trộn với một ít bột trà xanh và mật ong.

Thoa hỗn hợp mỏng vừa đủ lên vùng sẹo rỗ, mát xa trong 15-20 phút rồi đem rửa lại bằng nước sạch.

Kiên trì thực hiện mỗi tuần đến khi làn da không còn sẹo, bạn sẽ có một làn da mịn màng, tươi trẻ.

Sử dụng bơ để trị sẹo rỗ như thế nào?

5, Một số lưu ý khi điều trị sẹo rỗ?

Điều trị sẹo rỗ là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân cũng như tốn kém về tiền bạc, công sức, do vậy người bệnh cần chú ý một số điều dưới đây để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.

5.1, Hãy điều trị sẹo rỗ sớm nhất có thể

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, mức độ lành sẹo phụ thuộc nhiều vào thời gian hình thành và mức độ tổn thương. Đối với các vết sẹo mới sẽ dễ điều trị do chân sẹo đang còn non, chưa xơ cứng hoàn toàn, còn nếu sẹo ở mức độ nặng và để lâu thì việc điều trị được là rất khó và càng gây tốn thời gian và tiền bạc hơn.

5.2, Tuân thủ liệu trình điều trị sẹo rỗ của bác sĩ da liễu

Thông thường, một liệu trình điều trị sẹo rỗ thường kéo dài và mất khá nhiều thời gian, phụ thuộc vào mức độ, thời gian bị sẹo và cơ địa của bệnh nhân. Nếu bạn không tuân thủ hay bỏ ngang việc điều trị thì lại mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc điều trị lại, vì vậy đòi hỏi bạn phải kiên trì tuân thủ liệu trình thì mới đem lại hiệu quả tốt nhất.

5.3, Phải lựa chọn được phương pháp điều trị sẹo rỗ thích hợp

Việc lựa chọn phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào mức độ, hình dáng cũng như cơ địa của bệnh nhân. Để có hiệu quả cao bạn nên nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.

5.4, Nên để các bác sĩ chuyên khoa da liễu điều trị cho bạn

Sẹo rỗ rất khó điều trị, vì vậy bạn cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Họ là những người có chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng, do đó bạn sẽ được tư vấn kỹ lưỡng trước khi bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả cho bạn.

5.5, Điều trị sẹo rỗ ở nơi uy tín, có giấy phép hoạt động

Các cơ sở vật chất, thuốc hỗ trợ, trang thiết bị, chuyên môn của nhân viên, bác sĩ… đều được thẩm định nghiêm ngặt ở các nơi có giấy phép hoạt động. Việc bạn điều trị sẹo rỗ ở những phòng khám, spa… không uy tín có thể ảnh hưởng đến kết quả trị sẹo và sức khỏe của bạn.

6, Đối tượng nào dễ bị sẹo rỗ nhất?

Đa số những người dễ bị sẹo rỗ nhất là ở độ tuổi dậy thì.

Ở độ tuổi này này da mặt rất dễ bị nổi mụn do thời kỳ này bản thân có nhiều sự thay đổi và các hormon trong cơ thể tăng mạnh.

Mặt khác, giai đoạn này bản thân chưa biết chăm sóc da đúng cách, thường xuyên nặn mụn, sờ tay lên mặt không hợp vệ sinh, dùng những sản phẩm chăm sóc da kém chất lượng, dễ kích ứng da, bào mòn da… đều làm tăng nguy cơ hình thành sẹo rỗ sau mụn.

7, Chăm sóc da nghiêm ngặt tại nhà khi bị sẹo rỗ

  • Đi khám da liễu sớm nếu thấy tình trạng mụn sưng mủ quá lâu không đỡ.
  • Luôn che chắn, thoa kem chống nắng mỗi ngày cả khi ở nhà và khi đi ra ngoài.
  • Không thức quá khuya, tốt nhất nên đi ngủ sớm trước 12h tối để làn da được hồi phục và tái tạo lại.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, lượng nước tùy thuộc vào thể trạng cơ thể của mỗi người để giúp da không bị mất nước sẽ gây ảnh hưởng xấu đến làm lành sẹo.
  • Bổ sung nhiều rau xanh, quả chín… để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất và chất xơ, góp phần cải thiện tình trạng sẹo, da sáng mịn, khỏe mạnh hơn.
  • Chọn mua các sản phẩm điều trị sẹo rỗ ở nơi uy tín, xem xét nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn, không nên ham rẻ mà chọn phải sản phẩm kém chất lượng.
  • Luôn giữ da mặt sạch sẽ, cố gắng không chạm tay vào mặt, trừ những lúc phải làm sạch mặt thì phải vệ sinh tay sạch sẽ trước.
  • Đối với trường hợp bị thủy đậu thì bạn nên chú ý đến chế độ chăm sóc bản thân, bổ sung đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi… để phòng sẹo và điều trị sẹo rỗ kịp thời nếu có.

Để điều trị dứt điểm được sẹo rỗ là vô cùng nan giải. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về sẹo rỗ và có những biện pháp giải quyết hợp lý hơn cho tình trạng sẹo của mình.

Tài liệu tham khảo: Scar management: prevention and treatment strategies, pubmed, truy cập ngày 2/11/2021

Xem thêm:

[Top 5] Kem trị mụn cho nam được sử dụng phổ biến nhất hiện nay

1 thoughts on “Tất tần tật những điều cần biết về sẹo rỗ, cách điều trị sẹo rỗ

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here