Bệnh sùi mào gà là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Bệnh sùi mào gà là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

nhathuocngocanh.com – Một trong những bệnh xã hội có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất hiện nay là bệnh sùi mào gà. Đường lây lan chủ yếu của bệnh là qua đường tình dục. Sùi mào gà không gây đau xong lại tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Bệnh sùi mào gà là gì?

Sùi mào gà, còn được gọi là sùi mào gà sinh dục hay mụn cóc sinh dục, gây bệnh ở da và niêm mạc xung quanh bộ phận sinh dục của con người. Các mụn thường do virus HPV (Human papilloma), một loại virus gây u nhú gây nên.

Sùi mào gà
Sùi mào gà

Sùi mào gà là một bệnh xã hội bởi nó lây truyền qua đường sinh dục, thường do quan hệ tình dục không an toàn. Các mụn, u nhú ở da và niêm mạc do bệnh gây nên thường tụ lại thành từng đám, có hình dáng tương đối giống mào gà nên được gọi là sùi mào gà. Các u nhú này là ổ chứa virus HPV. Khi chúng bong ra làm giải phóng virus sang khu vực khác làm xuất hiện nhiều vết sùi hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 50% tỷ lệ nam giới và nữ giới từng quan hệ tình dục nhiễm HPV. Trong khi đó, sùi mào gà thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ, khoảng từ 20 – 30 tuổi. Đây là lứa tuổi bước vào giai đoạn sinh sản do đó cần hết sức lưu tâm.

Triệu chứng của sùi mào gà

Sùi mào gà xảy ra ở cả nam và nữ giới. Ban đầu, thời gian ủ bệnh của virus HPV sẽ rơi vào khoảng 2 – 9 tháng. Sau giai đoạn này, người bệnh mới có các triệu chứng cụ thể và rõ rệt:

  • Mụn ở thời gian đầu xuất hiện không gây đau, không ngứa. Các mụn có đầu hơi nhọn như nhú gai, hình dáng mảnh dẹt, xếp đơn độc. Mụn màu hồng nhạt, bề mặt thô ráp.
  • Sau đó, các mụn khu trú lại thành từng đám, tương đối giống mào gà. Chúng có thể phát triển thành gai, dàn trải tới vài cm trên da và niêm mạc.
  • Các mụn lâu dần mềm, vỡ ra khiến đám sùi trở nên ẩm ướt và tạo điều kiện lây lan virus. Lúc này, ấn vào vùng sùi sẽ có cảm giác đau.

Sùi mào gà thường xuất hiện ở miệng sáo, bao quy đầu, rãnh quy đầu hay thân trên dương vật nam. Đối với nữ giới, các nốt sùi có thể ở hai môi, âm đạo, âm hộ hoặc lan sâu vào trong cổ tử cung và màng trinh. Bệnh cũng dễ tái phát do có một số vị trí khó làm sạch như niệu đạo, cổ tử cung…

Nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà không biểu hiện các cơn đau dữ dội như các bệnh sinh dục khác. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây ra tình trạng bệnh là do virus gây u nhú sinh dục HPV gây nên. Virus này xâm nhập và lây lan sau quan hệ tình dục không an toàn dưới mọi hình thức. HPV-6 và HPV-11 là 2 hai trong hơn 100 type của virus HPV gây ra bệnh này.

Sùi mào gà
Sùi mào gà

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mắc bệnh bởi các nguyên nhân sau:

  • Lây truyền từ mẹ sang con: Ở giai đoạn mang thai, người phụ nữ nhiễm HPV bị sùi mào gà thì khả năng lây nhiễm sang con là tương đối cao. Nguyên nhân là do HPV dễ dàng xâm nhập qua hàng rào nhau thai, nước ối hay trong quá trình sinh nở.
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót, bàn chải… : Ngoài môi trường, HPV tồn tại từ 1 ngày – 1 tuần mà không bị giảm độc lực. Việc dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị sùi mào gà làm tăng khả năng lây nhiễm HPV cho bản thân.
  • Người bị suy giảm miễn dịch: Các virus như lao, HIV… gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người, làm khả năng chống chịu của cơ thể trở nên yếu ớt. Theo đó, HPV dễ tấn công và gây bệnh.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp dùng chung nhà tắm, bồn vệ sinh cũng có khả năng bị virus HPV tấn công nếu đối phương mắc bệnh sùi mào gà. Do đó, cần vệ sinh sạch sẽ và tránh dùng chung để tránh nguồn lây.

Bệnh sùi mào gà có nguy hiểm không?

Sùi mào gà không gây đau nhức, sốt hay mệt mỏi cho cơ thể. Các triệu chứng của bệnh cũng không rầm rộ như nhiều bệnh phụ khoa khác. Tuy nhiên được coi là một trong những bệnh xã hội nguy hiểm hàng đầu cần được phòng ngừa và điều trị. Bệnh kéo dài tăng nguy cơ kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó 2 type 16 và 18 của loại virus này gây ra biến chứng nặng nề nhất:

  • Gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới và ung thư dương vật ở nam giới.
  • Làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn do virus xâm nhập làm tổn thương đường sinh dục như tinh hoàn, niệu đạo, buồng trứng, tử cung…
  • Dễ gây sinh non, làm tăng nguy cơ sảy thai ở nữ giới.

Do đó, bệnh sùi mào gà cần được điều trị kịp thời. Khi cơ thể bắt đầu xuất hiện mụn nhọt ở vùng kín, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế uy tín. Đừng ngại ngùng chia sẻ tình trạng của mình, có như vậy mới phối hợp điều trị với bác sĩ hợp lý để đẩy lùi bệnh.

Điều trị bệnh sùi mào gà

Dây được coi là bệnh nguy hiểm một phần là do hiện nay nó chưa có thuốc đặc trị. Tuỳ vào từng vị trí của vết sùi, bác sĩ sẽ có sản phẩm điều trị thích hợp:

Sùi mào gà
Sùi mào gà

Sùi mào gà ở vùng sinh dục ngoài và hậu môn:

  • Chấm dung dịch sát khuẩn, làm giảm mụn sùi mào gà: Acid trichloracetic 80 % – 90 %, Podophyllin 10 % – 25 %… Nên dùng tăm bông sạch để bôi xung quanh các vùng bị sùi và bôi theo kiểu vòng tròn từ ngoài vào trong để tránh lây lan virus.
  • Đốt điện, laser hoặc đốt lạnh bằng nitơ lỏng: dùng khi các vết sùi đã lan rộng hơn và ẩm ướt.
  • Phẫu thuật cắt bỏ, nạo: áp dụng khi các vết sùi đã loét sâu.

Sùi mào gà trong âm đạo: Dùng thuốc chấm hoặc đốt điện, laser.

Sùi mào gà ở miệng sáo, cổ tử cung: Không thể đưa thuốc chấm mụn tới vị trí này, phương pháp hay dùng là đốt điện, đốt lạnh bằng nito lỏng hoặc dùng laser.

Phụ nữ mang thai cần đảm bảo an toàn cho thai nhi do đó có số thuốc cần lưu ý khi được sử dụng:

  • Acid trichloracetic dùng được cho phụ nữ có thai nhưng không chấm vào phía trong hậu môn, tử cung hay lỗ niệu đạo.
  • Podophyllotoxine không dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà

Có thể thấy, điều trị bệnh sùi mào gà gặp nhiều khó khăn cho người bệnh không chỉ về thời gian, chi phí mà cả công sức. Do đó, điều an toàn nhất và ưu tiên hàng đầu vẫn là phòng ngừa bệnh. Việc phòng ngừa bệnh dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Thực hiện các lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn:

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, đồ lót, khăn tắm…
  • Vệ sinh cơ thể, nhất là vùng kín sạch sẽ mỗi ngày.
  • Không quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn, nên sử dụng đồ bảo hộ khi quan hệ.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đúng và đủ giấc.
  • Tiêm vacxin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Độ tuổi thích hợp nhất để tiêm vacxin này là từ 9 – 26 tuổi. Tiêm ở giai đoạn này, vacxin phát huy tác dụng tới gần 100% hiệu quả của nó. Lưu ý rằng đối với phụ nữ đã qua quan hệ tình dục, tiêm vacxin là vô nghĩa.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
  • Khám sức khỏe định kỳ, vừa tầm soát nguyên nhân vừa giúp nắm bắt chính xác về tình trạng sức khoẻ của bạn.

Bài viết trên cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh sùi mào gà. Hy vọng rằng những thông tin này giúp ích bạn đọc trong phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.

Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả: Nhân viên phòng khám Mayo, Genital warts, Mayoclinic, đăng ngày 20 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 25/12/2021.
  2. Tác giả: Carolyn Kay, M.D, Genital Warts, Healthline, đăng ngày 21 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 25/12/2021.
  3. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, truy cập ngày 2/1/2024.

Xem thêm:

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here