Siro đơn là gì? Phương pháp điều chế siro đơn và phối hợp dược chất

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhathuocngocanh.com – Bài viết sau đây, nhà thuốc Ngọc Anh gửi tới bạn đọc các Phương pháp điều chế siro đơn và phối hợp dược chất.

Siro đơn là gì?

Sirô đơn là một dung dịch đường trắng có nồng độ gần bão hòa trong nước tinh khiết không có dược chất, chỉ có các chất làm thơm và điều vị, được dùng để phối hợp với dược chất khi pha chế thuốc.

Thành phần của siro đơn

Đường trong siro đơn thường dùng là đường saccharose, ngoài ra có thể sử dụng các đường khác như glucose, fructose, sorbitol, mannitol.

Ngoài ra có thể phối hợp thêm các thành phần tá dược thích hợp khác vào siro đơn như

Chất điều vị như các acid hữu cơ (acid citric, acid tactric, …), hoặc các chất tạo vị trái cây khác.

Chất điều hương thường dùng như: tinh dầu (cam, chanh, anh đào, dâu, …), chất giấu mùi mạnh (chloroform), nước thơm (nước bưởi, nước nhài), vanillin và dẫn chất.

Chất làm tăng độ tan của dược chất và ổn định dung môi như các chất diện hoạt (nên dùng các chất diện hoạt không ion hóa như tween, span, … do độc tính thấp, ít gây kích ứng, thích hợp dùng cho các chế phẩm thuốc dùng theo đường uống), các dung môi đồng tan trong nước (glycerin, ethanol, propylene glycol, …), các chất trung gian hòa tan phù hợp, với từng dược chất.

Chất chống oxy hóa tan trong nước: acid ascorbic, dinatri edetat, acid citric, cysteine, thiourea, natri bisulfit.

Chất bảo quản: acid benzoic, natri benzoate, nipagin, nipasol, benzalkonium clorid, chloroform, thimerosal.

Các chất tạo hệ đệm, điều chỉnh pH để tăng độ tan và độ ổn định của dược chất như đệm phosphate, đệm acetic/acetat, acid citric, acid hydroclori, natri hydroxid.

Các chất màu dùng cho dược phẩm, thực phẩm như chất tạo màu xanh (brilliant blue, patent), vàng (quinolein, palmatin, tartrazine, sunset, …), đỏ (erythrosine, …), …

Phương pháp điều chế siro đơn

Đầu tiên cần chuẩn bị lượng đường và nước cần dùng với tỉ lệ thích hợp để được siro mong muốn. Ví dụ siro đường sorbitol 70%, glucose 60%.

Điều chế siro:

Có hai phương pháp để điều chế siro đơn: điều chế bằng cách hòa tan nóng và điều chế bằng cách hòa tan ở nhiệt độ thường. Với mỗi phương pháp điều chế, tỉ lệ đường và nước sử dụng ban đầu có thể khác nhau. Ví dụ siro đường saccharose điều chế bằng cách hòa tan nóng thì nguyên liệu ban đầu cần 160g đường và 100g nước, còn nếu hòa tan ở nhiệt độ thường thì lượng nước và đường cần sử dụng ban đầu là 180g đường và 100g nước. Nguyên nhân do ở phương pháp hòa tan nóng có xảy ra sự bay hơi dung môi làm tăng nồng độ đường nên ban đầu chuẩn bị lượng đường ít hơn so với phương pháp hòa tan ở nhiệt độ thường để thu được các siro có nồng độ mong muốn tương tự nhau.

Phương pháp điều chế bằng cách hòa tan ở nhiệt độ thường

ngoccanhblognta 15
Điều chế Siro đơn ở nhiệt độ thường

Trước hết đặt đường đã chuẩn bị vào trong túi vải và nhúng ngập ngang bề mặt nước..Sau đó để yên cho quá trình hòa tan tự xảy ra theo cách đối lưu từ trên xuống. Chú ý chỉ khi nào đường đã hòa tan hoàn toàn thì mới khuấy đều. Khi đó ta thu được siro đơn có nồng độ đường đã xác định theo yêu cầu. Ngoài ra có thể điều chế siro đơn ở nhiệt độ thường bằng cách sử dụng thiết bị ngấm kiệt.

Phương pháp điều chế bằng cách hòa tan nóng

ngoccanhblognta 16
Điều chế siro đơn bằng cách hòa tan nóng

Hòa tan đường trong nước đặt trên nồi cách thủy và kiểm soát nhiệt độ không quá 60°C. Sau khi đường đã tan hết, tiến hành lọc nóng siro đơn qua nhiều lớp vải gạc. Với mỗi loại đường khác nhau, có thể cần kiểm tra tỉ trọng ở nhiệt độ khác nhau (ví dụ siro đơn saccharose có nồng độ 64% cần kiểm tra tỉ trọng ở 105°C cần đạt tỷ trọng là 1,26 hoặc kiểm tra ở 20°C với tỉ trọng 1,314). Cần lưu ý đến sự bay hơi dung môi trong quá trình đun nóng để điều chỉnh lượng đường và nước nguyên liệu ban đầu phù hợp.

Các tá dược có thể phối hợp ngay trong quá trình điều chế siro đơn hoặc được thêm vào sao khi đã phối hợp dược chất.

Một số lưu ý khi phối hợp dược chất vào siro đơn

Siro đơn có nồng độ đường cao nên có độ nhớt cao, do đó trước khi thêm dược chất vào cần đun nóng siro đơn để dễ dàng hòa tan và phân tán đều dược chất. Để tăng khả năng hòa tan dược chất vào siro đơn có thể sử dụng các dung môi dung môi thân nước như ethanol, glycerin, propylen glycol.

Với dược chất độc bảng A hoặc B, trước khi phối hợp vào siro đơn thì cần phải được hòa tan trong một lượng dung môi thích hợp tối thiểu tạo thành dung dịch dược chất.

Với dịch chiết dược liệu: để thuận tiện khi pha siro thuốc theo cách phối hợp với siro đơn, dịch chiết dược liệu có thể được cô đặc trước khi phối hợp. Dịch chiết đậm đặc thường được phối hợp vào siro đơn với tỉ lệ là 1:10.

Ưu nhược điểm của phương pháp điều chế siro thuốc

Ưu điểm: Việc hòa tan các dược chất vào siro đơn không làm giảm tỉ lệ đường và nước có trong siro thuốc. Hơn nữa siro thuốc được điều chế theo phương pháp này thì dược chất ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt hơn do với phương pháp hòa tan nóng đường vào dung dịch dược chất.

Nhược điểm: phương pháp chỉ áp dụng với các dược chất dễ tan trong siro đơn

Tài liệu tham khảo

Dược điển Việt Nam V

Xem thêm: Phương pháp bào chế thuốc mỡ Methyl salicylat 

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here