Rối loạn thích ứng: Khái niệm, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Rối loạn thích ứng

Tác giả: PGS.TS. Bùi Quang Huy

Bài viết Rối loạn thích ứng: Khái niệm, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị được trích trong sách Rối loạn lo âu của Nhà xuất bản Y học.

1. Khái niệm

Rối loạn thích ứng (còn gọi là rối loạn điều chỉnh) được đặc trưng bởi một phản ứng cảm xúc với một sự kiện chấn thương tâm lý. Đây là một trong số ít chẩn đoán, trong đó một sự kiện chấn thương tâm lý bên ngoài có liên quan đến sự phát triển của các triệu chứng. Thông thường căng thẳng liên quan đến các vấn đề về tài chính, bệnh tật, hoặc vấn đề trong quan hệ; Triệu chứng phát triển phức tạp có thể liên quan đến lo âu hoặc trầm cảm, hoặc rối loạn hành vi. Theo định nghĩa, các triệu chứng phải bắt đầu trong vòng 3 tháng sau khi cò chấn thương tâm lý. Các rối loạn điều chỉnh bao gồm: rối loạn điều chỉnh với trầm cảm, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc, rối loạn stress cấp, rối loạn stress sau sang chấn, phản ứng khi có tang và rối loạn điều chỉnh không biệt định.

2. Dịch tễ học

Tỷ lệ hiện mắc của rối loạn thích ứng được ước tính là từ 2 đến 8% dân số nói chung. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh gấp 2 lần nam giới. Phụ nữ độc thân là đối tượng có nguy cơ mắc rối loạn điều chỉnh cao nhất. Trẻ em và thanh thiếu niên, nam và nữ có tỷ lệ mắc bệnh như nhau.

Rối loạn thích ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên. Ở thanh thiếu niên cả 2 giới, các chấn thương tâm lý thường gặp là Vấn đề ở trường học, bị cha mẹ từ bỏ hoặc cha mẹ ly hôn, lạm dụng chất gây nghiện; còn ở người lớn, các chấn thương tâm lý hay gặp nhất là các vấn đề về hôn nhân, ly hôn, chuyển sang môi trường mới và các vấn đề về tài chính.

Rối loạn thích ứng là một trong những chẩn đoán phổ biến nhất cho số các bệnh nhân phải nhập viện vì các bệnh nội khoa và ngoại khoa. Khoảng 5% số bệnh nhân phải nhập viện điều trị là bị rối loạn thích ứng. có tới 50% những người bị các bệnh đặc biệt hoặc bị chấn thương tâm lý được chẩn đoán có rối loạn thích ứng.

3. Bệnh sinh

3.1. Yếu tố tâm lý

Theo định nghĩa, rối loạn thích ứng được gây ra bởi một hay nhiều chấn thương tâm lý. Các chấn thương tâm lý nặng không phải lúc nào cũng gây ra rối loạn điều chỉnh trầm trọng. Mức độ nghiêm trọng của rối loạn thích ứng là kết quả tổng hợp phức tạp của nhiều yếu tố như số lượng, độ dài của chấn thương tâm lý, sự đáp ứng điều trị, môi trường và bối cảnh Cá nhân (ví dụ: mất cha mẹ ảnh hưởng mạnh hơn đối với một đứa trẻ 10 tuổi so với người 40 tuổi). Nhân cách và trình độ văn hóa cũng góp phần ảnh hưởng đến phản ứng của người bệnh.

Căng thẳng có thể là một lần (chẳng hạn như ly dị hoặc mất việc làm), hoặc nhiều lần (chẳng hạn như cái chết của một người quan trọng đối với bệnh nhân, bị bệnh tật và mất việc làm). Căng thẳng có thể tái phát, chẳng hạn như các đợt kinh doanh khó khăn, bệnh mạn tính hoặc đói nghèo.

Mối quan hệ của bệnh nhân với các thành viên khác trong gia đình có thể bị ảnh hưởng nếu bệnh nhân là nạn nhân của một tội phạm hoặc bị bệnh thể chất. Đôi khi, các rối loạn điều chỉnh diễn ra trong một nhóm hoặc trong cộng đồng do những người bị rối loạn thích ứng có ảnh hưởng đến một số người khác. Hay gặp nhất là trong thiên tai hoặc trong các cuộc đàn áp chủng tộc, xã hội hay tôn giáo. Các giai đoạn đặc biệt trong đời người chẳng hạn như bắt đầu đi học, rời khỏi gia đình, lập gia đình, trở thành cha mẹ, không đạt được mục tiêu nghề nghiệp, nghỉ hưu, thường liên quan đến rối loạn thích ứng.

3.2. Yếu tố gia đình và gien di truyền

Một số người có nguy cơ cao bị rối loạn thích ứng khi bị chấn thương tâm lý. Một nghiên cứu trên hơn 2.000 cặp sinh đôi cho thấy các chấn thương tâm lý trong cuộc số có sự tương đồng rất cao trên các cặp sinh đôi cùng trứng và thấp ở các cặp sinh đôi khác trứng. Các yếu tố gia đình và gien di truyền chiếm khoảng 20% sự khác biệt trong hái nhóm sinh đôi đó. Một nghiên cứu trên các cặp sinh đôi khác kết luận răng gien di truyền và yếu tố gia đình có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng đáp ứng với các chấn thương tâm lý.

4. Triệu chứng

Mặc dù rối loạn thích ứng xảy ra là do chấn thương tâm lý, nhưng các triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện ngay sau khi có chấn thương tâm lý. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau 3 tháng bị chấn thương tâm lý.

Các triệu chứng của bệnh không phải lúc nào cũng giảm đi ngay khi chấn thương tâm lý kết thúc. Nếu chấn thương tiếp tục diễn ra, bệnh có thể diễn biến và trở thành mạn tính.

Rối loạn thích ứng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào kể cả người già và trẻ nhỏ. Triệu chứng ở các đối tượng rất khác nhau. Ở người lớn phổ biến nhất là xuất hiện các đặc điểm của trầm cảm, lo âu và hỗn hợp. Trẻ em và người cao tuổi phổ biến các triệu chứng về cơ thể. Một số triệu chứng có thể gặp khác: hành vi tấn công và lái xe thiếu thận trọng, uống rượu không kiểm soát, không thực hiện đúng các nghĩa vụ pháp lý, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ và có hành động tự tử.

– Rối loạn thích ứng với trầm cảm: trong rối loạn thích ứng với trầm cảm, các biểu hiện nổi bật là tâm trạng chán nản, buồn rầu và vô vọng. Loại này phải được phân biệt với rối loạn trầm cảm chủ yếu và người có tang. Thanh thiếu niên với loại rối loạn điều chỉnh này có nguy cơ bị rối loạn trầm cảm chủ yếu ở tuổi trưởng thành.

– Rối loạn thích ứng với lo âu: các triệu chứng lo âu như đánh trống ngực, đau và kích động có trong rối loạn điều chỉnh với lo ầu, cạn phải được phân biệt với các rối loạn lo âu.

– Rối loạn thích ứng với hỗn hợp lo âu và trầm cảm: trong rối loạn điều chỉnh này, bệnh nhân có các đặc điểm của cả lo âu và trầm cảm, nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn cho một rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm.

–   Rối loạn thích ứng với rối loạn hành vi: trong loại rối loạn điều chỉnh này có xảy ra sự xáo trộn hành vi, nó biểu hiện chủ yếu qua việc liên quan đến vi phạm các quy tắc xã hội phụ. họp với tuổi (ví dụ: trốn học, phá hoại, lái xe thiếu thận trọng và đánh nhau). Danh mục này phải dược phẩm biệt với rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống lại xã hội.

–   Rối loạn thích ứng với rối loạn hỗn loạn của cảm xúc và hành vi: sự kết hợp của những rối loạn cảm xúc và hành vi đôi khi xảy ra. Các bác sĩ được khuyến khích chì đặt một chẩn đoán cho các triệu chứng chiếm ưu thế hơn.

–   Rối loạn thích ứng không biệt định: các triệu chứng rối loạn điều chỉnh không rõ ràng cho bất kỳ thể bệnh nào đã nêu ở trên (ví dụ: như phản ứng không thích hợp với chẩn đoán bệnh tật thể chất, không tuân thủ điều trị, rút lui khỏi xã hội, không có tâm trạng chán nản hoặc lo lắng).

5. Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt theo DSM-5

5.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

A. Các triệu chứng rối loạn về cảm xúc hoặc hành vi trước một sự kiện gây sang chấn đã được xác định xảy ra cách đây khoảng 3 tháng..

B. Các triệu chứng hoặc hành vi của bệnh nhân có ý nghĩa trên lâm sàng, nó được biểu hiện bằng một hoặc cả hai tình huống dưới đây:

(1) Không tương xứng với mức độ nghiêm trọng hay cường độ của sang chấn, có tính đến các bối cảnh bên ngoài, các yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

(2) Sự suy giảm đáng kể các chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc một số chức năng quản trọng khác.

C. Rối loạn liên quan đến sang chấn nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn để chẩn đoán rối loạn tâm thần và không phải là một đợt cấp của một triệu chứng đã tồn tại từ trước.

D. Các triệu chứng này không phải là biểu hiện của việc có tang thông thường.

E. Khi tác nhân gây sang chấn hay hậu quả của nó đã kết thúc thì các triệu chứng của nó không kéo dài trên 6 tháng.

5.2. Chẩn đoán phân biệt

– Rối loạn trầm cảm chủ yếu: bệnh nhân trầm cảm chủ yếu có thể có khởi phát bệnh sau một chấn thương tâm lý, tuy nhiên, các triệu chứng của trầm cảm thường kéo dài trong nhiều tháng và hay tái phát.

– Rối loạn stress sau sang chấn: chấn thương tâm lý phải là các thảm họa (thiên nhiên hoặc nhân tạo), đủ sức gây đau khổ cho hầu hết người bình thường. Bệnh nhân phải có mảng hồi tượng về các khía cạnh của stress, có ác mộng, xa lánh vị trí tác nhân gây ra stress.

– Các rối loạn nhân cách; rối loạn nhân cách xuất hiện từ tuổi vị thành niên mà không có yếu tố chấn thương tâm lý phối hợp. Rối loạn nhân cách rất bền vững, không thay đổi theo thời gian.

– Các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến một bệnh cơ thể khác: bệnh nhân phải có một bệnh thực tổn, chính bệnh thực tổn này có thể được coi là chấn thương tâm lý nếu chúng là các bệnh nặng, khó chữa.

– Các phản ứng chấn thương tâm lý thông thường: các chấn thương tâm lý không quá mạnh, các phản ứng này không bền vững, thường hết sau khi được giải quyết thỏa đáng.

6. Tiến triển và tiên lượng

Nếu được điều trị, bệnh có tiên lượng rất tốt. Hầu hết các bệnh nhân đều phục hồi hoàn toàn trong khoảng 3 thặng. Một số bệnh nhân (nhất là người vị thành niên) bị rối loạn thích ứng sẽ phát triển thành trầm cảm chủ yếu hoặc phát triển thành lạm dụng chắt. Người vị thành niên thường cần nhiều thời gian để phục hồi hơn là người đã trưởng thành.

7. Điều trị

7.1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý hay được áp dụng để điều trị: cho rối loạn thích ứng. Liệu pháp nhóm tập họp những người có rối loạn thích ứng do cùng một loại stress gây ra. Họ cùng nhau trao đổi phương pháp vượt qua stress. Những người đã điều trị thành công sẽ giúp đỡ những người còn bị rối loạn thích ứng hoặc những người bị các triệu chứng nặng nề hơn. Liệu pháp tâm lý nhóm hướng dẫn bệnh nhân điều chỉnh hành vi, lối sống của mình để đối phó với stress. Liệu pháp này có hiệu quả cao với những người chưa có nhiều kinh nghiệm sổng, có rối loạn hành vi và có các vướng mắc với pháp luật.

7.2. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc giúp bệnh nhân nhanh chóng giảm nhẹ và hết các triệu chứng của bệnh, vì vậy, chúng hay được áp dụng trong lâm sàng. Đa số bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại trú bằng cách dùng thuốc điều trị trong một thời gian ngắn. Các bệnh nhân có lo âu nhiều sẽ được sử dụng thuốc bình thần (diazepam, clonazepam, clonazepat) m^t đợt ngắn phối hợp với thuốc chống trầm cảm đa vòng hoặc SSRI. Những bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm chiếm ưu thế được khuyên sử dụng các thuốc chống trầm cảm SSRI như sertralin, paroxetin, fluoxetin, fluvoxamin.

Ví dụ: .

(1) Sertralin 100mg x 1 viên uống tối. Dùng thuốc 3 tháng.

(2) Clonazepam 2mg x 1/4 viên uống tối. Dùng thuốc 1 – 2 tuần.

Khi bệnh nhân có các triệu chứng loạn thần, kích động mạnh, rối loạn hành vi nặng (hành hung người khác) hoặc có ý định và hành vi tự sát thì phải được điều trị nội trú tại bệnh khoa tâm thần bằng các thuốc an thần kết hợp với thuốc chống trầm cảm. Các thuốc an thần hay được sử dụng là haloperidol, olanzapin, quetiapin, risperidon. Bệnh nhân thường được điều trị nội trú khoảng 2 tuần, sau đó ra viện, tiếp tục uống thuốc củng cố. Ví dụ:

(1)      Olanzapin 10mg x 1 viên uống tối. Dùng thuốc 3 tháng.

(2)      Paroxetin 20mg x 2 viên uống tối. Dùng thuốc 3 tháng.

8. Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình

–   Rối loạn thích ứng là một rối loạn tâm thần rất phổ biến, do chấn thương tâm lý gây ra.

– Các triệu chứng của bệnh này rất đa dạng, nhưng thường tự hết dần sau khi chấn thương tâm lý đã qua đi.

–   Kêu các chấn thương tâm lý vẫn tồn tại thì bệnh không thể thuyên giảm được.

– Các chấn thương tâm lý có thể chỉ là mất việc làm, ly hôn, mất người thân…

–   Khuyến khích bệnh nhân hợp tác tìm ra chấn thương tâm lý. Có thể thay đổi môi trường xã hội, nghề nghiệp để thoát khỏi chấn thương tâm lý.

–  Khuyến khích bệnh nhân tập các biện pháp thư giãn, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

–  Thường xuyên tập luyện một số môn thể thao chẳng hạn như đi bộ, bơi lội, đánh cầu lông cũng có hiệu quả tốt cho bệnh nhân. Tích cực tham gia các hoạt động chung của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ để có thể nhanh chóng hòa nhập trở lại với xã hội.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here