Quế Chi Thang – bài thuốc giải cơ phát biểu, điều hoà dinh vệ

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Quế chi Thang

Bài viết Quế Chi Thang – bài thuốc giải cơ phát biểu, điều hoà dinh vệ – Tác giả: Bác sĩ Trịnh Văn Cường

Thành phần

Gồm có 5 vị: Quế chi, Đại táo, Bạch thược, Sinh khương, Cam thảo.

Cách dùng

Sắc uống làm 3 lần trong ngày, uống nóng, ăn cháo nóng, đắp chăn làm cho mồ hôi ra râm rấp là tốt. Nếu uống một lần mà mồ hôi ra thì thôi không uống nữa, không nhất thiết phải uống hết thang. Nếu chưa ra mồ hôi thì tiếp tục uống đến khi ra mồ hôi thì ngừng, có thể uống 2-3 thang.

Công dụng

Giải cơ phát biểu, điều hoà dinh vệ.

Chủ trị

Chữa cảm mạo phong hàn thể biểu hư: phát sốt, đau đầu, ra mồ hôi, ho khan, sợ gió, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, không khát, rêu lưỡi trắng, mạch phù hoãn hoặc phù nhược.

==>> Xem thêm: Tang Cúc Ẩm – giải biểu sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái

PHÂN TÍCH

QUẾ CHI vị cay cay ngọt ngọt, thường lúc đầu nếm vị cay (cay xộc thẳng lên mũi là tốt) xong lúc sau ngọt ngọt, bên ngoài thì phát tán được phong hàn, bên trong thì ôn thông huyết mạch. Quế chi là vị thuốc mạnh số 1 về phát hãn ở phần dinh huyết với đại diện trong bài Quế chi thang, còn Ma hoàng là mạnh số 1 về phát hãn ở phần vệ với đại diện là bài Ma hoàng thang. Bài Quế chi thang tính chất yếu hơn bài Ma hoàng thang, sở dĩ như vậy bởi vì sửc thuốc của Quế chi từ từ và chậm rãi hơn so với Ma hoàng – do đó mà bài Quế chi thang chữa được cả cảm mạo phong hàn thể biểu thực và biểu hư, hư thực đều có thể dùng được cả. Bởi vì tà khí hay xâm nhập theo trục vệ khí – dinh huyết, nên khi tà mới vào vệ vẫn còn đương mạnh thì phải dùng Ma hoàng công mạnh đuổi tà ra ngoài; còn khi tà vào dinh rồi thì chính khí dễ bị hư nên phải dùng Quế chi hòa hoãn hơn.

Mặt khác đặc tính của Ma hoàng và Quế chi cũng khác nhau. Ma hoàng ruột rỗng ngoài thẳng tựa như lỗ chân lông nên phát tán đẩy tà ra ngoài theo hướng thẳng đứng nên tác dụng nhanh chóng. Quế chi cành đâm ngang, vươn ra hai bên nên xu hướng phát tán đẩy tà ra ngoài theo hướng ngang hai bên. Và có một điểm khác biệt nữa giữa bài Quế chi thang và bài Ma hoàng thang là: trong bài Ma hoàng thang không cần đến sự trợ giúp của Sinh khương, nhưng Quế chi thang càn phải có sự giúp sức của Sinh khương.

SINH KHƯƠNG có tính cay tán nhưng xu hướng tán tà ra ngoài theo đường ngang nên rất phù hợp dùng cùng với Quế chi.

BẠCH THƯỢC liễm âm hoà dinh, làm cho Quế chi cay mà không thương tổn đến âm; hai vị thuốc cùng sử dụng một thu một tán, điều hoà dinh vệ, biểu tà được giải, lý khí để hoà.

ĐẠI TÁO có tác dụng ích khí bổ trung, giúp Bạch thược điều hòa dinh vệ là tá dược.

CAM THẢO điều hòa các vị thuốc là sứ.

SO SÁNH MA HOÀNG THANG và QUẾ CHI THANG.

ĐIỂM GIỐNG NHAU

Về dược vị: Đều có Quế chi và Cam thảo.

Về tác dụng: Cùng là thuốc tân ôn giải biểu. Dùng trị chứng phong hàn, biểu chứng: sợ lạnh, sốt, đau đầu, lưỡi trắng nhạt, mạch Phù.

ĐIỂM KHÁC NHAU

Ma hoàng thang: dùng cặp dược Ma hoàng – Quế chi thêm hạnh nhân, có tác dụng phát hãn, tán hàn, dùng để tuyên Phế, bình suyễn. Đây là bài thuốc phát hãn mạnh thuộc nhóm “Tân ôn phát hãn”.

Chủ trị ngoại cảm phong hàn thể “biểu thực”, “Phế khí không tuyên thông” gây sợ lạnh, sốt, không có mồ hôi, suyễn, mạch Phù Khẩn.

Quế chi thang: dùng cặp dược Quế chi – Bạch thược, thêm Sinh khương. Tác dụng cũng là phát hãn, giải biểu nhưng kém hơn Ma hoàng thang. Tuy nhiên có thể điều hoà Vinh Vệ, trị phần Vinh bị suy yếu.

Trị cảm mạo phong hàn thể “biểu hư”, phần “Vinh yếu”, “Vệ khí không bình hoà”, chính tà giao tranh ở phần biểu nên đổ mồ hôi mà sợ gió, mũi nghẹt, nôn khan, mạch Phù Nhược.

Thuộc nhóm “Tân ôn giải biểu”.

==>> Xem thêm: Cửu Vị Khương Hoạt Thang – chữa các chứng phong hàn thấp tà

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here