Hiện nay dược chất paracetamol được sử dụng rất nhiều và tồn tại nhiều dạng bào chế để thích hợp với các trường hợp khác nhau như viên nén, viên nang, viên đặt cho trẻ em, hay dạng tiêm truyền dùng trong các trường hợp hôn mê không thể dùng thuốc bằng đường miệng. Trên thị trường một số dược chất hạ sốt giảm đau được pha thành dung dịch tiêm truyền, sẵn sàng cho việc tiêm truyền tĩnh mạch như ibuprofen, paracetamol. Bài viết này, nhà thuốc Ngọc Anh sẽ cung cấp thêm kiến thức về dung dịch tiêm truyền paracetamol cho bạn đọc.
Công thức bào chế
- Paracetamol ………………………..1,00 g
- Manitol……………………………….4,00 g
- Acid citric monohydrat ……………0,03 g
- Natri citrat dihydrat ……………….0,20 g
- Cystein hydroclorid monohydrat ..0,04 g
- Nước cất pha tiêm vừa đủ ……….100 ml
Thông tin cần biết
Tính chất lí hoá và độ ổn định: paracetamol hay còn gọi là acetaminophen, có công thức phân tử là C8H9NO2, với nhiệt độ nóng chảy là 169oC. Công thức paracetamol chứ nhóm OH phenol và nhóm amid nên dễ bị thuỷ phân, sản phẩm sau khi thuỷ phân có thể bị oxi hoá thành chất màu hồng tím.
Như vậy, độ ổn định của paracetamol bị ảnh hưởng bởi quá trình thuỷ phân và oxy hoá, vì thế để đảm bảo chất lượng thuốc cần hạn chế hai quá trình này bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế phân huỷ dược chất trong quá trình bào chế và bảo quản, như dung dịch tiêm truyền này ổn định ở pH từ 5,0 đến 6,0 nên có thể sử dụng hệ đệm để điều chỉnh pH về khoảng ổn định trên, sử dụng chất chống oxy hoá , dùng nước để pha thuốc tiêm đã loại oxy hoà tan bằng cách đun sôi hay sục khí nitơ để pha thuốc tiêm, pha chế đúng qui trình, ví dụ như các chất chống oxy hoá, hệ đệm thường được hoà tan trước dược chất, lựa chọn và sử dụng bao bì thuỷ tinh trung tính, đóng lọ hàn ống trong dòng khí nitrogen để hạn chế tiếp xúc với khí oxy, thay thế không khí ở đầu ống bằng khí nitrogen, tiệt khuẩn đúng thời gian và nhiệt độ, bảo quản ở điều kiện tránh ánh sáng và dùng bao bì thứ cấp có tác dụng cản ánh sáng.
Vai trò của các thành phần khác trong công thức
Manitol
Manitol là một dung dịch đẳng trương cho thuốc tiêm hay thuốc tiêm truyền. Việc đẳng trương hoá dung dịch thuốc tiêm truyền có ý nghĩa rất quan trọng, khi tiêm truyền một dung dịch thuốc không đẳng trương thì có hiện tượng thẩm thấu, bệnh nhân có thể bị đau ở nơi tiêm truyền, tế bào có thể bị tổn thương hoặc thậm chí hoại tử tổ chức, gây rối loạn điện giải hoặc phá máu. Vì vậy việc sử dụng manitol trong công thức tiêm truyền trên đóng vai trò là chất đẳng trương cho dung dịch là cần thiết. Hơn nữa, trong dung dịch tiêm truyền thì thể tích dung môi khá lớn , nồng độ dược chất thường thấp nên dung dịch thu được thường là dung dịch nhược trương, vì vậy càng cần thêm chất tan để đẳng trương hoá dung dịch.
Trong bào chế sản xuất người ta dùng một số chất đẳng trương như natri clorid, kali clorid, manitol, glucose,…. Trong các trường hợp NaCl ảnh hưởng đến độ tan hay độ ổn định của dược chất thì ta có thể dùng glucose và manitol là chất tan không phân li nên sẽ không ảnh hưởng đến dược chất.
Acid citric monohydrat và Natri citrat dihydrat
Đây là hệ đệm được sử dụng cho công thức thuốc tiêm truyền trên. Dung dịch tiêm truyền này ổn định ở pH từ 5,0 đến 6,0, khi dược chất paracetamol ổn định trong môi trường trên thì tốc độ phân huỷ dược chất( quá trình thuỷ phân, oxy hoá) là thấp nhất, từ đó tăng độ ổn định cho dược chất. Ngoài ra, giá trị pH từ 5- 6 của dung dịch thuốc tiêm truyền trên thì có thể được điều chỉnh bởi máu và dịch sinh lý của cơ thể.
Cystein hydroclorid monohydrat
Do dược chất paracetamol là một chất dễ bị oxy hoá nên rất cần thiết phải sử dụng thêm chất chống oxy hoá. Đây là một chất chống oxi hoá tan trong nước, với cơ chế là chất khử có thế oxi hoá thấp hơn thế oxi hoá của dược chất nên sẽ bị oxi hoá trước. Ngoài ra các chất này còn gọi là các bẫy oxy tự do vì bị oxy hoá bởi oxy trong chế phẩm.
Nước cất pha tiêm vừa đủ
Dung môi để hoà tan và đảm bảo thể tích cho dung dịch tiêm truyền.
Kỹ thuật bào chế
-
Ban đầu cân các thành phần dược chất và tá dược theo công thức.
- Đun nóng một lượng nước pha tiêm khoảng 30 ml, sau đó hoà tan lần lượt acid citric, natri citrat, cystein hydroclorid monohydrat vào nước vừa đun trên.
- Thêm paracetamol, khuấy đều đến khi tan hoàn toàn. Tiếp tục thêm lượng manitol khuấy đến khi tan hết.
- Đo pH và điều chỉnh pH của dung dịch trên trong khoảng 5,3- 5,6 bằng dung dịch natri hydroxyd 10% hoặc HCl 10% nếu cần,
- Thêm nước cất vừa đủ 100 ml, khuấy đều.
- Sau đó lọc dung dịch trên qua màng lọc có kích thước lỗ lọc 0,2 mcm.
- Soi dịch lọc để kiểm tra độ trong.
- Sau đó đóng lọ thuỷ tinh 100 ml, hấp tiệt khuẩn ở 121oC trong vòng 15 phút.
- Sau đó lấy lọ thuỷ tinh ra soi kiểm tra độ trong để loại bỏ các chai vẩn đục
- Cuối cùng dán nhãn đúng qui chế.
Đặc điểm thành phẩm
Chế phẩm sau khi bào chế là dung dịch trong không màu hoặc gần như không màu.
Công dụng, cách dùng và bảo quản
Dung dịch tiêm truyền paracetamol truyền chậm tĩnh mạch để giảm đau hạ sốt.
Khoảng cách liều giữa các lần dùng ít nhất là 4h, một ngày bệnh nhân không nên dùng quá 4g paracetamol.
Chú ý bảo quản thuốc ở nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng.
Yêu cầu chất lượng của dung dịch tiêm truyền
Các yêu cầu chất lượng cần đảm bảo là độ trong, định lượng, định tính, chỉ tiêu thể tích, pH, vô khuẩn. Các thuốc tiêm truyền không được có chất gây sốt và bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn nội độc tố vi khuẩn. Ngoài ra các thuốc tiêm truyền khi tiệt khuẩn bằng nhiệt ẩm thì cần phải được thẩm định sự truyền nhiệt, để đảm bảo dịch thuốc bên trong bao bì đạt điều kiện nhiệt độ tiệt khuẩn theo đúng qui định.
Tài liệu tham khảo
- Sách giáo trình Bào chế và sinh dược học tập 1- Bộ môn Bào chế- Đại học Dược Hà Nội.
- Dược điển Việt Nam V
Xem thêm: Công thức và phương pháp bào chế dung dịch tiêm truyền Natri hydrocarbonat