Bệnh nôn trớ ở trẻ em là gì? Nguyên nhân, cách chữa trị tại nhà

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Non tro

Nhathuocngocanh.com – Nôn trớ là 1 tình trạng phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh, thông thường tình trạng này sẽ giảm dần mà mất hẳn khi trẻ bước qua giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên thấy con nôn trớ vẫn khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng không thôi, vậy nôn trớ ở trẻ sơ sinh là gì? làm thế nào để bạn biết triệu chứng nôn trớ của trẻ là bình thường hay là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn?

Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là gì?

Nôn là quá trình tống mạnh các thành phần có trong dạ dày ra bên ngoài bao gồm cả dịch dạ dày, thức ăn,… Nôn thường gây ra do sự co thắt không tự chủ của các cơ thành bụng khi cơ thắt tâm vị cũng như cơ thắt thực quản dưới bị giãn ra.

Trớ là sự sự di chuyển của các chất gồm cả dịch vị, thức ăn,… từ dạ dày qua hệ thống hầu họng lên miệng, hoặc có thể trào 1 ít ra khỏi miệng. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự co bóp đơn thuần của dạ dày, đi kèm với đó thường là tình trạng ợ hơi.

Nôn trớ ở trẻ sơ sinh không được coi là 1 bệnh, đây là 1 tình trạng bình thường và hay gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ thường sẽ không cảm thấy bị khí chịu hoặc đau khi nôn trớ, tình trạng này sẽ được cải thiện dần khi trẻ bước qua giai đoạn nhũ nhi.

Tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh thường sẽ bắt đầu vào khoảng trẻ 2 đến 3 tuần tuổi, và đạt đỉnh khi trẻ được 4 đến 5 tháng tuổi. Hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất khi trẻ được từ 9 đến 12 tháng tuổi.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị trớ thường là do chức năng của đường tiêu hóa chưa được hoàn thiện. Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng việc kiểm soát tư thế bú của trẻ, vỗ lưng hoặc chia nhỏ bữa ăn.

Nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Nôn trớ ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ em

Do đường tiêu hóa chưa được hoàn thiện

Vì sao trẻ dưới 1 tuổi hay bị nôn trớ? Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh là do chức năng của hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện. Giữa thực quản và dạ dày có 1 hệ thống cơ vòng có nhiệm vụ ngăn sự trào ngược thức ăn, acid dịch vị từ dạ dày lên thực quản. Ở trẻ nhỏ, do sự hoạt động của cơ vòng chưa được hoàn thiện, thường xuyên mở sai thời điểm cộng với việc dạ dày của trẻ thường nằm ngang hơn so với người trưởng thành, cũng như thể tích của dạ dày thấp sẽ dễ gây ra tình trạng nôn trớ. Tình trạng này thường sẽ xảy ra khi trẻ ăn sai tư thế, hoặc ăn quá no.

Thiếu kinh nghiệm và mắc sai lầm trong quá trình chăm cách chăm sóc trẻ

Ở trẻ sơ sinh vẫn còn đang bú mẹ, việc cho trẻ bú quá no một lúc, người mẹ cho bé bú không đúng tư thế sẽ dễ kiến sữa bị trào ngược lên gây ra nôn trớ.

Ở trẻ bú bình, cách bế bé khi cho bú hoặc tư thế bú bình không đúng có thể khiến bé nuốt phải 1 lượng lớn không khí vào dạ dày, từ đó gây ra tình trạng nôn trớ.

Bé vừa ăn no đã cho bé nằm ngay, quấn tã quá chặt hay băng rốn quá chặt cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

Do mắc một số bệnh lý nội khoa

Ở trẻ sơ sinh tình trạng mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đi ngoài phân sống, rối loạn nhu động ruột là nguyên nhân hàng đầu gây nôn trớ. Một số trẻ bị tình trạng viêm đường hô hấp trên (đặc biệt là viêm họng và viêm amidan) khiến cho đường họng bị sưng tấy, làm cho việc nuốt thức ăn trở lên khó khăn cũng là 1 trong những yếu tố làm tăng nguy cơ nôn trớ ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra còn 1 số bệnh lý nội khoa khác có biểu hiện đặc trưng là tình trạng nôn trớ như:

  • Viêm màng não có mủ và những bệnh nhiễm trùng ở hệ thống thần kinh.
  • Xuất huyết não do giảm tỷ lệ Prothrongbin cũng gây ra tình trạng nôn trớ.
  • Các bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận và rối loạn thần kinh thực vật gây co thắt hệ thống tâm vị.

Do mắc một số bệnh lý ngoại khoa

Một số trẻ bị dị tật ở đường tiêu hóa bẩm sinh như: hẹp phì đại môn vị, tá tràng bị hẹp, thoát vị hoành hoặc bị teo thực quản sẽ thường có triệu chứng nôn ngay trong những ngày đầu mới sinh. Điều này khác với việc nôn trớ sinh lý thường diễn ra vào khoảng trẻ được 2 đến 3 tuần tuổi.

Tình trạng tắc ruột, xoắn ruột cũng dễ gây ra tình trạng nôn trớ liên tục, đi kèm với triệu chứng nôn thường là tình trạng nhiễm trùng toàn thân, bụng bé có dấu hiệu căng trướng, đi ngoài phân đen và dịch nôn có màu nâu đen.

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Trẻ em biếng ăn do lạm dụng sữa tươi – Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang

Nguyên nhân gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ em
Nguyên nhân gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ em

Xử trí khi trẻ bị nôn trớ

Nôn trớ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của trẻ, mà còn khiến cho việc hấp thu dinh dưỡng bị rối loạn. Trong 1 số trường hợp chất nôn tràn vào đường hô hấp có thể gây tắc đường thở, vậy cần làm gì khi trẻ bị nôn trớ nhiều? Dưới đây là 1 số bước xử trí cơ bản khi trẻ bị nôn trớ:

  • Bước 1: Khi trẻ có tình trạng nôn trớ, sặc sữa phụ huynh cần lập tức để nghiêng đầu trẻ về một bên để hạn chế tối đa việc trẻ bị sặc chất nôn.
  • Bước 2: Dùng khăn sạch tiến hành làm sạch các chất nôn có trong họng, miệng và mũi của trẻ, việc làm sạch này không chỉ giúp giữ vệ sinh mà còn đảm bảo các chất nôn không tràn vào đường dẫn khí. Nếu bé có dấu hiệu bị sặc lên mũi, mẹ cần dùng khăn sạch thấm bớt dịch, hoặc hút hết các chất nôn.
  • Bước 3: Khum tay rồi nhẹ nhàng vỗ lưng nhằm trấn an trẻ, việc vỗ lưng còn giúp kích thích phản xạ ho làm bật được các dị vật, chất nôn còn sâu trong họng ra bên ngoài.
  • Bước 4: Tiến hành lau người cho bé bằng nước ấm, thay những đồ vật có dính chất nôn nhằm giữ vệ sinh. Khi trẻ đã qua cơ buồn nôn, mẹ khô nên cho trẻ bú lại ngay mà lên đút cho bé một ít nước ấm hoặc Oresol để bù lại lượng dịch bị mất do nôn trớ.
  • Bước 5: Sau khi trẻ đã ổn hơn, mẹ có thể cho bé bú lại, nhưng cần cho bú một lượng nhỏ và ngắt quãng để hạn chế tình trạng nôn trớ tái diễn.
  • Bước 6: Nếu trẻ có dấu hiệu mệt, bỏ ăn thì mẹ nên dỗ bé ngủ, bổ sung lại bữa ăn khi bé khỏe hơn.

Tuyệt đối không dùng thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định từ bác sĩ điều trị. Việc lạm dụng thuốc chống nôn không chỉ tạo thành những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé mà còn có thể làm mờ các dấu hiệu lâm sàng của bệnh, gây khó khăn trong việc xác định và chẩn đoán nguyên nhân gây nôn trớ.

Theo dõi các dấu hiệu tiếp theo của trẻ, đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám nếu thấy trẻ có các biểu hiện bất thường khác hoặc diễn biến nôn trở nặng.

Xử trí cơ bản khi trẻ bị nôn trớ
Xử trí cơ bản khi trẻ bị nôn trớ

Xử trí trong trường hợp trẻ bị sặc chất nôn – có dị vật ở đường thở

Trẻ bị sặc chất nôn – có dị vật ở đường thở thường xảy ra khi mẹ không sơ cứu kịp thời và đúng cách khiến trẻ hít phải phải chất nôn. Tuyệt đối không được dùng tay móc chất nôn, việc làm này có thể khiến trẻ buồn nôn nhiều hơn, hoặc dị vật có thể đi sâu vào đường thở của trẻ. Trong trường hợp này mẹ cần làm cấp cứu cho trẻ bằng nghiệm pháp Heimlich để có thể tống dị vật ra khỏi đường thở.

Sau khi trẻ đã tống được toàn bộ chất nôn ra khỏi đường thở, nếu trẻ vẫn có dấu hiệu mệt, nhịp thở gấp thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Xử trí khi trẻ bị sặc chất nôn bằng phương pháp Heimlich vỗ lưng:

  • Trước tiên bạn cần để trẻ nằm sấp trên tay của người tiến hành cấp cứu.
  • Một bàn tay khẽ nâng đầu của bé, chú ý cần để cổ trẻ thấp hơn thân người của trẻ.
  • Dùng bàn tay vỗ một lực vừa phải vào lưng trẻ 5 cái, vị trí vỗ là ở khoảng lưng giữa hai bả vai của trẻ.
Phương pháp Heimlich vỗ lưng
Phương pháp Heimlich vỗ lưng

Xử trí khi trẻ bị sặc chất nôn bằng phương pháp Heimlich ấn ngực:

  • Để trẻ nằm sấp trên tay của người tiến hành cấp cứu.
  • Dùng một bàn tay đỡ nhẹ đầu của bé, chú ý cần để cổ của bé thấp hơn thân người.
  • Nếu thấy có sữa trào ra ở mũi và họng thì cần lập tức hút ra, bạn có thể sử dụng cụ hút mũi chuyên dụng, trong trường hợp không có thì có thể hút trực tiếp bằng miệng.
  • Dùng hai ngón tay của bàn tay còn lại ấn mạnh vào vùng dưới ức, lặp lại 5 lần liên tiếp.
  • Đánh giá các triệu chứng của trẻ, có thể kết hợp cả vỗ lưng và ấn ngực nếu cần thiết.
Phương pháp Heimlich ấn ngực
Phương pháp Heimlich ấn ngực

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Thời điểm kết thúc thai kỳ đối với thai chậm tăng trưởng theo khuyến cáo của ACOG 2021

Đánh giá tình trạng nôn trớ ở trẻ em

Trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ, do dạ dày trẻ nằm ngang hơn người trưởng thành đồng thời hoạt động tiêu hóa chưa hoàn thiện, trong trường hợp thấy trẻ nôn trớ nhiều thì cần phải tiến hành đánh giá tình trạng của trẻ.

Tiến hành đánh giá chiều cao cân nặng của trẻ xem có phù hợp với độ tuổi hay không. Đồng thời tiến hành quan sát các triệu chứng của trẻ để có những đánh giá khách quan phục vụ cho quá trình điều trị. Dưới đây là một số điều mà cha mẹ cần chú ý khi con có biểu hiện nôn trớ:

  • Quan sát triệu chứng nôn: trẻ bị nôn thốc nôn tháo, nôn khan hay nôn ra sữa đơn thuần, mẹ nên quan sát cả dịch nôn của con và tiến hành đánh giá màu sắc dịch nôn (dịch nôn có màu vàng, canh hay có lẫn màu nâu?).
  • Trẻ thường nôn vào thời điểm nào trong 1 ngày, nôn sau khi ăn hay không liên quan đến thời điểm ăn.
  • Đánh giá màu sắc da và niêm mạc, cũng như nhịp thở của bé, trẻ có dấu hiệu mất nước nặng hay không.
  • Đánh giá tinh thần của trẻ khi nôn và sau khi nôn.
  • Ngoài tình trạng nôn trớ trẻ có biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp hay không (chảy nước mũi, ngạt mũi, đờm đặc).
  • Trước đó trẻ có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa trước đó hay không.
  • Ngoài ra phụ huynh cũng cần chú ý đến những biểu hiện thần kinh của trẻ, xem trẻ có bị hốt hoảng, co giật hoặc thóp phồng hay không.

Nguyên nhân chính gây nôn trớ ở trẻ em là do sinh lý, tuy nhiên không thể loại bỏ được yếu tố bệnh lý, khi thấy bé có biểu hiện nôn trớ nặng, màu sắc dịch nôn bất thường thì cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được tiến hành điều trị.

Đánh giá tình trạng nôn trớ ở trẻ em
Đánh giá tình trạng nôn trớ ở trẻ em

Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện

Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ có các biểu hiện sau:

  • Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày, nôn liên tiếp 2 cữ sữa hoặc nôn trên 3 lần 1 ngày.
  • Trẻ có biểu hiện sụt cân, quấy khóc nhiều đi kèm là tình trạng chướng bụng, bụng trẻ có dấu hiệu căng cứng, sốt, bỏ bú và bỏ ăn.
  • Bé có các dấu hiệu mất nước nặng như miệng khô, mắt trũng, không đi tiêu hoặc nước tiểu rất ít.
  • Dịch nôn của trẻ có màu sắc bất thường, trẻ nôn ra dịch có màu vàng, đỏ xanh lá, màu nâu hoặc tựa như bã cà phê.
  • Trẻ có biểu hiện nôn đi kèm với tình trạng tiêu chảy, phân lẫn nhầy máu, phân nát hoặc khó thở.

Nếu nguyên nhân gây nôn trớ là do sự thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc và cho bé ăn uống thì phụ huynh cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt của bé. Nếu nguyên nhân là do các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa thì cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám càng sớm càng tốt.

Một số biện pháp hạn chế tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là 1 số cách giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh mà mẹ có thể áp dụng:

  • Để hạn chế và cải thiện được tình trạng nôn trớ ở trẻ nhỏ, người mẹ cần cho con bú đúng tư thế, giữ người và thân bé thẳng, cho bé bú ở tư thế thoải mái, và cho trẻ ngậm bắt vú đúng chuẩn.
  • Cho trẻ bú từ từ, không ép trẻ bú quá no đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ tiêu hóa nhanh và dễ dàng hơn.
  • Nếu trẻ vừa bú bình vừa bú mẹ, thì mẹ cũng nên chia nhỏ khẩu phần ăn, pha sữa đúng theo tỷ lệ và giữ bé bú bình ở tư thế đúng chuẩn.
  • Khi bé đã ăn no, mẹ cần hạn chế việc cho bé nằm ngay mà cần bế bé đồng thời vỗ ợ hơi để bé giảm được lượng khí dư thừa, tránh để nó gây ra tình trạng chướng bụng và khó tiêu.
  • Không bế xốc trẻ lên đồng thời hạn chế tối đa việc đùa với trẻ ngay sau khi ăn no.
  • Nhẹ nhàng massage quanh rốn cho trẻ để làm giảm sự co bóp của dạ dày từ đó hạn chế tình trạng nôn trớ sau khi ăn. Tiến hành massage với lực vừa đủ theo đường đi của khung đại tràng, nhằm hỗ trợ tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch ở hệ thống tiêu hóa của trẻ, việc làm này sẽ giúp cho sự bài tiết phân được diễn ra đều đặn, từ đó làm giảm nguy cơ chướng bụng và nôn trớ.
  • Tránh việc quấn tá hoặc mặc quần áo quá chặt, do việc làm này có thể tạo thành áp lực lên bụng của bé từ đó gây ra tình trạng nôn trớ, ọc sữa.
  • Nếu trẻ bị chẩn đoán là bị nôn trớ do trào ngược dạ dày – thực quản thì phụ huynh có thể sử dụng gối chống trào ngược cho con.
  • Sau khi đã điều chỉnh chế độ sinh hoạt và cho ăn nhưng trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện mà còn kèm theo các dấu hiệu bất thường như tiêu chảy, co giật, mất nước,… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Một số biện pháp dân gian điều trị nôn trớ ở trẻ em

Nếu trẻ có các biểu hiện nhẹ, không đi kèm với các biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, mất nước,… thì mẹ có thể sử dụng 1 số mẹo dân gian chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh để cải thiện tình trạng này.

Sử dụng gừng tươi:

  • Thái 1 vài lát gừng tươi sau đó đem đun sôi vài phút, đợi khi nguội bớt rồi cho bé uống.
  • Mẹ cũng có thể bỏ thêm 1 ít đường phèn để tạo vị ngọt, nếu trẻ trên 1 tuổi thì có thể cho thêm chút mật ong đẻ nước gừng dễ uống hơn.
  • Gừng tươi có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện và làm dịu nhanh cảm giác buồn nôn ở trẻ nhỏ.
Dùng gừng tươi để làm giảm tình trạng nôn trớ
Dùng gừng tươi để làm giảm tình trạng nôn trớ

Sử dụng nước gạo lứt:

  • Đem gạo lứt rang vào, thêm 1 ít nước ấm và sữa đun với lửa nhỏ.
  • Khi thấy hỗn hợp cạn bớt nước thì tắt bếp.
  • Cho trẻ dùng nước gạo lứt vài lần một ngày để cải thiện tiêu hóa.
Dùng gạo lứt để làm giảm tình trạng nôn trớ
Dùng gạo lứt để làm giảm tình trạng nôn trớ

Sử dụng nước gạo:

  • Lấy một ít gạo trắng đun sôi với 1 ít nước, đong với tỷ lệ 1 phần gạo và 2 phần nước.
  • Chắt lấy phần nước và phần tinh bột phai ra, đợi nguội bớt rồi đút cho trẻ uống. Nước gạo sẽ giúp dịu nhanh tình trạng nôn trớ ở trẻ.

Trên đây là những kiến thức mà phụ huynh cần phải biết khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nôn trớ. Theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ, điều chỉnh chế độ ăn, và tư thế bú để hạn chế tình trạng này. Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng hơn thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám, bới nôn có thể là 1 biểu hiện của 1 bệnh lý nghiêm trọng hơn. Hy vọng qua bài viết sẽ đem lại những thông tin bổ ích cho các mẹ trong quá trình nuôi con. Nếu như có điều gì cần giải đáp hãy liên hệ ngay với chúng tôi.

Tài liệu tham khảo

  1. Vomiting in Infants, tác giả chuyên gia Drug.com, nguồn Drug.com truy cập ngày 3/3/2023.
  2. Recurrent non-bilious vomiting in a child: A case report of an uncommon diagnosis, nguồn NCBI truy cập ngày 3/3/2023.
Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here