Phá thai là một phương pháp nhằm mục đích chấm dứt thai kỳ ngoài ý muốn và hiện nay, việc phá thai ở nước ta là hợp pháp. Tuy nhiên, Bộ Y Tế chỉ cho phép thực hiện thủ thuật phá thai đến hết 22 tuần vô kinh. Theo đó, dựa vào độ tuổi của thai được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng mà sẽ có hai phương pháp phá thai khác nhau, gồm phá thai nội khoa (dùng thuốc) và phá thai ngoại khoa. Vậy liệu phá thai bằng thuốc có an toàn cho người sử dụng? Hãy cùng Nhà Thuốc Ngọc Anh tìm hiểu những thông tin về phá thai bằng thuốc là gì? tính an toàn của việc phá thai bằng thuốc trong bài viết sau đây nhé.
Phá thai bằng thuốc là gì?
Phá thai bằng thuốc (hay phá thai nội khoa) là một phương pháp sử dụng thuốc để kết thúc thời kỳ mang thai. Theo đó, các phác đồ được sử dụng rộng rãi nhất đều chứa các thành phần chống sản sinh hormone duy trì thai (progesterone) là mifepristone, kết hợp với một loại prostaglandin tổng hợp có tác dụng làm tăng co bóp tử cung và giúp đẩy thai ra ngoài.
Tác động của các phương pháp phá thai bằng thuốc tương tự như tác động của sảy thai tự nhiên với các hiện tượng như đau quặn và chảy máu như hành kinh kéo dài. Hiện tượng ra máu thường xuất hiện trung bình trong 9 ngày những cũng có thể kéo dài tới 45 ngày trong các trường hợp hiếm gặp
Đây là phương pháp đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, đồng thời không cần tiến hành phẫu thuật hoặc gây mê. Hơn nữa, phương pháp này có thể được thực hiện tại cơ sở y tế hoặc tại nhà. Tuy nhiên, thai phụ cần được thăm khám và tái khám tại cơ sở y tế trước và sau khi thực hiện quy trình phá thai.
Việc phá thai bằng thuốc nhằm mục đích hoàn thành sảy thai sớm hoặc chấm dứt thai kỳ không mong muốn. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn phá thai bằng thuốc nếu đang gặp phải tình trạng y tế khiến việc tiếp tục mang thai đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tính mạng.
Các loại thuốc phá thai được sử dụng
Phá thai bằng thuốc có thể được tiến hành bằng cách sử dụng các loại thuốc sau:
Mifepristone (Mifeprex) và misoprostol (Cytotec) bằng đường uống
Đây là hai loại thuốc phá thai được dùng phổ biến nhất. Những loại thuốc này thường được sử dụng trong vòng 7 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
Theo đó, liệu pháp này đã được chứng minh là an toàn và có hiệu quả lên đến 98%. Chỉ khoảng từ 2 – 5% phụ nữ dùng phác đồ này cần phải can thiệp ngoại khoa để xử lý sảy thai không hoàn toàn, chấm dứt thai nghén tiếp tục phát triển hoặc ngừng ra máu.
Mifepristone đường uống và misoprostol (prostaglandin) đặt âm đạo
Cơ chế hoạt động tương tự như 2 loại thuốc trên nhưng cách thức sử dụng khác nhau, cụ thể:
- Mifepristone được dùng dưới dạng ngậm dưới lưỡi.
- Misoprostol hòa tan chậm được dùng bằng cách đặt trong âm đạo.
Những loại thuốc này phải được sử dụng trong vòng 9 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Mặt khác, phác đồ này đã chứng tỏ là có hiệu quả hơn so với misoprostol đường uống.
Methotrexate và misoprostol (prostaglandin) đặt âm đạo
Tại một số nước không có sẵn mifepristone, methotrexate là một loại cytotoxic được sử dụng để điều trị ung thư, chứng viêm khớp, thấp khớp, bệnh vẩy nến… được sử dụng kết hợp với misoprostol như là một phương pháp phá thai bằng thuốc đối với thai dưới 7 tuần tuổi.
Theo đó, methotrexate (Otrexup, Rasuvo…) được dùng dưới dạng thuốc tiêm hoặc đặt vào âm đạo và có thể mất đến 1 tháng để hoàn thành việc phá thai.
Misoprostol được đặt vào âm đạo và có hiệu quả khi được sử dụng trước 9 tuần thai. Mặt khác, nếu chỉ sử dụng misoprostol thì hiệu quả thấp hơn so với các loại thuốc phá thai khác.
Các loại thuốc khác
Tại một số nước không có sẵn Mifepristone. Methotrexate, một loại Cytotoxic được sử dụng để điều trị ung thư, chứng viêm khớp, thấp khớp, bệnh vẩy nến và một số chứng bệnh khác,cùng kết hợp với Misoprostol như là một phương pháp phá thai bằng thuốc đối với thai sớm dưới 7 tuần tuổi kể từ kỳ kinh cuối cùng).
Ngoài các loại thuốc trên, còn có một số loại thuốc khác được sử dụng để tạo cơn co tử cung và chấm dứt thai trên 12 tuần, bao gồm:
- Tiêm vào màng ối dung dịch muối gây trương (tạo túi nước bên trong tử cung) hoặc tăng thẩm thấu urê.
- Đưa vào trong hoặc ra bên ngoài màng ối thuốc Ethacridine.
- Tiêm vào tĩnh mạch hoặc tiêm bắp thuốc Oxytocin.
Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp này và các cách dùng thuốc đều can thiệp vào sâu bên trong và kém an toàn so với các phương pháp dùng thuốc mới hơn.
Cơ chế hoạt động thuốc phá thai
Thuốc phá thai là tên gọi chung để chỉ 2 loại thuốc khác nhau nhưng cùng mục đích kết thúc thai kỳ là mifepristone và misoprostol.
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ cần hormone progesterone để phát triển bình thường và việc sử dụng mifepristone sẽ ức chế loại hormone này, làm cho bào thai không cấy được vào niêm mạc tử cung và phát triển.
Đối với misoprostol, thuốc này có tác dụng co bóp, đẩy thai nhi ra khỏi tử cung và gây chảy máu trong vòng 24 giờ sau đó.
Quy trình phá thai bằng thuốc
Quá trình phá thai bằng thuốc được chia làm 4 giai đoạn, cụ thể như sau:
Bước 1: Khám lâm sàng và xét nghiệm tổng quát
Để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình phá thai bằng thuốc, thai phụ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tổng quát sức khỏe. Thai phụ phải đáp ứng đủ điều kiện mới được tiến hành phá thai.
Bước 2: Làm bong thai
Đầu tiên, thai phụ sẽ được uống viên thuốc phá thai thứ nhất (mifepristone) để làm ngưng sự phát triển và bong tróc túi thai ra khỏi lớp niêm mạc của tử cung. Sau đó, thai phụ có thể về nhà nghỉ ngơi nếu không có vấn đề gì bất thường.
Bước 3: Đào thải bào thai
Sau 48 giờ, thai phụ phải quay lại phòng khám và uống viên thuốc thứ hai (misoprostol). Viên thuốc này có tác dụng kích thích tử cung co bóp, giúp đẩy toàn bộ phôi thai ra ngoài. Lúc này, thai phụ cần lưu lại phòng khám trong vòng 4 giờ để bác sĩ theo dõi liên tục.
Trong thời gian này, thai phụ sẽ được đo huyết áp thường xuyên (30 phút/lần) và theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu đủ điều kiện, thai phụ sẽ được xuất viện và được bác sĩ nhắc nhở một số lưu ý để tự chăm sóc tại nhà.
Bước 4: Tái khám theo lịch hẹn
Sau 2 tuần, thai phụ cần tái khám theo đúng lịch hẹn để tiến hành siêu âm tử cung nhằm kiểm tra xem thai có bị sót hay không. Nếu chẳng may còn sót thì bác sĩ sẽ thực hiện hút thai ra ngoài để tránh viêm nhiễm hoặc dị tật thai.
Điều kiện để thực hiện phá thai bằng thuốc
Phương pháp này được đánh giá là an toàn với tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Việc phá thai bằng thuốc chỉ được bác sĩ chỉ định khi thỏa mãn tất cả các điều kiện dưới đây:
- Thai đã nằm bên trong tử cung, dưới 7 tuần tuổi (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng).
- Thai phụ có tình trạng sức khỏe ổn định, không mắc các bệnh lý như: Hen suyễn, tiểu đường, gan, thận, tim mạch, rối loạn đông máu, huyết áp…
- Thai phụ không bị dị ứng với bất kỳ thành phần của thuốc phá thai.
Phá thai bằng thuốc mất bao nhiêu thời gian
Theo các bác sĩ sản khoa, sau khi dùng viên thuốc thứ 2 (misoprostol), túi thai sẽ được đẩy ra ngoài sau 3 – 4 tiếng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phải mất đến 1 ngày thì quá trình này mới diễn ra.
Dấu hiệu phá thai bằng thuốc thành công
Phương pháp phá thai bằng thuốc có hiệu quả tới 96 – 98% với các dấu hiệu sau:
- Ra máu cục: Khi phá thai bằng thuốc, bạn sẽ phải uống 2 viên thuốc lần lượt là mifepristone và misoprostol. Trong đó, mifepristone có tác dụng chấm dứt sự phát triển của thai nhi và misoprostol làm co bóp tử cung và đẩy thai nhi ra ngoài. Do đó, sau khi uống misoprostol, bạn sẽ cảm thấy có hiện tượng ra máu đông.
- Chảy máu từ âm đạo trong nhiều ngày: Hiện tượng này tương tự như đến chu kỳ kinh nguyệt thông thường, kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Lượng máu ra nhiều ở ngày đầu và giảm dần ở những ngày tiếp theo.
- Đau vùng bụng dưới: Sau khi uống viên thuốc thứ 2 (misoprostol), tử cung liên tục co bóp nhằm tống dịch bẩn ra ngoài cơ thể, do đó sẽ gây đau vùng bụng dưới.
- Sốt nhẹ, ớn lạnh: Đây là đáp ứng của cơ thể với công dụng của thuốc phá thai, do đó bạn không cần quá lo lắng khi có biểu hiện này.
- Buồn nôn, tiêu chảy: Lúc này cơ thể của bạn đang đáp ứng lại với tác dụng của thuốc nên cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra trong thời gian nhanh chóng.
- Que thử thai âm tính: Sau khi hết ra máu âm đạo, có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra chính xác hiệu quả của quá trình phá thai bằng thuốc. Nếu que thử thai xuất hiện 1 vạch, tức là nồng độ hCG trong cơ thể thấp, khả năng cao là quá trình phá thai đã thành công.
Tác dụng phụ
Các loại thuốc được sử dụng trong quá trình phá thai nội khoa có thể gây:
- Chảy máu âm đạo
- Đau quặn bụng
- Buồn nôn
- Nôn
- Sốt
- Ớn lạnh
- Tiêu chảy
- Đau đầu
Nếu có các tác dụng phụ này, thai phụ có thể được cho uống thuốc giảm đau hoặc dùng kháng sinh chống nhiễm trùng.
Rủi ro khi phá thai bằng thuốc
Các biến chứng của việc phá thai bằng thuốc bao gồm:
- Phá thai không hoàn toàn và có thể cần phải phối hợp với phá thai ngoại khoa (phẫu thuật).
- Mang thai ngoài ý muốn khi phá thai thất bại.
- Chảy máu nhiều và kéo dài.
- Nhiễm trùng, sốt, tiêu chảy, mệt mỏi…
Ngoài ra, việc phá thai bằng thuốc không làm ảnh hưởng đến việc mang thai trong tương lai trừ khi các biến chứng phát triển.
Mặt khác, nếu xuất hiện các triệu chứng sau thì thai phụ cần được chăm sóc y tế ngay:
- Không chảy máu trong vòng 24 giờ sau khi uống loại thuốc phá thai thứ 2.
- Chảy máu nhiều với hơn 2 miếng băng vệ sinh trong 1 hoặc 2 giờ.
- Xuất hiện cục máu đông lớn hơn quả chanh trong hơn 2 giờ.
- Đau bụng hoặc đau lưng dữ dội kéo dài, kể cả khi đã uống thuốc giảm đau.
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ.
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi.
Đó có thể là các dấu hiệu của việc phá thai bằng thuốc không thành công hoặc biến chứng nguy hiểm sau khi phá thai bằng thuốc.
Ưu điểm và nhược điểm của phá thai bằng thuốc
Ưu điểm
Quy trình đơn giản, nhanh gọn và nhẹ nhàng với 98% các trường hợp không cần điều trị gì thêm sau khi sử dụng hai liều thuốc phá thai.
Phương pháp này không cần gây mê, phẫu thuật hay lưu viện, do đó phù hợp với hầu hết các đối tượng ngay cả tại nhà. Tuy nhiên, nếu thực hiện tại nhà, bạn cần đảm bảo có dịch vụ y tế khẩn cấp trong trường hợp xảy ra rủi ro và tái khám theo đúng lịch hẹn.
Nhược điểm
Tốn nhiều thời gian hơn so với phá thai bằng phẫu thuật và có thể có nhiều lần tái khám.
Có một tỷ lệ nhỏ các trường hợp cần phải được thực hiện lại quy trình phá thai hoặc đôi khi phải kết hợp với phẫu thuật do phá thai bằng thuốc không thành công.
Triệu chứng đau và chảy máu thường kéo dài hơn so với phá thai bằng phẫu thuật.
Không phải bất kỳ phụ nữ nào cũng phù hợp để áp dụng được phương pháp này. Do đó, cần tham khảo bác sĩ trước khi thực hiện.
Lưu ý
Sau khi phá thai bằng thuốc, sức đề kháng của cơ thể sẽ rất yếu và cần được chăm sóc kỹ càng để hồi phục. Vì vậy, chị em cần chú ý một số vấn đề sau:
- Uống thuốc theo đúng lời khuyên và chỉ định của bác sĩ. Theo đó, bác sĩ thường kê một số loại thuốc bổ, và thuốc kháng viêm.
- Giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, thay băng vệ sinh khoảng 3 – 4 tiếng/lần. Không thụt rửa hoặc cho bất cứ thứ gì vào âm đạo, nên sử dụng nước ấm sạch để vệ sinh nhằm ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, protein, canxi, sắt… cho cơ thể.
- Uống đầy đủ nước, có thể bổ sung thêm sữa hoặc nước ép từ rau củ quả.
- Tránh ăn các loại thức ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh và các chất kích thích…
- Nghỉ ngơi hợp lý trong khoảng 1 – 2 tuần, tránh vận động hoặc làm các công việc nặng nhọc.
- Kiêng quan hệ tình dục ít nhất từ 1 tháng cho đến khi bộ phận sinh dục ổn định trở lại.
Tài liệu tham khảo
- Ashok PW, Penney GC, Flett GMM and Templeton A (1998). An effective regimen for early medical absortion: a report of 2000 consecutive cases. Human Reproduction 13:2962-2965.
- Peyron R, Aubény E, Targosz V, Silvestre L, Renault M, Elkik F, Leclerc P, Ulmann A and Baulieu EE (1993). Early termination of pregnancy with mifepristone (RU486) and the orally active prostaglandin misoprostol. New England Journal of Medicine 21:1509-1513.
- Spitz IM, Bardin CW, Benton L and Robbins A (1998). Early pregnancy termination with mifepristone and misoprostol in the United States. New England Journal of Medicine 338:1241-1247.
- Trussell J and Ellertson C (1999). Estimating the efficacy of medical abortion. Contraception 60:119-135.
- Urquhart DR, Templeton AA, Shinewi F, Chapman M, Hawkins K, McGarry J, Rodger M, Baird DT et al. (1997). The efficacy and tolerance of mifepristone and prostaglandin in termination of pregnancy of less than 63 days gestation; UK multicentre study final results. Contraception 55:1-5.
- Van Look, P. F., & Cottingham, J. (2013). The World Health Organization’s safe abortion guidance document. American journal of public health, 103(4), 593-596.
- World Health Organization, World Health Organisation Staff, & UNAIDS. (2003). Safe abortion: technical and policy guidance for health systems. World Health Organization.
Phá thai bằng thuốc có ảnh hưởng đến khả năng mang thai trong tương lai ko ạ
Việc phá thai bằng thuốc không làm ảnh hưởng đến việc mang thai trong tương lai trừ khi các biến chứng phát triển ạ
Nếu phá thai bằng thuốc không thành công có ảnh hưởng đến trẻ ko
Dạ chào bạn. Việc phá thai bằng thuốc không thành công có thể gây dị tật cho trẻ sau sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ ạ