Lượng sữa và lịch trình khi cho bé dùng sữa công thức

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Bo sung sua cong thuc cho tre

Nhathuocngocanh – Các chuyên gia vẫn luôn khuyến cáo nên ưu tiên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, tuy nhiên các bậc phụ huynh vẫn có thể bổ sung sữa công thức cho bé trong trường hợp mẹ không đủ sữa hoặc vì lý do sức khỏe. Vậy trẻ sơ sinh vừa bú sữa mẹ vừa ăn sữa ngoài có được không? và lượng sữa, lịch trình khi cho bé dùng sữa công thức như thế nào cho đúng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp phần nào những thắc mắc này.

Khi nào cần bổ sung sữa công thức cho bé

Theo các chuyên gia thì trẻ sơ sinh nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và có thể kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi. Trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa non có chứa rất nhiều dinh dưỡng cần thiết, đồng thời còn là nguồn kháng thể tự nhiên dồi dào không chỉ cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Do đó có thể nói sữa mẹ là nguồn sữa được ưu tiên hàng đầu.

Sữa công thức ngoài những dinh dưỡng thiết yếu còn được bổ sung thêm DHA, các loại Vitamin, khoáng chất lợi khuẩn để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên, sữa công thức chỉ nên dùng để bổ sung thêm chứ không thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ. Ở những trẻ có đường tiêu hóa kém, bổ sung sữa công thức đôi khi có thể gây táo bón, tiêu chảy, dị ứng với Protein có trong sữa.

Việc bổ sung sữa công thức được xem là cần thiết trong trường hợp người mẹ có quá ít sữa, đang mắc một số bệnh lý nghiêm trọng (HIV, bệnh truyền nhiễm,…) hoặc đang phải điều trị với những loại thuốc có khả năng tiết qua sữa.

Chỉ bổ sung sữa công thức cho trẻ khi cần thiết
Chỉ bổ sung sữa công thức cho trẻ khi cần thiết

Dùng sữa công thức có ảnh hưởng đến sữa mẹ hay không?

Việt tiết sữa ở người mẹ phụ thuộc vào 4 loại Hormone là Estrogen, Progesterone, Prolactin và Oxytocin. Trong đó Estrogen có nhiệm vụ hoàn thiện ống dẫn sữa, giúp hệ thống này tăng lên về kích thước và số lượng. Progesterone giúp nang và thùy của tuyến vú phát triển. Sau khi sinh, nồng độ 2 loại Hormon này giảm xuống, khi đó quy trình tiết sữa sẽ được bắt đầu. Prolactin là Hormon chính đảm nhiệm vai trò điều hòa việc tiết sữa, khi trẻ bú mẹ sẽ kích thích cơ thể sản sinh Prolactin giúp sữa về nhiều hơn. Còn Oxytocin có chịu trách nhiệm giải phóng sữa ra khỏi bầu ngực bằng cách co bóp hệ thống cơ quanh nang và đẩy sữa ra khỏi nang, đưa vào ống dẫn sữa. Việc trẻ bú sữa sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra loại Hormon này.

Do đó, việc tiết sữa của người mẹ phụ thuộc rất nhiều vào việc bú sữa và nhu cầu bú của trẻ, khi trẻ bú nhiều sữa mẹ sẽ về nhiều hơn và ngược lại khi trẻ ít bú thì lượng sữa tiết ra sẽ giảm dần.

Việc bổ sung thêm sữa công thức có thể làm giảm tần suất, thời gian bú mẹ của trẻ từ đó làm giảm lượng sữa được tiết ra. Tuy nhiên việc bổ sung sữa công thức 1 cách hợp lý, sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiết sữa của người mẹ, khi đó nguồn sữa sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu của bé.

Dùng sữa công thức có ảnh hưởng đến sữa mẹ hay không?
Dùng sữa công thức có ảnh hưởng đến sữa mẹ hay không?

Những hạn chế của việc cho trẻ dùng sữa công thức kết hợp với sữa mẹ

Trẻ sơ sinh chỉ được khuyến cáo bổ sung thêm sữa công thức khi người mẹ không có đủ khả năng cung cấp sữa cho con hoặc trong 1 số bệnh lý đặc biệt. Việc cho trẻ sử dụng kết hợp sữa công thức với sữa mẹ vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, dưới đây là một số tác hại của sữa công thức với trẻ sơ sinh:

  • Bé vừa dùng sữa công thức vừa bú mẹ có thể dẫn đến tình trạng không hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ.
  • Trẻ có thể bỏ bú mẹ hoàn toàn.
  • Với 1 số trẻ nhạy cảm, có đường ruột yếu việc bổ sung sữa công thức có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng với đạm trong sữa.
  • Trẻ dễ bị táo bón, đi phân rắn, hay gặp một số vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, chướng bụng, rối loạn nhu động ruột.
  • Trẻ sẽ ít đi vệ sinh hơn do sữa công thức thường khó hấp thụ hơn sữa mẹ.

Làm thế nào để biết trẻ đã uống đủ sữa?

Sữa công thức chỉ nên bổ sung trong một số trường hợp bắt buộc, nhưng hiện có khá nhiều bà mẹ lo lắng không biết mình có cung cấp đủ lượng sữa cho con hay không. Nếu bạn băn khoăn về điều này, bạn có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ hơn. Dưới đây là những dấu hiệu cơ bản cho thấy bé đang được nhận đủ lượng sữa từ mẹ:

  • Trẻ có cân nặng ở mức cho phép, tăng cân đầy đủ: Cân nặng chính là thước đo hàng đầu đánh giá sự phát triển của bé. Thông thường trong 5 ngày đầu tiên sau khi sinh trẻ sẽ tăng từ 14g – 28g mỗi ngày, và tăng liên tiếp trong 3 tháng tiếp theo, từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 bé sẽ tăng 14g mỗi ngày.
  • Với trẻ sơ sinh thông thường 1 ngày trẻ sẽ phải thay ít nhất từ 4 đến 6 tã ướt và 3 tã đại tiện.
  • Trẻ bú mẹ thường xuyên: Thông thường trẻ sẽ bú ít nhất từ 8 đến 12 lần/ngày trong tháng đầu tiên sau sinh và ít nhất là 7 lần/ngày cho những tháng tiếp theo. Nếu thấy có tiếng chóp chép phát ra khi trẻ bú mẹ thì đó là dấu hiệu tốt cho thấy bé đang bú sữa một cách tích cực.
Làm thế nào để biết trẻ đã uống đủ sữa?
Làm thế nào để biết trẻ đã uống đủ sữa?

Dấu hiệu cho thấy bé đang không được cung cấp đủ sữa

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu chậm tăng cân, không đạt đủ số cân nặng quy định, hoặc đi tiểu tiện và đại tiện ít hơn bình thường thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang không được cung cấp đủ lượng sữa. Dưới đây là 1 số dấu hiệu cho thấy trẻ chưa được cung cấp đủ lượng sữa cần thiết:

  • Cân nặng không đạt tiêu chuẩn, như đã nói ở trên cân nặng chính là thước đo quan trọng đánh giá sự phát triển của trẻ. Trong 5 ngày đầu đời nếu trẻ có hiện tượng sụt khoảng 10% thể trọng cơ thể so với lúc mới sinh, sau một thời gian mới có thể quay lại cân nặng ban đầu.
  • Trẻ đi vệ sinh ít.
  • Trẻ cảm thấy khó chịu khi bú mẹ, bỏ bú hoặc không hợp tác trong việc ăn sữa.
  • Khoảng cách giữa hai cữ sữa cách nhau quá ngắn hoặc quá dài. Nếu trẻ bú ít hơn 10 phút hoặc hơn 50 phút một lần bú thì đó chính là biểu hiện của việc bé không bú được đủ sữa.
  • Trẻ nôn trớ khi bú, nôn liên tiếp 2 lần ở hai cữ sữa liên tiếp.
  • Trẻ chậm tăng cân.

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn trong thông khí hỗ trợ cho trẻ sơ sinh

Dùng sữa công thức một cách khoa học

Cho trẻ làm quen với việc bú bình

Ở trẻ sơ sinh việc tập cho trẻ dùng sữa công thức thường khá phức tạp. Nguyên nhân phần lớn là do mùi vị của sữa công thức khác xa với sữa mẹ, mặt khác núm bình sữa cũng không được mềm mại như núm ti của mẹ. Do đó để cho bé uống được sữa công thức mẹ cần phải cho bé tập làm quen với việc bú bình.

Bắt đầu bằng việc cho sữa mẹ vào bình rồi sau đó cho trẻ tập làm quen, khi trẻ đã quen với việc dùng bình thì mới thay thế bằng sữa công thức.

Lựa chọn loại sữa công thức phù hợp

Tùy vào từng lứa tuổi mà sẽ có những nhu cầu về sữa công thức là khác nhau. Do đó mẹ cần phải hiểu nhu cầu của bé ở trong từng giai đoạn, lựa chọn những loại sữa phù hợp đồng thời cũng nên dùng những loại có mùi vị tương tự như sữa mẹ để trẻ làm quen dần.

Thông thường trẻ sẽ chỉ hợp với một số dòng sữa nhất định. Khi cho trẻ dùng sữa công thức, mẹ cần chú ý đến biểu hiện cũng như sự hợp tác của trẻ để đánh giá xem bé có hợp với loại sữa này hay không. Đồng thời tiến hành quan sát những tiến triển trong chiều cao, cân nặng của trẻ để đánh giá hiệu quả của sữa.

Cho bé làm quen dần với sữa công thức

Khác với những trẻ dùng sữa công thức hoàn toàn từ khi lọt lòng, ở những trẻ cần kết hợp giữa sữa công thức và việc bú mẹ thì cần phải điều chỉnh dần dần. Mỗi ngày mẹ chỉ nên xen kẽ 1 đến 2 bữa sữa công thức, đảm bảo việc trẻ bú mẹ xen kẽ với bú bình. Việc làm này sẽ hạn chế được việc trẻ chỉ dùng sữa công thức mà bỏ việc bú mẹ.

Cần bổ sung sữa công thức cho bé một cách khoa học
Cần bổ sung sữa công thức cho bé một cách khoa học

Những lưu ý khi sử dụng sữa công thức đan xen với sữa mẹ

Không pha lẫn sữa công thức với sữa mẹ

Vừa bú sữa mẹ vừa bú sữa công thức có sao không? Việc pha lẫn sữa công thức với sữa mẹ co thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, tạo thành những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bé. Khi pha sữa công thức, các bậc phụ huynh chỉ nên pha bằng nước ấm có nhiệt độ vừa phải tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Với một cữ sữa, mẹ chỉ nên cho bé dùng một loại sữa duy nhất hoặc là sữa mẹ hoặc là sữa công thức. Sữa mẹ và sữa công thức uống cách nhau bao lâu? thông thường sữa công thức và sữa mẹ cần nên uống cách nhau 30 phút để đảm bảo bé vừa đủ no lại vừa tránh ảnh hưởng đến tiêu hóa của bé.

Nếu sữa mẹ tiết ra quá ít, không nên cho bé dùng ngay sữa công thức mà nên rút ngắn khoảng cách giữa hai cữ sữa. Khi mẹ ít sữa thì cần phải tích cực cho trẻ bú, việc làm này sẽ giúp sữa về nhiều hơn.

Không nên thay thế hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa công thức

Khi phải kết hợp giữa sữa công thức và việc bú mẹ, phụ huynh thường có tâm lý lo lắng rằng mình không có đủ sữa, không đáp ứng được nhu cầu của con mà chuyển hoàn toàn sang dùng sữa công thức. Tuy nhiên việc làm này là không nên, mẹ nên duy trì việc cho bé bú để không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé mà còn bổ sung kháng để giúp hạn chế tình trạng mắc bệnh.

Ở những bà mẹ mới sinh, lượng sữa thường rất ít và không ổn định, tuy nhiên nhiên nếu mẹ kiên trì cho con bú thì tình trạng này sẽ được cải thiện đáng kể. Nếu mẹ chuyển sang dùng sữa công thức hoàn cho bé thì tuyến sữa sẽ dễ bị tắc, sữa ít về và thậm chí là mất sữa.

Nếu quá ít sữa, bạn có thể sử dụng máy vắt sữa để hạn chế tình trạng tắc tia sữa.

Không nên thay thế hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa công thức
Không nên thay thế hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa công thức

Bổ sung thêm nước cho bé

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng đầu đời nếu được bú mẹ đầy đủ, ngay cả khi kết hợp với dùng sữa ngoài thì không cần bổ sung thêm nước. Tuy nhiên, nếu thời tiết quá khô mẹ có thể cân nhắc cho bé dùng thêm một chút nước giữa hai cữ sữa. Mỗi lần chỉ nên cho bé uống từ 10 đến 20ml nước.

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Đa hồng cầu ở trẻ sơ sinh: Định nghĩa, nguyên nhân và điều trị

Lượng sữa và lịch trình khi cho bé dùng sữa công thức

Mấy tháng thì cho trẻ uống thêm sữa ngoài? Sau trẻ được 4 tuần tuổi thì đã có thể dùng sữa công thức, trẻ sẽ dùng từ 60-90 ml/1 bữa và sẽ ăn trung bình là 3-4 tiếng 1 lần trong vài tuần đầu tiên. (Trẻ bú mẹ thường bú lượng nhỏ hơn, và bú thường xuyên hơn là trẻ dùng sữa công thức.)

Trong tháng đầu tiên, nếu con bạn ngủ nhiều hơn 4-5 tiếng và quên không dậy ăn thì bạn phải đánh thức bé và cho bé bú.

Vào cuối tháng đầu tiên, bé sẽ bú ít nhất 120 ml/1 bữa, và khoảng cách giữa các bữa là khoảng 4 tiếng. Đến khi 6 tháng thì bé sẽ cần 180-240 ml/bữa và 4-5 bữa trong suốt 24 giờ.

Trung bình, con bạn cần khoảng 75 ml sữa công thức 1 ngày/453 g cân nặng. Nhưng bé có thể tự điều chỉnh lượng sữa cần bú hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của bé. Vì vậy thay vì dựa theo lượng cố định, bạn nên quan sát các biểu hiện của bé để biết khi nào bé đa cảm thấy no. Nếu bé bắt đầu cựa quậy hoặc dễ bị xao nhãng khi đang bú thì có lẽ là bé đã no. Nếu bé vẫn tiếp tục mút núm bình thì có thể là bé vẫn đói.

Hầu hết trẻ sẽ cảm thấy hài lòng khi được cho bú 90-120 ml/bữa trong tháng đầu và tăng khoảng 30ml/ bữa trong những tháng tiếp theo và cho cho đến khi đạt mức tối đa khoảng 210-240 ml/một bữa sữa.

Nếu con bạn liên tục muốn bú nhiều hơn hoặc ít hơn lượng này thì cần đến các cơ sở y tế để được tiến hành thăm khám. Ở những trẻ có nhu cầu mút cao hơn mẹ có thể chó bé mút núm vú giả sau bữa bú.

Ban đầu, tốt nhất bạn nên cho bé ăn theo nhu cầu, hoặc bất cứ khi nào bé khóc vì đói. Khi bé lớn dần, bé sẽ bắt đầu hình thành một thời gian biểu cho riêng mình. Khi bạn bắt đầu quen với các tín hiệu và nhu cầu của bé, bạn sẽ có thể lập ra được lịch trình phù hợp cho bé.

Từ 2-4 tháng (hoặc khi cân nặng của bé trên 5.4 kg), hầu hết trẻ dùng sữa công thức không còn cần bữa bú lúc nửa đêm, vì trẻ bú nhiều hơn vào ban ngày và giấc ngủ của trẻ bắt đầu kéo dài hơn (mặc dù giữa các trẻ có sự khác nhau). Sức chứa dạ dày của bé cũng tăng, có nghĩa là bé có thể kéo dài thời gian giữa các bữa ăn ban ngày – đôi khi là 4-5 tiếng 1 lần. Nếu con bạn vẫn bú thường xuyên hoặc bú lượng lớn hơn, hãy thử làm xao nhãng bé bằng cách chơi cùng bé hoặc dùng núm vú giả. Tình trạng béo phì có thể xảy ra ngay ở giai đoạn nhũ nhi, do đó cần kiểm soát lượng ăn của bé, tránh cho bé bú quá nhiều.

Điều quan trọng nhất khi cho trẻ dùng thêm sữa công thức là cần đặt nhu cầu của bé lên đầu tiên. Khi bạn hiểu bé, bạn sẽ biết cho bé bú bao nhiêu và cho bú khi nào là tốt nhất cho bé.

Việc phối hợp giữa dùng sữa công thức và sữa mẹ sẽ giúp giảm thiểu tình trạng mất sữa ở mẹ, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và kháng thể cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên mạ cần tuân thủ đúng nguyên tắc, và lượng sữa công thức cần cung cấp trong ngày cho bé để bé có thể phát triển một cách toàn diện.

Tài liệu tham khảo

1.Long-Term Effects and Potential Impact of Early Nutrition with Breast Milk or Infant Formula on Glucose Homeostasis Control in Healthy Children at 6 Years Old: A Follow-Up from the COGNIS Study, nguồn NCBI, truy cập ngày 11/3/2023.

2.Health and nutrition claims for infant formula: international cross sectional survey, nguồn NCBI, truy cập ngày 11/3/2023.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here