Theo thống kê, nhiệt miệng là bệnh mà ít nhất 20 – 40% dân số từng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Chúng ta gần như ai cũng từng bị lở miệng và hiểu cảm giác đau rát khó chịu đó. Vậy nguyên nhân từ đâu và phải làm sao với những vết lở này, mời bạn tham khảo bài viết của nhà thuốc Ngọc Anh dưới đây.
Nguyên nhân gây lở miệng
Nhiệt miệng (lở miệng) là tình trạng trong miệng xuất hiện những vết viêm loét nhỏ ở bên trên các mô mềm của nướu, lợi, bên trong má, môi hoặc trên lưỡi. Tình trạng này gây cảm giác đau rát, nhất là khi chúng ta ăn phải đồ nóng, cay. Tuy vậy, những vết viêm loét này thường chỉ kéo dài từ 7 – 10 ngày và không gây nguy hiểm. Trong trường hợp vết loét kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần đi khám bác sĩ bởi có thể đây là triệu chứng của các loại bệnh khác nguy hiểm hơn.
Có 5 nguyên nhân phổ biến gây nhiệt miệng như sau:
- Vệ sinh răng miệng sai cách: Khi sử dụng những loại kem đánh răng có công dụng làm trắng răng, hoặc sạch sâu có chứa nhiều chất tẩy mạnh như Sodium Lauryl Sulfate, khiến cho nướu và lợi bị bào mòn, dễ bị vi khuẩn tấn công. Đặc biệt là khi chải răng, nếu chúng ta làm quá mạnh gây tổn thương cho các vùng mô mềm này, sẽ vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm loét.
- Thiếu vitamin: Vitamin là chất đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể trong quá trình tái tạo các mô cơ và bảo vệ khỏi các loại vi khuẩn. Do đó, nếu bạn bị nhiệt miệng, có thể cơ thể đang cảnh báo bạn thiếu những nhóm vitamin sau: vitamin C, B12, B3, và B2.
- Rối loạn nội tiết tố: Nguyên nhân này thường xuất hiện ở nữ giới, đặc biệt là vào trước hoặc trong kì kinh nguyệt hoặc trong thời kì mang thai. Bởi trong thời gian này, các nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, khí âm tích tụ ở gan, thận và nhiệt độ cơ thể thay đổi không kiểm soát. Cho nên tạo nên những vết mụn nhọt trên da cũng như viêm lở ở miệng.
- Bệnh lý răng miệng: Nếu bạn có một chiếc răng sâu, hoặc viêm nướu, lợi, tủy răng, thì cũng sẽ gặp tình trạng lở miệng. Lý do là trong tình trạng này, các cơ quan trong khoang miệng có sức đề kháng yếu, vi khuẩn từ những vùng có bệnh lý dễ dàng tấn công gây lở loét.
Nhận biết những nguyên nhân này để chúng ta có thể hiểu được tình trạng của bản thân nếu có gặp phải và tìm phương pháp xử lý hiệu quả.
Những cách trị lở miệng hiệu quả
Đây không phải là một căn bệnh nghiêm trọng nên chúng ta hoàn toàn có thể tự trị khỏi trong vài ngày với những cách đơn giản dưới đây.
Nước muối pha loãng
Súc miệng bằng nước muối pha loãng (nếm thấy vị mặn hơn nước canh), hoặc dung dịch natri clorid 0,9% là một phương thức hiệu quả. Nước muối có khả năng sát khuẩn và làm sạch khoang miệng, khử mùi hôi. Nên súc miệng trong 10 giây, mỗi ngày 2 – 3 lần sau khi ngủ dậy và sau khi ăn, bằng cách này các vết viêm loét sẽ sớm lành hơn.
Hạt rau mùi
Trong hạt rau mùi có chứa nhiều chất chống oxy hóa và kháng khuẩn như Dodecenal, Terpinene, và Tocopherol. Do đó, có thể đun sôi nước với hạt rau mùi, sau đó dùng súc miệng mỗi ngày 3 – 4 lần sẽ giúp cho vết thương mau khỏi.
Nước ép cam chanh
Trong nước cam, và các loại quả có múi luôn chứa một hàm lượng Vitamin C dồi dào. Không chỉ là chất chống oxy hóa và cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, vitamin C giúp tái tạo tế bào và giúp vết lở khép miệng nhanh hơn. Mỗi ngày uống một ly cam ép sẽ giúp cho cơ thể cân bằng dinh dưỡng hơn, có thể sử dụng máy ép chậm để đảm bảo chiết hết thành phần dưỡng chất.
Bột sắn dây
Theo quan niệm của Đông Y, bột sắn dây có tính bình, vị ngọt, giúp giải độc gan, hạ nhiệt cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, và bài tiết ở thận, bàng quang. Do đó, nếu ăn quá nhiều đồ cay nóng dẫn đến nhiệt miệng, bạn có thể uống bột sắn dây pha với nước sôi để nguội để trung hòa.
Húng quế
Húng quế được gọi là một loại rau thơm (rau gia) vị rất thường gặp và dễ mua, không những có mùi thơm đặc trưng tăng khẩu vị, húng quế còn là một bài thuốc dân gian chữa nhiệt miệng. Bằng cách nhai lá húng quế, rồi nhấp một ngụm nước đun sôi để nguội, ăn khoảng 6 lần mỗi ngày để xoa dịu cảm giác ngứa rát và giảm đau.
Xem thêm: Bỏ túi 4 cách chữa viêm lợi hôi miệng tại nhà hiệu quả mà bạn nên biết
Phòng ngừa chứng lở miệng
Lở miệng không phải là một căn bệnh nghiêm trọng gây nguy hiểm nhưng chúng gây ra các cảm giác khó chịu, đau, xót khi ăn uống và giao tiếp. Một số trường hợp, viêm loét miệng còn thường xuyên tái phát trong thời gian dài. Lúc này cần sử dụng thuốc được bác sĩ kê đơn cùng với chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng hợp lý khoa học.
- Cân bằng dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng là điều ai cũng biết. Nhất là với những người có cơ địa đặc biệt dễ nổi nhiệt miệng, việc bổ sung các loại vitamin càng cần thiết hơn. Ăn nhiều loại rau quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa và có tính mát như cam quýt, rau cải, rau má, rau diếp cá là điều nên làm.
- Uống đủ nước: Trung bình 1,5 – 2l nước mỗi ngày sẽ giúp bạn điều hòa thân nhiệt tốt hơn. Trong trường hợp hội họp liên hoan và vào những mùa không thể tránh khỏi cám dỗ của đồ ăn cay nóng, thì đừng quên bổ sung đủ nước sẽ giúp cho chứng nhiệt miệng của chúng ta thuyên giảm đáng kể.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên: Vệ sinh răng miệng không chỉ để bảo vệ khỏi sự tái phát của nhiệt miệng mà còn tránh gặp phải những vấn đề về răng miệng khác. Vệ sinh răng miệng đúng cách: đánh răng 2 – 3 lần, mỗi lần 2 phút, chải theo vòng tròn và lực đều tay sẽ không làm tổn thương nướu và lợi.
Trên đây là những điều bạn cần biết về nhiệt miệng – là một vấn đề tưởng như đơn giản song nếu chúng ta không xử lý đúng cách sẽ khiến chúng ta chịu đựng nó lâu hơn.
Tài liệu tham khảo
Mouth Sores: Symptoms, Treatment, and Prevention, Healthline, truy cập ngày 7/6/2023.
Xem thêm:
Bệnh Aphtose: Nguyên nhân, điều trị, phòng ngừa
Ăn đồ cay nóng có gây nhiệt miệng ko?
Ăn đồ cay nóng kết hợp với việc vệ sinh răng miệng ko sạch sẽ cùng là nguyên nhân gây nhiệt miệng ạ
Thay việc uống nước cam bằng uống C sủi được ko ạ?
Dạ bạn có thể uống C sủi thay nước cam cũng được ạ và hàm lượng vitamin C trong C sui cũng cao giúp làm lành nhanh vết nhiệt miệng ạ