Hỗn dịch uống antacid: Công thức, phương pháp và kỹ thuật bào chế

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Antacid là thuốc kháng acid, được sử dụng với mục đích ngăn ngừa, điều trị, và kiểm soát các vấn đề đường tiêu hoá như ợ chua, ợ nóng, chướng  bụng, đầy hơi, khó tiêu, … Trên thị trường hiện nay đang lưu hành một số dạng bào chế của antacid nhưng dạng bào chế hỗn dịch thể hiện được nhiều ưu điểm hơn cả. Bài viết này nhà thuốc Ngọc Anh  sẽ trình bày về phương pháp bào chế hỗn dịch antacid.

Công thức bào chế

Hỗn dịch uống antacid hiện có nhiều công thức bào chế khác nhau nhưng công thức dưới đây đã được nghiên cứu bởi các chuyên gia bào chế nhiều kinh nghiệm và được sử dụng rộng rãi trong qui mô phòng thí nghiệm cũng như quy mô công nghiệp:

  • Nhôm hydroxyd……………………..…… 4, 00 g
  • Magnesi hydroxyd………………………. 4, 00 g
  • Gôm xanthan ……..…………………..…. 0, 25 g
  • Natri saccarin ……..…………………….. 0, 05 g
  • Natri benzoat ……………………………. 0, 5 g
  • Dung dịch Sorbitol 70% …………….. 70, 00 g
  • Vanilin  ….………………………………….. vừa đủ
  • Nước tinh khiết …………………….….. vừa đủ 100 ml

Đặc điểm tính chất, tác dụng của mỗi thành phần

Khi tiến hành nghiên cứu bào chế bất kỳ công thức bào chế nào cũng cần tìm hiểu và lựa chọn dược chất cũng như tá dược một cách kĩ càng để tránh các tương tác không mong muốn.

Nhôm hydroxyd

Nhôm hydroxyd có công thức cấu tạo là Al(OH)3, là chất lưỡng tính trong tự nhiên có cả tính base và tính acid. Nhôm hydroxyd có khả năng làm tăng pH của dạ dày theo cơ chế phản ứng với acid clohydric tạo nhôm clorid và nước, làm giảm lượng acid trong dạ dày

Al(OH)3 + HCl -> AlCl3 + H2O

Trong công thức bào chế trên, nhôm hydroxyd đóng vai trò là dược chất có tác dụng điều trị chứng ợ hơi, ợ nóng, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản.

Magnesi hydroxyd

Magnesi hydroxyd là một chất vô cơ có nguồn gốc tự nhiên với công thức hoá học là Mg(OH)2, có màu trắng và độ tan trong nước thấp.

Vai trò của magnesi hydroxyd trong hỗn dịch bào chế này ngoài giảm đau do loét dạ dày còn có tác dụng nhuận tràng.

Sử dụng hỗn hợp nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd tạo tác dụng hiệp đồng và giảm tác dụng không mong muốn. Cụ thể 2 chất này trung hoà acid dịch vị, giảm triệu chứng ợ hơi ợ chua, và do nhôm hyroxyd gây táo bón còn magnesi hydroxyd lại có tác dụng nhuận tràng.

Gôm Xanthan

NgocanhBloggaanh 15
Hình ảnh: Gôm Xanthan

Gôm xanthan là chất có phân tử lượng lớn dễ trương nở trong nước tạo dịch có độ nhớt cao. Gôm này thuộc nhóm chất polysaccarid hay còn gọi là chất keo thân nước, có ưu điểm là không màu, không vị và không có tác dụng dược lí riêng. Khi sử dụng gôm này cần lưu ý đến khả năng dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc.

Vai trò của gôm xanthan trong công thức trên là làm dịu bộ máy tiêu hoá, tăng độ ổn định do tăng độ nhớt của hỗn dịch và làm chất gây thấm để dược chất từ sơ nước thành thân nước.

Natri saccarin

Natri saccarin là một chất làm ngọt nhân tạo có vị ngọt gấp khoảng 300 đến 400 lần so với đường tự nhiên nhưng có vị đắng và cay. Trong công thức bào chế trên, natri saccarin được sử dụng với mục đích điều vị, do đây là hỗn dịch uống thường dùng cho trẻ em nên cần thêm vị ngọt cho dễ uống.

Natri benzoat

Để hạn chế mức tối thiểu tác hại của vi khuẩn, nấm mốc đối với chế phẩm thì trong thành phần công thức cần có chất sát khuẩn, đặc biệt công thức này dùng gôm xanthan là một  keo thân nước nên khả năng nhiễm khuẩn nhiễm nấm khá cao. Chất sát khuẩn cần đảm bảo ổn định về mặt hoá học và vật lí trong khoảng thời gian tuổi thọ của thuốc, ít độc và không có tác dụng dược lí. Trong công thức sử dụng chất sát khuẩn Natri benzoat để bảo quản thuốc trong quá trình sử dụng.

Dung dịch sorbitol 70%

Sorbitol là một loại đường tự nhiên thuộc nhóm polyol, được sử dụng rộng rãi trong các ngành như mỹ phẩm, thực phẩm hay dược phẩm,… Trong dược phẩm, dung dịch sorbitol có vai trò ngăn ngừa sự mất nước của cơ thể và thay thế đường cho các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hay làm tá dược cho một số công thức thuốc.

Trong hỗn dịch thuốc này, dung dịch sorbitol 70% có tác dụng giữ ẩm cho sản phẩm và làm ổn định thuốc.

Vanilin

Vanilin là một chất làm thơm được sử dụng rất nhiều trong các công thức bào chế thuốc, có màu trắng hay vàng nhạt, dạng tinh thể hình kim, với khả năng hoà tan trong cồn 96o và methanol tốt, khó tan trong nước. Vanilin dùng trong công thức với mục đích là chất thơm, làm sản phẩm dễ sử dụng hơn. Chú ý đây là chất thơm dễ bay hơi nên khi bào chế phải cho vào giai đoạn sau khi đã tiến hành xong với các tá dươc khác.

Nước tinh khiết

Nước tinh khiết để hoà tan một số tá dược có trong công thức và bổ sung dung môi cho đủ thể tích thuốc.

Phương pháp bào chế hỗn dịch

Công thức bào chế trên được tiến hành bằng phương pháp phân tán, thông qua 3 bước chính, bao gồm nghiền khô, nghiền ướt và phân tán hỗn dịch đặc vào chất dẫn. Chú ý khi phân tán hỗn dịch đặc vào dược chất vừa thêm vừa nghiền khuấy và lắng gạn. Không được lọc hỗn dịch thuốc sau khi đã bào chế.

Kĩ thuật bào chế

Chuẩn bị dụng cụ bào chế qui mô phòng thí nghiệm, bào gồm: cốc có mỏ, đũa thuỷ tinh, chày, cối, chai nhựa, nhãn dán,…

Sơ đồ bào chế:

NgocanhBloggaanh 44
Sơ đồ bào chế hỗn dịch Antacid

Qui trình bào chế cụ thể:

  • Bước đầu ta cần cân và đong các thành phần theo công thức đã trình bày ở trên.
  • Dùng 15 ml nước cất ngâm gôm xanthan đến khi trương nở hoàn toàn.
  • Sử dụng chày cối để nghiền mịn từng dược chất nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd, sau đó mới trộn thành bột kép đồng nhất trong cối.
  • Tiếp theo ta thêm gôm xanthan đã trương nở , nghiền kĩ thành bột nhão đồng nhất.
  • Bước tiếp theo ta thêm dần dung dịch sorbitol 70% vào hỗn dịch nhão trên theo nguyên tắc đồng lượng, sau đó phân tán kĩ và đều rồi kéo vào cốc có chân.
  • Dùng một cốc có mở chứa 15 ml nước nóng để hoà tan natri benzoat và natri saccarin.
  • Tiếp đó phối hợp dung dịch vừa pha trên vào hỗn dịch trong cốc có chân.
  • Thêm chất thơm vanilin rồi khuấy đều, sau đó bổ sung thêm nước cất cho đủ 100 ml rồi khuấy đều.
  • Cuối cùng hỗn dịch được đóng chai, dán nhãn với dòng chữ lưu ý” lắc đều trước khi sử dụng”

Đặc điểm thành phẩm

Thành phẩm sau khi bào chế là một hỗn dịch sánh màu trắng đục, có vị ngọt và có mùi vanilin. hỗn dịch này có thể xuất hiện lớp cặn ở đáy chai nếu để lâu , khi lắc lên cần đảm bảo phân tán đều trong chất dẫn. Lưu ý nhiệt độ bảo quản thường ở nhiệt độ phòng, nhỏ hơn 30 độ C.

Ưu nhược điểm của hỗn dịch

Chế phẩm antacid được bào chế dưới dạng hỗn dịch để có thể sử dụng dễ dàng hơn cho những đối tượng gặp vấn đề về nuốt các viên dạng rắn. Dạng hỗn dịch cũng có thể được hấp thu nhanh hơn so với dạng nhai antacid do các tiểu phân đã được phân tán đều trong dẫn chất.

Nhược điểm của hỗn dịch antacid là dễ nhiễm vi sinh vật, kém bền về mặt nhiệt động học, dễ sa lắng hay đóng bánh nên cần yêu cầu độ ổn định cao. Ngoài ra sự phân liều của hỗn dịch thuốc này không chính xác được như các dạng thuốc rắn nên cần chú ý khi phân liều để sử dụng.

Công dụng và lưu ý cách sử dụng

Thuốc antacid kết hợp với một số loại thuốc khác với mục đích điều trị giảm đau do loét dạ dày tá tràng và đẩy nhanh quá trình liền các vết loét. Ngoài ra còn có tác dụng ngăn ngừa, kiểm soát một số triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, chướng bụng.

Cách dùng: uống thuốc sau khi ăn 1-3h và vào lúc đi ngủ, sử dụng ngày 3 lần , mỗi lần từ 5 đến 10 ml. Chú ý phải lắc trước khi sử dụng, và khi chọn lại bao bì để đóng thuốc cần chọn loại có thể tích lớn hơn so với thể tích dung dịch để lắc đều thuốc dễ hơn.

Tiêu chuẩn chất lượng

Thành phẩm hỗn dịch luôn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chất lượng, bào gồm yêu cầu về tính chất, pH, định tính, định lượng, sai số thể tích, giới hạn nhiễm khuẩn, giới hạn kích thước tiểu phân; đảm bảo hạn chế sự sa lắng của các tiểu phân, chống đóng bánh và đảm bảo lớp cắn dễ dàng phân tán trở lại khi lắc hỗn dịch.

Tài liệu tham khảo

Sách “Handbook of pharmaceutical excipients”.

Xem thêm: Công thức và phương pháp bào chế hỗn dịch uống Ibuprofen

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here