Diosmin
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo – Khoa Dược, Trường Y Dược – Đại học Duy Tân.
Danh pháp
Tên chung quốc tế
Diosmin
Tên danh pháp theo IUPAC
5-hydroxy-2-(3-hydroxy-4-methoxyphenyl)-7-[(2S,3R,4S,5S,6R)-3,4,5-trihydroxy-6-[[(2R,3R,4R,5R,6S)-3,4,5-trihydroxy-6-methyloxan-2-yl]oxymethyl]oxan-2-yl]oxychromen-4-one
Nhóm thuốc
Thuốc làm bền mao mạch
Mã ATC
C – Hệ tim mạch
C05 – Thuốc bảo vệ thành mạch
C05C – Thuốc làm bền mao mạch
C05CA – Bioflavonoids
C05CA03 – Diosmin
Mã UNII
7QM776WJ5N
Mã CAS
520-27-4
Cấu trúc phân tử
Công thức phân tử
C28H32O15
Phân tử lượng
608.5 g/mol
Cấu trúc phân tử
Diosmin là một dẫn xuất disaccharide, bao gồm diosmetin được thay thế bởi một gốc 6-O-(alpha-L-rhamnopyranosyl)-beta-D-glucopyranosyl ở vị trí 7 thông qua liên kết glycosidic.
Các tính chất phân tử
Số liên kết hydro cho: 8
Số liên kết hydro nhận: 15
Số liên kết có thể xoay: 7
Diện tích bề mặt tôpô: 234 Ų
Số lượng nguyên tử nặng: 43
Các tính chất đặc trưng
Điểm nóng chảy: 277 – 278°C
Điểm sôi: 926.8 ± 65.0°C
Tỷ trọng riêng: 1.7 ± 0.1 g/cm3
Phổ hồng ngoại: Đạt cực đại tại 2931cm-1
Độ tan trong nước: 0.019 ± 0.005 mg/L
Hằng số phân ly pKa: 6.10 ± 0.40
Chu kì bán hủy: 26 – 43 giờ
Cảm quan
Diosmin có dạng bột kết tinh màu trắng, rất khó tan trong nước.
Dạng bào chế
Viên nén: 450 mg.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản
Các dạng bào chế của diosmin nên được bảo quản kín trong bao bì gốc của nhà sản xuất, để ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30°C, tránh ánh sáng trực tiếp và hơi ẩm.
Nguồn gốc
Diosmin là một flavone glycoside của diosmetin, được phân lập từ các loại thực vật khác nhau (đặc biệt là vỏ cam quýt), hoặc có nguồn gốc từ hesperidin flavonoid.
Dược lý và cơ chế hoạt động
Cơ chế hoạt động phân tử của diosmin chưa được hiểu rõ, tuy nhiên diosmin là một loại thuốc có hoạt tính hỗ trợ sức khỏe hệ tuần hoàn thông qua các hoạt động khác nhau trên mạch máu.
Theo đó, diosmin hỗ trợ dẫn lưu bạch huyết và cải thiện vi tuần hoàn, đồng thời tăng trương lực và độ đàn hồi của tĩnh mạch. Do đó, diosmin có thể làm giảm hiện tượng ứ máu bên trong các búi trĩ. Hơn nữa, diosmin cũng có thể làm giảm tình trạng sưng phù thông qua làm giảm các yếu tố gây viêm như prostaglandin, thromboxane B2 và các gốc tự do.
Một nghiên cứu đã chứng minh rằng diosmin đường uống có tác dụng lên quá trình chuyển hóa in vitro của noradrenalin do làm giãn tĩnh mạch và điều này có khả năng có lợi cho sức khỏe của mạch máu. Mặt khác, một số nguồn tài liệu chỉ ra rằng diosmin liên kết với thụ thể hydrocarbon aryl, nhưng sự liên quan về mặt lâm sàng với chức năng mạch máu vẫn chưa được biết rõ.
Diosmin còn có hoạt tính chống oxy hóa và quét các gốc oxy tự do, làm giảm mức độ stress oxy hóa thường được phát hiện thông qua tiền chất isoprostane của prostaglandin.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu lâm sàng, hàm lượng trung bình của TNF alpha, VEGF-C, VEGF-A IL-6, FGF2 đã giảm sau khi điều trị bằng diosmin. Đồng thời, sự giảm phù nề và chu vi bàn chân trung bình của những bệnh nhân dùng diosmin trong ba tháng đã được quan sát. Do đó, diosmin đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường chuyển hóa glucose ở các bệnh nhân đái tháo đường.
Ứng dụng trong y học
Diosmin được bao gồm trong một nhóm nhỏ các chất được gọi là “Phlebotonic” có thành phần không đồng nhất và bao gồm một phần chiết xuất từ vỏ cam quýt (chẳng hạn như hesperidin) và các hợp chất tổng hợp, được sử dụng để điều trị bệnh suy tĩnh mạch mãn tính hoặc bệnh trĩ.
Theo đó, vào năm 2017, Nhóm Công tác Hoa Kỳ về Bệnh tĩnh mạch mãn tính đã khuyến nghị sử dụng phân đoạn flavonoid vi hạt tinh chế (diosmiplex) cho các triệu chứng của bệnh tĩnh mạch mãn tính và loét tĩnh mạch với “kết quả có lợi mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng”, có thể thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với liệu pháp nén.
Điều này cũng đồng tình với hướng dẫn trước đây của Hiệp hội Phẫu thuật Mạch máu Quốc tế Châu Âu. Đồng thời, Hiệp hội Da liễu Đức cũng chỉ định rằng diosmin có thể được sử dụng với các phương pháp điều trị khác cho các triệu chứng của bệnh tĩnh mạch mãn tính.
Ngoài ra, Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Đại tràng và Trực tràng Hoa Kỳ đề cập đến “Phlebotonic” như một phương pháp điều trị có thể có đối với các triệu chứng của bệnh trĩ cấp độ I đến độ II. Các hiệp hội chuyên môn về mô bệnh học của Pháp, Ấn Độ, Bồ Đào Nha và Ý cũng đã đưa ra các khuyến nghị tương tự về “Phlebotonic” cho bệnh trĩ.
Dược động học
Hấp thu
Sau khi uống, diosmin được hấp thu nhanh chóng ở đường tiêu hóa, tuy nhiên vì thuốc ít tan trong nước nên sinh khả dụng khác nhau giữa các cá thể. Trong một nghiên cứu sử dụng sắc ký lỏng với phương pháp khối phổ song song (LC-MS / MS) ở người bình thường, sau khi uống liều duy nhất 900mg, Cmax là 4,2 ± 3,8 ng/mL-1, Tmax là 18,7 ± 9,9 giờ và AUC0 ~ 96 là 185,4 ± 166,2 ng/mL-1.
Trong khi đó, một nghiên cứu dược động học khác trên 5 người lớn cho thấy Cmax là 417 ± 94,1 ng/dL.
Phân bố
Diosmin liên kết với albumin huyết thanh và nghiên cứu dược động học trên 5 người lớn cho thấy thể tích phân bố của thuốc là 62,1 ± 7,9 L.
Chuyển hóa
Tương tự như các flavonoid khác, các sản phẩm chuyển hóa của diosmin bao gồm các axit alkyl-phenolic khác nhau.
Thải trừ
Dữ liệu dược động học cho thấy không có sự đào thải qua nước tiểu đối với diosmin và aglycone diosmetin của nó. Trong khi đó, các chất chuyển hóa nhỏ được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng liên hợp axit glucuronic.
Thời gian bán thải trung bình của diosmin từ 26 đến 43 giờ. Tuy nhiên, một nghiên cứu sử dụng sắc ký lỏng với phương pháp khối phổ song song (LC-MS / MS) đối với liều diosmin 900mg duy nhất đã chứng minh thời gian bán hủy là 60,2 ± 85,7 giờ ở những người khỏe mạnh.
Độc tính ở người
Không có trường hợp quá liều nào được báo cáo đối với diosmin. Tuy nhiên, sử dụng liều cao có thể dẫn đến các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn, khó tiêu, nôn mửa và tiêu chảy.
Tính an toàn
Các nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn của diosmin trên các bệnh nhân ung thư, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú còn hạn chế. Do đó chỉ sử dụng thuốc sau khi đã cân nhắc giữa các yếu tố lợi ích và nguy cơ.
Tương tác với thuốc khác
Dữ liệu về tương tác giữa diosmin với các thuốc khác còn hạn chế, nhưng dường như diosmin không tương tác với bất kỳ loại thuốc nào. Tuy nhiên, sự chuyển hóa của metronidazol có thể giảm khi sử dụng đồng thời với diosmin.
Lưu ý khi sử dụng Diosmin
Bệnh nhân bị suy tĩnh mạch mạn tính hoặc có các biến chứng nên được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi chặt chẽ.
Việc uống diosmin không làm ảnh hưởng đến việc điều trị đặc trị khác tại hậu môn.
Việc điều trị bằng disomin là ngắn hạn, do đó nếu các triệu chứng không giảm nhanh chóng, cần khám trực tràng và xem xét lại việc điều trị.
Một vài nghiên cứu của Diosmin trong Y học
Ý thức chung của việc sử dụng diosmin trong điều trị kết hợp bệnh trĩ
Flavonoid là thuốc thảo dược và được sử dụng rộng rãi cho các bệnh tĩnh mạch mãn tính và bệnh trĩ. Flavonoid diosmin ở cả dạng vi lượng và không vi lượng là một phần của các loại thuốc khác nhau. Theo dữ liệu tài liệu, flavonoid có thể làm giảm ứ đọng tĩnh mạch, ngăn chặn tình trạng viêm tại chỗ, cải thiện trương lực tĩnh mạch và dòng chảy bạch huyết.
Cần lưu ý rằng các mô hình sinh học của các thử nghiệm in vivo có một số hạn chế nhất định trong khi dữ liệu hiện có của các nghiên cứu khác nhau lại trái ngược nhau. Tuy nhiên, flavonoid được khuyên dùng cho bệnh trĩ dựa trên phân tích tổng hợp của 14 thử nghiệm so sánh flavonoid (diosmin, phân đoạn flavonoid tinh khiết vi lượng và rutosides) với giả dược ở 1514 bệnh nhân bị trĩ và Cochrane đánh giá 24 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (2.334 người tham gia).
Những loại thuốc này nên được sử dụng như một phần của liệu pháp phức tạp. Đồng thời, không có bằng chứng thuyết phục để chỉ ưu tiên một trong những loại thuốc này. Cũng không có dữ liệu nào xác nhận lợi ích của liều lượng hàng ngày 3000mg flavonoid dạng vi lượng mỗi ngày so với 1800mg diosmin tinh khiết mỗi ngày để điều trị bệnh trĩ cấp tính.
Tài liệu tham khảo
- 1. Bashankaev, B. N., Wexner, S. D., & Arkharov, A. V. (2018). Zdravyĭ smysl primeneniia diosmina v kombinirovannom lechenii gemorroia [Common sense of diosmin administration in combined treatment of hemorrhoids]. Khirurgiia, (8. Vyp. 2), 83–89. https://doi.org/10.17116/hirurgia201808283
- 2. Drugbank, Diosmin, truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2022.
- 3. Pubchem, Diosmin, truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2022.
- 4. Bộ Y Tế (2012), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Pháp
Xuất xứ: Pháp
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Tây Ban Nha
Xuất xứ: Pháp