Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Hắc Mai Biển

Tên khoa học

Hắc Mai Biển có tên tiếng khoa học là Hippophae rhamnoides L., thuộc họ Nhót Elaeagnaceae.

Nguồn gốc

  • Hắc Mai Biển là loại cây có nguồn gốc từ vùng ôn đới lạnh ở các nước Châu Á và Châu ÂU như Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan và Đức, các khu vực ven biển của Hà Lan, Anh. Ở châu Á, Hắc Mai Biển có thể được tìm thấy ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Himalaya, Trung Quốc, Bhutan và Afghanistan. Hắc Mai Biển được phân bố ở nhiều vùng địa lí khác nhau bao gồm sườn đồi, bờ sông, thung lũng hay trên các đảo, dọc theo ven biển, cây có thể mọc thành bụi độc lập hay lẫn trong các bụi cây khác. Hiện nay cây còn được trồng tại các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Bolivia, Canada.
  • Hắc Mai Biển có khả năng chịu hạn và chịu mặn do hệ thống rễ sâu, phát triển.
  • Cây Hắc Mai Biển có ở Việt Nam không? Hiện nay Hắc Mai Biển chưa được trồng tại Việt Nam tuy nhiên Việt Nam có nhập khẩu bán thành phẩm của Hắc Mai Biển như chiết xuất, tinh dầu,… của cây.

Đặc điểm thực vật

  • Hắc Mai Biển là loại cây bụi có lá cứng cáp cao từ 2-4 mét. Vỏ thân cây Hắc Mai Biển thô, có màu đen hay nâu và có các vẩy dày trên thân, màu xanh xám. Cây có hệ thống rế phát triển.
  • Lá Hắc Mai Biển mọc xen kẽ, đối xứng, hình mũi mác, hẹp , dài 3–8 cm và rộng < 7 mm, mặt trên của cây màu xanh bạc, mặt dưới màu xanh tro.
  • Hoa Hắc Mai Biển có hoa đực và hoa cái mọc trên các cành khác nhau. Cụm hoa đực gồm 4-6 hoa, cụm hoa cái thường chỉ có 1 bông chứa 1 bầu nhụy và 1 noãn. Quá trình thụ phấn của câu là nhờ gió. Hoa thường ra vào tháng 4 hàng năm.
  • Quả Hắc Mai Biển có hình hơi tròn hay hình bầu dục, mọc thành các chùm nhỏ có màu vàng nhạt đến màu cam đậm. Mỗi quả nặng khoảng 270-480 mg, đường kính 6-9mm, nhiều nước, mềm. Hạt dài 3–4 mm, hình trứng có màu nâu hoặc xám, bao phủ bởi một lớp vỏ sáng bóng.
Hắc Mai Biển
Hắc Mai Biển

Bộ phận dùng

Toàn bộ cây Hắc Mai Biển đều có thể được sử dụng.

Thu hái, chế biến

Lá Hắc Mai Biển có thể thu hoạch quanh năm. Quả Hắc Mai Biển được thu hoạch vào tháng 8-10 hàng năm, quả của cây khó thu hoạch do cuống quả ngắn và bám chặt vào cành đồng thời cây có nhiều gai cứng có thể gây khó khăn trong quá trình thu hoạch quả, phương pháp được áp dụng thường là cắt chồi. Sau khi thu hoạch, quả và chồi của cây sẽ được đem đông lạnh tại nhiệt độ -38°C, chồi được tách khỏi quả sẽ được chế biến và sử dụng.

Tính vị, quy kinh

Quả Hắc Mai Biển có vị chua, đắng, chát.

Thành phần hóa học

  • Quả Hắc Mai Biển có chứa carotenoid, polyphenol ( 32,93–1417 mg/100 g), Flavonol, axit amin, khoáng chất, đường (2,7–5,3 g/100 ml nước ép), chất xơ, vitamin C 400 mg/100 gam, vitamin E và K, rượu, và sterol thực vật, phytosterol (340–520 mg/kg), β-sitosterol (chiếm 57–83% tổng số sterol).
  • Tinh dầu Hắc Mai Biển được tích tụ dầu ở cả phần thịt mềm và hạt của quả với lượng tương ứng 1,5–3,0% và 11% tính theo khối lượng quả tươi. Dầu hạt có chứa hàm lượng cao axit béo không bão hòa đơn, axit béo không bão hòa, và carotenoids.
  • Vị chua của Hắc Mai Biển là do hàm lượng axit malic cao (0,8-3,2 g/100 ml nước ép). Các khoáng chất trong quả Hắc Mai Biển bao gồm đồng (0,1 mg/100 g), kali (300–380 mg/100 g), mangan (0,28–0,32 mg/100 g).

Tác dụng dược lý

Hắc Mai Biển có tác dụng gì?

  • Hắc Mai Biển đã được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng bằng cách dùng 800 mg/ngày dầu hắc mai biển trong 60 ngày với tình trạng viêm cho thấy dầu của cây có khả năng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, chống viêm, giảm nhẹ căng thẳng oxy hóa.
  • Khi tiến hành cho những bệnh nhân tăng cholesterol máu dùng Hắc Mai Biển xay nhuyễn trong 45 ngày cho thấy nồng độ glucose, lipid, lactate trong máu tăng lên nhưng sau 90 ngày, mức lipid trong máu trở lại mức cơ bản, nồng độ glucose và lactate trong máu giảm xuống dưới mức cơ bản.
  • Việc bổ sung Hắc Mai Biển ở những con chuột bị tăng cholesterol có tác dụng có lợi đối với nồng độ lipid do thành phần β-sitosterol, axit palmitoleic, flavonoid, axit linolenic làm giảm đáng kể nồng độ TC huyết thanh và LDL-C trong máu, glucose. Flavonoid cũng điều chỉnh biểu hiện thụ thể kích hoạt peroxide γ, thụ thể kích hoạt peroxide α ở gan và mô mỡ.
  • Chiết xuất dầu quả Hắc Mai Biển rất giàu axit palmitoleic có tác dụng hạ đường huyết, giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm tích tụ mỡ, giảm căng thẳng oxy hóa do tăng lipid máu gây ra và tổn thương gan.
  • Một số nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng của dầu thịt quả Hắc Mai Biển như một phương pháp điều trị bệnh tiểu đường cho thấy hoạt động chống đái tháo đường do tăng cường hiệu quả tiết insulin bằng cách kích hoạt các thụ thể kết hợp protein G trong tế bào β tuyến tụy. Trong số các axit béo của dầu bột hắc mai biển, axit palmitoleic có hoạt tính cao nhất.
  • Flavonoid trong quả và lá Hắc Mai Biển lần lượt là isorhamnetin và quercetin có đặc tính chống oxy hóa, có thể làm giảm huyết áp và ngăn ngừa các bệnh tim mạch, bảo vệ các tế bào nội mô khỏi tổn thương oxy hóa do LDL gây ra.
  • Trong mô hình động vật, có nhiều nghiên cứu đã chứng minh được dầu hạt Hắc Mai Biển có thể bảo vệ gan khỏi tổn thương do rượu ethyl, acetaminophen, carbon tetrachloride gây ra. Một số nghiên cứu cho thấy hợp chất phenolic trong quả Hắc Mai Biển có tác dụng kháng khuẩn ức chế sự phát triển của vi khuẩn gram âm.
  • Chiết xuất lá Hắc Mai Biển có tác dụng điều hòa miễn dịch đáng kể.
  • Hắc Mai Biển trong mỹ phẩm: Các sterol và rượu chuỗi dài trong Hắc Mai Biển được ứng dụng tại chỗ giúp chữa lành vết thương mà không để lại sẹo đồng thời nó cũng được sử dụng như 1 chất chống tia cực tím trong các sản phẩm kem chống nắng.
  • Serum tinh chất Hắc Mai Biển được dùng bôi tại chỗ có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình chữa lành các vết thương, viêm da do chiếu xạ trên da, vết bỏng.
  • Nước ép Hắc Mai Biển có thể bảo vệ thần kinh, tăng cường trí nhớ, thể hiện hoạt tính peroxid hóa lipid chống oxy hóa, giảm căng thẳng thần kinh nội tiết.
  • Trong một thử nghiệm mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng, đã chứng minh được uống 3 g Hắc Mai Biển/ngày đã cải thiện sức khỏe âm đạo đáng kể so với giả dược.
Hắc Mai Biển
Hắc Mai Biển

Công dụng của Hắc Mai Biển

  • Lá Hắc Mai Biển được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền làm thuốc thảo dược giúp điều trị ho, nhiễm trùng, giảm đau, hỗ trợ để cải thiện tiêu hóa, rối loạn tuần hoàn, ngăn ngừa hoặc điều trị hội chứng chuyển hóa.
  • Trong tài liệu y học cổ Tây Tạng còn ghi nhận sử dụng thuốc Hắc Mai Biển được dùng trong chủ trị nhiễm độc, áp xe, sốt, viêm nhiễm, bệnh phụ khoa, ho, khối u, cảm lạnh, nhuận tràng, làm sạch đờm.
  • Chiết xuất từ lá và cành Hắc Mai Biển được sử dụng điều trị các rối loạn về da khi dùng thoa bôi tại chỗ, điều trị viêm ruột, viêm đại tràng, nước ép từ quả được dùng trong điều trị cảm lạnh, nhiễm trùng.
  • Theo ghi chép, trong y học cổ truyền Trung Quốc, Hắc Mai Biển được sử dụng để điều trị rối loạn chuyển hóa, tổn thương da, bệnh về hệ về hệ tiêu hóa, tuần hoàn.
  • Hắc Mai Biển được sử dụng nhiều nhờ đặc tính chống ung thư, chống vi-rút, chống xơ vữa động mạch, chống tiểu đường, chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, chống viêm, chống vi khuẩn, bảo vệ gan, da, điều hòa miễn dịch.

Liều dùng

Trong nhiều nghiên cứu cho thấy liều dùng Hắc Mai Biển có thể khác nhau tùy vào mục đích sử dụng như sau:

  • Kháng khuẩn: 28 g bột Hắc Mai Biển/ngày trong 90 ngày.
  • Viêm da dị ứng: 5 g dầu hạt Hắc Mai Biển/ ngày trong 4 tháng để cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân viêm da dị ứng.
  • Các yếu tố nguy cơ tim mạch: 100 g quả tươi Hắc Mai Biển/ngày trong 1 tháng.
  • Khô mắt: 1 g dầu Hắc Mai Biển/ngày trong 3 tháng.
  • Bệnh gan: 15 g chiết xuất Hắc Mai Biển 3 lần mỗi ngày trong 6 tháng.
  • Kết tập tiểu cầu: 5 g/ngày dầu Hắc Mai Biển trong 4 tuần.
  • Các triệu chứng sau mãn kinh: 1,5 g dầu Hắc Mai Biển 2 lần/ngày trong 3 thán.
  • Bệnh thận: 350 mg chiết xuất Hắc Mai Biển 2 lần mỗi ngày trong 12 tuần.

Lưu ý khi dùng

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng Hắc Mai Biển.
  • Hắc Mai Biển có thể gây ảnh hưởng tới khả năng kết tập tiểu cầu vì vậy lưu ý khi dùng cùng với thuốc chống kết tập tiểu cầu, nhóm NSAID, thuốc chống đông.

Một số sản phẩm có chứa Hắc Mai Biển

Hắc Mai biển hiện nay được ứng dụng dưới nhiều dạng bào chế như viên nang, kem, el, serum, dầu dưỡng, tinh dầu,..

  • Gel Vitamin Trê Water-Gel I’m from có chứa chiết xuất từ Hắc Mai Biển có tác dụng giúp dưỡng ẩm, dưỡng trắng.
  • The Ordinary 100% Organic Virgin Sea-Buckthorn Fruit Oil có tác dụng dưỡng da, chống oxy hóa.
  • Kem Supergoop có tác dụng cấp ẩm, giữ cho làn da mịn màng.
  • Viên uống Hắc Mai Biển Sea Buckthorn giúp thải độc gan, bảo vệ gan.
Hắc Mai Biển
Hắc Mai Biển

Tài liệu tham khảo

  1. Chuyên gia drugs.com, Sea Buckthorn, drugs.com. Truy cập ngày 24/03/2024.
  2. Rudolf Dupak 1, Jana Hrnkova 2, Nikoleta Simonova 3, Jan Kovac 4, Eva Ivanisova 5, Anna Kalafova 6, Monika Schneidgenova 7, Marta Soltesova Prnova 8, Jan Brindza 9, Katarina Tokarova 10, Marcela Capcarova (2022), The consumption of sea buckthorn (Hippophae rhamnoides L.) effectively alleviates type 2 diabetes symptoms in spontaneous diabetic rats, pubmed. Truy cập ngày 24/03/2024.
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.