Dạng dược dụng là gì? Có những dạng dược dụng nào?

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Dạng dược dụng là gì?

Nhathuocngocanh.com – Tùy thuộc vào tính chất và yêu cầu chất lượng của sản phẩm mà nhà nghiên cứu sẽ lựa chọn dạng dược dụng phù hợp cho sản phẩm, từ đó quyết định kỹ thuật bào chế phù hợp. Vậy, dạng dược dụng là gì?. Hãy cùng bài viết của Nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu cụ thể về các dạng dược dụng.

Dạng dược dụng là gì?
Dạng dược dụng là gì?

Dạng dược dụng là gì?

Dạng dược dụng hay còn gọi là dạng thuốc, là sản phẩm cuối cùng của quy trình bào chế sản phẩm. Sản phẩm cuối cùng là thành phẩm đạt các chỉ tiêu chất lượng đã được đăng ký trong hồ sơ sản phẩm, được sử dụng để đưa dược chất vào cơ thể để chữa bệnh hoặc phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh ((Sách giáo trình Bào chế và sinh dược học 1 – Đại học Dược Hà Nội)).

Để nghiên cứu ra một sản phẩm, quyết định được dạng dược dụng là vô cùng quan trọng. Dạng dược dụng cần được lựa chọn để phù hợp với điều kiện bảo quản, dễ vận chuyển, an toàn và hiệu quả khi sử dụng, tiết kiệm chi phí.

Một dược chất điều trị có thể lựa chọn nhiều dạng bào chế khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng cũng như đối tượng sử dụng. Với từng dạng bào chế khác nhau, tác dụng mà dược chất đem lại có thể khác nhau. Ví dụ như hoạt chất Magnesi sulfat nếu dùng đường uống sẽ có tác dụng nhuận tràng; còn khi sử dụng dưới dạng thuốc tiêm thì có tác dụng chống co giật cho bệnh nhân. Một dạng dược dụng của sản phẩm cần được quyết định dựa trên nhiều các yếu tố khác nhau, ví dụ như:

  • Dạng dược dụng có ảnh hưởng đến quá trình dược động học (hấp thu, giải phóng, chuyển hóa, thải trừ) của sản phẩm
  • Yếu tố thuộc về bệnh nhân: tình trạng bệnh lý, độ tuổi, đường dùng.
  • Yếu tố thuộc về dược chất: tính chất lý hóa của thành phần dược chất, tá dược, bao bì sản phẩm.
  • Kỹ thuật bào chế có thể đáp ứng.

Phân loại các dạng dược dụng

Phân loại dạng dược dụng theo thể chất sản phẩm:

  • Dạng thể rắn (thuốc bột, thuốc cốm, thuốc viên)
  • Dạng thể mềm (thuốc cao, thuốc dạng gel, thuốc mỡ)
  • Dạng thể lỏng (thuốc hỗn dịch, dung dịch, nhũ tương, siro)

Phân loại dạng dược dụng theo đường dùng:

  • Thuốc sử dụng đường uống (thuốc viên, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc hỗn dịch, nhũ tương, hỗn dịch)
  • Thuốc sử dụng đường tiêm (dung dịch tiêm truyền, bột pha tiêm)
  • Thuốc dùng ngoài (thuốc sử dụng ngoài da, thuốc nhỏ mắt, thuốc súc miệng)
  • Thuốc đặt vào các hốc tự nhiên của cơ thể (thuốc đặt âm đạo, thuốc đặt hậu môn).
Một thuốc có thể có nhiều dạng dược dụng khác nhau
Một thuốc có thể có nhiều dạng dược dụng khác nhau

Một số các dạng dược dụng phổ biến

Dạng tiêm

Thuốc tiêm là dạng bào chế dược chất ở điều kiện vô khuẩn, có thể ở dạng dung dịch, hỗn dịch, nhũ tương hoặc ở dạng bột đông khô. Ở dạng bột, thuốc được pha cùng dung môi hòa tan trước khi sử dụng.

Có nhiều đường tiêm khác nhau như tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm cơ delta.

Dạng dung dịch

Dạng dung dịch là dạng bào chế hòa tan một hoặc nhiều thành phần trong một dung môi hoặc hỗn hợp dung môi. Dung dịch thuốc có thể dùng để uống hoặc dùng để bôi ngoài da.

Siro cũng thuộc nhóm thuốc dạng dung dịch, có tỷ lệ đường từ 56 đến 64%.

Ưu điểm của dạng dung dịch:

  • Dược chất ở dạng phân tử, hấp thu nhanh, tác dụng nhanh hơn dạng viên.
  • Ít gây kích ứng trên niêm mạc
  • Có thể sử dụng ở dạng giọt, chia liều dễ, thích hợp sử dụng cho người cao tuổi và trẻ nhỏ.
  • Che giấu được mùi vị khó chịu của dược chất.
  • Với tỷ lệ đường cao, điều kiện bảo quản dễ dàng hơn và cung cấp giá trị dinh dưỡng hơn cho trẻ nhỏ khi sử dụng.

Nhược điểm của dạng dung dịch:

  • Độ ổn định kém do dễ xảy ra các phản ứng thủy phân, tạo phức kém bền, oxy hóa.
  • Là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm.
  • Siro có tỷ lệ đường cao nên độ nhớt cao, làm quá trình hấp thu chậm. Để cải thiện được độ hấp thu, có thể pha loãng hoặc uống siro kèm với nước.

Dạng hỗn dịch

Dạng hỗn dịch là dạng bào chế có chứa dược chất ở dạng không hòa tan, phân tử dược chất rất nhỏ, có đường kính khoảng 1 μm. Các hạt phân tử dược chất được phân tán đồng đều trong môi trường phân tán. Môi trường phân tán dược chất có thể là nước, dung dịch dược chất, nước thơm,… Hỗn dịch có thể sử dụng để uống, tiêm hoặc dùng ngoài da.

Ưu điểm của dạng hỗn dịch:

  • Che giấu được mùi vị khó uống của một số dược chất
  • Giảm nguy cơ gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa
  • Cải thiện được nhược điểm kém hòa tan của một số dược chất

Nhược điểm của dạng hỗn dịch:

  • Dễ gây sa lắng. Do đó, cần lắc kỹ sản phẩm trước khi sử dụng.

Dạng nhũ tương

Nhũ tương là dạng bào chế gồm các tiểu phân chất lỏng phân tán trong một môi trường lỏng khác không đồng tan. Nhũ tương có thể sử dụng để uống, tiêm hoặc dùng ngoài da.

Sản phẩm nhũ tương được dùng đường uống còn được gọi là nhũ dịch.

Ưu điểm của dạng nhũ tương:

  • Che giấu được mùi vị khó uống của một số dược chất
  • Giảm nguy cơ gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa
  • Hạn chế nguy cơ tắc mạch so với một số thuốc tiêm dạng dầu.

Nhược điểm của dạng nhũ tương:

  • Dễ phân lớp. Do đó, cần lắc kỹ sản phẩm trước khi sử dụng.

Dạng viên sủi

Viên sủi là dạng bào chế phổ biến trong những năm gần đây. Khi sử dụng, hòa tan viên sủi cùng nước tạo thành dạng dung dịch hoặc hỗn dịch, dùng để uống. Tá dược của viên sủi thường bao gồm muối kiềm và các loại acid hữu cơ, khi phản ứng với nhau trong điều kiện thích hợp giải phóng khí cacbonic. Viên sủi thường hòa tan hoàn toàn trong nước trong khoảng thời gian ngắn trước khi được đưa vào cơ thể (khoảng 5 phút). Không nên sử dụng khi viên sủi khi chưa hoàn tan hoàn toàn, vì lúc đó khó cacbonic tiếp tục giải phóng làm ảnh hưởng xấu đến dạ dày.

Ưu điểm của viên sủi:

  • Cải thiện tác dụng và sinh khả dụng của dược chất.
  • Thích hợp sử dụng cho người cao tuổi, trẻ nhỏ và những bệnh nhân khó nuốt, không sử dụng được dạng viên.
  • Hạn chế kích ứng trên niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Dễ dàng chia liều khi sử dụng.
  • Dễ dàng phối hợp với các thành phần hoạt tính khác để tăng tác dụng điều trị.
  • Che giấu được mùi vị khó chịu của thuốc do có thể kết hợp các chất tạo hương trong sản phẩm.

Nhược điểm của viên sủi:

  • Cần sản xuất và bảo quản trong môi trường tránh ẩm.
  • Không thích hợp sử dụng cho đối tượng kiêng muối.
  • Có thể làm ảnh hưởng tới quá trình hấp thu của các nhóm thuốc khác do làm thay đổi pH máu.
Dạng viên sủi
Dạng viên sủi

Dạng cốm bột

Dạng cốm bột là dạng bào chế thuốc thể rắn, bao gồm các hạt nhỏ có kích thước xác định, khô, tơi, đảm bảo các chỉ tiêu theo dược điển, có thể bao gồm một hoặc nhiều các dược chất khác nhau.

Thuốc cốm bột có thể dùng để uống, pha tiêm (bột đông khô pha tiêm) hoặc pha thành dung dịch để sử dụng bôi ngoài da.

Ưu điểm của dạng cốm bột:

  • Quy trình bào chế đơn giản, trang thiết bị đơn giản.
  • Tạo điều kiện thuận lợi trong đóng gói và vận chuyển.
  • Phù hợp để bào chế các hoạt chất kém ổn định, dễ bị thủy phân, dễ bị oxy hóa, dễ bị thay đổi trong quá trình bảo quản.
  • Khi tiếp xúc với dung môi, diện tích tiếp xúc lớn giúp cải thiện tốc độ hòa tan, tăng khả năng giải phóng dược chất, cải thiện sinh khả dụng của thuốc.

Nhược điểm của dạng cốm bột:

  • Dạng cốm bột dễ hút ẩm.
  • Gây kích ứng niêm mạc.
  • Có vị khó nuốt do mùi vị khó chịu không che giấu được. Không phù hợp cho trẻ nhỏ.

Dạng viên nén

Viên nén là dạng bào chế phổ biến nhất hiện nay. Thông thường, mỗi viên nén tượng trưng cho một đơn vị phân liều để bệnh nhân dễ sử dụng. Viên nén có thể bao gồm các đường dùng như uống, nhai, ngậm dưới lưỡi, đặt, hòa tan trong dung môi để lau rửa vết thương hoặc súc miệng.

Trong thành phần của viên nén có chứa một hoặc một số các thành phần dược chất, kết hợp với các tá dược thêm vừa đủ (tá dược độn, tá dược trơn, tá dược dính,…).

Viên nén có thể gồm những hình dạng khác nhau tròn, thuôn, dẹt,…

Ưu điểm của dạng viên nén:

  • Mỗi viên thuốc là một đơn vị phân liều, đơn giản cho người sử dụng.
  • Dễ vận chuyển, bảo quản, tiện dụng khi sử dụng.
  • Che giấu được mùi vị khó uống của dược chất
  • Độ ổn định cao hơn các dạng bào chế khác
  • Có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như uống, nhai, ngậm dưới lưỡi, đặt, hòa tan trong dung môi.

Nhược điểm của dạng viên nén:

  • Đòi hỏi kỹ thuật bào chế cao, trang thiết bị hiện đại để tránh làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc.
  • Khó kiểm soát độ ổn định của thuốc (khả năng giải phóng, độ rã,… do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, tá dược, lực nén viên).
  • Không phù hợp cho những bệnh nhân mắc chứng khó nuốt, bệnh nhân người cao tuổi, trẻ nhỏ. Đặc biệt là đối với những viên có khối lượng và kích thước lớn.

Xem thêm: Viên nén là gì? Các phương pháp bào chế, Quy trình sản xuất chuẩn

Dạng viên nén
Dạng viên nén

Dạng viên nang

Viên nang được phân chia thành hai loại viên nang cứng và viên nang mềm, chứa một hoặc nhiều các hoạt chất, kết hợp với các nhóm tá dược khác nhau. Kích thước viên có thể thay đổi tùy theo khối lượng thành phần đưa vào viên thuốc.

  • Viên nang cứng bao gồm 1 vỏ nang, hình trụ, gồm 2 phần ghép vào với nhau. Bên trong vỏ nang thường chứa dạng cốm hoặc dạng bột.
  • Viên nang mềm bao gồm 1 vỏ nang gelatin, bên trong chứa dịch (dung dịch, hỗn dịch, bột nhão).

Ưu điểm của dạng viên nang:

  • Có thể tạo ra được nhiều các màu sắc khác nhau, tạo điểm nhấn khi lưu hành trên thị trường.
  • Dạng viên dễ nuốt, dễ uống, dễ sử dụng, phân chia liều rõ ràng.
  • Quy trình xây dựng công thức đơn giản và dễ nghiên cứu.
  • Sản xuất được ở nhiều các quy mô khác nhau từ nhỏ cho đến lớn. Với các quy mô sản xuất nhỏ, có thể sử dụng các máy đóng nang thủ công. Với các quy mô sản xuất lớn, có thể sử dụng máy đóng nang tự động hoặc bán tự động.

Nhược điểm của dạng viên nang:

  • Có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày do hoạt chất có thể tập trung tại một vị trí với nồng độ cao.

Bài viết cung cấp những dạng dược dụng phổ biến nhất hiện nay. Mong rằng bài viết có thể giúp độc giả có thêm nhiều kiến thức bổ ích về nghiên cứu và phát triển công thức thuốc.

Xem thêm:

Hỗn hợp Eutecti trong bào chế

Tài liệu tham khảo

Dược điển Việt Nam V.

1 thoughts on “Dạng dược dụng là gì? Có những dạng dược dụng nào?

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here