Cần đặc biệt lưu ý gì khi điều trị ung thư buồng trứng?

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Các kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán bệnh

Nhathuocngocanh.com – Hiện nay tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng ở nữ giới đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Căn bệnh này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh nhưng diễn biến của nó lại khá âm thầm nên khi phát hiện bệnh thì thường là giai đoạn nặng rồi. Do đó, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về “kẻ giết người lặng lẽ” này qua bài viết dưới đây:

Ung thư buồng trứng là bệnh gì?
Ung thư buồng trứng là bệnh gì?

Ung thư buồng trứng là bệnh gì?

Nghe tên thôi thì chắc bạn cũng biết đây là một căn bệnh của nữ giới, mà cụ thể vị trí bị bệnh là tại buồng trứng – cơ quan sinh sản của nữ giới với nhiệm vụ là nơi để trứng phát triển. Vì một yếu tố tác động nào đó mà các tế bào ở bên trong buồng trứng bắt đầu trở nên bất thường, các tế bào này sau đó phát triển mạnh rồi hình thành lên các khối u ác tính bên trong buồng trứng, gây ung thư buồng trứng.

Các khối u này có thể xuất hiện chỉ ở một bên hoặc là ở cả hai bên của buồng trứng gây phá hủy các chức năng bình thường của buồng trứng như: Sản xuất tế bào trứng, sản sinh nội tiết tố,… Lâu ngày nếu không được điều trị thì các khối u có thể “ăn” sang các mô, cơ quan lân cận, nghiêm trọng hơn là xâm lấn vào máu rồi đi phá hủy khắp các cơ quan trong cơ thể. Khi đó vô cùng khó để kiểm soát tế bào ung thư và cơ thể sẽ dần suy yếu rất nhanh.

Ung thư buồng trứng được chia làm 3 loại:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng.
  • Ung thư xuất phát từ các tế bào sản xuất trứng.
  • Ung thư xuất phát từ các tế bào mô giúp nâng đỡ buồng trứng.

Ung thư buồng trứng sẽ trải qua các giai đoạn phát triển ra sao?

Các giai đoạn của ung thư buồng trứng bao gồm:

  • Ở giai đoạn đầu: Giai đoạn này, các khối u ác tính vẫn đang nằm gọn bên trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng mà chưa hề xâm lấn đến các mô cơ quan xung quanh. Bệnh nhân nên được phát hiện sớm từ giai đoạn này để dễ dàng can thiệp điều trị hơn.
  • Ở giai đoạn 2: Mặc dù đa phần các tế bào xấu vẫn nằm gọn trong buồng trứng nhưng nó đang bắt đầu “nhăm nhe” đi sang các mô cơ quan xung quanh xương chậu.
  • Ở giai đoạn 3: Các khối u ác đã di chuyển  khá “bành trướng” xung quanh, lên đến vài cm, nếu tốc độ di chuyển nhanh, các tế bào này có thể đã có mặt tại gan, lách của người bệnh rồi.
  • Ở giai đoạn cuối: Sau khi đi “xâm chiếm” một thời gian thì hiện tại các tế bào ung thư đã chiếm được khá nhiều “vùng lãnh thổ” mới như: Gan, lách, phổi, thậm chí cả não. Và việc điều trị trong giai đoạn này thì vô cùng khó khăn.

Triệu chứng khi bị ung thư buồng trứng

Các dấu hiệu của ung thư buồng trứng gồm:

  • Hệ tiêu hóa bị rối loạn, thường xuyên cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi hay táo bón.
  • Chán ăn kéo dài, mặc dù ăn rất ít nhưng cơ thể luôn cảm thấy no và không muốn ăn tiếp.
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
  • Thiếu máu do chảy máu âm đạo thường xuyên, nhất là khi đi vệ sinh và thường gây đau.
  • Cân nặng thay đổi liên tục mà không rõ nguyên nhân nhưng thường là sút cân nhanh.
  • Lúc quan hệ thì cảm thấy rất đau dù cường độ rất nhẹ nhàng.
  • Bụng sưng tấy có thể là do các  tế bào ác tính phát triển to lên làm cho buồng trứng phình ra.
  • Tần suất đau lưng và đau vùng chậu hông tăng lên.

Tuy nhiên với  giai đoạn đầu khi mới bị bệnh thì các dấu hiệu thường biểu hiện rất mờ nhạt, thường là bệnh được phát hiện rất tình cờ khi người bệnh đi khám vì một bệnh khác. Khi thăm khám vùng chậu hoặc âm đạo trực tràng thì có thể phát hiện ra các nốt cứng phân bố rải rác. Còn đối với những người mà phát hiện bệnh muộn khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng thì bệnh đều đã biểu hiện ra các triệu chứng điển hình rồi.

Triệu chứng khi bị ung thư buồng trứng
Triệu chứng khi bị ung thư buồng trứng

Nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng nói riêng và các loại ung thư khác nói chung thì thường rất khó để tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra. Tuy nhiên có một số yếu tố sau khi nghiên cứu thì được cho là làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh, cụ thể:

  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn mà đã có người bị ung thư buồng trứng thì tỷ lệ mắc bệnh cho các thế hệ khác cũng sẽ cao hơn bình thường.
  • Những người đã từng bị ung thư vú hay ung thư đại tràng thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
  • Phụ nữ ngoài 50 tuổi thì khả năng mắc bệnh cũng tăng cao.
  • Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc phụ nữ chưa từng mang thai hay sinh con thì nguy cơ bị ung thư buồng trứng sẽ cao hơn so với nữ giới đã sinh con hoặc đã từng mang thai.
  • Lạm dụng bột talc: Loại bột này thường có mặt trong mỹ phẩm hoặc các loại phấn có công dụng giúp cho da khô thoáng hơn.
  • Người sử dụng thuốc hay các phương pháp điều trị sự tiết hormon estrogen cũng sẽ làm tăng khả năng bị bệnh. ((Ovarian cancer, NHS, Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021))

Làm sao để biết bị ung thư buồng trứng

Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng

Khi thăm khám, các bác sĩ có thể dựa vào các triệu chứng như: Bụng phình to, sút cân nhanh, bụng đau và các triệu chứng này thường là không rõ nguyên nhân thì có thể nghi ngờ là bệnh nhân có khối u. Tuy nhiên, để chính xác thì người bệnh vẫn cần được làm các chẩn đoán cận lâm sàng.

Các kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán bệnh

Nếu thăm khám lâm sàng sẽ là manh mối giúp các bác sĩ đưa ra phán đoán về tình trạng của bệnh  nhân thì các xét nghiệm cận lâm sàng chính là kết quả khoa học chứng minh cho các nghi ngờ đó. Nếu từ các biểu hiện lâm  sàng của bệnh nhân mà bác sĩ nghi ngờ là bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng thì nên làm thêm các xét nghiệm và kỹ thuật khác như:

  • Siêu âm sẽ giúp quan sát rõ nhất hình ảnh, kích thước của buồng trứng để giúp dễ dàng hơn trong việc phát hiện ra bất thường ở bên trong buồng trứng cũng như bất thường ở vùng chậu hông.
  • Chụp X quang hoặc chụp cắt lớp CT, MRI: Thông qua các biểu hiện lâm sàng mà bác sĩ nghi ngờ là các khối u đã lan sang khu vực khác thì có thể cho bệnh nhân làm các phương pháp này.
  • Làm xét nghiệm máu để tìm chất chỉ điểm khối u CA 12-5, nếu giá trị xét nghiệm càng tăng thì khả năng mắc ung thư buồng trứng càng cao.
  • Sinh thiết nhằm mục đích kiểm tra xem bệnh nhân có thực sự bị ung thư hay không, nếu có thì sẽ giúp xác định chính xác loại ung thư đang mắc phải. ((Yvette Brazier (on September 4, 2019), What is ovarian cancer?, MedicalNewsToday, Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021))

Một số lưu ý nhỏ mà bạn cần lưu ý để kết quả kiểm tra được chính xác nhất, bao gồm:

  • Thời gian làm các xét nghiệm trên thì nên thực hiện trong khoảng nửa tháng sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt trước đó.
  • Nếu bệnh nhân đang có viêm nhiễm phụ khoa mà đang phải dùng thuốc đặt hay đang trong thời gian điều trị thì không nên thực hiện các xét nghiệm trên.
  • Để không gây ra sai lệch trong chẩn đoán thì các bạn nên ngừng quan hệ trong khoảng 1-4 ngày trước khi làm xét nghiệm hay thăm khám vì các tổn thương ở tử cung sẽ có thể làm ảnh hưởng đến kết quả khám.
  • Không dùng kem bôi trơn trước khi đi khám vì nó sẽ gây ra khó khăn cho bác sĩ trong quá trình quan sát các tổn thương hay các tế bào bất thường có thể có của bệnh nhân.
Các kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán bệnh
Các kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán bệnh

Điều trị ung thư buồng trứng

Sau khi thăm khám và kết luận được là bệnh nhân đang mắc ung thư buồng trứng thì tùy theo mức độ giai đoạn hiện tại của bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau, dành riêng cho từng bệnh nhân. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh phổ biến mà các bệnh nhân hay được chỉ định đó là:

Tiến hành phẫu thuật

Phương pháp này thường được chỉ định cho các bệnh nhân mắc ung thư ở giai đoạn đầu. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Thông thường, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ buồng trứng, tử cung, mạc nối hay ống dẫn trứng là cách để loại bỏ triệt để tế bào ung thư. Tuy nhiên nếu người bệnh là phụ nữ trẻ, chưa có con hay có nhu cầu sinh con thì phẫu thuật sẽ chỉ loại bỏ các vị trí có tế bào ung thư và cố gắng giữ lại nhiều nhất có thể các bộ phận chưa bị xâm lấn.

Có 2 phương pháp phẫu thuật có thể được tiến hành là mổ hở từ ngoài vào và mổ nội soi. Hiện nay thì phương pháp thứ 2 thường được nhiều người áp dụng hơn vì thời gian phẫu thuật ngắn, có thể can thiệp vào từng vị trí nhỏ nhất, hơn nữa tính thẩm mỹ lại cao. Nhưng tất nhiên là dù áp dụng phương pháp nào thì bệnh nhân cũng sẽ không thể tránh khỏi việc đối mặt với những căn đau hậu phẫu.

Hoá trị

Là phương pháp đưa các thuốc có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư vào cơ thể người bệnh bằng nhiều đường khác nhau. Bệnh nhân thường được hóa trị khi bệnh ở giai đoạn tiến triển hoặc để giúp loại bỏ triệt để tế bào ung thư mà khi phẫu thuật chưa cắt bỏ được hết. Trong quá trình hóa trị, người bệnh sẽ được lấy mẫu mô kiểm tra thường xuyên để giúp đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ như: Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn,… Một số thuốc hóa trị dùng lâu có thể gây ảnh hưởng đến chức năng thận nên bác sĩ cần tư vấn bệnh nhân truyền dịch để tránh gây tổn thương thận.

Tiến hành hoá trị để điều trị ung thư buồng trứng
Tiến hành hoá trị để điều trị ung thư buồng trứng

Xạ trị

Phương pháp này thường áp dụng với ung thư buồng trứng ở những giai đoạn nặng hơn. Xạ trị chính là phương pháp chiếu các tia mang năng lượng cao từ bên ngoài hay trực tiếp bên trong cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này thường gây ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể người bệnh vì trong quá trình tiêu diệt tế bào ác tính thì nguồn năng lượng cao cũng gây hủy hoại rất lớn đến các tế bào bình thường xung quanh.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên:

  • Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng lành mạnh vào cơ thể như ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc,… đồng thời tuyệt đối không nên dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá vì các chất này sẽ kích thích tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
  • Thể dục đều đặn, thường xuyên để cơ thể nhanh được phục hồi.

Dù là một loại ung thư nhưng ung thư buồng trứng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì khả năng chữa khỏi là rất cao. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đã đề cập ở trên thì bạn hãy đi khám ngay để phát hiện sớm vấn đề sức khỏe mà mình đang gặp phải nhé!

Xem thêm:

U nang buồng trứng có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị

1 thoughts on “Cần đặc biệt lưu ý gì khi điều trị ung thư buồng trứng?

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here