Khi nói về Đông y và các vị thuốc dùng trong y học cổ truyền, hẳn ai cũng đã nghe qua tính vị quy kinh. Để biết được vị thuốc đó dùng cho loại bệnh như thế nào, người ta cần phải dựa vào sự quy kinh của vị thuốc. Vậy ý nghĩa của thuật ngữ này là gì, bài viết hôm nay của nhà thuốc Ngọc Anh (nhathuocngocanh.com) sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy kinh.
Quy kinh là gì?
Quy kinh là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong Đông y. Hiểu đơn giản là cơ quan mà vị thuốc đó có tác động nhiều nhất. “Quy” được hiểu là tập hợp, còn “Kinh” chính là những tạng phủ của cơ thể người.
Sự quy kinh của thuốc là nói công năng vị thuốc nào đó có tác dụng đối với bệnh biến thuộc tạng phủ hay kinh lạc nào đó. Người xưa qua kinh nghiệm lâm sàng đã biết được thuốc nhiệt dùng để trị bệnh hàn, thuốc hàn dùng để trị bệnh nhiệt… Tuy nhiên bệnh nhiệt cũng có Phế nhiệt, Can nhiệt khác nhau, hoặc chứng hàn thì có Tỳ hàn, Thận hàn khác nhau… Vì thế mà vị thuốc có thể thanh được Can nhiệt nhưng không thanh được Phế nhiệt; vị thuốc ôn được Tỳ hàn nhưng không thể ổn được Thận hàn…
Tính vị quy kinh là một trong những vấn đề quan trọng của Đông y. Để biết được vị thuốc đó có tác động đến một hay nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể người. Từ đó điều chỉnh và chỉ định phù hợp. Ngoài ra do tạng phủ và kinh lạc thường có sự liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau nên các thầy thuốc Đông y sẽ ưu tiên lựa chọn những vị thuốc có thể đi vào nhiều kinh hơn.
=> Tham khảo: Bàn về kinh nguyệt, băng huyết, rong huyết theo Y học Cổ truyền.
Cơ sở của sự quy kinh
Trên cơ sở các tạng phủ và hệ kinh lạc để thể hiện rõ sự quy kinh. Quy kinh tức là đem tác động của vị thuốc đó vào 5 tạng và 12 kinh mạch. Theo kinh nghiệm thực tế của người xưa, các đúc kết và tổng kết đã chỉ ra một số triệu chứng bệnh được quy nạp vào hội chứng của kinh lạc và tạng phụ nào. Sau đó nghiên cứu đến vị thuốc và xem nó có tác động đến tạng phủ hay kinh lạc nào. Điển hình như Cát cánh và Hạnh nhân có thể chưa được chứng ho hen, mà ho hen lại thuộc bệnh của phế. Hay Táo nhân có khả năng an thần nên nó đi vào tâm kinh,…
Sự quy kinh của vị thuốc cũng lấy lý luận Ngũ hành làm chỉ đạo như ngũ vị có liên quan đến ngũ tạng, và một số yếu tố khác do kinh nghiệm của người xưa tích lũy từ trong lâm sàng mà có như: Mùi vị, màu sắc, hình thể, bản chất cùng với tác dụng trị như:
- Mùi vị: Vị chua vào Can, vị đắng vào Tâm, vị ngọt vào Tỳ, vị cay vào Phế, vị mặn vào Thận.
- Màu sắc: Màu xanh vào Can, màu đỏ về Tâm, màu vàng về Tỳ, màu trắng về Phế, màu đen về Thận.
- Hình dáng:
- Liên kiều giống quả tim vào kinh Tâm.
- Tang diệp giống lá phổi vào kinh Phế.
- Lệ chi hạch giống ngoại thận (dịch hoàn) vào kinh Thận.
- Bản chất:
Căn cứ vào ngũ sắc, ngũ vị của dược liệu, thông qua những cái thuộc về ngũ hành, xin giới thiệu theo biểu dưới đây:
- Xanh Mộc chua:Túc quyết âm Can,Túc thiếu dương Đảm.
- Đỏ Hỏa Tướng hỏa: Thủ thiếu dương Tam tiêu, Thủ quyết âm Tâm bào lạc.
- Đắng Quân hỏa: Thủ thiếu âm Tâm, Thủ thái dương Tiểu trường
- Vàng Thổ ngọt: Túc thái âm Tỳ, Túc dương minh Vị
- Trắng Kim cay: Thủ thái âm Phế, Thủ dương minh Đại trường
- Đen Thủy mặn: Túc thiếu âm Thận, Túc thái dương Bàng quang
=>>>Có một số vị thuốc không những có thể đi thẳng vào một kinh nào đó, mà còn dẫn được các vị thuốc khác cùng vào kinh ấy, những loại thuốc này gọi là thuốc dẫn kinh. Như Cát cánh, Thăng ma là thuốc dẫn kinh của kinh Thủ thái âm Phế, Sài hồ là thuốc dẫn kinh của kinh Túc quyết âm Can và kinh Túc thiếu dương Đờm; Cát căn là thuốc dẫn kinh của kinh Túc dương minh Vị v.v..
Căn cứ vào học thuyết kinh lạc của mối quan hệ chặt chẽ giữa các đường kinh. Từ đó chỉ thể hiện rõ được sự quy kinh:
- Sài hồ có thể chữa những bệnh thuộc về đởm và cũng có thể chữa được các bệnh thuộc kinh can. Nguyên nhân là can và đởm có gắn kết về mặt biểu lý trong đường kinh và tạng phủ.
- Câu đằng lại có thể bình can tắt phong và cũng có thể chữa được những bệnh tâm bào lạc do can và tâm bào lạc thuộc cùng kinh quyết âm.
Thực tế đã chứng minh một vị thuốc có nhiều tác dụng song hành cùng nhau và chữa được nhiều bệnh khác nhau. Đó chính là biểu hiện cho thấy vị thuốc này có thể quy được vào nhiều kinh. Cụ thể như hạt Sen có thể chữa ỉa chảy, an thần và chữa di tinh do quy vào các kinh tỳ, tâm và thận. Ô vào có thể chữa ho, ỉa chảy và đau bụng do giun do quy vào các kinh phế, tỳ và can. Còn có những vị thuốc đi được cả vào 12 kinh như Cam thảo nên việc dùng vị thuốc này khá phổ biến.
Khi nghiên cứu đến các tác động của thuốc, nắm được về sự quy kinh có thể giúp cho quá trình vận dụng vị thuốc được chính xác hơn. Giúp thầy thuốc giải thích được các vị thuốc phối hợp với nhau có gì khác nhau.
Tác dụng trị
- Can: Can tàng hồn, thuộc vào hành mộc, mạch của Can là huyền và vị là chua. Can kinh thấp nhiệt sinh chứng vàng da, nếu thuốc có tác dụng thoái hoàng, thanh Can nhiệt thì quy về kinh Can như vị Chi tử, Nhân trần…
- Tỳ chủ bọc huyết và làm ấm cho ngũ tạng. Mạch hoãn và vị ngọt. Tỳ có bệnh sinh ra tiêu chảy, nếu thuốc có tác dụng cầm đại tiện thì quy về kinh Tỳ như vị Thương truật, Bạch truật…
- Phế tàng phách thuộc vào hành kim, mạch mao vị cay. Phế có bệnh sinh ho, khạc đàm, nếu thuốc có tác dụng hoá đàm chỉ khái thì quy về kinh Phế như vị Cát cánh, Hạnh nhân…
- Thục địa tư âm bổ Thận thì quy về kinh Thận vv..,
- Ngoài ra còn có một số vị thuốc, một vị mà có nhiều tác dụng khác nhau, trị được nhiều loại bệnh khác nhau thì cũng được quy về nhiều kinh như vị Liên nhục (hạt sen) vừa là thuốc an thần (Tâm) vừa trị được bệnh tiêu chảy (Tỳ) lại trị được chứng di tinh (Thận) vì thế Liên nhục quy về ba kinh Tâm, Tỳ và Thận. Còn riêng vị Cam thảo thì có thể vào được cả 12 kinh.
=> Đọc thêm: Thời kỳ hậu sản và các tạp chứng thời kỳ hậu sản – Hải Thượng Lãn Ông.
Kết luận
Tóm lại sự quy kinh của dược liệu tức là nói công năng của vị thuốc đó có tác dụng trị được bệnh gì, ở cơ quan hay kinh lạc nào là một quan hệ bao gồm cả Tứ khí, Ngũ vị, Thăng giáng, Phù trầm hay còn gọi tính năng của dược vật (Tính dược), đó cũng là tác dụng dược lý theo y học cổ truyền. Vậy nên khi biết được tác dụng dược lý của từng vị thuốc thì việc bào chế, cho đến việc vận dụng vị thuốc để trị bệnh mới chính xác và đạt hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Bá Tĩnh, Tạng phủ và kinh lạc, Tuệ Tĩnh toàn tập. Truy cập ngày 30/11/2023.