Hội chứng thắt lưng – hông: Nguyên nhân, Chẩn đoán và Điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

NhathuocngocanhHội chứng thắt lưng – hông là một trong những bệnh lý thường gặp nhất liên quan đến xương khớp, chỉ xếp sau bệnh thoát vị đĩa đệm. Triệu chứng điển hình của bệnh là đau vùng cột sống thắt lưng hoặc đau dây thần kinh,… Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và sinh hoạt của bệnh nhân, nếu không điều trị và can thiệp kịp thời có thể làm cột sống bị biến dạng gây ra nhiều hậu quả khó lường.

Hội chứng thắt lưng – hông là gì?

Hội chứng thắt lưng – hông (HCTLH) là một khái niệm lâm sàng, bệnh cảnh gồm có các triệu chứng bệnh lý của cột sống thắt lưng và bệnh lý của dây thần kinh hông to (dây thần kinh tọa). Khi cột sống hoặc vùng đĩa đệm thắt lưng bị tổn thương sẽ tạo thành ảnh hưởng đến các rễ dây thần kinh.

Bệnh được biểu hiện bằng hiện tượng đau ở vùng thắt lưng được giới hạn từ ngang đốt sống thắt lưng L1 ở phần phía trên đến đĩa đệm đốt sống thắt lưng và L5-S1 ở phía dưới, đau lan xuống chân, là hội chứng của nhiều bệnh như viêm rễ thắt lưng cùng, viêm khớp cột sống, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đau thần kinh hông to…

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở lứa tuổi 30 – 60 tuổi, tỷ lệ nam mắc nhiều hơn nữ. Mang vác và lao động nặng ở tư thế sai, gò bó, rung xóc, chấn thương, thay đổi tư thế một cách đột ngột chính là những yếu tố thường xuyên dẫn tới khởi phát bệnh.

Trên thế giới, các nghiên cứu dịch tễ về hội chứng thắt lưng – hông đã được quan tâm từ vài chục năm nay. Malcolm I.V.Jayson đã tổng kết: cuối thế kỷ XX, tỷ lệ bệnh tăng lên ở hầu hết các khu vực trên thế giới, đặc biệt ở những nước có điều kiện kinh tế xã hội thấp; Theo Deyo R.A và cộng sự trong nghiên cứu mới đây đã khẳng định: 75% tổng số người trên 16 tuổi bị đau thắt lưng ít nhất một lần trong đời. Các tác giả đồng thời cũng đưa ra nhận xét: tỷ lệ đau thắt lưng tương đương ở hai giới, cao nhất ở nhóm tuổi 30 – 50. Đau thắt lưng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tàn phế ở tuổi dưới 45.

Tại Việt Nam, theo thống kê điều tra của Trần Ngọc n và cộng sự, hội chứng thắt lưng – hông là một hội chứng thường gặp ở nước ta, bệnh chiếm 2% dân số và chiếm 17% số người trên 60 tuổi, bệnh chiếm tỷ lệ 41,45% trong nhóm bệnh thần kinh cột sống và là một trong 15 bệnh cơ xương khớp hay gặp nhất.

Hội chứng thắt lưng – hông
Hội chứng thắt lưng – hông

Những triệu chứng điển hình của hội chứng thắt lưng – hông

Hội chứng thắt lưng hông là một tổn thương kết hợp bởi hai hội chứng bệnh nhỏ hơn đó là hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh. Do đó người bệnh thường sẽ có các triệu chứng phối hợp của hai hội chứng này.

Hội chứng cột sống

Hội chứng cột sống thắt lưng có các biểu hiện sau:

  • Đau nhức vùng cột sống và thắt lưng: Cơn đau có thể diễn ra một cách đột ngột, sau khi người bệnh bị ngã hoặc chấn thương, đôi khi bệnh cũng có thể xuất hiện một cách từ từ với những cơn đau âm ỉ lặp đi lặp lại nhiều lần. Người bị hội chứng cột sống thường chỉ đau ở một vị trí nhất định, cường độ đau ở mỗi người là khác nhau, khi ấn vào các mỏm gia của các đốt sống thường sẽ thấy đau nhói ở bị trí bị bệnh.
  • Cột sống người bệnh bị biến dạng: Biểu hiện là tình trạng thay đổi đường cong sinh lý của cột sống, có thể ưỡn hoặc giảm ưỡn đặc biệt là ở vùng cột sống thắt lưng. Một số người sẽ có thể bị gì hoặc lệch vẹo hẳn cột sống.
  • Gặp khó khăn khi hoạt động vùng cột sống thắt lưng: Bệnh có thể gây ra những cơ đau nhói hoặc âm ỉ, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thông thường như cúi người, ngửa người ra sau hoặc xoay vặn cột sống.

Hội chứng rễ thần kinh

Hội chứng rễ thần kinh có các biểu hiện như:

  • Triệu chứng điển hình của hội chứng rễ thần kinh là tình trạng đau nhức dây thần kinh, cơn đau sẽ lan dọc theo đường đi của hội thống rễ thần kinh. Người bệnh thường cảm giác đau buốt, nhói từng cơn, đau sẽ tăng lên khi hoạt động, ho hoặc hắt hơi và giảm đi khi người bệnh ở trạng thái thả lỏng, nghỉ ngơi.
  • Co thắt mạnh hệ thống cơ bắp.
  • Người bệnh thường cảm thấy đau nhức nhiều ở vùng lưng, đặc biệt là ở cột sống thắt lưng cũng như cột sống cổ. Từ đó có thể dẫn đến giảm khả năng cử động của cột sống.
  • Xuất hiện những điểm đau nhói khi tiến hành ấn lên cột sống.
  • Cảm giác tê bì ở các đầu chi, nặng hơn có thể gây mất cảm giác, đi lại khó khăn.
  • Có biểu hiện căng hệ thống rễ thần kinh, phát hiện bằng việc ấn vào cạnh giữa các đốt sống, nếu bệnh nhân thấy đau hoặc đau nhói thì rất có thể đã bị hội chứng rễ thần kinh.

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Case 33-2020: Bệnh nhân nam 55 tuổi bị đau bụng, sưng khớp và các sang thương trên da

Nguyên nhân gây ra hội chứng thắt lưng – hông

Căn cứ vào tổn thương và biểu hiện trên lâm sàng, hội chứng thắt lưng – hông được chia thành 3 nhóm nguyên nhân gây bệnh chính:

Nguyên nhân tại cột sống: Gồm nhiều nguyên nhân, trong đó có nhóm nguyên nhân có nguồn gốc từ đĩa đệm như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống gây chèn ép vào tủy hay rễ sống; bệnh lý rối loạn thăng bằng của hệ thống cơ cột sống, bệnh lý thoái hóa hệ thống dây chằng cạnh sống, loãng xương, bệnh lý do bất thường bẩm sinh của cột sống, viêm nhiễm, khối u,… và các tổn thương cột sống thắt lưng do chấn thương hoặc phẫu thuật.

Nguyên nhân ngoài cột sống: Khi nghiên cứu các nguyên nhân ngoài cột sống, các nhà nghiên cứu thấy rằng tổn thương các tạng trong, ngoài ổ bụng và tiểu khung có thể dẫn tới hội chứng thắt lưng – hông như các bệnh thận tiết niệu, bệnh đường sinh dục, đường tiêu hóa,…

Yếu tố nguy cơ: Tuổi tác càng cao nguy cơ mắc hội chứng thắt lưng hông càng lớn. Tính chất công việc cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh, việc lao động nặng nhọc, làm việc hoặc ngồi sai tư thế lâu ngày sẽ rất dễ dẫn đến cong vẹo cột sống, hoặc để lại di chứng trên cột sống.

Nguyên nhân gây ra hội chứng thắt lưng – hông
Nguyên nhân gây ra hội chứng thắt lưng – hông

Chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông

Làm sao để chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông? Để chẩn đoán người bệnh bị hội chứng thắt lưng hông cần phải dựa trên tiền sử mắc bệnh, triệu chứng và biểu hiện của bệnh, đồng thời cần tiến hành thăm khám tủy sống, chân để cho ra được kết luận chính xác nhất. Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh cũng như các triệu chứng liên quan bao gồm:

  • Cột sống vùng gần thắt lưng có tình trạng biến dạng, mất đi độ cong sinh lý ban đầu, đồng thời đi kèm với những cơn đau ở vị trí này.
  • Vùng thắt lưng hông từng có tiền sử bị chấn thương.
  • Xét nghiệm và kiểm tra thể chất của người bệnh, tiến hành là nghiệm pháp lasègue cho kết quả dương tính.
  • Bấm mạnh vào các điểm cạnh cột sống, nếu bệnh nhân cảm thấy đau và có hiện tượng cơn đau lan dọc theo hệ thần kinh hông thì đó có thể là biểu hiện của hội chứng thắt lưng hông.
  • Cần kiểm tra sức cũng như phản xạ của hệ cơ, nếu có bất thường cần tiến hành thăm khám hội chứng thắt lưng hông chuyên sâu.

Ở những bệnh nhân bị đau nhiều, cơn đau tái diễn nhiều lần cũng như chưa xác định được chính xác căn nguyên thì cần tiến hành xét nghiệm hình ảnh. Những xét nghiệm hình ảnh thường được dùng để chẩn đoán bệnh là chụp X – quang, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính hoặc tiến hành khảo sát và chẩn đoán điện hoặc tủy đồ.

Điều trị hội chứng thắt lưng hông

Điều trị hội chứng thắt lưng hông được dựa trên cơ sở tìm và giải quyết nguyên nhân kết hợp điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng. Việc điều trị nguyên nhân có thể bằng phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị bảo tồn dựa vào việc dùng thuốc phối hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

Điều trị hội chứng thắt lưng – hông bằng kết hợp nhiều phương pháp an toàn và đạt hiệu quả cao.

Sử dụng thuốc trong điều trị cho bệnh nhân bị hội chứng thắt lưng hông

Các thuốc sử dụng thông thường như: thuốc chống viêm steroid, non steroid; thuốc giãn cơ; các vitamin nhóm B. Trong những trường hợp nặng có thể vừa sử dụng thuốc vừa kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc như kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu…

Các loại thuốc trên có khả năng chống viêm và giảm đau mạnh, tuy nhiên lại có nhiều tác dụng không mong muốn và dễ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa đặc biệt là dạ dày. Do đó khi sử dụng những thuốc này người bệnh cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị, không lạm dụng hoặc dùng quá liều được khuyến cáo.

Việc sử dụng thuốc chỉ được áp dụng cho những người bị hội chứng cột sống thắt lưng thể nhẹ, nếu bệnh có diễn biến phức tạp, bác sĩ có thể sẽ phải chỉ định mổ hoặc can thiệp y tế.

Sử dụng thuốc trong điều trị cho bệnh nhân bị hội chứng thắt lưng hông
Sử dụng thuốc trong điều trị cho bệnh nhân bị hội chứng thắt lưng hông

Sử dụng thảo dược trong điều trị cho bệnh nhân bị hội chứng thắt lưng hông

Sử dụng thảo dược trong điều hội chứng thắt lưng hông, ưu điểm nổi bật của phương pháp này là an toàn, tiết kiệm và có thể thực hiện được tại nhà. Theo đông y một số loại dược liệu như lá lốt, chìa vôi có khả năng cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp, tê buốt chân tay.

Sử dụng lá lốt

Cây Lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, họ hồ tiêu. Lá lốt thường mọc ở nơi ẩm thấp, là loại cây ưa bóng, nó thường được dùng trong các bài thuốc dân gian để trị đau nhức xương khớp hoặc dùng làm gia vị.

Theo đông y, dược liệu có vị hơi cay nồng, tính ấm, có tác dụng trong việc làm ấm cơ thể, trừ lạnh, giảm đau. Chủ trị chứng đau nhức xương khớp, ra nhiều mồ hôi chân tay,…

Theo y học hiện đại rễ của Lá lốt có chứa Benzyl axetat, còn lá và thân chứa chất Alkaloid cùng Beta-caryophylen. Những hoạt chất này được chứng minh là có khả năng giảm đau mạnh, kháng khuẩn và chống viêm.

Cách dùng Lá lốt để điều trị hội chứng thắt lưng hông:

  • Lấy một nắm Lá lốt (chọn loại lá bánh tẻ, to, xanh và dày) đem rửa sạch, để ráo nước.
  • Đun Lá lốt với 1 lít nước, để sôi trong vòng 15 phút.
  • Chia nước Lá lốt làm 3 phần, uống sau mỗi bữa ăn.
Sử dụng lá lốt để điều trị hội chứng thắt lưng hông
Sử dụng lá lốt để điều trị hội chứng thắt lưng hông

Bài thuốc từ lá của cây Chìa vôi

Cây Chìa vôi có tên khoa học là Cissus repens Lam, thuộc họ Nho (Vitaceae).

Chìa vôi có vị chua đắng đặc trưng và có tính mát, dược liệu có tác dụng sát khuẩn mạnh, hoạt huyết thông khinh. Chủ trị các chứng tê bì chân tay do máu huyết lưu thông kém, đau nhức xương khớp đặc biệt là ở người cao tuổi. Dược liệu có tác dụng giảm đau mạnh, hạn chế các cơn đau gây ra do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa ở cột sống.

Cách làm:

  • Nguyên liệu cần có là 30g lá Chìa vôi, 20g dược liệu Tầm gửi, 20g cây Ngưu tất và 20g rễ của cây Trinh nữ.
  • Cho hết các nguyên liệu trên vào nước để loại bỏ tạp chất sau đó để ráo nước.
  • Cho thêm khoảng 6 bát nước lọc đun với nửa nhỏ cho đến khi nước cạn khoảng còn 2 bát nước thì dừng lại.
  • Chia làm 2 lần uống sáng tối và cần dùng thuốc sau bữa ăn.
Sử dụng Chìa vôi để điều trị hội chứng thắt lưng hông
Sử dụng Chìa vôi để điều trị hội chứng thắt lưng hông

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Đau cơ, yếu cơ và/hoặc rối loạn cảm giác

Điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu

Điều trị đau thắt lưng hông bằng vật lý trị liệu là một trong số những phương pháp mà người bệnh ưu tiên lựa chọn.

Massage liệu pháp: Phương pháp này có khả năng giúp tăng lưu thông máu trong lòng mạch, làm giãn các bó cơ bị căng cứng từ đó giúp cải thiện tình trạng tê các đầu chi và đau nhức cơ.

Sử dụng đai cố định cột sống: Hội chứng thắt lưng hông thường gây ra tình trạng biến dạng cột sống do đó việc dùng đai cố định sẽ giúp điều chỉnh lại tư thế của người bệnh. Giảm áp lực lên phần cột sống từ đó góp phần cải thiện tình trạng đau nhức thắt lưng – hông, hạn chế những biến chứng phức tạp gây ra do

Chường nóng hoặc chườm lạnh vào vị trí đau: Người bệnh có thể áp dụng phương pháp này liên tục trong 2 đến 3 ngày, việc chườm nóng hoặc lạnh sẽ giúp các bó cơ và dây thần kinh đang căng cứng được thả lỏng, từ đó góp phần làm giảm những cơn khó chịu gây ra do hội chứng thắt lưng – hông.

Sử dụng siêu âm trong điều trị: Đây là phương pháp sử dụng các sóng siêu âm giúp làm giãn cơ, giảm đau nhức.

Cải thiện triệu chứng bệnh bằng tập thể dục

Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, mà còn giúp tăng tuần hoàn máu cải thiện các cơn đau gây ra do hội chứng thắt lưng hông. Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập như sau:

Tập cơ bụng

Người bệnh nằm ngửa trên thảm tập, thả lỏng người, hai đầu gối gấp và chân đặt ở vị trí sát mặt đất.

Cài hai bàn tay vào nhau sau đó đặt ở sau gáy, khuỷu tay hướng ra bên ngoài.

Thắt bụng và lưng, từ từ nâng người dậy, thân thẳng giữ nguyên tư thế này trong 5 giây.

Hạ thân xướng từ từ để trở lại tư thế chuẩn bị.

Khi gập người cần kết hợp với việc hít vào thở ra đều đặn. Thực hiện bài tập từ 10 đến 15 lần.

Tập luyện bài thể dục này thường xuyên sẽ giúp cơ bụng và hệ thống bó cơ thắt lưng được tăng cường, thông qua đó giúp cải thiện đáng kể các cơn đau nhức gây ra do hội chứng thắt lưng hông.

Tập cơ bụng để cải thiện triệu chứng hội chứng thắt lưng hông
Tập cơ bụng để cải thiện triệu chứng hội chứng thắt lưng hông

Bài tập nhân sư

Bệnh nhân nằm sấp, chân duỗi thẳng hai tay nhẹ nhàng chống lên mặt thảm tập, khuỷu tay hướng về đằng sau.

Tiến hành nâng mặt và ngực khỏi sàn, bụng vẫn chạm sàn và cằm hướng ra phía trước. Giữ nguyên tư thế này trong 15 phút kết hợp với việc hít vào thở ra đều đặn.

Bài tập này sẽ giúp làm giãn hệ thống cơ cùng dây chằng vùng thắt lưng, chân, hông, từ đó làm giảm tình trạng đau nhức. Bìa tập này còn giúp cột sống trở lại độ cong sinh lý vốn có, hạn chế nguy cơ lệch hoặc biến dạng cột sống.

Bài tập nhân sư
Bài tập nhân sư

Tư thế châu chấu

Hít vào, hóp mông và bụng đồng thời nâng cao đầu và phần chân, tay duỗi thẳng ra sau, để sức nặng cơ thể dồn xuống phần bụng và xương sườn. Chân giữ ở tư thế thẳng không được cong đầu gối.

Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 45 giây đến 1 phút, thả lỏng cơ thể rồi về tư thế chuẩn bị.

Bài tập tư thế châu chấu có tác dụng làm giãn cơ và hệ thống dây chằng, cải thiện các cơn đau nhức ở vùng thắt lưng đồng thời tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai cho các nhóm cơ bị yếu.

Tư thế châu chấu giúp cải thiện những nhóm cơ bị yếu
Tư thế châu chấu giúp cải thiện những nhóm cơ bị yếu

Chế độ ăn uống cho người bị hội chứng thắt lưng hông

Có một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn cải thiện đáng kể những cơn đau và tổn thương gây ra do hội chứng thắt lưng hông.

Bệnh nhân cần tăng cường ăn cá biển, các loại cá béo, hải sản chứa nhiều Calci như tôm, cua,… Bởi ngoài giá trị dinh dưỡng cao, các nhóm thực phẩm này còn chứa nhiều Omega – 3 có tác dụng giảm viêm, giảm đau tốt. Bổ sung Calci để ngăn ngừa tình trạng loãng xương, xương yếu dễ gãy,…

Trái cây và rau củ chứa rất nhiều Vitamin đặc biệt là các loại Vitamin nhóm B, từ đó giúp cải thiện nhanh tình trạng tê nhức các chi gây ra do hội chứng rễ thần kinh.

Bổ sung các chế phẩm từ sữa nhằm bổ sung các nguyên tố vi lượng đặc biệt là Calci.

Hạn chế sử dụng các chất kích thích, dầu mỡ, để hạn chế tình trạng các tổn thương nặng lên.

Tăng cường ăn hải sản, các loại cá béo
Tăng cường ăn hải sản, các loại cá béo

Biện pháp phòng ngừa hội chứng thắt lưng hông

Hội chứng thắt lưng hông có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và có biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện:

  • Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao để nâng cao tính dẻo dai cho cơ – xương khớp. Đặc biệt cần tập trung vào hệ thống cơ thắt lưng, bài tập cần nhẹ nhàng và có sự hướng dẫn từ huấn luyện viên, nhằm hạn chế tối đa việc tập sai từ đó gây gánh nặng cho vùng hông và thắt lưng.
  • Khi bê vác đặc biệt là những vật nặng cần chú ý đến thao tác nâng, và cần giữ đúng tư thế chẩn.
  • Tránh tình trạng ngồi sai tư thế trong một thời gian dài, người làm việc có đặc thù công việc cần ngồi nhiều thì cần đứng dậy vận động mỗi 30 phút 1 lần, và tập luyện thể dục thể thao sau mỗi giờ làm việc.
  • Cần hạn chế việc đi giày cao gót hoặc giày độn đế có độ dốc cao nhằm hạn chế áp lực lên thắt lưng và hông.
  • Hạn chế việc nằm võng, đếm quá cứng.

Hội chứng thắt lưng hông có thể cải thiện và phòng ngừa nếu phát hiện sớm, và hạn chế được những biến chứng phức tạp về sau. Do đó khi có biểu hiện bất thường, đau nhói ở vùng thắt lưng hông hoặc tê bì các đầu chi thì cần đi thăm khám ngay.

Hội chứng thắt lưng hông là một tình trạng bệnh lý với biến chứng phức tạp, cần phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp, tuy nhiên dù điều trị theo bất kỳ phương án nào thì cũng cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tập luyện thể dục thường xuyên, ngồi học và làm việc đúng tư thế kết hợp với việc ăn uống khoa học để việc điều trị đạt được kết quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

1.Interventions used by Brazilian physiotherapists in the rehabilitation of patellofemoral pain: A web-based survey, nguồn NCBI, truy cập ngày 23/3/2022.

2.Image-Guided Radiofrequency Ablation for Joint and Back Pain: Rationales, Techniques, and Results, nguồn NCBI, truy cập ngày 23/3/2022.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here