Thời điểm kết thúc thai kỳ đối với thai chậm tăng trưởng theo khuyến cáo của ACOG 2023

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

THỜI ĐIỂM KẾT THÚC THAI KỲ ĐỐI VỚI THAI CHẬM TĂNG TRƯỞNG

Thời điểm kết thúc thai kỳ trong thai chậm tăng trưởng trong tử cung phụ thuộc vào các yếu tố như bệnh căn, tuổi thai ước tính, tình trạng sức khỏe thai nhi và một số đánh giá lâm sàng/cận lâm sàng khác.

Vào tháng 7/2021, Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) cập nhật thời điểm khởi phát chuyển dạ trong các thai kỳ bệnh lý, trong đó có thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Khuyến cáo này được xây dựng dựa trên các đồng thuận trước đó, kết hợp với công bố năm 2020 của Hội Y học Mẹ – Thai nhi (SMFM) về quản lý thai chậm tăng trưởng đơn độc trên các trường hợp đơn thai. Sau đây là thời điểm khuyến cáo chấm dứt thai kỳ của ACOG ứng với từng bệnh cảnh.

Đơn thai, thai chậm tăng trưởng đơn độc

Cân nặng thai nhi từ bách phân vị thứ 3 – thứ 10: từ 38 tuần 0 ngày đến 39 tuần 0 ngày

  • Cân nặng thai nhi dưới bách phân vị thứ 3: từ 37 tuần 0 ngày hoặc tại thời điểm chẩn đoán nếu phát hiện muộn hơn.
  • Doppler động mạch rốn chưa mất sóng tâm trương nhưng đã có tăng trở kháng động mạch (tăng tỷ S/D, PI hoặc RI > bách phân vị thứ 95 so với tuổi thai): từ 37 tuần 0 ngày hoặc tại thời điểm chẩn đoán nếu phát hiện muộn hơn.
  • Doppler động mạch rốn mất sóng cuối tâm trương: từ 33 tuần 0 ngày đến 34 tuần 0 ngày hoặc tại thời điểm chẩn đoán nếu phát hiện muộn hơn.
  • Doppler động mạch rốn có đảo ngược sóng cuối tâm trương: 30 tuần 0 ngày đến 32 tuần 0 ngày hoặc tại thời điểm chẩn đoán nếu phát hiện muộn hơn.

Đơn thai, thai chậm tăng trưởng có biến chứng kèm theo (thiểu ối, bệnh lý mẹ như tiền sản giật, tăng huyết áp mạn): từ 34 tuần 0 ngày đến 37 tuần 6 ngày.

Song thai, thai chậm tăng trưởng đơn độc

  • Song thai 2 nhau – 2 ối: 36 tuần 0 ngày đến 37 tuần 6 ngày.
  • Song thai 1 nhau – 2ối: 32 tuần 0 ngày cho đến 34 tuần 6 ngày.

Lưu ý

Cho đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra thời điểm kết thúc thai kỳ tối ưu đối với bệnh lý này. Việc lựa chọn thời điểm cụ thể vẫn cần được cá nhân hóa.

  • Thai chậm tăng trưởng không phải là chỉ định mổ lấy thai. Phương thức sinh phải được lựa chọn dựa trên hoàn cảnh lâm sàng.
  • Ngoài các trường hợp sinh trước 33 tuần 6 ngày, điều trị hỗ trợ trưởng thành phổi cũng cũng được khuyến cáo khi có dự định kết thúc thai kỳ trong khoảng 34 tuần 0 ngày cho đến 36 tuần 6 ngày, nếu mẹ có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, hoặc chưa được điều trị hỗ trợ trước đó.
  • Nếu kết thúc thai kỳ trước 32 tuần, nên cân nhắc sử dụng magie sulfate với vai trò bảo vệ thần kinh thai nhi (chi tiết tham khảo ACOG Committee Opinon No.455)

Tài liệu tham khảo

1. Fetal growth restriction. ACOG Practice Bullentin No.227. American College of Obstetricians and Gynecologists. Obstet Gynecol 2021;137:e16-28. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33481528/

2. Magnesium sulfate before anticipated preterm birth for neuroprotection. Committee Opinion No. 455. American College of Obstetricians and Gynecologists. Obstet Gynecol 2010;115:669-71. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20177305/

3. Martins JG, Biggio JR, Abuhamad A. Society for Maternal-Fetal Medicine Consult Series #52: diagnosis and management of fetal growth restriction: (replaces clinical guideline number 3, April 2012). Am J Obstet Gynecol 2020;223:B2-17. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32407785/

4. Medically indicated late-preterm and early-term deliveries. ACOG Committee Opinion No. 831. American College of Obstetricians and Gynecologists. Obstet Gynecol 2021;138:e35-9. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34259491/

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here