Tá dược bao
Trẻ em là lứa tuổi thường gặp nhiều vấn đề trong việc sử dụng thuốc, không chỉ phải điều chỉnh liều lượng hoặc những thông số dược lý để đảm bảo đạt hiệu quả và hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn, độc tính mà vấn đề làm thế nào để cho trẻ dùng thuốc dễ dàng nhất, đặc biệt loại thuốc uống, ngậm, nhai… Một trong những cách để giải quyết là tạo ra các viên thuốc có mùi vị dễ chịu, để làm được điều này, tá dược bao là một thành phần không thể thiếu trong công thức bào chế thuốc. Đó chỉ là một khía cạnh nhỏ về vai trò của tá dược bao, vẫn còn có rất nhiều công dụng khác nữa mà bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin tương đối đầy đủ về tá dược bao.
Tá dược bao là gì?
Tá dược bao là chất bọc quanh viên thuốc nhằm mục đích giúp bảo vệ tránh tác động bên ngoài, dịch tiêu hóa ảnh hưởng đến độ ổn định của dược chất bên trong, với những dược chất có mùi vị khó chịu có thể dùng tá dược bao để che dấu chúng, giúp việc sử dụng dễ chịu hơn,…quá trình bao viên được thực hiện sau khi dập viên.
Vai trò, mục đích của bao
Có rất nhiều loại bao (bao đường, bao tan trong ruột, bao film, bao giải phóng kéo dài, bao giải phóng chậm…) mỗi loại lại có vai trò khác nhau, vì vậy tùy theo mục đích bào chế mà lựa chọn loại tá dược bao khác nhau. Nhìn chung, có một số tác dụng của bao là:
Giúp bảo vệ viên tránh sự thủy phân trong môi trường acid dịch vị để có thể xuống ruột non mới giải phóng và hấp thu dược chất, tăng sinh khả dụng, bao chống ẩm, ánh sáng, oxy… để tránh dược chất tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố trên trong không khí có thể làm biến đổi dược chất.
Che dấu mùi vị dược chất đặc biệt ở các dược chất vị đắng, rất đắng, khó nuốt, mùi đặc trưng của một số thuốc có thể gây buồn nôn cho người dùng.
Tránh kích ứng đường tiêu hóa với dược chất có nguy cơ cao gây loét tiêu hóa khi tiếp xúc.
Kiểm soát giải phóng dược chất ở các dạng bào chế nhằm tác dụng kéo dài, giải phóng chậm hoặc giải phóng tại vị trí mong muốn…
Lớp bao cũng như một ký hiệu đặc biệt để phân biệt thuốc này với thuốc khác, tránh nhầm lẫn trong quá trình phân phối, sử dụng.
Không thể phủ nhận về mặt thẩm mỹ của viên bao so với không bao. Các viên này đều trơn bóng, màu sắc, hình thức đẹp mắt hơn không bao.
Từ những vai trò này mà tá dược bao ngày nay càng được sử dụng nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn để nâng hiệu quả chữa bệnh mà thu hút được người dùng.
Các kỹ thuật, thiết bị bao
Trên lý thuyết có bốn kỹ thuật bao là bao đường, dập bao, bao khô và bao film. Tuy nhiên, trên thực tế sản xuất dược phẩm thường chú ý đến bao đường và bao film hơn. Hai loại bao này tương đối quen thuộc nhưng mỗi loại lại có mỗi đặc điểm nổi bật khác nhau.
Bao đường
Kỹ thuật bao đường với thiết bị nồi bao quay tròn thường gặp từ xa xưa, đặc biệt trong thuốc làm từ bột dược liệu. Bao đường thường có bốn giai đoạn là bao nền, bao nhẵn, bao màu, cuối cùng là đánh bóng.
Bao nền
Mục đích của giai đoạn bao nền là giúp viên tròn góc cạnh, giảm độ dày của lớp bao. Khi viên bao được dập được chày lõm sẽ tạo mặt lồi, giúp việc bao nền nhanh hơn khi dập phẳng. Lưu ý, trước khi bao cần cho viên vào nồi bao, cho quay một thời gian nhất định để các viên không đạt yêu cầu về độ ổn định cơ học sẽ được loại đi.
Chuẩn bị bột bao nền từ một số tá dược trơ (CaCO3, talc, tinh bột, bột đường…) và tá dược dính có độ nhớt thích hợp như siro gôm, dịch thể PVP, dịch thể gelatin, siro đơn… với nồng độ khác nhau để bao được dễ dàng, tránh dính viên.
Sau đó, cho viên vào nồi bao quay tròn, sấy nóng viên, cho tá dược dính vào để thấm đều viên, lần lượt bao một lớp dính một lớp bột nền, lưu ý cần để tá dược dính thấm đều quanh viên mới cho bột nền để viên đều về kích thước. Trong quá trình bao viên thường vừa bao vừa sấy cho đến khi nhẵn hết các góc cạnh của viên.
Các dược chất kém ổn định với nhiệt và ẩm cần sử dụng thêm một lớp cách ly chống thấm ẩm vào trong trước khi bao nền. Những chất cách ly hay được dùng như polyvinyl acetate phthalate, Eudragit, Shellac.
Bao nhẵn
Bao nhẵn giúp bề mặt viên nhẵn giúp phân tán đều các tá dược bao khác về sau. Chỉ dùng siro nóng (60-70°C), cần cho từng ít một và quay đều để có thời gian thấm đều vào viên, được sấy khô rồi mới cho tiếp siro nóng cứ như vậy cho đến khi viên nhẵn đều tất cả các mặt.
Bao màu
Có hai loại tá dược màu là không tan và tan được. Trước kia người ta thường dùng bao màu tan được để bao, tuy nhiên khi dùng tá dược tan trong siro lên màu không đều, cường độ màu tăng dần. Loại bao này có nhiều nhược điểm như vậy nên người ta dùng bao màu không tan. Sau khi viên được bao nhẵn thì bao màu không tan dưới dạng hỗn dịch, khi tiến hành đúng kỹ thuật thì màu sẽ đồng nhất và bền.
Bao bóng
Quá trình đánh bóng cho viên là rất quan trọng, nó giảm ma sát, tránh việc bong tróc màu, viên sáng bóng, đẹp hơn. Đánh bóng khá đơn giản, chỉ cần cho viên đánh bóng vào nồi, làm nóng viên, cho tá dược đánh bóng với lượng thích hợp vào nồi bao hoặc nồi đánh bóng quay với tốc độ phù hợp cho tới khi viên nhẵn bóng. Các tá dược đánh bóng có thể ở dạng rắn hoặc lỏng như parafin, sáp carnauba, PEG, zein, sáp ong…
Bao film
Do bao đường có khá nhiều nhược điểm như tốn thời gian, vỏ bao chiếm lượng cao khoảng 30-50%, khả năng bao tốt phụ thuộc lớn bởi kinh nghiệm nên người ta phát triển kỹ thuật bao màng mỏng hay còn gọi là bao film. Nguyên liệu để bao film là các polyme hòa tan hoặc phân tán trong dung môi (môi trường phân tán) thích hợp. Hỗn dịch hoặc dung dịch này được phun lên viên với tốc độ và kích thước vòi phun được tính toán trước, vừa phun vừa sấy cho bay hơi phần lỏng để lại phần polyme dính xung quanh viên.
Các loại polyme dùng trong bao màng mỏng thường gặp là: với màng bảo vệ polyme có khả năng chống ẩm, dễ tan trong dạ dày như Eudragit E, PEG 6000, HPMC, Shellac, zein…; bao tan trong ruột sẽ phải dùng polyme kháng acid, tan ở ruột như Eudragit L, Eudragit S, polyvinyl acetate phthalate, CAP…
Ngoài ra người ta thường thêm một số chất hóa dẻo để giảm nhiệt độ chuyển kính tạo màng film dễ dàng, tránh ảnh hưởng đến độ ổn định của dược chất. Chất hóa dẻo sử dụng là Propylene glycol, diethyl phthalate, PEG, glycerin…
Cơ chế hình thành màng mỏng có thể được mô tả ngắn gọn như sau: viên được thấm ướt, sấy bốc hơi dung môi tạo liên kết các hạt polyme lên bề mặt viên nhờ nhiệt độ ủ đến nhiệt chuyển kính, polymer hợp nhất thành màng mỏng bao quanh viên.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hình thành màng film là bề mặt viên trước khi bao cần nhẵn, tốc độ bốc hơi dung môi phải thích hợp nên cần kiểm soát các thông số như tốc độ phun dịch, nhiệt độ nồi bao, lưu lượng khí nóng vào ra; kích thước giọt phun do áp suất phun và đường kính vòi phun quyết định.
Một số thiết bị bao hay gặp là nồi bao truyền thống (nồi bao quay tròn); thiết bị bao tầng sôi, nồi bao đục lỗ trong công nghiệp. Các thiết bị này luôn có ba chức năng cần thiết để bao film là đảo viên, sấy viên, phun dịch bao thành các giọt nhỏ đều lên viên.
So sánh bao đường và bao film
Bao đường | Bao film |
|
|
Các tá dược bao thường dùng
Dẫn chất cellulose là nhóm hay gặp trong tá dược bao.
Hydroxypropyl methyl cellulose (HPMC) có thể chia làm 2 loại là có độ nhớt thấp dùng làm bao chống ẩm hoặc tá dược dính như E3, E6, E15, K3…; loại có độ nhớt cao dùng làm màng bao viên giải phóng kéo dài hoặc tá dược độn tạo cốt như K100M, K15M, K4M, E10M…
Ngoài ra nhóm dẫn chất cellulose còn có Hydroxypropyl cellulose (HPC), Ethylcellulose (EC, Cellulose acetate phthalate (CAP),… Một số nhóm khác nữa cũng có khả năng làm màng bao film là Shellac, Nhựa methacrylate, Eudragit,…
Eudragit có khả năng tích điện dương hoặc âm, độ tan thay đổi phụ thuộc vào pH môi trường. Eudragit thường được ứng dụng nhiều trong công nghiệp bao kiểm soát giải phóng.