Acesulfame
Đặc điểm của Acesulfame?
Acesulfame là gì?
Acesulfame có cấu trúc là este sulfamate (1,2,3-oxathiazin-4(3H)-one 2,2-dioxide), hợp chất dị vòng organonitrogen, vòng oxa và hợp chất dị vòng hữu cơ, được thay thế bằng nhóm methyl ở vị trí 6, thường được sử dụng là chất tạo ngọt trong các công thức bào chế.
Danh pháp quốc tế
Acesulfame
Tên IUPAC : 6-methyl-2,2-dioxooxathiazin-4-one
Công thức hóa học/phân tử
C4H5N04S
Tính chất vật lý
- Điểm nóng chảy: 123,2 °C
- Độ hòa tan: Tan trong nước , 270 g/L ở 20 °C; tan trong benzen, clorofom
- Mật độ: 1,83
- Độ ổn định/Thời hạn sử dụng: Ổn định trong điều kiện bảo quản được khuyến nghị.
- Phân hủy: Khi đun nóng đến khi phân hủy sẽ thải ra khí độc của lưu huỳnh oxid
- Hằng số phân ly: pKa = 2,0
Cảm quan
- Thể chất: Chất rắn, bột không màu, không mùi.
- Hương vị: Vị ngọt, hậu vị đắng kim loại, có độ ngọt gấp 200 lần so với sucrose.
Dạng bào chế
Acesulfame được ứng dụng làm tá dược cho các dạng bào chế như viên nén sủi, bột, siro, dung dịch.
Một số các sản phẩm sử dụng tá dược Acesulfame như MediUSA C Zinc Drop Fizz, PlusssZ C1000, Leo Glucan, Oriliver,…
Acesulfame có tác dụng gì?
Về độ ngọt, Acesulfame ngọt gấp 200 lần so với đường sucrose, ngọt tương đương với aspartame, ngọt khoảng 2/3 so với saccharin và ngọt khoảng 1/3 so với đường sucralose. Tương tự với saccharin, Acesulfame có hậu vị hơi đắng, rõ rệt nhất khi dùng ở nồng độ cao, có thể sử dụng Natri ferulat để cải thiện hậu vị này (theo nghiên cứu của Kraft Foods).
Acesulfame được sử dụng làm chất tạo ngọt riêng lẻ hoặc trộn lẫn với các chất tạo ngọt khác như aspartame hay sucralose để che hậu vị, tăng độ ngọt của hỗn hợp, đồng thời tạo ra vị ngọt tự nhiên tương tự với sucrose. Kích thước hạt của Acesulfame khá nhỏ, nhỏ hơn so với sucrose nên tạo ra sự đồng đều tốt hơn.
Acesulfame có độ ổn định cao hơn aspartame ở điều kiện nhiệt độ cao, môi trường tính acid hoặc base trung bình, nên thường được ứng dụng là phụ gia thực phẩm khi nướng, hoặc các chế phẩm có hạn sử dụng dài.
Lượng Acesulfame (dưới dạng muối kalo) được chấp nhận sử dụng hàng ngày khoảng 15 mg/kg/ngày.
Ứng dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm
Trong thực phẩm
Acesulfame được ứng dụng làm chất tạo ngọt nhân tạo, không có giá trị dinh dưỡng, tạo ngọt đối với đồ uống, sữa, bánh mì, bánh kẹo, kẹo cao su. Trong các loại đồ uống có gas, Acesulfame thường được sử dụng kết hợp với một chất tạo ngọt khác như aspartame hoặc sucralose. Acesulfame cũng xuất hiện trong các sản phẩm sữa lắc protein.
Trong mỹ phẩm
Acesulfame được ứng dụng trong các sản phẩm vệ sinh răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng.
Trong dược phẩm
Acesulfame làm tá dược tạo hương vị cho thuốc nhai, thuốc dạng lỏng, viên sủi để tăng tính ngon miệng hơn.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản
- Tá dược Acesulfame có tính ổn định cao.
- Trong điều kiện nhiệt độ môi trường, số lượng lớn, thời gian kéo dài nhiều năm, không thấy có dấu hiệu phân hủy của Acesulfame.
- Trong điều kiện nhiệt trên 40 độ C, thời gian kéo dài nhiều tháng, xuất hiện 1 số dấu hiệu phân hủy của Acesulfame.
- Trong điều kiện nhiệt độ 20 độ C, dung dịch nước pH từ 3 đến 3,5; thời gian 2 năm, Acesulfame không bị giảm độ ngọt.
- Tá dược Acesulfame sau quá trình tiệt trùng không làm ảnh hưởng đến vị ngọt.
- Acesulfame bảo quản trong thùng kín, khô ráo, thoáng mát để đảm bảo độ ổn định tối ưu.
Nghiên cứu mới trong y học về Acesulfame
Nghiên cứu chứng minh Acesulfame không có khả năng gây ung thư đã được thực hiện bởi Chappell GA và các cộng sự.
Acesulfame là một chất tạo ngọt không calo, tuy nhiên tính an toàn của tá dược này vẫn còn nhiều ý kiến và được nhiều nghiên cứu quan tâm. Hiện nay đã có những bằng chứng đáng kể chứng minh việc Acesulfame không gây ung thư.
Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá có hệ thống các dữ liệu cơ học có sẵn, đánh giá tác động đến khối u trong điều trị và các xét nghiệm sinh học ở loài gặm nhấm. Kết quả đã hỗ trợ cho kết luận Acesulfame không có khả năng gây ra phản ứng ung thư. Phương pháp thực hiện được đánh giá có độ tin cậy, tính chính xác cao.
Tài liệu tham khảo
- National Library of Medicine, Acesulfame, ngày truy cập 25/12/2024.
- Zheng Y, Sarr MG. Effect of the artificial sweetener, acesulfame potassium, a sweet taste receptor agonist, on glucose uptake in small intestinal cell lines. J Gastrointest Surg, ngày truy cập 25/12/2024.
- Chappell GA, Wikoff DS, Doepker CL, Borghoff SJ. Lack of potential carcinogenicity for acesulfame potassium – Systematic evaluation and integration of mechanistic data into the totality of the evidence. Food Chem Toxicol, ngày truy cập 25/12/2024.
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Ba Lan
Xuất xứ: Việt Nam