Rubella là gì? Ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Rubella

Nhathuocngocanh – Rubella hay còn được gọi là sởi Đức là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao. Phần lớn bệnh đều ở thể nhẹ, tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm Rubella thì lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sảy thai, dọa sảy thai hoặc dị tật thai nhi bẩm sinh. Vậy Rubella là gì? Ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi? trong bài viết này nhà thuốc Ngọc Anh sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

Nguyên nhân gây ra bệnh Rubella

Rubella là bệnh gì? Rubella là bệnh do chủng virus Rubella gây ra, thuộc họ togavirus. Rubella thường gây ra các bệnh toàn thân thể nhẹ, trước đây còn được gọi là bệnh sởi Đức. Bệnh thường phát triển vào mùa xuân, con đường lây bệnh chủ yếu là qua đường hô hấp. Bệnh Rubella có lây nhiễm không? Virus Rubella thường cư trú tại vòm họng các hệ thống các hạch bạch huyết. Khi người khỏe mạnh tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi thì có thể bị nhiễm bệnh. Giai đoạn mà dễ lây lan bệnh nhân là từ 7 ngày trước đến khoảng 7 ngày sau khi phát ban đỏ.

Tất cả mọi người đều có thể là đối tượng lây nhiễm của virus Rubella. Những bệnh nhân bị phơi nhiễm với virus Rubella có thể sẽ bị mắc bệnh nếu không có kháng thể từ trước đó, không có trường hợp người khỏe mạnh mang mầm bệnh Rubella trong người.

Nhiễm trùng gây ra do virus Rubella thường ở thể nhẹ được đặc trưng bởi tình trạng phát ban, sốt và nổi hạch. Có đến 70% nữ giới trưởng thành mắc Rubella có xuất hiện tình trạng viêm khớp.

Bệnh Rubella nếu xảy ra ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ thì có đến 85% trẻ sơ sinh sẽ được được sinh ra với biểu hiện chậm phát triển và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng được gọi là hội chứng rubella bẩm sinh (CRS). Di chứng khởi phát sau này của Rubella trong thời kỳ đầu mang thai bao gồm bệnh tự kỷ và bệnh tiểu đường.

Ở Hoa Kỳ, số ca mắc bệnh Rubella được thông báo cao nhất là vào năm 1969, khi 57.686 ca được báo cáo với tỷ lệ 58 ca mới trên 100.000 dân. Tỷ lệ mắc bệnh Rubella giảm nhanh chóng sau khi cấp phép sử dụng vắc xin vào năm 1969 và đến năm 1983, có ít hơn 1000 trường hợp mỗi năm được báo cáo trong cả năm.

Nguyên nhân gây ra bệnh Rubella
Nguyên nhân gây ra bệnh Rubella

Các triệu chứng của bệnh Rubella

Ban đỏ lúc đầu xuất hiện trên mặt rồi nhanh chóng lan rộng khắp toàn thân, Rubella thường sẽ không tuần tự như sởi.

Các triệu chứng của Rubella thường ở thể nhẹ và xuất hiện vào ngày thứ 16 đến ngày thứ 18 sau khi phơi nhiễm, bệnh có các biểu hiện tương tự như bệnh cảm cúm thông thường. Các triệu chứng điển hình của Rubella là:

  • Sốt: Người bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, thân nhiệt thường sẽ rơi vào khoảng 38 độ C, đi kèm với đó là tình trạng nhức đầu, chảy nước mũi, sau khi phát ban thì tình trạng sốt sẽ thuyên giảm.
  • Bệnh nhân thấy xuất hiện hạch ở vùng chẩm, cổ, bẹn khi ấn vào sẽ có cảm giác đau tình trạng này thường xuất hiện trước khi phát ban, sau đó tồn tại sau khoảng vài ngày tính từ thời điểm ban bay hết.
  • Trong các báo cáo liên quan đã ghi nhận nhiều trường hợp có biểu hiện viêm khớp hoặc kết mạc.
  • Tuy nhiên cũng có đến một nửa số ca bệnh không có những biểu hiện điển hình trên do đó thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Khi bị nhiễm Rubella, Virus sẽ lan nhanh khắp cơ thể trong khoảng từ 5 đến 7 ngày. Các triệu chứng điển hình của bệnh thường sẽ xuất hiện sau khoảng 2 đến 3 tuần tính từ thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh. Thời kỳ bệnh có khả năng lây lan mạnh nhất là từ 1 đến 5 ngày tính từ thời điểm xuất hiện các vết phát ban.

Các triệu chứng của bệnh Rubella
Các triệu chứng của bệnh Rubella

⇒ Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Các Biến Chứng Hô Hấp Sau Khi Hít Hydrocarbon ở Trẻ em

Các giai đoạn tiến triển của Rubella

Quá trình tiến triển của bệnh được tính từ lúc virus Rubella xâm nhập vào cơ thể của người bệnh, diễn biến sau đó và thời kỳ khỏi bệnh. Theo đó quá trình này sẽ được chia ra làm ba giai đoạn cụ thể như sau.

Giai đoạn ủ bệnh Rubella

Sau khi virus Rubella xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh sẽ diễn ra, khoảng thời gian này thường kéo dài từ 16 đến 18 ngày. Ở thời điểm này, bệnh nhân đã được coi là đã mắc Rubella nhưng vẫn chưa có các triệu chứng cụ thể.

Giai đoạn toàn phát

Những triệu chứng điển hình của giai đoạn này thường là sốt và phát ban, các tình trạng viêm khớp hoặc nổi hạch ở vùng cổ, bẹn cũng đã được ghi nhận. Lúc này người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, sốt nhẹ khoảng 38 độ C, đi kèm với đó là các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường: đau họng, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục,… Giai đoạn toàn phát thường diễn ra trong thời gian ngăn.

Phát ban là triệu chứng điển hình của Rubella. Sau khi hết phát ban thì tình trạng sốt sẽ thuyên giảm vài ngày sau đó.

Giai đoạn bệnh lui

Ở giai đoạn này người bệnh sẽ cắt được cơn sốt, các vết phát ban trên da nhanh chóng lặn đi và không để lại sẹo hoặc dấu vết trên da. Các hạch ở vùng cổ và bệnh cũng nhanh chóng mất đi sau khoảng 1 tuần.

Nguy cơ mắc bệnh Rubella có thể xảy ra ở cả người trưởng và trẻ em, những người chưa tiêm phòng vắc xin Rubella thường là đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm hàng đầu. Ngoài ra những người có hệ miễn dịch kém, thường xuyên di chuyển đến những vùng có dịch, hoặc tiếp xúc gần với những người nghi nhiễm Rubella sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn so với những người khác.

Biến chứng Rubella trên thai phụ

Các triệu chứng của Rubella thường ở thể nhẹ và ít khi để lại biến chứng. Tuy nhiên đối với thai phụ đây lại là một bệnh lý nguy hiểm có thể để lại nhiều di chứng nặng nề về sau. Bệnh đặc biệt nguy hiểm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, gây ra các tình trạng như sảy thai, thai chết lưu, dị tật thai nhi bẩm sinh, chậm phát triển, tự kỷ,…

Hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) có thể gặp ở 70% đến 90% trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ bị mắc Rubella trong tuần tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn tất cả các thai phụ nên làm xét nghiệm nhằm xác định đã có miễn dịch với loại Virus này hay chưa.

Biến chứng Rubella trên thai phụ
Biến chứng Rubella trên thai phụ

⇒ Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Sử dụng oxy mũi lưu lượng cao (HFNO) – kỹ thuật hỗ trợ hô hấp không xâm nhập

Những biến chứng nghiêm trọng trên thai phụ

Rubella gây nguy hại cho thai nhi nếu thai phụ nhiễm trong 20 tuần đầu thai kỳ, đặc biệt trong 3 tháng đầu. Nếu mẹ nhiễm rubella trong 8- 10 tuần đầu thai kỳ thì nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh lên đến 90%. Dị tật bẩm sinh hiếm khi xuất hiện nếu nhiễm sau 16 tuần, cũng ghi nhận một số ít trường hợp gặp giảm thính lực (nghe kém) mắc dù nhiễm rubella muộn (tuần 20 thai kỳ).

Rubella có thể gây ra:

  • Sảy thai, thai chết lưu, sinh non.

Dị tật bẩm sinh hay còn gọi là Hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS), bao gồm:

  • Thóp phồng và phát ban khi mới sinh.
  • Thai nhi chậm phát triển (FGR) và nhẹ cân.
  • Dễ bị co giật.
  • Khiếm khuyết về thính giác và tim mạch (phổ biến nhất là còn ống động mạch).
  • Tật đầu nhỏ.
  • Chậm phát triển tâm thần vận động.
  • Rối loạn hành vi và lời nói.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu.
  • Viêm gan.
  • Gan lách to.
  • Tổn thương xương.
  • Viêm phổi.
  • Đái tháo đường.
  • Rối loạn tuyến giáp.
  • Viêm não Rubella tiến triển.

Trẻ bị CRS cần những biện pháp điều trị rất tốn kém, phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt. Nhiều tổn thương, dị tật ở thai nhi sẽ theo trẻ suốt đời. Trên toàn thế giới, có hơn 100.000 trẻ sinh ra với CRS mỗi năm. Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm Rubella trong 20 tuần đầu thai kỳ, sẽ không có biện pháp điều trị nào để phòng tránh CRS, lúc này chỉ phụ thuộc vào xác suất mắc.

Nhiễm trùng Rubella mắc phải do hít phải Virus có chứa trong dịch tiết của người bệnh. Virus gây bệnh khu trú ở đường hô hấp trên, sau đó lây lan khắp hệ thống mạch máu và nhân lên trong mô bạch huyết của vòm họng, dẫn đến nhiễm trùng nhiều hệ cơ quan, bao gồm cả nhau thai trong trường hợp nhiễm trùng xảy ra sớm trong thai kỳ. Sau khi phơi nhiễm Virus sẽ tiến vào trong mái sau khi bệnh khởi phát từ 5 đến 7 ngày, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp cơ thể, qua nhau thai dẫn đến tổn thương thai nhi do phá hủy tế bào và ngừng phân bào.

Rubella còn có thể ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương (CNS), thính giác, hạn chế tăng trưởng do tổn thương trực tiếp đến thành mạch máu và lớp lót của tim. Điếc, tổn thương tim mạch, thần kinh và bệnh võng mạc đều xuất hiện khi nhiễm trùng xảy ra trong 16 tuần đầu tiên của thai kỳ nhưng hiếm gặp sau thời gian đó.

Mẹ bị nhiễm Rubella cũng dẫn đến tần suất mắc bệnh tiểu đường loại 1 cao ở con cái. Theo báo cáo có từ 5% đến 40% thanh niên có tiền sử mắc bệnh Rubella bẩm sinh mắc bệnh tiểu đường loại 1 trong độ tuổi từ 10 đến 30, nhiều bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp mạn hoặc các bệnh tự miễn khác cũng đã được báo cáo.

Đục thủy tinh thể do hội chứng Rubella bẩm sinh

Năm 1940, một trận đại dịch Rubella đã xảy ra tại Úc, các báo cáo kèm theo thường mô tả lại các triệu chứng điển hình của bệnh. Lúc đó các nhà khoa học vẫn chưa biết rằng Rubella có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Bác sĩ nhãn khoa người Úc Norman Gregg (1892–1966) là người đầu tiên mô tả mối liên quan giữa nhiễm rubella trong thời kỳ đầu mang thai và đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Kể từ đó, người ta đã nhận ra rằng CRS bao gồm các bất thường về mắt.

Rubella liên quan đến bệnh tự kỷ

Nhiều nghiên cứu sau đó cho thấy nhiễm rubella trong thai kỳ cũng có liên quan đến bệnh tự kỷ. Nhiều trẻ em được phát hiện có phản ứng miễn dịch thay đổi đối với việc tiêm vắc-xin rubella, cho thấy có hiện tượng nhiễm Rubella bẩm sinh.

Nhà nghiên cứu Stella Chess đã nghiên cứu các đặc điểm hành vi của trẻ mầm non mắc bệnh Rubella bẩm sinh ở thành phố New York. Trong tổng số 243 trẻ tự kỷ được đưa vào nghiên cứu, Stella Chess đã xác định được 10 trẻ mắc hội chứng tự kỷ hoàn toàn và 8 trẻ mắc hội chứng tự kỷ một phần. Chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn của Kanner về bệnh tự kỷ, những trẻ này thường có xu hướng không muốn quan tâm đến việc tiếp xúc tình cảm, có những hành vi lặp đi lặp lại và khó hiểu.

Trẻ em mắc CRS ở Texas vào những năm 1960 cũng được ghi nhận là có tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ rất cao. Trong số 64 trẻ mắc CRS sống sót sau 18 tháng, 8 trẻ (12,5%) được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Những dữ liệu này cho thấy mối liên mạnh mẽ giữa nhiễm virus Rubella bẩm sinh và bệnh tự kỷ. Các nghiên cứu sau đó cho thấy mối liên hệ giữa các bệnh nhiễm virus toàn thân khác và các tình trạng thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng teo cơ một bên, bệnh đa xơ cứng và rối loạn phổ tự kỷ.

Cách phòng bệnh Rubella

Vaccin phòng Rubella thường được tiêm trong mũi kết hợp (3 trong 1 và ngày nay là 5 trong 1) khi còn nhỏ. Tuy nhiên, theo thời gian khả năng bảo vệ của vắc xin giảm dần và hết.

Do đó, nếu dự định có em bé, tốt nhất bạn nên kiểm tra xem đã có kháng thể phòng bệnh Rubella hay chưa. Nếu chưa có, bạn nên tiêm vắc xin, sau đó tránh thai ít nhất một tháng (ở Việt Nam, khuyến cáo tránh thai 3 tháng). Bạn cần sử dụng phương pháp tránh thai tin cậy và hiệu quả.

Nếu đang có thai và chưa có miễn dịch với bệnh, bạn nên tiêm vắc xin sau khi sinh 6 tuần. Trong thời gian mang thai, tránh tiếp xúc với những người sốt, cảm cúm, phát ban, hạn chế tới những nơi đông người. Tiêm vắc xin trong thời kỳ cho con bú không ảnh hưởng tới em bé.

Tiêm phòng Rubella trong thai kỳ hoặc gần trước thời điểm nhận biết có thai chưa thấy có nguy cơ đối với thai nhi, tuy nhiên vắc xin Rubella không được khuyến cáo trong thai kỳ vì sự thận trọng, đảm bảo an toàn. Những thai phụ tiêm vắc xin rubella trong thai kỳ cũng không có khuyến cáo đình chỉ thai nghén mà cần có sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ.

Sàng lọc nhiễm Rubella trong thai kỳ

Nếu có những triệu chứng gợi ý, bạn cần đi khám để sàng lọc việc nhiễm rubella, đặc biệt trong 20 tuần đầu. Thai phụ phát ban tránh tiếp xúc với những thai phụ khác.

Bạn cần lưu ý là siêu âm khó có thể phát hiện được những tổn thương do rubella gây ra cho thai nhi, bởi những tổn thương này thường tác động tới chức năng của các cơ quan nhiều hơn là hình thái. Vì thế, việc xét nghiệm máu do BS chỉ định là cần thiết.

Trong thai kỳ, dù không có triệu chứng gợi ý, bạn vẫn có thể thực hiện sàng lọc nhiễm rubella nhờ vào xét nghiệm kháng thể trong máu mẹ.

Sàng lọc nhiễm Rubella trong thai kỳ
Sàng lọc nhiễm Rubella trong thai kỳ

Một số nghiên cứu liên quan

Tạo miễn dịch thụ động sau phơi nhiễm để phòng bệnh Rubella và hội chứng rubella bẩm sinh

Mục đích: Megan K Young, Allan W Cripps, Graeme R Nimmo, Mieke L van Driel, đã tiến hành một cuộc thử nghiệm có quy mô lớn về Rubella. Thử nghiệm này nhằm đánh giá hiệu quả của việc tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch các Globulin miễn dịch đa dòng (có nguồn gốc huyết thanh hoặc huyết tương người) để ngăn ngừa bệnh Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh khi dùng cho những người dễ bị phơi nhiễm trước khi phát bệnh.

Nghiên cứu được thực hiện trên tổng số 430 người tham gia. Những người tham gia có cả trẻ em và người trưởng thành không phân biệt giới tính. Trong đó có một nghiên cứu riêng cho các phụ nữ mang thai, tất cả các nghiên cứu được thực hiện ở các nước có thu nhập cao.

Những người tham gia thử nghiệm được chia vào hai nhóm, nhóm một là những người được điều trị bằng globulin miễn dịch đa dòng đậm đặc (nhóm can thiệp) và nhóm hai gồm những người được tiêm bằng nước muối hoặc không điều trị (nhóm đối chứng).

Mười một nghiên cứu (389 người tham gia) đã so sánh việc tiêm kháng thể vào cơ hoặc tĩnh mạch của những người tham gia với việc tiêm nước muối hoặc không điều trị. Những người tham gia nghiên cứu không có kháng thể của riêng họ. Họ đã tiếp xúc với bệnh sởi Đức từ một đến 28 ngày trước khi nhận được kháng thể. Các kháng thể dường như có hiệu quả trong việc ngăn chặn những người tham gia mắc bệnh Rubella, với những người nhận kháng thể ít có khả năng phát triển bệnh rubella hơn 39% so với những người không được cung cấp kháng thể.

Trong một phân tích của bảy nghiên cứu (89 người tham gia), trong đó những người tham gia chỉ tiếp xúc với Rubella tối đa năm ngày trước đó, những người được sử dụng liều cao nhất trong nghiên cứu có khả năng mắc bệnh Rubella thấp hơn 80% so với những người không được cung cấp kháng thể.

Kết quả nghiêng về nhóm can thiệp, tỷ lệ rủi ro đã được giảm xuống rất nhiều và sức khỏe người bệnh có nhiều tiến triển tốt nhưng không đồng nhất. Sự không đồng nhất được giải thích là do sự chênh lệch liều lượng tiêm gamma-globulin ước tính cho một kg trọng lượng.

Không có nghiên cứu nào báo cáo kết quả “nhiễm rubella bẩm sinh”. Không có trường hợp nào trong số những người tham gia mang thai dưới chín tuần khi đăng ký và những người được chọn ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm gamma-globulin (hiệu quả điều trị Rubella ‘cao’ hoặc ‘thấp’).

Không có nghiên cứu bao gồm đo lường các sự kiện bất lợi.

Kết luận:

So với việc không điều trị, Globulin miễn dịch đa dòng dường như có ích trong việc ngăn ngừa Rubella. Bằng chứng hiện có cho thấy rằng biện pháp can thiệp này có thể mang lại lợi ích cho đến năm ngày sau khi tiếp xúc và hiệu quả đó phụ thuộc vào liều lượng đã dùng.

Rubella là một loại virus chứa Acid Ribonucleic (RNA) sợi đơn được truyền qua các giọt hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm bệnh. Bệnh thường gây ra các triệu chứng ở thể nhẹ, nhưng lại có thể để lại những nguy cơ nặng nề lên trên phụ nữ mang thai.

Tài liệu tham khảo

1.Post‐exposure passive immunisation for preventing rubella and congenital rubella syndrome, tác giả Megan K Young, Allan W Cripps, Graeme R Nimmo, Mieke L van Driel, nguồn NCBI, truy cập ngày 20/5/2023.

2.Epidemiological Characteristics, Seasonal Dynamic Patterns, and Associations with Meteorological Factors of Rubella in Shaanxi Province, China, 2005–2018, tác giả Yu Ma, Kun Liu, Weijun Hu, Shuxuan Song, Shaobai Zhang, Zhongjun Shao, nguồn NCBI, truy cập ngày 20/5/2023.

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here