Phương pháp giảm môi âm hộ bằng kỹ thuật Lazy S

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Phương pháp giảm môi âm hộ bằng kỹ thuật Lazy S

Tác giả: Lina Triana

Biên dịch: Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Đình Trung

nhathuocngocanh.com – Bài viết Phương pháp giảm môi âm hộ bằng kỹ thuật Lazy S được trích trong chương 4 trong sách Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ vùng kín phụ nữ.

Làn da đẹp là điều quyết định sự thành công của thẩm mỹ. Hãy luôn giữ làn da của tuổi 18 thanh xuân.

Giảm môi âm hộ bằng kỹ thuật cắt bờ tự do (trim hoặc edge) được giới thiệu bởi Bs. Caparo, một bác sĩ phụ khoa từ năm 1970. Nhưng thực tế thì kỹ thuật này tới những năm 1984 mới được thực hiện, và người thực hiện lại là những Bs phẫu thuật tạo hình (Hogkinson và Hait) với mục đích tạo tính thẩm mỹ cho môi bé, bằng những đường cắt vát.

Như vậy, lịch sử đã cho chúng ta biết về phương pháp giảm môi âm hộ cổ điển, nhưng ngày nay người ta lại sợ cắt bờ tự do môi bé đến như thế? Vâng, mặc dù kỹ thuật này rất dễ thực hiện – việc chúng ta làm chỉ đơn thuần là cắt phần dư thừa theo chiều dọc – nhưng nếu không khéo, sau phẫu thuật có thể để lại sẹo xấu và co kéo, khiến môi bé nhìn không được tự nhiên và còn có thể gây đau khi giao hợp. Đó là lý do chương này được viết, với mục đích đưa ra cách làm để đạt hiệu quả cao hơn.

Phương pháp giảm môi bằng cách cắt bỏ phần bờ tự do hiện nay vẫn được coi là kỹ thuật phổ biến nhất để loại bỏ tình trạng tăng sắc tố môi bé không mong muốn. Và phương pháp này cũng rất phù hợp khi muốn kết hợp giảm môi với tạo hình mũ âm vật.

Giải phẫu

Môi bé là một phần của vùng âm hộ. Chúng là những nếp gấp niêm mạc nằm ở mỗi bên của cửa âm đạo, kèm theo phần nhỏ hạ niêm mạc nằm phía trong và bên ngoài không được bao phủ bởi lông mu. Nó nằm ngay dưới nắp âm vật, với tạo hình giống như 1 cái mỏ vịt và chạy dọc 2 bên cửa âm đạo xuống phía hậu môn, gặp nhau tại mép môi sau – trùng với vị trí nếp gấp sau của môi lớn.

Tăng sắc tố niêm mạc môi bé là bệnh cảnh thường gặp, đặc biệt ở vùng bờ tự do. Đây có thể là hậu quả của việc cọ xát khi vệ sinh hoặc quan hệ tình dục, và một phần cũng do chủng tộc (phụ nữ da trắng thường sẫm màu hơn). Đối với những phụ nữ gặp phải tình trạng này, kỹ thuật tốt nhất là cắt bờ tự do – vùng tối màu nhất để vừa nhằm mục đích giảm môi âm hộ, vừa giải quyết được tình trạng tăng sắc tố.

Ảnh 4.1
Ảnh 4.1

Đánh giá: Kỹ thuật Lazy S

Đầu tiên: Hỏi bệnh nhân về lý do tới phòng khám, nguyện vọng của họ. Tốt nhất, nên hỏi những câu hỏi này trước khi đưa cô ấy vào phòng thăm khám; điều này sẽ giúp bệnh nhân tự tin hơn để cởi mở nói chuyện cũng như sự hợp tác trong quá trình thăm khám, đặc biệt là các bộ phận nhạy cảm này.

Tiếp cận vấn đề:

Bệnh nhân có thể phàn nàn về tình trạng mất vệ sinh, khó chịu hoặc đau ở vùng kín:

  • “Tôi là một người yêu thể thao, nhưng khi mặc đồ chật thì thường ra nhiều mồ hôi và chúng làm vùng kín trở nên khó chịu, thỉnh thoảng còn có các mụn nước”
  • “Tôi thích mặc đồ bé nhưng thỉnh thoảng chúng làm vùng kín rất khó chịu”
  • “Giờ đây đạp xe đạp là 1 vấn đề lớn đối với tôi, bất kể lần nào lên xe đạp là tôi đều cảm thấy vùng kín đau và sưng nhiều”
  • “Tôi yêu những chú ngựa nhưng việc cưỡi chúng đi dạo lại là chuyện khác. Mỗi khi lên yên ngựa, tôi đều cảm thấy đau và chúng còn tồi tệ hơn sau đó, khi tôi đi tiểu”
  • “Thỉnh thoảng tôi cảm thấy có mùi rất khó chịu ở vùng kín, có thể do môi bé của tôi quá lớn chăng? Điều đó thường làm tôi khó vệ sinh chúng thật sạch sẽ”
  • “Thỉnh thoảng khi quan hệ, môi bé của tôi thậm chí còn bị dương vật kéo theo vào âm đạo, và đi cùng với đó là cảm giác rất đau đớn”
  • “Tôi thực sự không cảm thấy tự tin khi mặc đồ tắm vì thường phải điều chỉnh môi bé để chúng không lộ ra ngoài!”
  • “Khi mặc quần áo bó, vùng kín của tôi dường như đang lộ ra trước mặt mọi người vậy!!!”
  • “Tôi thực sự thích màn dạo đầu với bạn trai ở vùng kín đó, nhưng điều trớ trêu là tôi lại rất xấu hổ khi anh ấy nhìn thấy nó!”•
  • “Từ khi bạn trai nói rằng chỗ đó của tôi trông rất lạ, và tôi đã không cho bất kỳ ai kể cả anh ấy được thấy chúng nữa!.”

Thứ hai: Hướng dẫn bệnh nhân của bạn vào phòng thăm khám, bộc lộ vùng khám, và nhớ hãy đánh giá tình trạng âm hộ ở tư thế đứng trước khi để cô ấy nằm lên bàn khám. Sau khi nằm, hãy đặt 1 chiếc gương ở dưới để họ có thể nhìn thấy vùng kín cũng như mô tả cho Bs thật kỹ những gì làm họ khó chịu.

Đánh giá triệu chứng

Môi bé

  • Môi bé dài hơn môi lớn
  • Bất thường hình thể môi bé
  • Môi bé không cân đối
  • Dị dạng môi bé

Sắc tố môi âm hộ (màu môi)

  • Môi không đều màu
  • Môi sẫm màu hơn ở phần bờ tự do

Mũ âm vật

  • Đánh giá xem mũ âm vật có quá lớn không? Có trùm hết lên âm vật không?

Mép môi sau

  • Niêm mạc mép môi sau có thừa ra hay không?
  • Có dư thừa niêm mạc nhưng bệnh nhân không quá khó chịu để phàn nàn về nó?

Ưu nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm

  • Là phương pháp lý tưởng cho trường hợp tăng sắc tố niêm mạc vùng bờ tự do.
    • Kỹ thuật này sẽ loại bỏ phần dư thừa đồng thời cũng là phần tăng sắc tố ở niêm mạc môi bé, giải quyết triệt để vấn đề về thẩm mỹ vùng kín.
  • Dễ áp dụng
  • Hạn chế tình trạng bục chỉ sau phẫu thuật.
  • Là phương pháp có thể giúp bệnh nhân có ‘vẻ bề ngoài của tuổi thanh xuân’ .
  • Có thể kết hợp cùng các phương pháp tạo hình mũ âm vật trong 1 lần phẫu thuật.
  • Khi vành mũ âm vật bám quá thấp, nên chủ động cắt và gắn mũ âm vật lên trên cao trước khi thực hiện kỹ thuật.

Nhược điểm

  • Không bảo tồn bờ tự do môi bé (vì chính là vùng cắt đi).
    • Phá bỏ giải phẫu bình thường, điều này có thể tạo ra vẻ bề ngoài không được tự nhiên nếu không làm khéo.
  • Có thể tạo sẹo chạy dọc môi bé:
    • Sẹo này có thể thấy rõ ở những cơ địa tạo sẹo.
    • Có thể tạo ra vẻ bề ngoài không tự nhiên.
    • Bờ tự do môi bé có xu hướng dày lên.
    • Vì tạo sẹo nên có thể gây khó chịu cho bệnh nhân.
    • Nguy cơ tạo sẹo co kéo.

Xét nghiệm tiền phẫu

  • Công thức máu
  • PT và aPTT
  • Creatinine
  • Xét nghiệm chuyên sâu khác tùy theo bệnh lý kết hợp
  • Xét nghiệm các thông số nước tiểu
  • Phết tế bào âm đạo

Lên kế hoạch phẫu thuật

Vô cảm

Gây tê cục bộ và/hoặc phong bế thần kinh thẹn đều có thể áp dụng. Nếu phong bế thì có thể sử dụng bộ kit chuyên dụng. Còn nếu không có thì có thể dụng catheter Spinocath để đưa thuốc gây tê vào dễ dàng hơn.Có thể gây mê toàn thân nhưng chỉ khi thật sự cần thiết.

Dụng cụ cắt

Thông tin quan trọng

Không khuyến khích sử dụng kéo, vì dùng kéo khó tạo ra một đường cắt uốn lượn, mà đây lại chính là điểm mấu chốt của kỹ thuật.

  • Dao tay hoặc dao điện
  • Sóng cao tần (sóng radio)
  • Laser

Khi sử dụng dụng cụ cắt truyền nhiệt, chú ý luôn tưới rửa liên tục khi cắt để đề phòng tình trạng bỏng tại rìa vết cắt.

Khâu:

Ban đầu tác giả sử dụng chỉ Vicryl nhưng đánh giá sau đó cho thấy bệnh nhân hay gặp dị ứng hoặc viêm tấy kéo dài, nên đã thử thay bằng chỉ catgut nhưng lại thấy hay bị tuột, đứt chỉ, nên hiện tại vẫn sử dụng loại Vicryl 4-0. Hoặc bất kỳ loại chỉ tự tiêu nào mà bạn có

Mô tả kỹ thuật

Vô cảm

Thông tin quan trọng

Đừng quên đánh dấu vùng cắt trước khi gây tê.

Có thể sử dụng gây tê cục bộ hoặc gây tê cục bộ kết họp phong bế thần kinh thẹn, vốn dĩ có thể chỉ dùng tê cục bộ, nhưng phong bế thần kinh thẹn giúp giảm đau sau phẫu thuật.

Tê cục bộ

Mặc dù có thể tê trước khi đánh dấu vùng phẫu thuật, nhưng lời khuyên là nên làm ngược lại trong kỹ thuật này, vì một khi gây tê, giải phẫu sẽ bị thay đổi, dẫn đến đánh giá sai lệch vùng cắt, khi khâu nối lại sẽ gặp rắc rối lớn.

Phong bế thần kinh thẹn

Thông tin quan trọng

Hãy chú ý đối với những bệnh nhân gầy, 5ml bupivacaine là bình thường nhưng với họ có thể gây yếu chi tạm thời.

Tối ưu là sử dụng bộ kit phong bế thần kinh thẹn, nếu không có có thể sử dụng catheter Spinocath để tiêm tê.

  • Dụng cụ bảo vệ kim của bộ kit được đưa vào bên trong âm đạo, hướng về phía thành sau bên, nơi có thể sờ thấy gai ngồi.
  • Thuốc tê: 10 ml bupivacaine nguyên chất (5ml mỗi bên)
  • Luôn luôn hút trước khi tiêm, phải nhớ rằng động mạch thẹn chạy rất gần thần kinh thẹn.

Đánh dấu vùng phẫu thuật

Bước 1

Xác định vị trí vành mũ âm vật đính với môi bé.Mỗi tay cầm 1 kẹp phẫu tích, 1 bên cặp vào môi bé, bên còn lại vào mũ âm vật, dùng lực kéo nhẹ 2 kẹp sang 2 bên để tạo hình ziczac, quan sát vị trí gắn của vành mũ âm vật gắn với môi bé (Ảnh 4.2).

Bước 2

So sánh vị trí gắn của vành mũ âm vật với môi bé ở mỗi bên

Đánh dấu vị trí gắn đó ở mỗi bên. Chú ý là chúng sẽ luôn không cân đối với nhau.

Bước 3

So sánh 2 điểm vừa đánh dấu với hãm âm vật để quyết định xem bệnh nhân có cần tạo hình lại mũ âm vật hay không (nếu bám quá thấp làm trùm hết âm vật thì nên kết hợp giảm môi âm hộ với tạo hình mũ âm vật)

Nếu mũ âm vật không dư thừa quá nhiều, hoặc vẫn còn đối xứng nhau qua hãm âm vật thì có thể áp dụng kỹ thuật Lazy S đơn thuần.

Ảnh. 4.2 Xác định điểm bám của vành mũ âm vật với môi
Ảnh. 4.2 Xác định điểm bám của vành mũ âm vật với môi

Bước 4

Đánh dấu phần môi bé dư thừa theo chiều dọc từ trên xuống dưới sát mép môi sau.Việc đánh dấu này rất quan trọng vì đây sẽ là đường dẫn cho bác sĩ phẫu thuật trong lúc cắt phần dư thừa. Nhớ rằng: Hãy cố gắng đưa dụng cụ tránh xa mép môi sau khi đang cắt phần dư môi bé (Ảnh 4.3).

Bước 5

Kiểm tra mặt trong môi bé và xác định ranh giới giữa vùng niêm mạc trơn (trong) và niêm mạc thô (ngoài).Sự khác biệt giải phẫu giữa 2 vùng niêm mạc này là chỉ điểm cho Bs tránh việc cắt đi quá nhiều môi bé. Ảnh 4.4 cho thấy cách đánh dấu đường lazy S, chú ý phần 1/3 trên thì luôn rộng hơn 2/3 dưới.

Bước 6

Đánh dấu đường lazy S đối xứng với bên còn lại

Ảnh. 4.3 So sánh điểm bám của vành mũ âm vật với hãm âm vật ở 2 bên và đánh dấu. Nếu không đánh dấu sẽ ảnh hưởng lớn tới việc tái tạo cấu trúc giải phẫu của âm hộ sau khi cắt. Trên hình là các mốc cần đánh dấu trước khi vẽ hình chữ S.
Ảnh. 4.3 So sánh điểm bám của vành mũ âm vật với hãm âm vật ở 2 bên và đánh dấu. Nếu không đánh dấu sẽ ảnh hưởng lớn tới việc tái tạo cấu trúc giải phẫu của âm hộ sau khi cắt. Trên hình là các mốc cần đánh dấu trước khi vẽ hình chữ S.
Ảnh. 4.4 Đánh dấu phần niêm mạc dư thừa thành hình chữ S.
Ảnh. 4.4 Đánh dấu phần niêm mạc dư thừa thành hình chữ S.

Nếu 1 bên được kẻ chuẩn, bên còn lại cũng sẽ đẹp khi xác định được trục dọc của âm hộ và sau đó áp dụng kỹ thuật soi gương, sẽ được trình bày chi tiết ở phía dưới (Ảnh 4.5).

Ảnh. 4.5 Cách áp dụng kỹ thuật soi gương để đánh dấu đối xứng. (a) Dùng mực đánh dấu phần cắt bỏ ở 1 bên của môi bé sau đó ép 2 bên môi âm hộ lại với nhau sao cho chúng sát nhau nhất có thể. (b) Mực sẽ tự động bám vào bên còn lại để lại vết đối xứng bên
Ảnh. 4.5 Cách áp dụng kỹ thuật soi gương để đánh dấu đối xứng. (a) Dùng mực đánh dấu phần cắt bỏ ở 1 bên của môi bé sau đó ép 2 bên môi âm hộ lại với nhau sao cho chúng sát nhau nhất có thể. (b) Mực sẽ tự động bám vào bên còn lại để lại vết đối xứng bên

Đường cắt

Thông tin quan trọngTránh việc dùng lực kéo môi bé quá mức, điều này có thể dẫn đến việc cắt đi nhiều hơn phần đã định sẵn

Đường rạch sẽ là 1 đường cong hình chữ S. Chú ý luôn để viền đường cắt ở mặt ngoài dài hơn mặt trong 4mm. Đây là điểm mấu chốt để khi nối 2 mặt có thể hạn chế tình trạng co kéo cũng như sẹo.

Giữ môi bé với 1 lực vừa phải, nên nhớ nếu kéo quá mạnh có thể làm cho mặt ngoài thậm chí còn ngắn hơn mặt trong. Nếu người phụ mổ giữ môi bé, hãy giải thích thật cặn kẽ cho họ hiểu phương pháp này để tránh tình trạng xấu kể trên.

Bắt đầu đường rạch từ giữa và luôn luôn tạo khoảng cách nhất định giữa 2 đầu đường cắt để có thể tạo được đường cắt hình chữ S đẹp.Nếu sử dụng dao điện hoặc dụng cụ tỏa nhiệt, nên tưới rửa liên tục khi cắt để tránh bỏng mô.

Chú ý cầm máu thật cẩn thận vì có thể phạm phải các động mạch ở môi bé bất cứ lúc nào. Nếu không cẩn thận có thể dẫn tới mất nhiều máu hoặc tụ máu muộn sau phẫu thuật.

Chú ý 2 bên môi bé luôn không đều, nên đừng cố cắt sao cho cân đối mà nên dựa vào kích thước mỗi bên để quyết định phần cắt bỏ. Điều này cũng phải được giải thích kỹ cho bệnh nhân trước và trong khi làm thủ thuật. (Ảnh 4.6)

 

Ảnh. 4.6 Mô tả đường rạch. (a) Điểm bắt đầu đường rạch. (b) Đưa dụng cụ cắt theo chiều cong của hình chữ S đã định sẵn. (c) Luôn để mặt ngoài dài hơn mặt trong để thuận tiện khi khâu nối.

Ảnh. 4.6 Mô tả đường rạch. (a) Điểm bắt đầu đường rạch. (b) Đưa dụng cụ cắt theo chiều cong của hình chữ S đã định sẵn. (c) Luôn để mặt ngoài dài hơn mặt trong để thuận tiện khi khâu nối.
Ảnh. 4.6 Mô tả đường rạch. (a) Điểm bắt đầu đường rạch. (b) Đưa dụng cụ cắt theo chiều cong của hình chữ S đã định sẵn. (c) Luôn để mặt ngoài dài hơn mặt trong để thuận tiện khi khâu nối.

Đường khâu

Dùng chỉ tự tiêu, khuyên dùng chỉ Vicryl 4-0

Điều quan trọng nữa là không được siết chỉ tại mỗi mũi khâu. Tác giả khuyên dùng mối khâu vắt (có khóa) và không cố gắng siết chỉ. Vì việc này có thể làm cho vùng khâu bị bó chặt, hạn chế liền vết mổ cũng như trông không được tự nhiên.

Chăm sóc hậu phẫu

Chỉ sử dụng kháng sinh dự phòng.

Sử dụng thêm thuốc giảm đau đường uống ngay sau phẫu thuật.

Bệnh nhân được khuyên nên giữ vùng phẫu thuật khô ráo nhất có thể. Sử dụng hơi nóng tại khu vực này có thể giúp giảm phản ứng viêm.

Bệnh nhân phải mặc quần lót chất liệu 100% cotton trong 8 ngày sau đó và không được mặc quần ngoài chật.

Mối chỉ phải được cắt sớm nhất có thể, thông thường khoảng 6-8 ngày sau phẫu thuật. Cắt chỉ sớm có thể giúp làm giảm viên và giảm nguy cơ để lại vết sau cắt chỉ.

Tập luyện và quan hệ tình dục có thể bắt đầu lại sau 2-4 tuần sau phẫu thuật.

Phòng tránh biến chứng

Thông tin quan trọng

Không nên cắt quá nhiều mô ở mép môi sau trong trường hợp chỉ làm thủ thuật giảm môi âm đạo, nếu bệnh nhân không may có tình trạng phân tách cơ thẹn mà chúng ta không tạo hình lại sau cắt, họ sẽ luôn có cảm giác bị giằng xé âm hộ mỗi khi quan hệ.

Những điều cần giải thích với bệnh nhân:

  • Hai bên môi bé không bao giờ đối xứng hoàn toàn.
  • Không nên cố gắng chỉnh sửa nếp niêm mạc ở mép môi sau. Và Bs nên giải thích kỹ cho bệnh nhân điều này trước khi họ quyết định thực hiện thủ thuật hay không.
  • Chú ý đánh dấu vùng cắt trước khi gây mê, gây tê.
  • Luôn luôn đánh dấu điểm bám vành mũ âm vật với môi bé ở 2 bên trước khi đánh dấu chữ S.

Vô cảm

  • Ở bệnh nhân gầy, dùng 5ml bupivacaine để phong bế thần kinh thẹn có thể gây ra tình trạng yếu chi tạm thời. Để không cắt quá nhiều mô, chú ý:
  • Luôn luôn tạo đường cắt theo chiều cong chữ S.
  • Đừng bao giờ kéo môi bé quá căng khi cắt.
  • Không cắt phần môi bé dư thừa ở phần mép môi sau quá nhiều.
  • Nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng phân tách cơ thẹn và bạn bỏ quên chỉnh hình chúng, bệnh nhân có thể gặp phải cảm giác giằng xé khi quan hệ.
  • Việc này tương tự như khi sửa sứt môi, hở hàm ếch: Nếu phần môi được ghép lại với nhau mà cơ không được cố định, chúng ta sẽ không có kết quả tốt!

Những lưu ý khi khâu

  • Tác giả khuyên nên dùng mũi lâu liên tục nhưng không siết chỉ.
  • Chỉ khâu ở vùng bờ tự do và không bao giờ được kéo chỉ quá mạnh để tránh làm tổn thương mô khi khâu, cũng như tạo sẹo xấu sau phẫu thuật.
  • Cắt chỉ sớm nhất có thể – khoảng 6-8 ngày sau phẫu thuật.

Chăm sóc hậu phẫu

  • Giữ vùng âm hộ khô ráo nhất có thể.
  • Tháo chỉ ngay khi có thể.
  • Không thể tiên đoán được biến chứng bục chỉ, kể cả với kỹ thuật này. Nên hãy xử lý chúng khi bệnh nhân gặp phải nó.

Biến chứng

Chảy máu

  • Để đề phòng biến chứng chảy máu, nên cầm máu vùng cắt thật kỹ trước khi khâu
  • Nếu máu chảy quá nhiều trong quá trình phẫu thuật, bạn có thể đặt một đường chỉ khâu đệm ngang ở gốc môi bé để cầm máu và nhớ cắt chỉ sau khoảng 1-2 ngày.

Cắt quá nhiều

  • Nên nhớ không kéo môi bé quá căng khi cắt.
  • Nếu bạn cắt phải quá nhiều, hãy tách đầu trung tâm của mặt trong và mặt ngoài môi bé ở 2 bên ra và ở gốc môi bé khâu 1-2 mối khâu đệm ngang. Đồng thời cắt chỉ chậm, điều này cho phép môi bé không co lại quá nhiều trong khi liền vết mổ. (Hình 4.7)
Hình. 4.7 Dùng mối khâu đệm ngang ở gốc môi bé tách mặt trong và mặt ngoài mép vết mổ ra xa, hạn chế tình trạng co kéo sau mổ
Hình. 4.7 Dùng mối khâu đệm ngang ở gốc môi bé tách mặt trong và mặt ngoài mép vết mổ ra xa, hạn chế tình trạng co kéo sau mổ

Liền vết mổ

  • Có thể liền kỳ 2 nếu như bị rách mô trong/sau phẫu thuật
  • Nếu có xảy ra rách mô ngay tại thời điểm phẫu thuật, hãy cố gắng đính chúng lại bằng các dụng cụ chuyên dụng. Vì môi bé luôn có tác dụng bảo vệ âm đạo cũng như điều hướng dòng tiểu, nên nếu để chúng bị đứt rách có thể tạo thuận cho tình trạng nước tiểu chảy xuống mặt trong đùi khi đi tiểu (Hình 4.8).
  • Có nguy cơ co kéo khi liền vết mổ.
  • Nếu bạn có thể thực hiện theo từng bước đã nêu trên thì khả năng co kéo sẽ rất thấp.• Có nguy cơ nhiễm cứng, tạo sẹo gây khó chịu, đau đớn.
  • Bất kỳ sẹo nào cũng có thể bị phì đại. Mặc dù hiếm gặp ở vùng sinh dục, nhưng nếu xuất hiện, hãy tư vấn bệnh nhân massage với lực trung bình hoặc mạnh ở vùng đó mỗi khi vệ sinh vùng kín để hạn chế tình trạng đó.

Âm hộ khô

  • Âm hộ khô có thể ảnh hưởng xấu tới bệnh nhân, đặc biệt ở những phụ nữ mãn kinh.
Hình. 4.8 Đứt rách môi bé và liền kỳ 2
Hình. 4.8 Đứt rách môi bé và liền kỳ 2

Tình trạng này có thể làm cho môi bé liền không liên tục và nước tiểu sẽ chảy xuống mặt trong đùi khi đi tiểu. Không nên cố gắng để mọi thứ quá hoàn hảo. Giảm môi âm hộ tối đa (Barbie look) tức là thủ thuật cắt toàn bộ phần môi bé, và chỉ có thể áp dụng ở những bệnh nhân trẻ tuổi.

Chúng ta luôn phải nhắc bệnh nhân rằng môi bé có chức năng bảo vệ âm đạo, giúp giữ ẩm cho chúng.

  • Nên việc loại bỏ toàn bộ môi bé có thể khiến âm hộ trông không tự nhiên, không đẹp và cũng không an toàn khi có sự xâm nhập của mầm bệnh.
  • Giải thích cho những bệnh nhân trẻ tuổi rằng vì chức năng sinh lý còn tốt nên sẽ luôn duy trì được độ ẩm ở âm đạo, thế nên việc cắt toàn bộ môi bé có thể sẽ ổn đấy, nhưng theo thời gian, họ sẽ gặp phải rắc rối khi âm đạo quá khô, kèm theo đó là niêm mạc mỏng dần đi dẫn tới đau khi quan hệ và tình trạng ngứa cũng như khó chịu sẽ xảy ra thường xuyên (Hình 4.9)
Hình. 4.9 Cắt môi bé quá nhiều dẫn tới tình trạng lộ các cơ quan bên trong, âm đạo khô và các biến chứng nhiễm khuẩn
Hình. 4.9 Cắt môi bé quá nhiều dẫn tới tình trạng lộ các cơ quan bên trong, âm đạo khô và các biến chứng nhiễm khuẩn
Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here