Nhũ tương giảm đau với công dụng chống viêm giảm đau và bôi xoa trong một số trường hợp viêm khớp, đau nhức xương, đau lưng đã được lưu hành trên thị trường từ lâu. Bài viết này, nhà thuốc Ngọc Anh sẽ trình bày về công thức bào chế nhũ tương giảm đau.
Công thức bào chế nhũ tương giảm đau
Nhũ tương giảm đau hiện có nhiều công thức bào chế khác nhau nhưng công thức dưới đây đã được nghiên cứu, chứng minh mang lại hiệu quả tốt nhất nên được sử dụng rộng rãi trong qui mô phòng thí nghiệm cũng như qui mô công nghiệp:
- Methyl salicylat 15, 00 g
- Menthol 2,00 g
- Camphor 5, 00 g
- Cloral hydrat 4, 00 g
- Propylen glycol 10 ml
- Tween 80 3, 80 g
- Acid stearic 1, 00 g
- Triethanolamin 1, 00 g
- Dầu vừng 15 ml
- Nước tinh khiết vừa đủ 100 ml
Đặc điểm tính chất, tác dụng của mỗi thành phần
Khi tiến hành nghiên cứu công thức bào chế nào ngoài việc cần tìm hiểu và lựa chọn tá dược phù hợp với đặc điểm tính chất của dược chất còn phải lựa chọn tá dược không có tác dụng dược lí riêng hoặc có tác dụng hiệp đồng với dược chất.
Methyl salicylat
Methyl salicylat là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, khó tan trong nước, là một chất thân dầu, trộn lẫn được với ethanol 96%, dầu béo và tinh dầu, tan được trong dung môi hữu cơ. Methyl salicylat là một este nên dễ bị thuỷ phân, vì vậy cần bảo quản trong chai lọ kín, tránh ánh sáng.
Methyl salicylat trong công thức nhũ tương trên đóng vai trò là một dược chất với tác dụng giảm đau, chống viêm.
Menthol
Menthol là một trong các chất có trong tinh dầu bạc hà, có dạng tinh thể hình kim hay hình lăng trụ, không màu, bóng. Về độ tan, menthol không tan trong nước, tan dễ dàng trong dung môi hữu cơ như ethanol, ether dầu hoả, dầu béo, dầu parafin và không tan trong glycerin. Nhiệt độ nóng chảy của menthol khoảng 34oC. Chú ý bảo quản trong bào bì kín và để ở nơi mát.
Menthol là dược chất trong công thức trên với vai trò kết hợp cùng long não gây tê, giảm đau.
Camphor
Camphor là một trong các chất thuộc tinh dầu long não, có dạng bột kết tinh hoặc phiến trắng, có thể thăng hoa ngay ở nhiệt độ thường. đây cũng là chất khó tan trong nước và glycerin, dễ tan trong ethanol, ether hay dầu béo.
Camphor trong công thức trên cũng là dược chất với tác dụng khử trùng, kháng khuẩn bảo vệ vùng da bị tổn thương, bảo vệ các chất khác tránh sự ảnh hưởng của ví sinh vật.
Cloral hydrat
Cloral hydrat là một chất rắn, tan trong nước và cả dung môi hữu cơ.
Như vậy, trong công thức trên có sự phối hợp của bốn dược chất methyl salicylat, camphor, menthol và cloryl hydrat, sự kết hợp này mang lại tác dụng hiệp đồng và giảm tác dụng không mong muốn do methyl salicylat gây rát khi xoa lên da, menthol có tác dụng dịu mát, giảm tác dụng rát của methyl salicylat.
Propylen glycol
Propylen glycol là một dung môi hữu cơ thân nước, có mặt trong công thức để làm giảm lượng nước tinh khiết, giảm quá trình thuỷ phân từ đó tăng độ ổn định của thuốc. Ngoài ra, propylen glycol còn có tác dụng làm tăng độ nhớt cho nhũ tương, giúp nhũ tương ổn định lâu hơn.
Tween 80
Nếu nhũ tương có tỉ lệ pha phân tán với môi trường phân tán nhỏ thì chỉ cần dùng lực gây phân tán nhỏ cũng có thể tạo nhũ tương, nhưng trong lĩnh vực nhũ tương thuốc, có tỷ lệ pha phân tán lớn nên cần đến sự có mặt của chất nhũ hoá với vai trò hình thành và ổn định nhũ tương.
Tween 80 là một chất diện hoạt không ion hoá, thuộc dẫn chất polyoxyethylen, có tên là polyoxyethylen sorbitan monooleat với giá trị HLB là 15. Đây là chất diện hoạt thân nước, không tương kỵ với các chất diện hoạt ion hoá hay các ion nhiều hoá trị, ít gây kích ứng và độc tính cũng thấp.
Tween 80 trong công thức trên đóng vai trò là chất nhũ hoá tạo nhũ tương D/N, có tác dụng hình thành và ổn định nhũ tương.
Acid stearic
Acid stearic có một số tên thương mại như crodacid, dervacid,… tên hoá học là octadecanoic acid, có công thức phân tử là C18H36O2. Aicd stearic là bột kết tinh thô có màu hơi vàng hoặc màu trắng, hơi bóng, có vị hơi giống với mỡ động vật và nùi nhẹ, tan trong ethanol, hexan hay PG, tan tốt trong benzen, cloroform,..
Trong công thức này, acid steric là tá dược thân dầu, có tác dụng hoà tan các dược chất thân dầu kể trên.
Triethanolamin
Triethanolamin là một amin được sản xuất thông qua phản ứng amoniac với ethylen oxyd. Trong công thức nhũ tương trên, triethanolamin kết hợp với acid stearic tạo thành chất diện hoạt thân nước, hình thành nhũ tương D/N và ổn định nhũ tương.
Dầu vừng
Dầu vừng là tá dược thân dầu trong công thức trên, với nguồn gốc tự nhiên có tác dụng dịu da khi bôi xoa giảm đau.
Nước tinh khiết
Nước tinh khiết đóng vai trò bổ sung thể tích cho nhũ tương.
Bao bì
Đối với tất cả các dạng bào chế thì bao bì đều là thành phần quan trọng, với nhũ tương cũng vậy, với chức năng bảo quản, phân phối, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc. Nhũ tương giảm đau này có thể sử dụng các loại chai lọ chất dẻo để đóng thuốc.
Tương kỵ giữa các dược chất trong công thức và vận dụng trong bào chế
Trong công thức trên, 3 dược chất là menthol, camphor, cloral hydrat gây ra tương kị vật lí, ở điều kiện bình thường, mỗi chất đều có dạng kết tinh nhưng khi trộn với nhau chúng sẽ tự chảy lỏng mà không xảy ra tương kị hoá học.
Vận dụng trong bào chế: trộn ba dược chất với nhau để chúng chảy lỏng rồi hoà tan trong hỗn hợp tá dược thân dầu, chú ý khi thao tác với các chất này cần thao tác nhanh nhẹn vì chúng là những chất dễ bay hơi. Ngoài ra, chúng ta có thể lợi dụng tương kị vật lí này để khắc phục ảnh hưởng của nhiệt độ đến độ ổn định của các thành phần kém bền với nhiệt.
Thành phần và kiểu nhũ tương
Thành phần:
- Pha dầu: methyl salicylat, menthol, camphor, cloral hydrat, acid stearic, dầu vừng
- Pha nước: propylen glycol, tween 80, triethanolamin, nước tinh khiết
- Chất nhũ hoá: tween 80
Kiểu nhũ tương: D/N
Phương pháp bào chế nhũ tương
Có nhiều phương pháp bào chế nhũ tương như kĩ thuật nhũ hoá thông thường, kĩ thuật nhũ hoá đặc biệt gồm kĩ thuật đảo pha, keo khô, tạo chất nhũ hoá trong quá trình phối hợp hai pha, lần lượt thêm vào các chất nhũ hoá,…
Nhũ tương giảm đau trong bài này được điều chế bằng cách nhũ hoá thông thường và tạo chất nhũ hoá trong quá trình phối hợp hai pha: nhũ hoá hai pha dầu nước với nhau theo các bước sau:
- Chuẩn bị pha dầu: hoà tan các thành phần tan trong dầu và đun nóng đến nhiệt độ 60- 65oC
- Chuẩn bị pha nước: hoà tan các thành phần tan trong pha nước và đun nóng đến nhiệt độ 65- 70oC
- Phối hợp hai pha dầu nước: có thể phối hợp pha nội vào pha ngoại, hoặc phối hợp hai pha đồng thời.
- Điều chỉnh thể tích và hoàn chỉnh sản phẩm.
Kĩ thuật bào chế nhũ tương giảm đau
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bào chế qui mô phòng thí nghiệm, bào gồm: cốc có mỏ, đũa thuỷ tinh, nồi đun cách thuỷ, máy siêu âm, chai nhựa, nhãn dán,…
Sơ đồ bào chế:
Qui trình bào chế cụ thể:
Cân đong lượng tá dược và dược chất theo công thức trên.
Chuẩn bị pha dầu:
- Cho dầu vừng và acid stearic vào lọ có nắp đậy kín, sau đó đun chảy cách thuỷ đến khoảng 60- 65oC.
- Sau đó cho menthol, cloral hydrat, camphor, methyl salicylat vào cốc có mỏ trộn đến khi chảy lỏng, chú ý thao tác trộn cần nhanh.
- Cho hỗn hợp dược chất vào lọ dầu trên, đậy nắp và lắc đều cho đến khi tan hoàn toàn, ta được pha dầu.
Chuẩn bị pha nước:
Chuẩn bị khoảng 30 ml nước tinh khiết trong cốc có mỏ, hoà tan propylen glycol, tween 80, triethanolamin, sau đó đun nóng tới khoảng 65oC, ta được pha nước.
Phối hợp hai pha trong cốc có chân nhờ thiết bị siêu âm để phân tán hai pha( chọn thông số thích hợp, thời gian khoảng 3 phút)
Dùng nước tinh khiết để bổ sung thể tích, khuấy đều.
Đóng lọ chất dẻo 5ml, dán nhãn , nhãn có dòng chữ lưu ý ‘ lắc trước khi dùng”.
Đặc điểm thành phẩm
Thành phẩm sau khi bào chế là chất lỏng sánh, đục trắng như sữa, có mùi đặc trưng của methyl salicylat tinh dầu. Lưu ý nhiệt độ bảo quản thường ở nhiệt độ phòng, nhỏ hơn 30OC, để nơi khô mát. Khi đóng thuốc nên chọn chai lọ có thể tích lớn hơn thể tích của thuốc một chút để việc lắc thuốc trước khi uống dễ dàng hơn.
Công dụng và lưu ý cách sử dụng
Chế phẩm có tác dụng dụng giảm đau, chống viêm. Ngoài ra nhũ tương giảm đau còn có thể bôi xoa tại chỗ trong các trường hợp như đau nhức xương, đau lưng, đau dây thần kinh, viêm khớp.
Tiêu chuẩn chất lượng
Theo dược điển Việt Nam, nhũ tương cần đảm bảo tính chất khi quan sát bằng mắt thường thì phải đồng nhất và mịn như kem, chú ý nếu hai pha lỏng đã tách riêng ra và khuấy lắc cũng không thể khôi phục trạng thái đồng nhất nữa thì khi đó nhũ tương đã hỏng, không sử dụng được nữa.
Ngoài ra còn có yêu cầu về pH, định tính định lượng, giới hạn về thể tích,….
Tài liệu tham khảo
Dược điển Việt Nam V
Sách “Handbook of pharmaceutical excipients”
Sách giáo trình “ Bào chế và sinh dược học” tập 1- bộ môn Bào chế trường Đại học Dược Hà Nội
Xem thêm: