Hỗn dịch lưu huỳnh: Công thức và phương pháp bào chế

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Hỗn dịch lưu huỳnh

Thuốc lưu huỳnh với tác dụng bôi chữa mụn trứng cá, trị viêm da, nấm da hiện nay đang được lưu hành trên thị trường với dạng bào chế hỗn dịch hay thuốc mỡ.  Bài viết này nhà thuốc Ngọc Anh  sẽ cung cấp hiểu biết cho bạn đọc về kĩ thuật cũng như công thức bào chế hỗn dịch lưu huỳnh.

Công thức bào chế

Hỗn dịch lưu huỳnh hiện có nhiều công thức và kĩ thuật bào chế khác nhau nhưng công thức dưới đây đã được nghiên cứu, chứng minh mang lại hiệu quả tốt nhất nên được sử dụng rộng rãi trong qui mô phòng thí nghiệm cũng như qui mô công nghiệp:

  • Acid salicylic                             1, 00 g
  • Long não                                  1, 00 g
  • Lưu huỳnh kết tủa                    3, 00 g
  • Tween 80                                 3, 00 g
  • Aerosil                                     0, 50 g
  • Natri carboxymethyl cellulose    0, 3 g
  • Glycerin                                  10,00 g
  • Ethanol 96%                           20,0 g
  • Nước tinh khiết                       vừa đủ 100 ml

Đặc điểm tính chất, tác dụng của mỗi thành phần

Khi tiến hành nghiên cứu công thức bào chế nào ngoài việc cần tìm hiểu và lựa chọn tá dược phù hợp với đặc điểm tính chất của dược chất còn phải lựa chọn tá dược không có tác dụng dược lí riêng hoặc có tác dụng hiệp đồng với dược chất.

Acid salicylic

Axit salicylic là một acid monohydroxybenzoic béo, một loại axit phenolic có công thức hóa học C7H6O3. Acid này có tính chất không màu, được dùng khá nhiều trong các dạng thuốc bôi ngoài da.

Trong công thức bào chế trên, acid salicylic đóng vai trò là dược chất có tác dụng làm giảm lớp sừng ở da, gây bong tróc lớp sừng, tạo điều kiện cho dược chất thấm qua da dễ dàng. Acid này còn là chất sát khuẩn nhẹ, có khả năng tẩy tế bào chết trên da, giữ lỗ chân lông thông thoáng, dùng để điều trị và cải thiện tình trạng trứng cá.

Long não

Long não là một chất thường tồn tại dạng tinh thể màu trắng hoặc không màu, ít tan trong nước nhưng tan tốt trong ethanol và một số dung môi hữu cơ. Long não cũng đóng vai trò dược chất trong công thức với tác dụng kháng khuẩn bảo vệ vùng da tổn thương. Ngoài ra long não còn là tinh dầu có mùi thơm, tạo sự hấp dẫn cho thuốc, trong tinh dầu cũng chứa các terpen có tác dụng gây thấm, làm tăng hiệu quả điều trị của thuốc.

Lưu huỳnh kết tủa

Hình ảnh: Bột lưu huỳnh

Lưu huỳnh là một nguyên tố trong bảng tuần hoàn hoá học, kí hiệu là S, có mặt trong nhiều hợp chất phổ biến trong phòng thí nghiệm và đời sống như acid sulfuric, SO2, SO3,… Nguyên tố lưu huỳnh S là chất an toàn với sức khoẻ con người.

Người ta sử dụng tính khử của S để nghiên cứu bào chế ra hỗn dịch lưu huỳnh điều trị mụn trứng cá, với cơ chế cụ thể là lưu huỳnh khi được bôi lên da sẽ hút bã nhờn làm thông thoáng lỗ chân lông, tiêu viêm nhanh, làm sạch bề mặt da, phù hợp với da dầu.

Tween 80

Tween 80 là một chất diện hoạt không ion hoá với tên gọi khác là polyoxyethylen sorbitan monooleat. Trong công thức là chất gây thấm giúp dược chất phân tán đều trong dẫn chất theo cơ chế hấp phụ lên bề mặt của tiểu phân chất rắn, làm giảm sức căng bề mặt rắn lỏng và lỏng khí để dễ thấm hơn.

Natri carboxymethyl cellulose

Natri carboxymethyl cellulose thuộc dẫn chất của cellulose với nhiều ưu điểm như tinh khiết, ít chịu tác động của vi sinh vật, bền vững với nhiệt độ,… Ở trạng thái hoà tan hay phân tán trong nước, các tiểu phân chất trên sẽ hấp phụ lên bề mặt tiểu phân sơ nước, tạo ra lớp áo thân nước làm các tiểu phân dược chất thân nước hơn và dễ phân tán vào chất dẫn. Ngoài ra sự có mặt của Natri carboxymethyl celulose trong công thức giúp tăng độ nhớt cho hỗn dịch, làm giảm sa lắng các tiểu phân dược chất và tăng độ ổn định cho chế phẩm.

Aerosil

Khi các hỗn dịch để lâu luôn có xu hướng lắng cặn dưới đáy chai, vì vậy cần có chất gây phân tán để khi lắc đều trước khi sử dụng thì tiểu phân dược chất dễ dàng phân tán lại vào chất dẫn. Aerosil là chất rắn dạng hạt nhỏ không tan trong nước, xu hướng tạo liên kết lỏng lẻo giữa các tiểu phân để duy trì trạng thái kết bông khi chúng tiếp xúc với nhau.

Glycerin và ethanol 96%

Glycerin và ethanol 96% tạo hỗn hợp đồng dung môi để hoà tan acid salicylic và long não. Ethanol 96% trong công thức chiếm 20% nên còn có tác dụng sát khuẩn. Hơn nữahỗn hợp đồng dung môi này còn làm giảm lượng nước trong công thức, giảm bớt được quá trình thuỷ phân.

Nước tinh khiết

Nước cất để trương nở hoàn toàn natri carboxymethyl celulose và là dung môi hoà tan các tá dược có trong công thức.

Phương pháp bào chế hỗn dịch

Hỗn dịch lưu huỳnh được bào chế theo cả 2 phương pháp là phân tán và ngưng kết.

Phương pháp phân tán được áp dụng cho dược chất lưu huỳnh kết tủa khi phân tán nó vào tween và natri CMC trương nở, phương pháp phân tán này gặp nhiều trong các công thức bào chế.

Phương pháp kết tủa ít gặp hơn trong các công thức bào chế hỗn dịch, nó thường được áp dụng để bào chế hỗn dịch thuốc mà chỉ trong quá trình bào chế dược chất rắn ở dạng tiểu phân phân tán trong chất dẫn mới được tạo ra dưới dạng kết tủa. Khi áp dụng phương pháp này cần chú ý để nâng cao chất lượng hỗn dịch, nếu tiểu phân chất rắn sơ nước thì cần phải kết tủa trong môi trường có mặt chất gây thấm và dung dịch thêm vào để thay đổi tính chất dung môi cần có độ nhớt cao.

Phương pháp kết tủa trong công thức trên được áp dụng cho acid salicylic và long não với cơ chế thay đổi dung môi. Ban đầu dược chất được hoà tan trong hỗn hợp đồng dung môi glycerin và ethanol 96% để tạo thành dung dịch. Sau đó ngưng kết vào hỗn dịch lưu huỳnh trong nước thì tính chất dung môi thay đổi sẽ làm giảm độ tan của dược chất long não và acid salicylic.

Kĩ thuật bào chế

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bào chế qui mô phòng thí nghiệm, bào gồm: cốc có mỏ, đũa thuỷ tinh, chày, cối, mặt kính đồng hồ, chai nhựa, nhãn dán,…

Sơ đồ bào chế:

Sơ đồ quy trình bào chế hỗn dịch lưu huỳnh

Qui trình bào chế cụ thể:

  • Công đoạn đầu tiên là cân dược chất và tá dược theo lượng đúng như công thức trên.
  • Ngâm trương nở hoàn toàn natri cmc trong cốc có mỏ với 5 ml nước.
  • Nghiền mịn riêng lưu huỳnh kết tủa và bột Aerosil sau đó trộn thành bột kép đồng nhất trong cối. Tiếp tục thêm natri CMC đã chuẩn bị ban đầu và tween 80 vào cối nghiền kỹ thành bột nhão đồng nhất.
  • Dùng nước phân tán đều hỗn hợp trên, kéo vào cốc có chân.
  • Tiếp tục sử dụng cốc có mỏ và đũa thuỷ tinh hoà tan acid salicylic và long não trong ethanol, thêm glycerin vào khuấy đều.
  • Rót từ từ dung dịch acid salicylic và long não vào hỗn dịch lưu huỳnh kết hợp rồi khuấy trộn mạnh
  • Bổ sung nước cất vừa đủ 100 ml, khuấy đều.
  • Cuối cùng hỗn dịch được đóng lọ, dán nhãn đúng qui chế với dòng chữ lưu ý” lắc đều trước khi sử dụng”

Đặc điểm thành phẩm

Thành phẩm sau khi bào chế ở dạng đồng nhất có mùi thơm của long não, có màu vàng đục. Xuất hiện lớp cặn ở đáy chai nếu để lâu , khi lắc lên cần đảm bảo phân tán đều trong chất dẫn. Lưu ý nhiệt độ bảo quản thường ở nhiệt độ phòng, nhỏ hơn 30OC.

Công dụng và lưu ý cách sử dụng

Chế phẩm có tác dụng bôi chữa mụn trứng cá, điều trị nấm da, viêm da.

Cách dùng: rửa sạch vết thương trước khi bôi thuốc, lắc trước khi sử dụng. Chú ý bôi một lượng vừa đủ lên da, không quá nhiều hay quá ít.

Tiêu chuẩn chất lượng

Hỗn dịch phải luôn đảm bảo một số yêu cầu chất lượng, bào gồm yêu cầu về tính chất, pH, định tính, định lượng, giới hạn nhiễm khuẩn, giới hạn kích thước tiểu phân, sai số thể tích,; đảm bảo hạn chế sự sa lắng của các tiểu phân, chống đóng bánh và đảm bảo lớp cắn dễ dàng phân tán trở lại khi lắc hỗn dịch.

Tài liệu tham khảo

Dược điển Việt Nam V

Xem thêm:

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here