Nước cất pha tiêm là gì? Tiêu chuẩn chất lượng nước cất pha tiêm

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nước cất pha tiêm thành phẩm

Dung môi chủ yếu và lý tưởng nhất được sử dụng để pha thuốc tiêm là dung môi nước do nước an toàn, thích hợp với nhiều dược chất khác nhau, tương hợp cao với các mô cơ thể. Nước để pha thuốc tiêm phải là nước cất vô khuẩn và đạt các tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu theo Dược điển Việt Nam, các tiêu chí cụ thể mời bạn đọc tham khảo bài viết sau của nhà thuốc Ngọc Anh.

Nước cất pha tiêm là gì?

Nước cất để pha thuốc tiêm là nước cất vô khuẩn được điều chế bằng các phương pháp cất thích hợp từ nước tinh khiết hoặc nước uống được chứa trong bình kín và được dùng làm dung môi để pha chế thuốc tiêm. Nước cất pha tiêm không được chứa chất gây sốt.

Điều chế nước cất pha tiêm

Nước cất pha tiêm có thể được điều chế bằng cách thiết bị cất thích hợp.

Một thiết bị cất nước thường có ba bộ phận : nồi bốc hơi, nắp nồi và ống dẫn hơi nước, bộ phận ngưng tụ.

Trong nước cất thường hòa tan một lượng khí carbon dioxid nhất định do đó có thể gây kết tủa một số dược chất như các thuốc có chứa các ion Ba2+, Ca2+, … các thuốc nhóm sulfonamide (sulfacetamide, sulfomethoxazol, …), các barbiturat (phenobartital, thiobarbital, diazepam, …).

Các thuốc nhóm barbiturat và sulfonamide là các acid yếu và có độ tan trong nước rất nhỉ do đó các thuốc này thường được dùng ở dạng muối natri để tăng độ tan trong nước. Nếu như các muối này được hòa tan trong nước cất có hòa tan khí carbon dioxid có tính acid thì sẽ bị chuyển thành dạng acid tự do rất ít tan trong nước và sẽ kết tủa trong dung dịch dẫn đến làm giảm đáng kể chất lượng thuốc tiêm. Vì vậy cần phải loại bỏ khí carbon dioxid hòa tan trong nước cất để pha tiêm trong dung dịch chứa các dược chất này.

Dây chuyền sản xuất nước cất pha tiêm
Dây chuyền sản xuất nước cất pha tiêm

Cần phải loại bỏ khí oxy hòa tan trong nước cất pha tiêm do khí oxy hòa tan trong nước cất có thể làm oxy hóa các dược chất dễ bị oxy hóa như acid ascorbic, adrenalin, clopheniramin, apomorphin, … dẫn đến làm hỏng dược chất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng thuốc tiêm.

Có nhiều phương pháp để loại bỏ khí carbon dioxid và oxy hòa tan trong nước cất pha tiêm như sục khí trơ (khí N2) liên tục để đuổi khí hay đun nước và để sôi trong khoảng 10 phút ngay trước khi pha.

Bảo quản nước cất pha tiêm

Nước cất pha tiêm cần được bảo quản trong bình thủy tinh hoặc bồn thép không gỉ có nắp kín và được bảo quản liên tục ở 80°C hoặc 5°C để đảm bảo nước cất không chứa chất gây sốt và đảm bảo vô khuẩn.

Các chỉ tiêu chất lượng của nước cất pha tiêm

Cảm quan

Chất lỏng trong, không màu, không mùi và không vị.

Carbon hữu cơ

Lượng carbon hữu cơ toàn phần được xác định bằng xác định bằng cách định lượng gián tiếp các chất hữu cơ

Tiến hành:

Chuẩn bị dung dịch chuẩn bằng cách hòa tan đường trắng đã được sấy khô ở 105°C trong 3 giờ trong nước TOC để thu được dung dịch chứa 1,19 mg đường trắng/l (tương đương 0,50 mg carbon/l).

Chuẩn bị dung dịch thử: Đong đầy nước cần thử vào một bình kín thích hợp (thực hiện tất cả các biện pháp để tránh ô nhiễm khi chuẩn bị) sau đó cần tiến hành kiểm tra càng nhanh càng tốt.

Tiến hành kiểm tra trong thiết bị thích hợp. carbon trong nước. Thiết bị sừ dụng phải phân biệt được carbon hữu cơ và carbon vô cơ và có khả năng phân tách hiệu quả bằng cách xác định lượng carbon vô cơ. Sau đó tính được lượng carbon hữu cơ bằng hiệu của lượng carbon toàn phần và lượng carbon vô cơ đã xác định ở trên. Thiết bị cần phải được kiểm tra độ thích hợp của hệ thống

Yêu cầu: Lượng carbon hữu cơ toàn phần không quá 0,5 mg/l.

Độ dẫn điện

Thiết bị sử dụng để đo độ dẫn điện cần có khoảng đo phù hợp và có độ chính xác ≤ 0,1 µS.cm-1.

Tiến hành đo độ dẫn điện của mẫu thử tại nhiệt độ xác định.

Yêu cầu: độ dẫn điện của nước cất pha tiêm phải nhỏ hơn hoặc bằng giới hạn cho phép trong bảng quy định về độ dẫn điện theo nhiệt độ.

Trong trường hợp độ dẫn điện mẫu thử không đáp ứng yêu cầu này thì tiến hành chuyển 100 ml (hoặc hơn) nước cất pha tiêm vào một dụng cụ thích hợp rồi khuấy đều, nhiệt độ duy trì ở 25 ± 1°C. Sử dụng thiết bị thích hợp để đo độ dẫn điện của mẫu thử tại nhiều thời điểm trong khi khuấy liên tục và quan sát sự thay đổi của độ dẫn điện theo thời gian. Khi trong thời gian 5 phút mà độ dẫn điện thay đổi không quá 0,1 µS.cm-1 thì ghi lại kết quả (D1).

ngoccanhblognt 24
Đo độ dẫn điện của nước cất pha tiêm

Yêu cầu độ dẫn điện không được quá 2,1 µS.cm-1. Thử tiếp trong vòng 5 phút nếu như độ dẫn lớn hơn 2,1 µS.cm-1 bằng cách thêm 0,3 ml dung dịch kali clorid bão hòa mới pha vào 100 ml mẫu thử và duy trì nhiệt độ 25 ± 1°C. Xác định pH. Đem dung dịch mẫu thử đi xác định pH với độ chính xác tới 0,1 đơn vị. Sau đó tra bảng quy định về giới hạn độ dẫn điện theo giá trị pH để xác định độ dẫn điện của mẫu (D2). So sánh D1 và D2. Nếu như giá trị D1 nhỏ hơn D2 thì mẫu đạt yêu cầu. Còn nếu như pH ngoài khoảng 5-7 hoặc D1 > D2 thì mẫu thử không đạt yêu cầu về độ dẫn điện.

Nhôm

Tiến hành :

Dung dịch thử : Thêm 10 ml dung dịch đệm acetat pH 6,0 và 100 ml nước cất vào 400 ml chế phẩm.

Dung dịch đối chiếu : dùng hỗn hợp gồm 2 ml dung dịch nhôm mẫu 2ppm Al cùng với 10 ml dung dịch đệm acetat pH 6,0 thêm vào 98 ml nước cất.

Mẫu trắng : hỗn hợp gồm 10 ml dung dịch đệm acetat pH 6,0 và 100 ml nước cất.

Với mỗi mẫu dung dịch thử, dung dịch chuẩn và mẫu trắng ta tiến hành như sau : Chiết mỗi mẫu lần lượt 3 lần với 20 ml, 20 ml và 10 ml mỗi lần dung dịch 8-hydroxyquinolin 0,5 % trong cloroform rồi gộp các dịch chiết cloroform và pha loãng bằng cloroform tới 50,0 ml thu được ba mẫu dung dịch.

Tiến hành đo huỳnh quang của 3 mẫu dung dịch cloroform trên với bước sóng kích thích là 392 nm và một kính lọc phụ có dải truyền quang tập trung ở 518 nm. Kết quả cường độ huỳnh quang của dung dịch thử không được lớn hơn dung dịch chuẩn (kết quả xác định bằng hiệu cường độ của dung dịch thử và chuẩn với mẫu trắng).

Yêu cầu: Không được quá 10 phần tỷ.

Nitrat

Tiến hành :

Dung dịch thử: Cho vào một ống nghiệm 5ml nước cất pha tiêm đem thử rồi ngâm ống nghiệm sâu trong nước đá. Tiếp theo thêm vào ống nghiệm 0,4 ml dung dịch kali clorid 10 %, 0,1 ml dung dịch diphenylamin rồi nhỏ từ từ 5 ml acid sulfuric đậm đặc không có nitrogen kết hợp lắc ống nghiệm khi nhỏ. Đun cách thủy ống nghiệm 50°C trong vòng 15 phút.

Dung dịch đối chiếu: thay mẫu nước cất đem thử bằng hỗn hợp gồm 4,5 ml nước không có nitrat và 0,5 ml dung dịch nitrat mẫu 2 phần triệu rồi tiến hành chuẩn bị tương tự như dung dịch thử

Yêu cầu: Dung dịch thử không được có màu xanh đậm hơn màu của dung dịch đổi chiếu Nồng độ nitrat trong mẫu thử không được quá 0,2 phần triệu.

Đánh giá độ tinh khiết bằng phương pháp đo điện trở

Nước cất pha tiêm tinh khiết
Nước cất pha tiêm tinh khiết

Nguyên tắc: nước cất có độ tinh khiết cao và không dẫn điện có điện trở cao từ 350,000 đến 1,000,000 Q.

Tiến hành: Gắn một đồng hồ đo điện trở vào bộ phận hứng nước cất của máy cất nước rồi nối với nguồn điện cung nhiệt của thiết bị cất. Nếu như giá trị điện trở đo được thấp hơn 350,000Q thì khi đó đồng hồ đo điện trở sẽ tự động ngắt nguồn điện đồng thời thiết bị cất cũng dừng hoạt động.

Chất gây sốt

Dùng phương pháp thử trên thỏ và tiêm với liều 10 ml nước cất cho 1 kg cân nặng.

Yêu cầu nước cất pha tiêm không được chứa chất gây sốt.

Nội độc tố vi khuẩn.

Yêu cầu: Không được quá 0,25 EU/ml

Tài liệu tham khảo:

Sổ tay tá dược: “handbook of pharmaceutical excipient”

Xem thêm:  Kỹ thuật bao đường là gì? Quy trình bào chế viên nén bao đường

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here