Lối thoát cho các bà mẹ bị tắc tia sữa

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Dấu hiệu nhận biết tắc tia sữa

Nhathuocngocanh.com – Sữa mẹ là nguồn thức ăn dinh dưỡng để nuôi dưỡng sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số sản phụ gặp tình trạng tắc tia sữa sau sinh, gây khó khăn trong việc nuôi dưỡng con nhỏ. Tình trạng tắc tia sữa gây mệt mỏi và đau nhức cho mẹ nên cần được khắc phục sớm để cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy cùng bài viết của Nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu về vấn đề này.

Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa là gì?

Sau khi sinh, các nang sữa bắt đầu sản xuất ra sữa mẹ, theo các ống dẫn chuyển về xoang chứa sữa nằm ở sau quầng vú. Khi trẻ bú sữa mẹ sẽ tác động kích thích từ bên ngoài để dòng sữa chảy ra. Tuy nhiên, do một số các nguyên nhân, các ống dẫn sữa bị thu hẹp, khiến cho dòng sữa không thể chảy ra ngoài, đó chính là tình trạng tắc tia sữa.

Phần ống dẫn bị tắc sẽ hình thành một cục cứng nếu các phân tử sữa đông đặc lại với nhau, tạo thành vật cản trong dòng sữa chảy; từ đó tạo áp lực lớn và chèn ép lên các ống dẫn sữa xung quanh, gây cảm giác tức và khó chịu nơi vùng ngực.

Tình trạng tắc tia sữa xuất hiện nhiều nhất trong giai đoạn ngay sau khi sinh và giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, khiến cho người mẹ bị đau đớn khi cho con bú hoặc khi hút sữa để tích trữ. Đây không phải một vấn đề quá nghiêm trọng nhưng nếu không được khắc phục kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn như gây mủ, xuất hiện tình trạng viêm tuyến vú; apxe vú; u xơ tuyến vú.

Tắc tia sữa cũng có thể khiến nguồn sữa ít đi, lâu dần người mẹ sẽ bị mất sữa, làm ảnh hưởng tới việc nuôi con bằng sữa mẹ. Khi đó, trẻ sẽ phải sử dụng các nguồn sữa ngoài, không đảm bảo cho sự phát triển lớn khỏe của trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc tia sữa

Có nhiều các nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng tắc tia sữa ở người mẹ, một số nguyên nhân chính có thể kể đến bao gồm:

  • Thai phụ gặp tình trạng tắc tia sữa ngay sau khi sinh. Các nang sữa sản xuất ra rất nhiều sữa nhưng lượng sữa này không thể thoát ra ngoài cho bé bú. Sữa tích tụ trong bầu ngực tạo cảm giác căng tức và khó chịu.
  • Khi lượng sữa được bài tiết ra quá nhiều nhưng bé không bú hết được, hoặc người mẹ không hút phần sữa đó ra để tích trữ thì phần sữa tồn đọng đó có thể bị đông lại, gây tắc ống dẫn sữa, gây ra tình trạng tắc tia sữa.
  • Sử dụng áo ngực quá nhỏ so với size của cơ thể, thường xuyên mặc áo bó hoặc có thói quen địu em bé trước ngực gây ra áp lực lớn lên vùng ngực cũng là một trong số những nguyên nhân chính gây tắc tia sữa.
  • Thường xuyên nằm sấp khi ngủ cũng tạo áp lực lớn đối với vùng ngực và gây tắc tia sữa.
  • Cho bé bú chưa đúng cách: Nếu bé ngậm núm vú mẹ không đúng cách thì không thể hút được sữa ra ngoài, như vậy lượng sữa còn đọng lại trong bầu ngực sẽ rất nhiều, lâu dần dẫn đến tình trạng tắc tia sữa.
  • Không cho con nhỏ bú thường xuyên
  • Thường xuyên bị căng thẳng, stress cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Khi bị căng thẳng, hormone oxytocin sẽ bị ức chế quá trình bài tiết, trong khi đó hormone này có tác dụng kích thích quá trình bài tiết sữa tại các nang sữa. ((Kelly Bonyata, BS, IBCLC, Plugged Ducts and Mastitis, Kellymom, Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.))

Dấu hiệu nhận biết của tình trạng tắc tia sữa

Như đã nói, tình trạng tắc tia sữa thường gặp ở phụ nữ ngay sau khi sinh và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Một số dấu hiệu tắc tia sữa như sau:

  • Lượng sữa tiết ra rất ít hoặc không thoát được ra ngoài, kể cả khi có tác động từ máy hút sữa hoặc người mẹ chủ động vắt sữa.
  • Bầu ngực căng cứng và kích thước lớn hơn bình thường, gây cảm giác căng tức và khó chịu nơi bầu ngực.
  • Dùng tay sờ vào bầu ngực có thể cảm nhận được một hoặc nhiều điểm cứng do sữa đông tụ lại thành cục cứng.
  • Có thể có một số các dấu hiệu như ngực sưng, nóng đỏ, thỉnh thoảng có thể có sốt nhẹ.
Dấu hiệu nhận biết tắc tia sữa
Dấu hiệu nhận biết tắc tia sữa

Tắc tia sữa có nguy hiểm không?

Tắc tia sữa là tình trạng gặp phổ biến sau khi sinh, tuy nhiên nếu không được khắc phục kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm sau này.

Một số các nguy hiểm có thể gặp phải do tình trạng tắc tia sữa lâu ngày gây nên như:

  • Viêm tuyến vú, apxe vú, u xơ tuyến vú.
  • Vùng ngực căng, to, chạm vào gây đau đớn, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người mẹ, gây mất ngủ, mệt mỏi, suy giảm sức khỏe.
  • Xuất hiện tình trạng mưng mủ ở tuyến vú, triệu chứng dễ nhận thấy nhất là gây đau tức dữ dội và đau kéo dài. Apxe vú thường xuất hiện này tình trạng tắc tia sữa không được cải thiện sau 1 tuần xuất hiện.
  • Tình trạng tắc tia sữa nếu không được khắc phục sớm có thể dẫn đến tình trạng mất sữa, khi đó bé phải dùng nguồn sữa ngoài thay thế, không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng như sữa mẹ để nuôi dưỡng bé phát triển.
  • Làm ảnh hưởng tới tâm lý của người mẹ, gây stress kéo dài, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm sau khi sinh.

Để giảm tỷ lệ mắc phải các biến chứng nguy hiểm như trên, người mẹ cần tìm biện pháp khắc phục và điều trị tắc tia sữa ngay khi phát hiện. Tốt nhất, mẹ bầu nên tìm đến những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Phương pháp chẩn đoán bệnh tắc tia sữa

Một số các phương pháp chẩn đoán bệnh tắc tia sữa bao gồm:

Xem xét các dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng của bệnh: Bệnh nhân là người hiểu rõ nhất về cơ thể của mình, nên cần theo dõi kỹ những điểm khác lạ của cơ thể, tự chẩn đoán và khắc phục sớm nhất có thể. Bệnh nhân có thể tự chẩn đoán qua các câu hỏi sau:

  • Bầu ngực có bị căng tức và to hơn sau một thời gian ngắn sau khi sinh hay không?
  • Khi chạm tay vào vùng ngực có bị đau và có cảm giác nóng hay không?
  • Cơ thể có bị sốt không? (kể cả trường hợp sốt nhẹ)

Tắc tia sữa cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân bị viêm vú, khi này, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Để xác định chính xác, bác sĩ thường chỉ định siêu âm để xác định vị trí ống dẫn sữa đang bị tắc nghẽn, từ đó có những liệu pháp phù hợp để thông phần ống dẫn sữa đang bị tắc này.

Phương pháp điều trị bệnh tắc tia sữa

Tình trạng tắc tia sữa sẽ khiến người mẹ gặp nhiều đau đớn trong quá trình cho con bú. Vì vậy, một số bệnh nhân thường cho con dừng bú sữa mẹ khi phát hiện tình trạng này. Tuy nhiên, cách làm này không những không cải thiện được tình trạng bệnh mà còn có thể khiến bệnh phát triển nghiêm trọng hơn. Để khắc phục tình trạng này, tốt nhất bệnh nhân nên cho trẻ bú thường xuyên hơn, nếu trẻ không thể tự bú thì có thể sử dụng can thiệp từ bên ngoài như máy hút sữa, massage để vắt sữa,…

Phương pháp điều trị tắc tia sữa

Một số các phương pháp xử lý tắc sữa được nhiều chị em áp dụng hiện nay như:

  • Chườm ấm: Nhiệt độ cao giúp các ống dẫn sữa giãn ra, những cục sữa gây tắc nghẽn cũng tan ra dưới nhiệt độ cao. Có thể sử dụng một khăn bông mỏng vắt quá nước nóng, sau đó chườm nhẹ nhàng lên toàn bộ vùng ngực (hoặc vùng ngực có khả năng cao đang bị tắc sữa). Có thể đắp trực tiếp khăn ấm lên ngực trong vòng 1 đến 2 phút để đạt hiệu quả tương tự. Bạn cũng có thể ngâm mình trong nước ấm khi tắm kết hợp massage nhẹ nhàng vùng bầu ngực. Chú ý không sử dụng nước quá nóng có thể gây bỏng cho da.
  • Massage nhẹ nhàng vùng bầu ngực: Sử dụng 2 lòng bàn tay massage nhẹ nhàng vùng bầu ngực và vùng quầng vú. Tác động một lực vừa đủ để làm thông vùng ống dẫn sữa đang bị tắc nghẽn. Nên tiến hành massage ngực vào thời điểm trước, trong và sau khi cho con bú sữa mẹ.
  • Làm trống bầu vú
  • Cho bé thay đổi nhiều tư thế khác nhau khi bú sữa mẹ: Ở mỗi tư thế, bé sẽ có xu hướng tác động lực lên những tia sữa khác nhau. Như vậy, bé có thể giúp thông tia sữa nếu nằm đúng vị trí vùng đang bị tắc sữa. Phương pháp này các mẹ có thể chủ động thay đổi cho bé để cải thiện tình trạng của bản thân.
  • Cho bé bú thường xuyên và nên cho bé bú bên ngực bị đau trước.
  • Thường xuyên massage bầu ngực để các cục sữa tan dần ra và có thể vắt được sữa ra ngoài. Phương pháp này phù hợp khi tình trạng tắc tia sữa bạn gặp phải ở mức độ nhẹ và ít nghiêm trọng.
  • Sử dụng máy hút sữa để hút lượng sữa thừa sau khi bé bú. Nên sử dụng máy hút sữa điện để tạo được một lực nhất định khi hút sữa.
  • Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ nếu tình trạng đau kéo dài trên 1 tuần.
  • Kết hợp ăn uống và nghỉ ngơi để cải thiện sức khỏe của cơ thể, tăng cường sức đề kháng.
  • Sử dụng sóng siêu âm đa tần, kết hợp chiếu tia hồng ngoại.
  • Sử dụng xung điện kích thích để sữa có thể thoát ra ngoài.

Một số biện pháp phòng tránh tình trạng tắc tia sữa

Một số các biện pháp phòng tránh tình trạng tắc tia sữa mà các chuyên gia khuyên áp dụng bao gồm:

  • Cho con nhỏ bú thường xuyên, bú đều hai bên ngực. Nên cho bé bú sớm, tốt nhất nên để bé bú ngay sau khi sinh để giảm tỷ lệ gặp phải trường hợp này.
  • Sau khi bé bú nên vắt hoặc hút lượng sữa còn dư trong ngực ra ngoài, tránh để sữa ứ đọng trong ngực mà vón cục, gây tắc ống dẫn sữa.
  • Nên massage bầu ngực trước khi cho bé bú để sữa dễ thoát ra ngoài hơn.
  • Vệ sinh sạch sẽ miệng cho con nhỏ. Nếu con nhỏ bị nhiễm khuẩn răng miệng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở vú cho mẹ.
  • Sử dụng quần áo thoải mái, không mặc áo ngực quá chật, không nên nằm sấp khi ngủ.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi sau sinh để giữ cho tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ.
  • Kết hợp chế độ ăn uống dinh dưỡng để duy trì một cơ thể khỏe mạnh. ((Blocked milk ducts, HealthyWA, Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.))
Massage giúp tránh tình trạng tắc tia sữa
Massage giúp tránh tình trạng tắc tia sữa

Mong rằng thông qua bài viết này, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng tắc tia sữa, từ đó có thể phát hiện ra bệnh sớm hơn và lựa chọn được những phương pháp điều trị phù hợp cho bản thân cũng như những người thân xung quanh mình.

Xem thêm:

Giải đáp thắc mắc về tắc tia sữa, thông tắc tia sữa IMA có tốt không?

One thought on “Lối thoát cho các bà mẹ bị tắc tia sữa

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here