nhathuocngocanh.com – Màu sắc của máu kinh có thể là một dấu hiệu quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Thông thường, máu kinh nguyệt có màu đỏ đậm, không đông đặc hay loãng như nước, nhưng khi thấy hiện tượng kinh nguyệt màu đen thì có phải là một dấu hiệu bất thường hay không? Để tìm hiểu về vấn đề này, các bạn có thể theo dõi thông tin trong bài viết sau đây.
Hiện tượng kinh nguyệt có màu đen là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường của nữ giới. Trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới, số ngày kinh có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Máu kinh thường ở trạng thái lỏng và có màu đỏ sẫm. Hiện tượng kinh nguyệt màu đen chủ yếu là do tình trạng máu kinh bị ứ đọng nhiều ngày trong tử cung trước khi ra ngoài, máu sẽ bị oxy hóa và thay đổi từ màu đỏ sẫm sang nâu, nâu sẫm hoặc màu đen.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể do những thay đổi sinh lý trong cơ thể hoặc do nữ giới đang mắc một căn bệnh phụ khoa nào đó. Kinh nguyệt đen chính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải một vài vấn đề có ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu như để tình trạng này xảy ra lâu mà không tìm cách điều trị thì có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Nguyên nhân gây ra kinh nguyệt màu đen
Các nguyên nhân thường gặp gây ra hiện tượng kinh nguyệt màu đen được liệt kê dưới đây:
Bệnh phụ khoa
Ảnh hưởng của bệnh phụ khoa dẫn đến tình trạng niêm mạc tử cung bong tróc không đồng đều, chảy máu kéo dài, từ đó gây nên tình trạng biến đổi màu sắc kinh nguyệt. Các bệnh phụ khoa cụ thể như bệnh viêm nội mạc tử cung, polyp buồng tử cung, u xơ cổ tử cung,…
Rối loạn nội tiết tố nữ
Người phụ nữ thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi trong công việc, tình trạng áp lực kéo dài là những nguyên nhân chính gây nên rối loạn kinh nguyệt. Khi đó máu kinh bị dồn ứ, tích tụ trong tử cung khiến màu sắc kinh nguyệt bị thay đổi, gây ra tình trạng kinh nguyệt màu đen như trên.
Cấu tạo tử cung khác thường
Ở một số chị em phụ nữ có cấu tạo tử cung gập và hẹp hơn so với những người bình thường. Cấu tạo này ảnh hưởng đến sự lưu thông của kinh nguyệt dẫn đến những bất thường như máu kinh không thông, kỳ kinh kéo dài khiến máu kinh bị giữ lại lâu trong tử cung và sẽ chuyển thành màu đen khi chảy ra ngoài.
Ảnh hưởng của vết mổ đẻ
Các vết sẹo mổ đẻ của phụ nữ tạo thành kênh vết mổ khiến máu kinh bị ứ đọng tại đây gây nên tình trạng kinh nguyệt không đồng đều và bị biến đổi màu sắc.
Viêm nhiễm bộ phận sinh dục
Trong một số trường hợp viêm nhiễm đường sinh dục cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng kinh nguyệt màu đen. Lý do chủ yếu là vệ sinh bộ phận sinh dục không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn.
Ngoài ra, kinh nguyệt màu đen còn có thể do cơ địa từng người, tác dụng phụ của thuốc hoặc do quá trình đông máu… Nếu kinh nguyệt ra máu đen đi kèm các triệu chứng khác như sốt, đau bụng dưới, đau khi quan hệ, thường xuyên ra khí hư có mùi hôi, màu lạ hoặc kinh nguyệt có mùi hôi tanh, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.
Kinh nguyệt màu đen có nguy hiểm không?
Kinh nguyệt của chị em phụ nữ phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe của các cơ quan sinh dục cũng như các cơ quan sinh sản. Kinh nguyệt bình thường giúp quá trình tái tạo các lớp niêm mạc thành tử cung diễn ra một cách thuận lợi. Nhờ đó mà cơ thể kích thích sản sinh ra các tiết tố và hooc môn sinh dục nữ giúp buồng trứng phóng noãn và phát triển bình thường.
Khi hiện tượng kinh nguyệt có màu bất thường, thì đây là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe cũng như cơ quan sinh sản đang có vấn đề. Một số biến chứng như sau:
- Rối loạn các nội tiết tố trong cơ thể khiến tâm lý bị xáo trộn căng thẳng, cơ thể mệt mỏi, da dẻ xanh xao kém sắc.
- Giảm ham muốn quan hệ vợ chồng, về lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hôn nhân.
- Các nang trứng không được phát triển đầy đủ, phóng noãn không bình thường ảnh hưởng đến quá trình thụ thai của phụ nữ.
- Các bệnh lý phụ khoa gây nên tình trạng trên cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của chị em.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu nhận thấy kinh nguyệt màu đen vào đầu và cuối kỳ kinh thì không cần phải lo lắng vì tình trạng này thường xuất hiện định kỳ theo chu kỳ kinh. Tuy nhiên nếu tình trạng chảy máu hoặc thấy dịch màu đen bên ngoài thời gian trên được coi là bất thường và cần phải trao đổi với bác sĩ.
Nếu đang mang thai hoặc mới sinh con, hãy liên hệ với bác sĩ nếu thấy kinh nguyệt màu đen, đặc biệt nếu bạn đang gặp các dấu hiệu và triệu chứng bất thường khác, như sốt hoặc chuột rút. Bạn cũng nên đi khám nếu bạn đã đến tuổi mãn kinh nhưng bắt đầu thấy dịch màu đen hoặc chảy máu bất ngờ.
Điều trị kinh nguyệt có màu đen
Khi thấy kinh nguyệt màu đen, chị em không nên chủ quan. Hãy đi khám càng sớm càng tốt để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Thông qua thăm khám, các bác sĩ sẽ xác định cụ thể nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt màu đen và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường bác sĩ sẽ điều trị kinh nguyệt màu đen dựa theo nguyên nhân được tìm ra. Nếu nguyên nhân được loại bỏ thì tình trạng kinh nguyệt màu đen sẽ chấm dứt.
- Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc để điều trị nếu hiện tượng kinh nguyệt có màu đen do rối loạn nội tiết tố hoặc các bệnh viêm nhiễm. Thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt, ổn định sự lưu thông của máu kinh.Phương pháp này đơn giản và hiệu quả, tuy nhiên người bệnh cần tuân thủ phác đồ và liệu trình điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.
- Điều trị ngoại khoa
Sử dụng phương pháp này nếu nguyên nhân gây nên hiện tượng kinh nguyệt có màu bất thường là các bệnh cần phải phẫu thuật hoặc can thiệp. Phương pháp sử dụng những kỹ thuật can thiệp từ bên ngoài để điều trị dứt điểm các bệnh trên, từ đó chấm dứt tình trạng kinh nguyệt có màu bất thường và ngăn ngừa tái phát.
Cách phòng ngừa hiện tượng kinh nguyệt màu đen
Chị em phụ nữ nên lưu ý một số vấn đề sau để hạn chế tình trạng kinh nguyệt bất thường:
- Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh nguyệt bất thường, do vậy chị em cần cân nhắc kĩ trước khi sử dụng loại thuốc này, không nên lạm dụng thuốc tránh thai.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc nội tiết sinh dục mà chưa được sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
- Giải tỏa tâm lý, không nên để tình trạng stress kéo dài. Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, dành thời gian thư giãn cho bản thân để tránh khỏi căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng tới kinh nguyệt.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, thường xuyên và sạch sẽ, sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp, không thụt rửa âm đạo. Đặc biệt lưu ý vấn đề này hơn nữa trong những ngày có kinh nguyệt.
- Không nên quan hệ tình dục trong ngày hành kinh bởi rất dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm, nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm tình dục cũng cao hơn bình thường.
- Thực hiện khám phụ khoa định kỳ để kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu có bất kỳ vấn đề nào về kinh nguyệt hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Lựa chọn chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, phát triển cân nặng phù hợp với chiều cao, vóc dáng. Tình trạng thừa cân hoặc quá gầy có thể tác động gây ảnh hưởng tới quá trình sản sinh hormone trong cơ thể.
Kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu sức khỏe của chị em phụ nữ. Khi thấy các dấu hiệu và triệu chứng kinh nguyệt bất thường, chị em phụ nữ cần đi thăm khám để nhận được sự tư vấn của bác sĩ và có phương án điều trị hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
Tác giả: Nhân viên Cleveland Clinic Abnormal Menstruation (Periods): Types, Causes & Treatment, Cleaveland Clinic, đăng ngày 25 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 25/12/2021.
Xem thêm:
Những thông tin cần biết về bệnh viêm âm đạo do nấm Candida
Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị