Vitamin D (Calciferol)
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo – Khoa Dược, Trường Y Dược – Đại học Duy Tân.
Danh pháp
Tên chung quốc tế
Nhóm thuốc
Vitamin hòa tan trong chất béo
Mã UNII
9VU1KI44GP
MÃ CAS
1406-16-2
Mã ATC
A11C C01 (Ergocalciferol)
A11C C02 (Dihydrotachysterol)
A11C C03 (Alfacalcidol)
A11C C04; D05AX03 (Calcitriol)
A11C C05 (Cholecalciferol)
A11C C06 (Calcifediol)
H05BX02 (Paricalcitol)
Cấu trúc phân tử
Vitamin D là một nhóm các chất secosteroid, tức là có một trong những liên kết trong vòng steroid bị phá vỡ. Ở người, các loại vitamin D quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3 (cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol), được gọi chung là calciferol. Sự khác nhau về cấu trúc giữa vitamin D2 và vitamin D3 là ở chuỗi bên của vitamin D2 chứa một liên kết đôi giữa các cacbon 22 và 23, và một nhóm metyl trên cacbon 24.
Công thức hóa học
Cholecalciferol: C27H44O
Ergocalciferol: C28H44O
Phân tử lượng
Cholecalciferol: 384.6g/mol
Ergocalciferol: 396.6g/mol
Dạng bào chế và hàm lượng
Một đơn vị quốc tế vitamin D bằng hoạt tính sinh học của 25 nanogam ergocalciferol hay colecalciferol.
Ergocalciferol:
Viên uống vitamin D: 1,25 mg (Drisdol).
Dung dịch uống: 0,2 mg/ml (Calciferol, Drisdol). 0,01 mg/giọt (Sterogyl); 15 mg/1,5 ml (Sterogyl 15A và Sterogyl 15H).
Viên nén: 1,25 mg (Calciferol).
Dung dịch để tiêm bắp: 12,5 mg/ml (Calciferol). 15 mg/1,5 ml (Sterogyl 15H).
Colecalciferol (INN: Colecalciferol):
Dung dịch uống: 7,5 microgam/giọt (Adrigyl).
Dung dịch uống và tiêm bắp: 5 mg/ml (Vitamin D3 BON).
Alfacalcidol:
Viên nang: 0,25 và 1 microgam (Un – alfa).
Dung dịch uống: 2 microgam/ml (Un – alfa).
Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 2 microgam/ml (Un – alfa).
Calcifediol:
Viên nang: 0,02 và 0,05 mg (Calderol).
Dung dịch uống: 5 microgam/giọt (Dedrogyl).
Calcitriol:
Viên nang: 0,25 và 0,5 microgam (Rocaltrol).
Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 1 microgam/ml và 2 microgam/ml (Calcijex).
Dihydrotachysterol:
Viên nang: 0,125 mg (Hytakerol).
Dung dịch uống đậm đặc: 0,2 mg/ml (DHT intensol).
Viên nén: 0,125; 0,2 và 0,4 mg (DHT).
Các tính chất đặc trưng
Vitamin D thường có dạng tinh thể mịn, không màu, không mùi và không tan trong nước. Nguồn cung cấp chính của vitamin D nội sinh là quá trình tổng hợp cholecalciferol ở các lớp dưới biểu bì của da, thông qua một phản ứng hóa học phụ thuộc vào việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (tia UVB). Ngoài ra, cholecalciferol và ergocalciferol có thể được hấp thu từ chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng. Chỉ có một số ít loại thực phẩm chứa vitamin D như thịt của cá béo. Đặc biệt, các loại nấm khi tiếp xúc với ánh sáng tia cực tím cũng đóng góp một lượng vitamin D.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản
Vitamin D nên được bảo quản trong bao gói kín, tránh ánh sáng và ẩm, ở nhiệt độ dưới 25oC.
Ở dạng dung dịch: Nên sử dụng thuốc ngay sau khi đã mở bao gói, tránh tiếp xúc với ánh sáng. Ngoài ra, vitamin D có thể liên kết mạnh với chất dẻo, dẫn đến một lượng thuốc đáng kể bị giữ lại trên bao gói và bộ tiêm truyền.
Nguồn gốc
Năm 1922, Elmer McCollum đã thử nghiệm dầu gan cá biến tính, trong đó vitamin A đã bị phá hủy. Kết quả thu được đã chữa khỏi cho những con chó bị bệnh còi xương, ông kết luận rằng yếu tố trong dầu gan cá khác với vitamin A và gọi nó là vitamin D vì đây là loại vitamin thứ tư được đặt tên. Tại thời điểm này, người ta chưa nhận ra rằng con người có thể tổng hợp vitamin D thông qua việc tiếp xúc với tia UV.
Năm 1925, Alfred Fabian Hess đã tiến hành cho 7-dehydrocholesterol chiếu xạ với ánh sáng, một dạng vitamin tan trong chất béo được tạo ra (ngày nay được gọi là vitamin D3).
Đến năm 1932, Otto Rosenheim và Harold King đã xuất bản một bài báo về các cấu trúc cho sterol và axit mật và nhận được sự chấp nhận ngay lập tức. Sự hợp tác không chính thức giữa các thành viên trong nhóm Robert Benedict Bourdillon, Otto Rosenheim, Harold King, và Kenneth Callow đã dẫn đến việc phân lập và xác định đặc tính của vitamin D. Cũng trong những năm đó, Windaus đã làm rõ thêm cấu trúc hóa học của vitamin D.
Năm 1969, sau khi nghiên cứu các mảnh nhân của tế bào ruột, một loại protein liên kết với vitamin D đã được Mark Haussler và Tony Norman xác định. Đến năm 1971 – 72, quá trình chuyển hóa tiếp tục của vitamin D thành dạng hoạt động đã được phát hiện. Trong gan, vitamin D được tìm thấy được chuyển đổi thành calcifediol. Calcifediol sau đó được thận chuyển hóa thành calcitriol, dạng hoạt động sinh học của vitamin D. Calcitriol lưu thông như một hormone trong máu, điều chỉnh nồng độ canxi và photphat trong máu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh và tái tạo xương. Các chất chuyển hóa vitamin D, calcifediol và calcitriol cuối cùng cũng đã được xác định bởi nhóm nghiên cứu do Michael F. Holick dẫn đầu.
Vitamin D có ở đâu?
Vitamin D có trong thực phẩm nào? Nói chung, vitamin D3 có nguồn gốc từ các sản phẩm thực phẩm có chứa thành phần động vật, đặc biệt là cá, thịt, nội tạng, trứng và sữa. Còn vitamin D2 được tìm thấy trong nấm và được sản xuất thông qua quá trình chiếu tia cực tím vào ergosterol. Hàm lượng vitamin D2 trong nấm và Cladina arbuscula, một loại rêu, tăng lên khi tiếp xúc với tia cực tím và có thể được củng cố bằng đèn cực tím công nghiệp.
Cơ chế hoạt động của vitamin D
Thuật ngữ “vitamin D” được sử dụng để chỉ một nhóm các hợp chất sterol có cấu trúc hóa học tương tự và có hoạt tính phòng ngừa hoặc điều trị còi xương. Các hợp chất này bao gồm Ergocalciferol (vitamin D2), colecalciferol (vitamin D3), alfacalcidol (1 alphahydroxycolecalciferol), calcifediol (25-hydroxycolecalciferol), calcitriol (1 alpha, 25-dihydroxycolecalciferol) và dihydrotachysterol.
Các chất này tồn tại dưới dạng các dạng hoạt động như 1,25-dihydroxyergocalciferol, 1,25-dihydroxycolecalciferol (calcitriol) và 25-hydroxydihydrotachysterol, cùng với hormon tuyến cận giáp và calcitonin, để điều chỉnh nồng độ calci trong huyết thanh. Mới đây, các loại thuốc tương tự vitamin D như Doxercalciferol, falecalcitriol, maxacalcitol và paricalcitol đã được phát triển.
Vitamin D có tác dụng gì? Tác dụng của Vitamin D là duy trì nồng độ calci và phosphor bình thường trong huyết thanh bằng cách tăng khả năng hấp thu chất khoáng này từ thức ăn qua ruột non. Calcitriol (dạng hoạt hóa của vitamin D) giúp tăng khả năng hấp thu calci ở ruột non, đặc biệt là ở tá tràng và hỗng tràng. Ngoài ra, calcitriol cũng tăng khả năng hấp thu phosphor, chủ yếu ở hỗng tràng và hồi tràng.
Các dạng hoạt hóa của ergocalciferol, doxercalciferol và cholecalciferol đẩy calci từ xương vào máu, tăng khả năng tái hấp thu phosphat ở ống thận và tác động trực tiếp lên tế bào tạo xương để kích thích phát triển xương. Các dạng hoạt hóa của ergocalciferol và colecalciferol cũng có tác dụng ức chế sự tạo ra hormone cận giáp (PTH) ngược. Paricalcitol đã được chứng minh là giảm nồng độ PTH trong huyết thanh hoặc huyết tương.
Thiếu vitamin D gây bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh loãng xương ở người lớn. Khi thiếu vitamin D, nồng độ ion calci trong máu giảm, dẫn đến tăng nồng độ PTH. Tuy nhiên, nếu chưa có biến dạng vĩnh viễn trên xương, người lớn có thể hoàn toàn khắc phục các dấu hiệu còi xương hoặc loãng xương bằng cách hấp thu và hoạt hóa ergocalciferol hoặc colecalciferol.
Calcitriol hoặc dihydrotachysterol tăng khả năng hấp thu calci qua đường tiêu hoá, làm giảm nồng độ PTH và phosphatase kiềm trong huyết thanh, cũng điều chỉnh sự loãng xương do suy thận, yếu cơ và đau xương ở người suy thận mãn. Calcifediol tăng khả năng hấp thu calci qua đường tiêu hóa, làm tăng nồng độ calci trong huyết thanh, giảm nồng độ phosphatase kiềm và nồng độ PTH, cũng giảm hiện tượng tiêu xương dưới màng xương và các dấu hiệu mô học của bệnh xương do tuyến cận giáp và rối loạn hấp thu chất khoáng.
Calcifediol và calcitriol cải thiện bệnh viêm xương xơ nang tốt hơn loãng xương ở người lớn bị suy thận mãn. Khác với ergocalciferol, doxercalciferol không cần phải được hydroxyl hóa tại thận để hoạt hóa, do đó có thể giảm nồng độ PTH trong huyết thanh hoặc huyết tương của người bị suy thận mãn.
Paricalcitol cũng giảm nồng độ PTH trong huyết thanh hoặc huyết tương ở người suy thận mãn. Paricalcitol cũng có hiệu quả tương tự calcitriol trong việc ức chế tiết PTH; tuy nhiên, paricalcitol ít ảnh hưởng đến nồng độ calci và phosphor trong huyết thanh, vì khả năng paricalcitol hấp thu calci và phospho ở ruột là ít.
Chức năng sinh lý chính xác của vitamin D trong não, tim, tụy, tế bào đơn nhân, tế bào lympho hoạt hóa và da vẫn còn chưa rõ, mặc dù đã được biết rằng vitamin D có tác dụng chống tăng sinh và hỗ trợ quá trình biệt hóa mạnh mẽ. Tuy hiện tại có rất ít chứng cứ cho thấy thiếu hụt vitamin D dẫn đến các rối loạn lớn trong các cơ quan và hệ thống tế bào đã được nêu trên.
Tuy nhiên, có khả năng thiếu hụt vitamin D có thể tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, dù chứng cứ dịch tễ học từ người sống ở vùng cao chỉ hạn chế cho thấy điều này và chưa có sự chứng minh rõ ràng về việc thiếu hụt vitamin D là một nguy cơ gây ung thư.
Hiện nay, có nhiều dạng và thuốc tương tự vitamin D khả dụng. Lựa chọn thuốc phụ thuộc vào nguyên nhân của bệnh và đặc tính của thuốc. Colecalciferol và ergocalciferol thường được coi là có hiệu quả tương đương, có thời gian khởi đầu tác dụng chậm và thời gian tác dụng tương đối lâu. Chúng thường được sử dụng để phòng ngừa thiếu vitamin D do dinh dưỡng.
Khi thiếu hụt vitamin D do hấp thu kém ở ruột hoặc do bệnh gan mạn tính, cần sử dụng vitamin D ở liều cao có tác dụng dược lý, như calciferol, với liều lên tới 1 mg/ngày (40.000 đơn vị/ngày). Tuy nhiên, việc sử dụng liều dược lý này có nguy cơ nhiễm độc vitamin D. Các thuốc tương tự vitamin D mới thường được sử dụng để thay thế ergocalciferol khi cần sử dụng liều dược lý.
Như vậy, vitamin D và các thuốc tương tự vitamin D đóng vai trò quan trọng trong duy trì cân bằng calci và phosphor trong huyết thanh, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa chất khoáng, cũng như điều chỉnh quá trình tạo xương và sự hoạt động của tuyến cận giáp.
Công dụng của vitamin D
Hoạt tính sinh học chính của vitamin D là duy trì nồng độ canxi và phốt pho trong máu bằng cách tăng cường khả năng hấp thu các khoáng chất này từ chế độ ăn uống của ruột non. Ngoài ra, vitamin D còn làm tăng huy động canxi và phốt pho từ xương đến huyết tương và ngược lại.
Lợi ích khi bổ sung vitamin D đầy đủ
Giảm nguy cơ bị bệnh còi xương ở trẻ em
Còi xương là một căn bệnh ở trẻ em, thường xuất hiện từ 3 đến 18 tháng tuổi. Bệnh lý này này có đặc điểm là chân vòng kiềng, có thể do thiếu canxi hoặc phốt pho, cũng như thiếu vitamin D.
Giảm nguy cơ bị nhuyễn xương và loãng xương ở người lớn
Bổ sung vitamin D cho người lớn: Bệnh nhuyễn xương là một bệnh ở người lớn do thiếu vitamin D với đặc điểm là xương mềm, dễ gãy dẫn đến cong cột sống, chân vòng kiềng và yếu cơ. Chứng nhuyễn xương làm giảm khả năng hấp thụ canxi và làm tăng quá trình mất canxi từ xương, thường xuất hiện khi nồng độ 25-hydroxyvitamin D dưới 10ng/mL.
Loãng xương là tình trạng giảm mật độ khoáng của xương, tăng tính dễ gãy của xương. Đây có thể là hậu quả lâu dài của việc thiếu canxi và / hoặc vitamin D, ít nhất là một phần. Điều này có thể là do không đủ lượng vitamin D, dẫn đến giảm khả năng hấp thụ canxi.
Giảm nguy cơ ung thư
Mối liên hệ tiềm tàng đã được tìm thấy giữa mức vitamin D trong máu thấp và nguy cơ phát triển một số loại ung thư. Các phân tích tổng hợp từ các nghiên cứu đã phát hiện ra nguy cơ mắc ung thư giảm liên quan đến lượng vitamin D, đặc biệt đối với ung thư đại trực tràng. Mặc dù mối liên quan này được xếp vào loại yếu. Tuy nhiên, trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, nguy cơ tử vong do ung thư đã được tìm thấy là giảm tới 16%.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh tự miễn và bệnh đường hô hấp
Vitamin D có chức năng kích hoạt hệ thống miễn dịch thu được với tác dụng kháng khuẩn, kháng vi-rút và chống viêm. Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến việc tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng do vi rút, bao gồm cả HIV và COVID-19.
Trước đây, vitamin D còn được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh lao do nồng độ thấp của vitamin D được cho là một yếu tố nguy cơ.
Bổ sung vitamin D với liều lượng thấp (400 – 1000IU/ngày) có thể làm giảm nhẹ nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Lợi ích này được quan sát ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên (từ 1 đến 16 tuổi). Tuy nhiên không có hiệu quả với liều cao hơn (> 1000 IU).
Giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm ruột
Nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến hai dạng chính của bệnh viêm ruột (IBD) là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Các nghiên cứu về liệu pháp vitamin D ở bệnh nhân IBD bị thiếu vitamin D đã cho thấy việc bổ sung có hiệu quả trong việc điều chỉnh nồng độ vitamin D và có liên quan đến việc cải thiện điểm số cho hoạt động lâm sàng và các dấu hiệu sinh hóa.
Kiểm soát đường huyết
Kết quả từ 8 nghiên cứu phân tích tổng hợp cho thấy việc bổ sung vitamin D làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 ở những bệnh nhân tiền đái tháo đường. Hơn nữa, phân tích tổng hợp từ 37 bài báo cũng cho thấy hiệu quả cải thiện đáng kể trong việc kiểm soát đường huyết của vitamin D. Ngoài ra, trong các nghiên cứu tiền cứu, mức vitamin D cao và thấp có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 và tiền đái tháo đường một cách đáng kể.
Liều dùng khuyến cáo
Ở người lớn
Cách dùng vitamin D3 cho người lớn: Ở người lớn, nhu cầu hàng ngày về vitamin D ít và thường có thể đáp ứng chủ yếu thông qua việc phơi nắng hoặc sử dụng thực phẩm giàu vitamin D. Một khẩu phần ăn hàng ngày chứa khoảng 200-400 đơn vị vitamin D (tương đương 5-10 microgam colecalciferol hoặc ergocalciferol) được xem là đủ đối với người lớn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, người lớn ít tiếp xúc với ánh nắng như người cao tuổi sống trong môi trường không tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên có thể có nhu cầu cao hơn.
Ở trẻ em
Đối với trẻ em, trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc một phần, cần bổ sung 400 đơn vị vitamin D hàng ngày bắt đầu từ vài ngày sau khi sinh và tiếp tục trong thời kỳ cho con bú cho đến khi chuyển sang sữa toàn phần hoặc sữa tăng cường vitamin D với lượng ít nhất 1 lít mỗi ngày.
Tất cả trẻ em không được bú mẹ và tiêu thụ ít hơn 1 lít sữa hoặc sữa tăng cường vitamin D mỗi ngày cần bổ sung thêm 400 đơn vị vitamin D hàng ngày.
Trẻ em có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D (như khả năng hấp thu mỡ kém, sử dụng thuốc chống co giật) cần bổ sung liều vitamin D cao hơn để duy trì mức vitamin D bình thường.
Đối với trẻ lớn hơn (thiếu niên), nếu không tiêu thụ hàng ngày 400 đơn vị vitamin D từ sữa hoặc thực phẩm tăng cường vitamin D, hiện nay đã khuyến cáo tăng liều lượng lên 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày (tháng 11 năm 2010).
Hiện nay, khẩu phần ăn được khuyến cáo (RDA) cho vitamin D như sau:
- 0 – 1 tuổi : 400 đvqt (10 microgam)
- 1 – 70 tuổi : 600 đvqt (15 microgam)
- > 70 tuổi : 800 đvqt (20 microgam)
- Phụ nữ mang thai : 600 đvqt (15 microgam)
- Mẹ cho con bú : 600 đvqt (15 microgam)
- Hoạt tính sinh học của 40 đvqt bằng 1 microgam
Dược động học
Hấp thu
Vitamin D và các thuốc tương tự có khả năng hấp thu tốt qua đường tiêu hóa khi hấp thu mỡ bình thường. Cả vitamin D2 và D3 đều được hấp thu từ ruột non, với vitamin D3 có khả năng hấp thu tốt hơn. Để hấp thu vitamin D, mật là cần thiết trong quá trình tiêu hóa.
Vitamin D tan trong lipid, do đó nó được tập trung trong vi thể dưỡng chấp và hấp thu qua hệ bạch huyết. Khoảng 80% lượng vitamin D dùng qua đường uống được hấp thu theo cơ chế này. Hiện chưa rõ liệu quá trình hấp thu sinh lý của vitamin D ở đường tiêu hóa có thay đổi ở người già hay không.
Phân bố
Sau khi được hấp thu, colecalciferol và ergocalciferol vào máu thông qua vi thể dưỡng chấp của bạch mạch và hầu như chỉ kết hợp với một alpha-globulin đặc biệt (protein gắn vitamin D). Các chất chuyển hóa (hydroxyl hóa) của ergocalciferol và colecalciferol cũng kết hợp với cùng alpha-globulin trong tuần hoàn. 25-hydroxylergocalciferol và 25-hydroxylcolecalciferol (calcifediol) được dự trữ ở mỡ và cơ trong một khoảng thời gian dài.
Khi vitamin D tuần hoàn trong cơ thể từ bạch mạch thông qua ống ngực hoặc da, nó sẽ tích lũy trong gan trong vài giờ. Chưa biết liệu calcifediol, calcitriol hoặc paricalcitol có phân bố vào sữa hay không. Có khả năng 25-hydroxyergocalciferol có thể được phân bố vào sữa sau khi dùng một liều cao ergocalciferol.
Chuyển hóa
Ở gan, ergocalciferol và colecalciferol được hydroxyl hóa thành 25-hydroxyergocalciferol và 25-hydroxycolecalciferol (calcifediol) tương ứng. Các chất chuyển hóa này sau đó tiếp tục được hydroxyl hóa ở thận thông qua enzym vitamin D 1-hydroxylase để tạo ra các chất chuyển hóa có hoạt tính 1,25-dihydroxyergocalciferol và 1,25-dihydroxycolecalciferol (calcitriol) tương ứng.
Nửa đời thải trừ của các chất chuyển hóa 25-hydroxy trong máu dao động từ 10 ngày đến 3 tuần và của các chất chuyển hóa 1,25-hydroxy là 4 – 6 giờ. Tiếp tục chuyển hóa xảy ra ở thận để tạo thành các dẫn chất 1,24,25-trihydroxy.
Trong số các chất tương tự vitamin D tổng hợp như alphacalcidol, dihydrotachysterol và doxercalciferol được chuyển hóa trực tiếp ở gan tạo thành các chất chuyển hóa có hoạt tính (25-hydroxydihydrotachysterol, calcitriol và 1,25-dihydroxyergocalciferol tương ứng).
Sau khi uống paricalcitol, thuốc có khả năng chuyển hóa mạnh. Các nghiên cứu in vitro cho thấy paricalcitol được chuyển hóa thông qua các enzym ở gan và không ở gan, bao gồm cytochrome P450 (CYP) isozyme 24.3A4 và uridine diphosphat-glucuronosyltransferase (UGT) 1A4.
Thải trừ
Các hợp chất vitamin D và các chất chuyển hóa chủ yếu được đào thải qua mật và phân, chỉ một lượng nhỏ qua nước tiểu. Một phần nhỏ được đào thải qua tuần hoàn ruột gan, nhưng vai trò này không đáng kể trong cơ chế duy trì vitamin D.
Phương pháp sản xuất
Vitamin D3 (cholecalciferol) được sản xuất trong công nghiệp bằng cách cho 7-dehydrocholesterol (có trong nội tạng cá, đặc biệt là gan hoặc trong mỡ lông cừu) tiếp xúc với ánh sáng UVB và UVC, sau đó là quá trình thanh lọc.
Vitamin D2 (ergocalciferol) cũng được sản xuất bằng phương pháp tương tự với ergosterol từ nấm men hoặc nấm làm nguyên liệu ban đầu.
Độc tính ở người
Quá liều vitamin D sẽ gây ra tăng nồng độ canxi trong máu, đây là một dấu hiệu của ngộ độc vitamin D, biểu hiện thông qua việc tăng số lần đi tiểu và khát. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến lắng đọng canxi trong các mô mềm và làm tổn thương các cơ quan như thận, gan và tim.
Các triệu chứng chính của quá liều vitamin D bao gồm chán ăn, buồn nôn và nôn. Sau đó có thể là đa niệu, suy nhược cơ thể, mất ngủ, căng thẳng, ngứa và cuối cùng là suy thận. Hơn nữa, có thể phát triển protein niệu, phân niệu , tăng ure huyết và vôi hóa di căn (đặc biệt là ở thận). Các triệu chứng khác của ngộ độc vitamin D bao gồm chậm phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ, phát triển và hình thành xương bất thường, tiêu chảy, cáu kỉnh, sụt cân và trầm cảm nặng.
Ngộ độc vitamin D được điều trị bằng cách ngừng bổ sung vitamin D và hạn chế ăn canxi. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài thường không gây ngộ độc vitamin D, do nồng độ của tiền chất vitamin D dư thừa được tạo ra trong da sẽ bị phân hủy.
Tương tác với thuốc khác
Thuốc | Tương tác |
Abametapir | Làm tăng nồng độ vitamin D trong huyết thanh |
Abiraterone | Làm giảm khả năng chuyển hóa của vitamin D |
Acetyldigoxin | Làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của rối loạn nhịp thất và loạn nhịp tim |
Alfacalcidiol | Làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng không mong muốn |
Corticosteroid | Làm giảm hiệu lực tác dụng của vitamin D |
Thuốc lợi tiểu thiazid | Làm tăng nồng độ canxi huyết tương |
Tính an toàn
Tăng nồng độ calci-huyết trong thời kỳ mang thai có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cho thai nhi, bao gồm hẹp van động mạch chủ, bệnh võng mạc, và chậm phát triển tinh thần và thể lực. Hiện chưa có thông tin chính xác về việc sử dụng an toàn của các dạng vitamin D như calcifediol, calcitriol, dihydrotachysterol, paricalcitol, hoặc ergocalciferol trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, việc không điều trị suy cận giáp hoặc giảm nồng độ phosphat huyết có thể mang đến nguy cơ lớn hơn cho bà mẹ và thai nhi.
Khẩu phần dinh dưỡng khuyến cáo (RDA) hiện tại cho vitamin D trong thời kỳ mang thai là 600 đơn vị quốc tế mỗi ngày (15 microgam). Nếu khẩu phần ăn hằng ngày không đủ cung cấp vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cần bổ sung vitamin D đến liều RDA trong thời kỳ mang thai.
Vitamin D được tiết vào sữa và nồng độ vitamin D trong sữa có liên quan đến nồng độ vitamin D trong huyết thanh của trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ. Vì vậy, không nên sử dụng vitamin D với liều lớn hơn RDA (600 đơn vị quốc tế mỗi ngày hoặc 15 microgam) cho người cho con bú.
Nếu khẩu phần ăn không cung cấp đủ vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cần sử dụng bổ sung vitamin D cho người cho con bú. Nếu bà mẹ sử dụng vitamin D theo liều dược lý, cần theo dõi chặt chẽ nồng độ calci-huyết và các dấu hiệu nhiễm độc vitamin D ở trẻ sơ sinh.
Tương tác với thuốc khác
Không nên sử dụng vitamin D đồng thời với cholestyramin hoặc colestipol hydroclorid, vì có thể làm giảm hấp thu vitamin D trong ruột.
Sử dụng dầu khoáng quá mức có thể ảnh hưởng đến hấp thu vitamin D trong ruột.
Sử dụng vitamin D đồng thời với thuốc lợi tiểu thiazid ở những người suy cận giáp có thể dẫn đến tăng nồng độ calci-huyết. Trong trường hợp này, cần giảm liều vitamin D hoặc tạm ngừng sử dụng vitamin D.
Không nên sử dụng vitamin D đồng thời với phenobarbital và/hoặc phenytoin (và có thể với những thuốc khác kích thích enzym gan) vì những thuốc này có thể làm giảm nồng độ 25-hydroxyergocalciferol và 25-hydroxycolecalciferol trong huyết tương và tăng quá trình chuyển hóa vitamin D thành các chất không có hoạt tính.
Không nên sử dụng vitamin D đồng thời với corticosteroid vì corticosteroid có thể làm giảm tác dụng của vitamin D.
Không nên sử dụng vitamin D đồng thời với các glycosid trợ tim vì tăng nồng độ calci-huyết có thể gây ra loạn nhịp tim.
Khi dùng viên paricalcitol cùng với một thuốc ức chế mạnh cytochrom P450 CYP3A (như ketoconazol, atazanavir, clarithromycin, indinavir, itraconazol, nefazodon, nelfinavir, ritonavir, saquinavir, telithromycin, voriconazol), cần chú ý vì có thể làm tăng nồng độ paricalcitol trong huyết tương.
Vitamin D có liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp
Một số nghiên cứu quan sát đã cho thấy lượng 25-hydroxyvitamin D (vitamin D) thấp có liên quan đến tăng nguy cơ nhiễn khuẩn đường hô hấp, nhưng còn thiếu các nghiên cứu ngẫu nhiên, theo thời gian để kiểm tra liệu rằng bổ sung vitamin D có thể phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp hay không.
Nghiên cứu về vitamin D của Aglipay và cộng sự
Có những lý do sinh học để nghi ngờ rằng vitamin D có thể bảo vệ do làm tăng peptide kháng khuẩn ở biểu mô đường hô hấp. Một thử nghiệm gần đây của Aglipay và cộng sự được tiến hành ở Toronto để xác định bổ sung vitamin D đường uống hàng ngày với liều 2000 IU/ngày hay liều chuẩn 400 IU/ngày là có hiệu quả trong việc giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do virus (URIs).
Trẻ được chia ngẫu nhiên theo tỷ lệ 1:1 vào 2 nhóm trong mùa hô hấp từ năm 2011 đến 2015. Trẻ trong độ tuổi từ 1-5 tuổi và được đăng kí ở 8 cơ sở y tế ban đầu thuộc mạng lưới nghiên cứu địa phương. Trẻ chỉ được đăng ký vào thử nghiệm trong 1 mùa hô hấp, thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 5. Vitamin D được dùng 1 giọt / ngày,
Khi đăng kí, thì thu thập các thông tin của bệnh nhân và cha mẹ bao gồm hoạt động thể dục, thời gian ngoài trời, sắc tố da, và ước lượng tắm nắng. Cha mẹ hàng ngày kiểm tra các triệu chứng và được hướng dẫn cách lấy mẫu ngoáy dịch mũi mỗi khi con họ có biểu hiện aURI. Những người của nghiên cứu sẽ đến các hộ gia đình để lấy mẫu. Nồng độ vitamin D được đo vào thời điểm đăng kí và cuối mùa hô hấp.
Chỉ số quan tâm là số URI do virus được xác nhận bởi xét nghiệm. Nghiên cứu gồm 703 trẻ đủ điều kiện, với xấp xỉ 305 trẻ ở mỗi nhóm. Chỉ có 4 trẻ mất liên lạc không theo dõi được. Không tiếp tục điều trị ở 7.9% trẻ, nhưng tất cả đều có thể hoàn thành nghiên cứu theo dõi. Nói chung, thời gian trung bình trẻ tham gia nghiên cứu là 6.2 tháng. Độ tuổi trung bình là 2.7 tuổi, và xấp xỉ 42% trẻ là nữ.
Ở nhóm dùng liều cao, nồng độ vitamin D nền là 35.9 ng/mL và ở nhóm dùng liều chuẩn là 36.9 ng/mL. 46% trẻ không bị URI được xác nhận bởi xét nghiệm trong mùa nghiên cứu. Số lần bị URI / trẻ trung bình là 1.03 ở nhóm liều chuẩn và 1.05 ở nhóm liều cao, khác biệt giữa 2 nhóm là 0.02 (khoảng tin cậy [CI] 95%, -0.17 đến 0.21). Tỉ lệ về tỷ lệ nhiễm khuẩn giữa nhóm liều cao với liều thấp là 0.97, với CI 95% 0.8-1.16, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tương tự, số lần bị URI do cha mẹ báo cáo không có sự khác biệt giữa 2 nhóm (liều chuẩn là 1.91; liều cao là 1.97).
Nồng độ vitamin D vào cuối nghiên cứu cao hơn ở nhóm điều trị là khoảng 12 ng/mL, nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
Xem xét các nhiễm khuẩn virus cụ thể thì nhiễm cúm giảm ở nhóm liều cao là khoảng 50%. Tuy nhiên, nhiễm cúm chiêm ít hơn 10% số ca nhiễm virus ở cả 2 nhóm.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng bổ sung liều cao vitamin D không làm giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus ở trẻ nhỏ.
Lưu ý khi sử dụng Vitamin D
Cần cực kỳ thận trọng khi sử dụng vitamin D cho người bị suy thận hoặc sỏi thận, bệnh tim, hoặc xơ vữa động mạch, vì nếu những người này có tăng nồng độ calci-huyết, nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe liên quan sẽ tăng lên.
Cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng vitamin D cho người đang dùng glycosid trợ tim, vì tăng nồng độ calci-huyết có thể gây ra loạn nhịp tim ở những người bệnh này.
Cần giám sát nồng độ phosphat trong huyết tương khi điều trị vitamin D để giảm nguy cơ calci-hóa lạc chỗ. Cần theo dõi đều đặn nồng độ calci-huyết đặc biệt ở giai đoạn ban đầu và khi có các triệu chứng nghi ngờ về nhiễm độc vitamin D.
Một vài nghiên cứu của vitamin D trong Y học
So sánh việc bổ sung vitamin D2 và vitamin D3 trong việc nâng cao nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong huyết thanh
Mục tiêu: Hiện tại vẫn chưa có sự rõ ràng về sự khác biệt giữa tác dụng của vitamin D2 và D3 trong việc nâng cao nồng độ 25-hydroxyvitamin D [25 (OH) D] trong huyết thanh hay không. Do đó mục tiêu của bài báo này là báo cáo một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) đã so sánh trực tiếp ảnh hưởng của vitamin D2 và vitamin D3 đối với nồng độ 25 (OH) D trong huyết thanh ở người.
Phương pháp: Cơ sở dữ liệu ISI Web of Knowledge (tháng 1 năm 1966 đến tháng 7 năm 2011) đã được tìm kiếm bằng phương pháp điện tử cho tất cả các nghiên cứu có liên quan ở người lớn so sánh trực tiếp vitamin D3 với vitamin D2. Cơ quan đăng ký thử nghiệm lâm sàng Cochrane, sổ đăng ký số thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng theo tiêu chuẩn quốc tế, và Clinicaltrials.gov cũng được tìm kiếm cho bất kỳ thử nghiệm nào chưa được công bố.
Kết quả: Một phân tích tổng hợp các RCT chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin D3 có tác dụng tích cực và đáng kể trong việc nâng cao nồng độ 25 (OH) D trong huyết thanh so với tác dụng của vitamin D2 (P = 0,001). Khi so sánh tần suất dùng với liều lượng, có một phản ứng đáng kể đối với vitamin D3 khi dùng liều bổ sung (P = 0,0002) so với khi dùng vitamin D2, nhưng tác dụng bị mất khi bổ sung hàng ngày.
Kết luận: Phân tích tổng hợp này chỉ ra rằng vitamin D3 có hiệu quả hơn trong việc nâng cao nồng độ 25 (OH) D trong huyết thanh hơn là vitamin D2, và do đó vitamin D3 có thể trở thành lựa chọn ưu tiên để bổ sung. Tuy nhiên, nghiên cứu bổ sung là cần thiết để kiểm tra các con đường chuyển hóa liên quan đến việc sử dụng vitamin D theo đường uống và tiêm bắp và các tác động trên tuổi tác, giới tính và dân tộc, điều mà tổng quan này không thể xác minh.
BỔ SUNG VITAMIN D THƯỜNG QUY KHÔNG LÀM GIẢM NGUY CƠ GÃY XƯƠNG TRÊN NGƯỜI TRUNG NIÊN VÀ CAO TUỔI
Một nghiên cứu độc lập dựa trên dữ liệu của thử nghiệm lâm sàng VITAL đăng trên New England Journal of Medicine vào tháng 07/2022 nhằm đánh giá hiệu quả của Vitamin D trên tỷ lệ gãy xương ở người bệnh trung niên.
Nghiên cứu gốc VITAL thực hiện trên 25871 người bệnh nam ≥ 50 tuổi và nữ ≥ 55 tuổi không có chỉ định sử dụng vitamin D được phân bổ ngẫu nhiên với tỷ lệ 1:1 để sử dụng vitamin D (2000 UI/ngày) hoặc giả dược.
Kết quả cho thấy, vitamin D không làm thay đổi có ý nghĩa thống kê trên tỷ lệ gãy xương nói chung (HR 0.98; 95%CI 0.89 – 1.08), tỷ lệ gãy xương ngoài cột sống (HR 0.97; 95% CI 0.87 – 1.07) hoặc tỷ lệ gãy xương hông (HR 1.01; 95% CI 0.7 – 1.47) so với giả dược trong thời gian theo dõi lên đến 5.3 năm.
Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ khuyến nghị người lớn từ 50 tuổi trở lên cần bổ sung ít nhất 600 UI vitamin D/ngày để tối ưu hóa sức khỏe xương khớp và chức năng cơ, và có thể cần đến 2000 UI/ngày để đạt nồng độ 25-hydroxyvitamin D trên 30 ng/mL. Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy vitamin D không làm giảm tỷ lệ gãy xương trên tất cả các phân nhóm, kể cả trên phân nhóm 20% người bệnh có sử dụng kèm calci với liều lượng lên đến 1200 mg/ngày. Ngoài ra, kết quả từ các nghiên cứu VITAL cùng nhiều RCT khác cũng cho thấy vitamin D không có lợi ích trong kéo dài thời gian sống, giảm nguy cơ té ngã hoặc giảm tỷ lệ mắc phải ung thư và tim mạch.
Một số ý kiến ủng hộ việc tầm soát thường quy nồng độ 25-hydroxyvitamin D để phát hiện và bổ sung vitamin D trên những người bệnh thiếu hụt. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu đã cho thấy vitamin D không mang lại lợi ích trên tất cả các phân nhóm người bệnh có nồng độ 25-hydroxyvitamin D nền khác nhau, kể cả ≤ 24.0 ng/ml. Việc xét nghiệm 25-hydroxyvitamin D làm tăng chi phí điều trị nhưng lại chưa được chứng minh mang lại lợi ích trên hầu hết người bệnh tương đối khỏe mạnh. Dựa trên những bằng chứng hiện tại, có lẽ cần phải thay đổi các khuyến cáo về việc tầm soát thiếu hụt cũng như bổ sung vitamin D thường quy để dự phòng gãy xương và các bệnh nghiêm trọng mà chỉ nên chú trọng vào những người bệnh có khả năng hưởng lợi từ vitamin D như giảm hấp thu, sống ở nơi ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc hạ calci. [5]
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y Tế (2012), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
2. Drugbank, Vitamin D, truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2022.
3. Tripkovic, L., Lambert, H., Hart, K., Smith, C. P., Bucca, G., Penson, S., Chope, G., Hyppönen, E., Berry, J., Vieth, R., & Lanham-New, S. (2012). Comparison of vitamin D2 and vitamin D3 supplementation in raising serum 25-hydroxyvitamin D status: a systematic review and meta-analysis. The American journal of clinical nutrition, 95(6), 1357–1364.
4. Pubchem, Vitamin D, truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2022.
5. Meryl S. LeBoff, M.D., Sharon H. Chou, M.D., Kristin A. Ratliff, B.A., Nancy R. Cook, Sc.D., Bharti Khurana, M.D., Eunjung Kim, M.S., Peggy M. Cawthon, Ph.D., M.P.H., Douglas C. Bauer, M.D., Dennis Black, Ph.D., J. Chris Gallagher, M.D., I-Min Lee, M.B., B.S., Sc.D., Julie E. Buring, Sc.D., et al. Supplemental Vitamin D and Incident Fractures in Midlife and Older Adults. truy cập ngày 07 tháng 06 năm 2023.
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Úc
Xuất xứ: Anh
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Nhật Bản
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Nhật Bản
Xuất xứ: Hungary
Xuất xứ: New Zealand
Xuất xứ: Anh
Xuất xứ: Úc
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Anh
Xuất xứ: Úc
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Hoa Kỳ
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Nhật Bản
Xuất xứ: Nhật Bản
Xuất xứ: Mỹ