Ticarcilin
Đặc điểm của Ticarcilin
Ticarcilin là thuốc gì, thuộc nhóm nào?
Ticarcilin (Ticarcillin) là một thuốc kháng sinh Carboxypenicillin bán tổng hợp có đặc tính kháng khuẩn. Thuốc này thường dùng kết hợp với Acid Clavulanic, dùng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra.
Công thức hóa học/phân tử
C15H16N2O6S2.
Danh pháp quốc tế (IUPAC name)
(2S,5R,6R)-6-[[(2R)-2-carboxy-2-thiophen-3-ylacetyl]amino]-3,3-dimethyl-7-oxo-4-thia-1-azabicyclo[3.2.0]heptane-2-carboxylic acid.
Tính chất vật lý
Trọng lượng phân tử: 384,4 g/mol.
Độ hòa tan trong nước: 0,0716mg/mL.
Hằng số phân ly pKa: 3,09.
Cảm quan
Ticarcilin ở dạng rắn.
Dạng bào chế
Bột pha tiêm: Thuốc biệt dược Ticarcillin + Acid Clavulanic 1,6g; 3,2g;…
Ticarcilin có tác dụng gì?
Cơ chế tác dụng
Ticarcilin có tác động tương tự những beta-lactam khác.
Cơ chế kháng khuẩn: Ticarcilin ức chế quá trình tổng hợp peptidoglycan của các loài vi khuẩn gây bệnh. Cuối cùng thuốc làm chết tế bào vi khuẩn.
Cơ chế kháng thuốc: Do hiện nay Ticarcilin dễ bị phá hủy dưới sự tác động từ các enzym beta-lactamase, bởi vậy phổ kháng khuẩn của thuốc này sẽ không có các vi khuẩn có thể sản sinh enzym beta-lactamase. Ngoài ra, kháng thuốc còn do sự biến đổi của protein gắn penicillin và mức độ thâm nhập của kháng sinh vào cơ thể suy giảm.
Để mở rộng phổ tác động cho Ticarcilin, người ta thường dùng dạng thuốc kết hợp Ticarcillin/Clavulanate (Acid Clavulanic).
Dược lực học
Ticarcilin có tác động ở một số chủng Proteus indol dương tính, Pseudomonas. Không có tác động ở Staphylococcus aureus.
Nồng độ Ticarcilin cao có thể kháng lại Bacteroides fragilis, tuy nhiên hiệu lực kém hơn khi so sánh với Penicillin G.
Thuốc có tác động tương tự Carbenicilin nhưng hiệu lực của Ticarcilin trên P.aeruginosa mạnh hơn gấp 2-4 lần.
Ticarcilin thường được dùng chủ yếu cho các trường hợp bị bệnh nhiễm trùng nặng do chủng Pseudomonas gây ra.
Dược động học
Hấp thu: Do Ticarcilin hấp thu kém qua tiêu hóa nên phải dùng ở dạng tiêm. Khi tiêm bắp, thuốc Ticarcilin được hấp thu dễ dàng, Cmax đạt được sau 30-75 phút kể từ khi tiêm bắp. Khi tiêm tĩnh mạch, Ticarcilin đạt được ngay giá trị Cmax ở huyết tương.
Phân bố:
- Thuốc được đưa vào trong đờm, dịch màng phổi, mật, dịch kẽ, xương, thận và da. Nồng độ của Ticarcilin trong dịch não tủy chỉ ở mức thấp, tuy nhiên nồng độ cao hơn nếu màng não bị viêm. Nồng độ của Ticarcilin ở mật lớn hơn nhiều lần so với lượng thuốc ở huyết thanh.
- Khoảng 45-65% liều Ticarcilin gắn lên protein huyết. Thể tích phân bố Vd là 0,21 0,04 l/kg.
Chuyển hóa và Thải trừ:
- Nửa đời sinh học của Ticarcilin vào khoảng 1,1 giờ.
- Ticarcilin cũng như các sản phẩm chuyển hóa của nó được bài tiết nhanh thông qua đường niệu. Cụ thể, khoảng 90% liều Ticarcilin được tìm thấy ở nước tiểu sau 6 tiếng.
- Nếu bệnh nhân có chức năng gan, thận kém, nồng độ Ticarcilin ở huyết thanh lớn hơn, kèm theo đó là nửa đời huyết thanh kéo dài hơn.
- Có thể sử dụng biện pháp thẩm tách máu nhằm loại bỏ Ticarcilin ra khỏi cơ thể.
Ứng dụng trong y học
Thuốc Ticarcilin chủ yếu sử dụng trong chữa trị bệnh nhiễm khuẩn do những loài trực khuẩn ưa khí Gram (-) nhạy cảm với thuốc gây ra. Ví dụ như Providencia rettgeri, E.coli, P.aeruginosa, Enterobacter, Proteus vulgaris, Morganella morganii, P.mirabilis.
Ngoài ra còn sử dụng Ticarcilin để chữa trị các bệnh do nhiễm khuẩn hỗn hợp chủng kỵ khí-ưa khí. Hoặc dùng để điều trị kinh nghiệm cho người người bị sốt kèm suy giảm số lượng bạch cầu hạt.
Liều dùng Ticarcilin
Thanh thiếu niên, người lớn
Chống nhiễm khuẩn: Liều 3g/lần, 4 giờ tiêm truyền tĩnh mạch 1 lần. Hoặc dùng 4g mỗi lần, cách 6 giờ dùng 1 lần.
Nhiễm khuẩn đường niệu có biến chứng: Liều 3g/lần, 6 giờ tiêm truyền tĩnh mạch 1 lần.
Viêm màng não nhiễm khuẩn: Liều 75mg/kg/lần, 6 giờ tiêm truyền tĩnh mạch 1 lần.
Nhiễm khuẩn đường niệu chưa biến chứng: Liều 1g/lần, 6 giờ tiêm truyền tĩnh mạch 1 lần.
Liều lượng giới hạn mỗi ngày là 24g.
Trẻ nhỏ
Chống nhiễm khuẩn:
- Tuần đầu mới sinh, bé có cân nặng dưới 2kg tiêm 75mg/kg/lần, mỗi 12 giờ tiêm bắp (hoặc tĩnh mạch) 1 lần, sau đó giảm khoảng cách dùng thuốc thành 8 giờ.
- Với bé từ 2kg trở lên, tiêm 75mg/kg/lần, mỗi 8 giờ tiêm bắp (hoặc tĩnh mạch) 1 lần, sau đó giảm khoảng cách dùng thuốc thành 6 giờ.
- Bé có cân nặng dưới 40kg, tiêm truyền tĩnh mạch 50-75mg/kg mỗi 6 giờ 1 lần.
Nhiễm khuẩn đường niệu có biến chứng, tiêm truyền tĩnh mạch 37,5-50mg/kg mỗi 6 giờ 1 lần.
Nhiễm khuẩn đường niệu chưa biến chứng, tiêm bắp (hoặc tĩnh mạch) 16,7-33,3mg/kg mỗi 8 giờ 1 lần.
Người bị suy thận và gan
Liều dùng đầu tiên là 3g theo đường tĩnh mạch, sau đó chỉnh liều theo bảng:
Thanh thải creatinin (ml/phút) | Liều |
> 60 | 3g mỗi 4 giờ |
30-60 | 2g mỗi 4 giờ |
10-30 | 2g mỗi 8 giờ |
< 10 | 2g mỗi 12 giờ |
< 10 kèm theo rối loạn chức năng gan | 2g mỗi 24 giờ |
< 10 kèm lọc thận | 2g mỗi 12 giờ, dùng thêm 3g sau mỗi lần lọc máu |
Thẩm tách màng bụng | 3g mỗi 12 giờ |
Nghiên cứu trong y học của Ticarcilin
Hiệu quả và tính an toàn khi dùng kết hợp Ticarcilin và Acid Clavulanic được GA Roselle và các cộng sự tiến hành.
43 người bệnh nhập viện được cho sử dụng kháng sinh kết hợp Ticarcilin/Acid Clavulanic, tiêm qua đường tĩnh mạch. Các bệnh nhân có nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm phổi và nhiễm khuẩn tiết niệu.
Có tất cả 50 đợt nhiễm trùng xảy ra ở 43 người bệnh, trong đó 44 ca đã khỏi, 5 ca cải thiện và 1 ca không thành công. Phản ứng có hại được ghi nhận khá ít, chủ yếu là là tăng bạch cầu ái toan.
Như vậy, thuốc kết hợp Ticarcilin/Acid Clavulanic có độ an toàn và hiệu lực cao trong chữa trị bệnh nhiễm khuẩn.
Tài liệu tham khảo
- Chuyên gia của Pubchem (2024), Ticarcillin, Pubchem. Truy cập ngày 23/12/2024.
- G A Roselle, R Bode, B Hamilton, M Bibler, R Sullivan, R Douce, J L Staneck và W E Bullock (1985), Clinical trial of the efficacy and safety of ticarcillin and clavulanic acid, Pubmed. Truy cập ngày 23/12/2024.
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam