Sucralfate
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo – Khoa Dược, Trường Y Dược – Đại học Duy Tân.
Danh pháp
Tên chung quốc tế
Sucralfate
Tên danh pháp theo IUPAC
[({[(2R,3R,4S,5R,6R)-6-{[(2S,3S,4R,5R)-3,4-bis({[(dihydroxyalumanyl)oxy]sulfonyl}oxy)-2,5-bis[({[(dihydroxyalumanyl)oxy]sulfonyl}oxy)methyl]oxolan-2-yl]oxy}-4,5-bis({[(dihydroxyalumanyl)oxy]sulfonyl}oxy)-2-[({[(dihydroxyalumanyl)oxy]sulfonyl}oxy)methyl]oxan-3-yl]oxy}sulfonyl)oxy]alumanediol alumanetriol hydrate
Nhóm thuốc
Thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng
Mã ATC
A – Đường tiêu hóa và chuyển hóa
A02 – Các acid, thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng và đầy hơi
A02B – Thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng
A02BX – Các thuốc khác trị loét dạ dày và trào ngược dạ dày – thực quản
A02BX02 – Sucralfate
Mã UNII
XX73205DH5
Mã CAS
54182-58-0
Cấu trúc phân tử
Công thức phân tử
C12H54Al9O55S8
Phân tử lượng
1577.9 g/mol
Cấu trúc phân tử
Sucralfate là một phức hợp nhôm cơ bản của sacaroza đã sulfat hóa.
Các tính chất phân tử
Số liên kết hydro cho: 20
Số liên kết hydro nhận: 55
Số liên kết có thể xoay: 37
Diện tích bề mặt tôpô: 536 Ų
Số lượng nguyên tử nặng: 84
Dạng bào chế
Viên nén: 1 g/viên.
Hỗn dịch: 0,5 g/5 ml, 1 g/5 ml.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản
Các dạng bào chế của sucralfate nên được bảo quản kín trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nhiệt độ dưới 25°C. Ngoài ra, chế phẩm dạng hỗn dịch không được để đóng băng.
Nguồn gốc
Sucralfate được phê duyệt bởi FDA để sử dụng trong y tế ở Hoa Kỳ vào năm 1981. Theo đó, sucralfate có sẵn dưới dạng thuốc generic. Thống kê năm 2019 đã chỉ ra rằng sucralfate là loại thuốc được kê đơn phổ biến thứ 186 ở Hoa Kỳ, với hơn 3 triệu đơn thuốc.
Sucralfate được sử dụng để điều trị loét tá tràng tích cực không liên quan đến việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) , vì cơ chế đằng sau những vết loét này là do tiết quá mức axit. Sucralfate không được FDA chấp thuận cho bệnh viêm loét dạ dày , nhưng được sử dụng rộng rãi vì đã có bằng chứng về hiệu quả. Việc sử dụng sucralfate trong bệnh loét dạ dày đã giảm gần đây, nhưng nó vẫn là tác nhân được ưa thích để ngăn ngừa loét do căng thẳng
Dược lý và cơ chế hoạt động
Sucralfat là một muối nhôm của sulfat disacarid, được dùng để điều trị ngắn ngày loét hành tá tràng, dạ dày. Thuốc có tác dụng tại chỗ (ổ loét) hơn là tác dụng toàn thân thông qua cơ chế tạo thành một phức hợp giống như bột hồ dính vào vùng niêm mạc bị tổn thương khi có acid dịch vị.
Mặt khác, sucralfat không trung hòa nhiều độ acid của dạ dày. Ở liều điều trị, thuốc không có tác dụng kháng acid, tuy nhiên khi bám dính vào niêm mạc dạ dày – tá tràng, tác dụng trung hòa acid của sucralfat có thể trở thành yếu tố quan trọng để bảo vệ tại chỗ loét. Theo đó, sucralfate có ái lực mạnh gấp 6 – 7 lần đối với vùng loét so với niêm mạc dạ dày bình thường. Đồng thời, ái lực đối với loét tá tràng lớn hơn loét dạ dày.
Hàng rào bảo vệ ổ loét được tạo ra bởi sucralfate có thể ức chế tác dụng tiêu protein của pepsin thông qua việc ngăn chặn pepsin gắn vào albumin, fibrinogen… có trên bề mặt ổ loét. Hơn nữa, hàng rào này cũng ngăn cản sự khuếch tán trở lại của các ion H+ bằng cách tương tác trực tiếp với acid trên bề mặt ổ loét.
Sucralfat cũng hấp thụ các acid mật, làm ức chế sự khuếch tán trở lại của acid glycocholic và bảo vệ niêm mạc dạ dày không bị tổn thương do acid taurocholic. Tuy nhiên tác dụng của sucralfat đối với acid mật trong điều trị loét dạ dày tá tràng vẫn chưa được hiểu rõ.
Ngoài ra, sucralfat được coi là thuốc bảo vệ tế bào niêm mạc đường tiêu hóa với khả năng tạo một hàng rào ở ổ loét để bảo vệ ổ loét tránh khỏi các tác động tiêu cực của pepsin, acid và mật, từ đó giúp cho ổ loét có thể hồi phục.
Ứng dụng trong y học
Loét dạ dày – tá tràng
Sucralfate được sử dụng để điều trị loét tá tràng tích cực không liên quan đến việc sử dụng NSAID, vì cơ chế đằng sau những vết loét này là do sự tăng tiết quá mức axit. Mặt khác, sucralfate không được FDA chấp thuận cho bệnh viêm loét dạ dày nhưng thuốc vẫn được sử dụng rộng rãi vì đã có bằng chứng về hiệu quả.
Theo đó, liệu pháp bộ ba gồm lansoprazole + cisapride + sucralfate có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân loét dạ dày không liên quan đến việc sử dụng NSAID và viêm dạ dày do trào ngược dạ dày – thực quản (GERD). Hơn nữa, liệu pháp này còn tiết kiệm chi phí hơn so với nhóm kết hợp ranitidine.
Tuy nhiên, việc sử dụng sucralfate trong bệnh loét dạ dày gần đây đã giảm, mặc dù sucralfate vẫn là tác nhân được ưa thích để ngăn ngừa loét do stress.
Dự phòng loét do stress
Mặc dù sucralfate có thể có hiệu quả trong điều trị dự phòng loét do stress, tuy nhiên thuốc ít có hiệu quả trong điều trị dự phòng xuất huyết tiêu hóa so với PPI hoặc thuốc chẹn H2. Vì thế, sucralfate không còn được sử dụng phổ biến trong điều trị dự phòng loét do stress.
Bảo vệ chống lại bệnh viêm phổi liên quan đến máy thở
Giảm lượng axit và thể tích dịch vị có thể làm tăng sự phát triển quá mức của vi khuẩn cũng như tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi do máy thở. Theo đó, sucralfate có thể được coi là có lợi thế hơn so với thuốc chẹn H2 và PPI về mặt này vì sucralfate không làm thay đổi độ pH của dịch vị.
Hơn nữa, đa số các phân tích tổng hợp cho thấy rằng liệu pháp sucralfate có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi do thở máy so với thuốc đối kháng H2.
Ngăn ngừa sự hình thành vết nứt
Sucralfate có tác dụng ức chế sự hình thành vết nứt trong thử nghiệm bỏng ăn mòn và có thể được sử dụng trong điều trị vết bỏng ăn mòn thực quản để tăng cường hồi phục niêm mạc cũng như ngăn chặn sự hình thành vết nứt.
Tổn thương thực quản do nuốt phải pin
Sucralfate dạng hỗn dịch được khuyến nghị bởi Trung tâm Chất độc Quốc gia (Poison Control) của Hoa Kỳ như một biện pháp can thiệp khi nuốt phải pin nút để làm giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của sự tổn thương thực quản trước khi loại bỏ pin qua nội soi.
Ứng dụng khác
Sucralfate được khuyến cáo là thuốc đầu tay đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản khi mang thai, kết hợp với điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống.
Sucralfate có thể được sử dụng để điều trị viêm tuyến tiền liệt do viêm loét đại tràng, đồng thời thuốc cũng có thể ngăn ngừa xuất huyết trực tràng do viêm tuyến tiền liệt từ bức xạ để điều trị ung thư cổ tử cung, tuyến tiền liệt và ruột kết.
Sucralfate còn được sử dụng để điều trị loét nối sau phẫu thuật cắt dạ dày và điều trị duy trì cho các vết loét tá tràng đã hồi phục.
Dược động học
Hấp thu
Sucralfate được hấp thu rất ít qua đường tiêu hóa (< 5%). Nguyên nhân có thể do tính phân cực cao và độ hòa tan thấp của thuốc trong dạ dày. Tác dụng của thuốc xuất hiện sau khi uống từ 1 – 2 giờ và kéo dài đến 6 giờ.
Phân bố
Khả năng phân bố của sucralfate vẫn chưa được xác định.
Chuyển hóa
Sucralfate không chuyển hóa.
Thải trừ
Khoảng 90% lượng thuốc được bài tiết vào phân, trong khi một lượng rất nhỏ được hấp thu và bài tiết vào nước tiểu dưới dạng nguyên vẹn.
Độc tính ở người
Các trường hợp quá liều sucralfate chưa từng được ghi nhận. Theo đó, các thử nghiệm sử dụng liều tối đa lên đến 12 g/kg/trọng lượng cơ thể ở một số loài động vật không gây tử vong. Do đó, liều lượng gây chết người không thể được xác định. Tuy nhiên, sử dụng quá liều sucralfate có khả năng dẫn đến táo bón.
Tính an toàn
Sự phát sinh ung thư
Các nghiên cứu về độc tính trong 24 tháng được thực hiện trên loài gặm nhấm với liều lượng sucralfate lên đến 1 g/kg (tương đương với 12 lần liều khuyến cáo cho người) không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của các khối u liên quan đến sucralfate.
Thai kỳ
Sucralfate được coi là thuốc nhóm B đối với phụ nữ mang thai. Theo đó, các nghiên cứu đã được thực hiện trên loài gặm nhấm và thỏ với liều lượng gấp 50 lần liều khuyến cáo cho người nhưng không thấy bất kỳ dấu hiệu gây hại nào đối với thai nhi.
Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng đầy đủ và được kiểm soát tốt chưa được thực hiện ở phụ nữ có thai. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng liên quan đến phản ứng của con người. Do đó, chỉ sử dụng sucralfate trong thời kỳ mang thai sau khi đã cân nhắc giữa các yếu tố lợi ích và nguy cơ.
Phụ nữ cho con bú
Khả năng phân bố của sucralfat vào sữa vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể người là rất ít, do đó nếu thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ thì liều lượng này cũng không đáng kể.
Tương tác với thuốc khác
Có thể dùng các thuốc kháng acid cùng với sucralfate trong điều trị loét tá tràng để giảm nhẹ chứng đau. Tuy nhiên, không được uống cùng một lúc vì các thuốc kháng acid có thể ảnh hưởng đến sự gắn kết của sucralfate trên niêm mạc. Do đó, bệnh nhân nên uống antacid trước hoặc sau khi uống sucralfate 30 phút.
Sử dụng đồng thời sucralfate với các thuốc như cimetidin, ranitidin, ciprofloxacin, norfloxacin, phenytoin, theophylin, ofloxacin, digoxin, warfarin, tetracyclin sẽ làm giảm hấp thu của các thuốc này. Do đó, nên uống những thuốc này 2 giờ trước hoặc sau khi uống sucralfate.
Lưu ý khi sử dụng Sucralfate
Cần thận trọng khi sử dụng sucralfate ở bệnh nhân suy thận do nguy cơ tăng tích lũy nhôm trong huyết thanh, nhất là khi dùng dài ngày. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân suy thận nặng, nên tránh dùng sucralfate.
Một vài nghiên cứu của Sucralfate trong Y học
Hiệu quả của sucralfate trong viêm thực quản ăn mòn: một nghiên cứu tiền cứu, ngẫu nhiên
Cơ sở/ mục đích: Việc nuốt phải một tác nhân hóa học là một vấn đề nghiêm trọng và một số quy trình xử lý để ngăn ngừa sự hình thành khe hẹp đã được đề xuất. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu tiền cứu ngẫu nhiên để đánh giá hiệu quả của sucralfate chuyên sâu đường uống cộng với liệu pháp thông thường so với liệu pháp thông thường đơn thuần.
Phương pháp: Mười lăm bệnh nhân bị viêm thực quản ăn mòn giai đoạn 2b và 3 được nhận vào khoa tiêu hóa, khoa phẫu thuật tổng quát và khoa chăm sóc đặc biệt từ năm 2004 đến năm 2007.
Bệnh nhân được chia làm hai nhóm và những người trong nhóm đầu tiên (n = 8) được điều trị bằng sucralfat chuyên sâu cùng với liệu pháp thông thường, trong khi nhóm còn lại (n = 7) chỉ được điều trị thông thường. Quy trình nội soi được thực hiện vào các ngày: 0, 21, 45, 90 và 180 để xác định các biến chứng khẩn cấp.
Kết quả: Trong nhóm đầu tiên, chỉ có một bệnh nhân bị hẹp thực quản, cho phép đi qua ống nội soi 9,2 mm và không gây khó nuốt vào ngày thứ 45. Không có tiến triển trong quá trình theo dõi ở tháng thứ 3 và thứ 6. Ở nhóm thứ hai, 6 bệnh nhân hình thành khe hẹp thực quản gây khó nuốt.
Kết luận: Liệu pháp sucralfate chuyên sâu có thể làm giảm tần suất hình thành khe hẹp ở những bệnh nhân bị viêm thực quản ăn mòn tiến triển. Các nghiên cứu sâu hơn với các nhóm bệnh nhân lớn được yêu cầu để xác nhận những phát hiện của nghiên cứu này.
Tài liệu tham khảo
- 1. Drugbank, Sucralfate, truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2022.
- 2. Gümürdülü, Y., Karakoç, E., Kara, B., Taşdoğan, B. E., Parsak, C. K., & Sakman, G. (2010). The efficiency of sucralfate in corrosive esophagitis: a randomized, prospective study. The Turkish journal of gastroenterology : the official journal of Turkish Society of Gastroenterology, 21(1), 7–11.
- 3. Pubchem, Sucralfate, truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2022.
- 4. Bộ Y Tế (2012), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Hungary
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Ấn Độ
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Hàn Quốc
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Slovenia
Xuất xứ: Hungary
Xuất xứ: Hungary
Xuất xứ: Hàn Quốc
Xuất xứ: Ý