Rebamipid
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo – Khoa Dược, Trường Y Dược – Đại học Duy Tân.
Danh pháp
Tên chung quốc tế
Rebamipid
Tên danh pháp theo IUPAC
2-[(4-chlorobenzoyl)amino]-3-(2-oxo-1H-quinolin-4-yl)propanoic acid
Nhóm thuốc
Thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng
Mã ATC
A – Đường thải và chuyển hóa
A02 – Thuốc điều trị rối loạn liên quan đến axit
A02B – Thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày-thực quản
A02BX – Các loại thuốc khác cho bệnh loét dạ dày tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
A02BX14 – Rebamipid
Mã UNII
LR583V32ZR
Mã CAS
90098-04-7
Cấu trúc phân tử
Công thức phân tử
C19H15ClN2O4
Phân tử lượng
370.8 g/mol
Cấu trúc phân tử
Rebamipid là một cacboxamit bậc hai, có cấu trúc 2-[[(4-chlorophenyl)-oxomethyl]amino]-3-(2-oxo-1H-quinolin-4-yl)propanoic acid.
Các tính chất phân tử
Số liên kết hydro cho: 3
Số liên kết hydro nhận: 4
Số liên kết có thể xoay: 5
Diện tích bề mặt tôpô: 95.5 Ų
Số lượng nguyên tử nặng: 26
Các tính chất đặc trưng
Điểm nóng chảy: 288 – 290°C
Điểm sôi: 695°C
Tỷ trọng riêng: 374.1 g/mL
Phổ hồng ngoại: Đạt cực đại tại 1646.2cm-1
Độ tan trong nước: < 1 mg/mL
Hằng số phân ly pKa: 3.52
Khả năng liên kết với Protein huyết tương: 98,4 – 98,6%
Cảm quan
Rebamipid có dạng bột kết tinh màu trắng, tan được trong dimethyl- formamide và DMSO, nhưng ít tan trong nước, methanol cũng như ethanol.
Dạng bào chế
Viên nén: 100 mg.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản
Viên nén Rebamipid nên được bảo quản kín trong bao bì gốc của nhà sản xuất, để ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30°C, tránh ánh sáng và hơi ẩm.
Dược lý và cơ chế hoạt động
Rebamipid là một dẫn xuất quinolinone, có tác dụng chống loét và chống viêm. Theo đó, Rebamipid kích thích tổng hợp cyclooxygenase 2 (COX-2), dẫn đến làm tăng tổng hợp prostaglandin nội sinh tạo thành prostaglandin E2 trong niêm mạc dạ dày và prostaglandin I2 trong dịch dạ dày. Do đó, thuốc có thể bảo vệ dạ dày trước các tác nhân gây tổn thương như rượu và NSAIDs.
Hơn nữa, Rebamipid còn thúc đẩy hoạt động của enzyme có trong dạ dày để tổng hợp các glycoprotein trọng lượng phân tử cao, giúp làm dày thêm lớp màng nhầy trên bề mặt của niêm mạc dạ dày. Đồng thời, thuốc cũng có tác dụng ngăn chặn sự tổn thương niêm mạc dạ dày trong các mô loét, tái cung cấp máu cho niêm mạc bị thiếu máu cục bộ và thúc đẩy nhanh quá trình lành niêm mạc.
Ngoài ra, Rebamipid cũng ngăn chặn sự tiết acid taurocholic có trong acid mật. Đây là một loại acid có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, do đó thuốc có thể có tác dụng phòng ngừa và chữa lành vết viêm.
Ứng dụng trong y học
Tác dụng ức chế của Rebamipid đối với quá trình peroxy hóa lipid gây ra bởi chất khơi mào gốc tự do cũng đã được chứng minh trên hệ thống in vitro sử dụng chất đồng nhất niêm mạc dạ dày ở chuột.
Theo đó, những dữ liệu này chỉ ra rằng Rebamipid có khả năng bảo vệ chống lại tổn thương niêm mạc dạ dày liên quan đến oxy phản ứng và bạch cầu trung tính bằng cách loại bỏ gốc hydroxyl và ức chế hoạt hóa bạch cầu trung tính hoặc peroxy hóa lipid. Vì vậy, Rebamipid có thể góp phần điều trị ở bệnh nhân đang dùng NSAID hoặc bị nhiễm H. pylori.
Ngoài ra, Rebamipid cũng ngăn chặn sự tăng sản xuất của interleukin-8 ở niêm mạc dạ dày ở bệnh nhân bị nhiễm H.pylori, do đó tăng cường khả năng tiệt trừ H. pylori cùng với các liệu pháp diệt trừ tiêu chuẩn.
Dược động học
Hấp thu
Tốc độ hấp thu của Rebamipid chậm hơn khi uống sau bữa ăn so với lúc đói, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc.
Phân bố
Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương của Rebamipid khoảng 98,4 – 98,6%. Theo đó, thuốc phân bố vào huyết tương với nồng độ từ 0,05 – 5 µg/ml.
Chuyển hóa
Rebamipid được chuyển hóa tại gan thông qua cytochrom P450 3A4 thành dạng có chứa nhóm hydroxyl ở vị trí số 8.
Thải trừ
Khoảng 10% liều lượng Rebamipid được bài tiết vào nước tiểu dưới dạng không đổi và 0,3% ở dạng chất chuyển hóa.
Độc tính ở người
Các tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng Rebamipid hiếm khi xảy ra, tuy nhiên các triệu chứng có thể bao gồm: Táo bón, chướng bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ợ nóng, giảm bạch cầu, rối loạn chức năng gan, ban, ngứa, eczema, rối loạn vị giác, rối loạn kinh huyệt hoặc phù.
Ngoài ra, các triệu chứng khác như sốc và phản ứng phản vệ, giảm tiểu cầu, vàng da, mề đay, tê, chóng mặt, buồn ngủ, đau, ho, suy hô hấp, rụng tóc, vú sưng phù… cũng đã được ghi nhận.
Tính an toàn
Các nghiên cứu hiện tại vẫn chưa xác định tính an toàn của Rebamipid đối với phụ nữ có thai và trẻ em, do đó chỉ sử dụng Rebamipid sau khi cân nhắc giữa các yếu tố lợi ích và nguy cơ.
Mặt khác, các nghiên cứu trên động vật cho thấy Rebamipid có thể phân bố vào sữa. Vì vậy, phụ nữ đang cho con bú nên cân nhắc ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú trong quá trình điều trị với Rebamipid.
Tương tác với thuốc khác
Các dữ liệu về tương tác của Rebamipid với các loại thuốc khác còn rất hạn chế. Tuy nhiên, sử dụng đồng thời Rebamipid với L-Glutamin hoặc taurin có thể làm tăng sự hấp thu của Rebamipid ở ruột lên gấp 4 – 9 lần. Do đó, nên dùng Rebamipid cách khoảng 2 giờ đối với các thuốc này để không làm tăng nồng độ trong huyết tương của Rebamipid, cũng như không gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Lưu ý khi sử dụng Rebamipid
Cần thận trọng khi sử dụng Rebamipid ở người cao tuổi vì nguy cơ rối loạn dạ dày hoặc ruột.
Cần ngừng thuốc ngay nếu xảy ra các phản ứng quá mẫn.
Nếu mức enzyme gan tăng rõ rệt hoặc có dấu hiệu sốt và nổi ban thì phải ngừng thuốc ngay. Đồng thời tiến hành các biện pháp điều trị thích hợp.
Một số bệnh nhân có thể bị chóng mặt hoặc buồn nôn khi sử dụng Rebamipid ở mức liều 100mg, do đó bệnh nhân cần thận trọng khi đang lái xe hoặc vận hành máy móc.
Một vài nghiên cứu của Rebamipid trong Y học
Tổn thương ruột non do Aspirin và tác dụng phòng ngừa của Rebamipid
Mục tiêu: Đánh giá ảnh hưởng của việc dùng aspirin liều thấp trong 4 tuần đối với các biến chứng ruột non và kiểm tra tác dụng phòng ngừa của Rebamipid.
Phương pháp: Nghiên cứu này được thực hiện như một nghiên cứu đơn trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, chéo, đối chứng với giả dược. Mười một đối tượng nam giới khỏe mạnh đã được ghi danh.
Mỗi đối tượng được nội soi bằng viên nang sau 1 và 4 tuần dùng aspirin và omeprazole, cùng với liệu pháp Rebamipid hoặc giả dược. Mục đích chính là đánh giá tổn thương ruột non ở những người khỏe mạnh trước và sau khi dùng aspirin liều thấp trong 4 tuần.
Kết quả: Số đối tượng bị vỡ niêm mạc (được định nghĩa là nhiều vết ăn mòn và / hoặc loét) là 1 ở 1 tuần và 1 ở 4 tuần trên hỗng tràng, và 6 ở 1 tuần (P = 0,0061) và 7 ở 4 tuần trên hồi tràng (P = 0,0019). Rebamipid đã ngăn ngừa đáng kể sự vỡ niêm mạc trên hồi tràng so với nhóm dùng giả dược (P = 0,0173 ở 1 tuần và P = 0,0266 ở 4 tuần).
Kết luận: Sử dụng aspirin liều thấp, lâu dài gây ra tổn thương ở ruột non. Rebamipid đã ngăn ngừa thiệt hại này và có thể là một loại thuốc có tiềm năng để điều trị các biến chứng ruột non do aspirin gây ra.
Tài liệu tham khảo
- 1. Drugbank, Rebamipid, truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2022.
- 2. Mizukami, K., Murakami, K., Abe, T., Inoue, K., Uchida, M., Okimoto, T., Kodama, M., & Fujioka, T. (2011). Aspirin-induced small bowel injuries and the preventive effect of Rebamipid. World journal of gastroenterology, 17(46), 5117–5122. https://doi.org/10.3748/wjg.v17.i46.5117
- 3. Pubchem, Rebamipid, truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2022.
- 4. Bộ Y Tế (2012), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Hàn Quốc
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Hàn Quốc
Xuất xứ: Hàn Quốc