Phenylpropanolamin
Đặc điểm của Phenylpropanolamin?
Phenylpropanolamin là gì?
Phenylpropanolamine thuộc nhóm thuốc cường giao cảm, trước đây được ứng dụng trong điều trị giúp thông mũi, giảm cân, tuy nhiên đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thu hồi do một số các vấn đề liên quan đến rủi ro an toàn và hiệu quả đạt được.
Hoạt chất là một tác nhân giao cảm, hoạt động tương tự chất chủ vận thủ thể adrenergic không chọn lọc và chất ức chế tái hấp thu norepinephrine. Một số các nghiên cứu cho thấy nó có nguy cơ gây xuất huyết dẫn đến đột quỵ nên đã bị rút khỏi thị trường Hoa Kỳ, Canada.
Danh pháp quốc tế
Phenylpropanolamin
Công thức hóa học/phân tử
C9H13NO
Tính chất vật lý
Cảm quan: Chất rắn hoặc bột tinh thể trắng, có mùi thơm nhẹ
Điểm nóng chảy: 101-101,5°C.
Độ hòa tan: Tan trong nước và rượu
Khi đun nóng ở nhiệt độ cao để phân hủy, Phenylpropanolamin thải ra khói nitroxid rất độc.
Dạng bào chế
Dạng đơn chất: Phenylpropanolamin hiện nay được bào chế ở dạng viên nén và dạng siro
Ngoài ra, Phenylpropanolamin có thể kết hợp với các hoạt chất khác với các hàm lượng khác nhau.
Phenylpropanolamin có tác dụng gì?
Cơ chế tác dụng
Phenylpropanolamine có khả năng tác động trực tiếp lên thụ thể alpha và thụ thể beta adrenergic ở niêm mạc đường hô hấp. Khả năng tác động trên thụ thể alpha thấp hơn so với trên thụ thể beta.
Hoạt chất tác động trên thụ thể alpha-adrenergic gây kích thích, làm co mạch, hạn chế tình trạng sung huyết ở mô, giảm phù nề, cải thiện tình trạng ngạt mũi, giúp đường thở thông thoáng hơn.
Phenylpropanolamine tác động gián tiếp lên beta adrenergic gây kích thích, tăng nhịp tim và tăng co bóp cơ tim tích cực.
Dược lực học
Phenylpropanolamine đóng vai trò như một tác nhân kích thích giao cảm với cấu trúc tương tự pseudoephedrin, được ứng dụng trong điều trị ngạt mũi.
Ngoài ra, Phenylpropanolamine còn xuất hiện trong các sản phẩm ức chế sự thèm ăn. Trong các công thức thuốc điều trị ho và cảm lạnh, Phenylpropanolamine còn được kết hợp với Guaifenesinin.
Tuy nhiên, do nguy cơ gây xuất huyết dẫn đến đột quỵ ở phụ nữ, năm 2000, FDA đã yêu cầu dừng tiếp thị sản phẩm có chứa thành phần Phenylpropanolamine.
Dược động học
Phenylpropanolamine hấp thu qua đường tiêu hóa, tuy nhiên sinh khả dụng thấp khoảng 38% do thuốc chuyển hóa lần đầu trong dạ dày và gan bởi monoamine oxidase. Quá trình chuyển hóa của Phenylpropanolamine diễn ra chủ yếu tại gan. Thời gian bán thải của hoạt chất khoảng 2,1 đến 3,4 giờ. Các thông tin khác về dược động học của Phenylpropanolamine hiện vẫn đang được nghiên cứu và cập nhật.
Ứng dụng trong y học
- Phenylpropanolamine được ứng dụng trong điều trị triệu chứng ngạt mũi do cảm cúm, cảm lạnh, sốt, viêm xoang, dị ứng đường hô hấp trên. Thuốc có thể sử dụng ở dạng đơn thành phần hoặc dạng kết hợp, thuộc nhóm thuốc không kê đơn. Ở dạng kết hợp, Phenylpropanolamine có khả năng điều trị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh.
- Phenylpropanolamine dùng để hạn chế sự thèm ăn, từ đó giảm lượng calo hấp thu ở đối tượng giảm cân trong thời gian ngắn. Thuốc có thể sử dụng ở dạng đơn thành phần hoặc dạng kết hợp, thuộc nhóm thuốc không kê đơn.
- Một số các nghiên cứu phát hiện Phenylpropanolamine làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết (xuất huyết trong não hoặc mô xung quanh não) ở cả nam giới và nữ giới, tỷ lệ ở nữ giới cao hơn so với nam giới. Tỷ lệ xuất hiện đột quỵ xuất huyết là thấp, tuy nhiên FDA khuyến cáo không sử dụng Phenylpropanolamine trong điều trị ở bất kỳ dạng bào chế nào. FDA đã thực hiện các dự án từng bước để loại bỏ hoạt chất này khỏi tất cả các sản phẩm thuốc đã ban hành để đảm bảo sức khỏe con người.
Nghiên cứu mới trong y học về Phenylpropanolamin
Một nghiên cứu về tác dụng của Phenylpropanolamine lên chức năng hệ thần kinh giao cảm của con người đã được thực hiện bởi Lake CR và các cộng sự vào năm 1988. Nghiên cứu được thực hiện trên 14 tình nguyện viên bình thường để xác định tác động cấp tính liều hàng ngày 75mg Phenylpropanolamine. Sau khi sử dụng thuốc, các nhân viên y tế sẽ tiến hành đo nhịp tim, huyết áp và nồng độ catecholamine trong huyết tương ở tình nguyện viên trong ba tư thế: nằm ngửa, đứng, cầm máy đo lực kế 5 phút.
Kết quả cho thấy huyết áp tâm thu thu được ở các tư thế và thời gian lấy mẫu ở đối tượng dùng Phenylpropanolamine cao hơn so với người dùng giả dược (F = 5,95, p = 0,03), nhưng không có tình nguyện viên nào tăng huyết áp quá mức, kết quả không có ý nghĩa trong lâm sàng.
Về nồng độ catecholamine trong huyết tương, kết quả cho thấy không có thay đổi đáng kể nào.
Về nồng độ nồng độ Phenylpropanolamine trong máu, nồng độ sau 24 giờ liều cuối cùng trong 14 liều hàng ngày tương tự nồng độ ghi nhận tại thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau khi dùng liều đầu tiên.
Từ nghiên cứu trên kết luận được rằng Phenylpropanolamine liều khuyến nghị chỉ tác dụng lên hệ thần kinh giao cảm và tim mạch ở đối tượng trẻ, sức khỏe bình thường, huyết áp bình thường tại thời điểm và liều dùng như nghiên cứu đã thực hiện.
Tài liệu tham khảo
- Lake CR, Chernow B, Zaloga G, Labow J, Quirk R, Hedges SM. The effects of phenylpropanolamine on human sympathetic nervous system function. Neuropsychopharmacology, ngày truy cập 23/12/2024.
- Drugbank, Phenylpropanolamine: Uses, Interactions, Mechanism of Action, ngày truy cập 23/12/2024.