Meglitinid
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo
Danh pháp
Tên chung quốc tế
Meglitinid
Nhóm thuốc
Thuốc chống đái tháo đường type 2
Mã ATC
A10BX02
A – Thuốc chuyển hóa đường tiêu hóa.
A10 – Thuốc được sử dụng chống đái tháo đường.
A10B – Thuốc uống hạ đường huyết, ngoại trừ insulins.
A10BX – Các thuốc thuốc hạ đường huyết khác, ngoại trừ insulins.
Cấu trúc phân tử
Dạng bào chế
Dạng Viên nén: 0,5 mg, 1 mg và 2 mg.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản của hoạt chất
Bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ dưới 25 °C, tránh để hoạt chất ở nơi ẩm và tránh ánh nắng trực tiếp.
Nguồn gốc
Meglitinides hoặc glinides là một nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2, gồm các hoạt chất chính là Repaglinide và Nateglinide.
Repaglinide được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận vào năm 1997.
Nateglinide được phát triển bởi Ajinomoto, một công ty Nhật Bản và được bán bởi công ty Dược Thụy Sĩ Novartis.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Meglitinid có tác dụng gây hạ đường huyết, thuộc dẫn chất acid carbamoyl – methyl – benzoic, kích thích tế bào β của tuyến tụy tiết insulin làm giảm glucose huyết. Cơ chế tác dụng của Meglitinid là đóng kênh kali phụ thuộc ATP ở màng tế bào β, làm cho tế bào β bị khử cực, kênh calci mở ra, khiến cho ion Ca2+ xâm nhập vào trong tế bào, kích thích giải phóng insulin ra khỏi tế bào.
Trên động vật thí nghiệm, Meglitinid làm tăng nồng độ insulin trong huyết tương nhanh, nhiều hơn đồng thời gây hạ đường huyết sớm hơn so với glyburid và glimepirid. So với sulfonylurea, Meglitinid có khởi đầu tác dụng sớm hơn, thời gian tác dụng ngắn hơn, nên ít gây tụt đường huyết kéo dài.
Meglitinid làm giảm nồng độ glucose máu cả lúc đói và sau bữa ăn trên động vật thí nghiệm, người khỏe mạnh và trên bệnh nhân đái tháo đường. Đồng thời Meglitinid làm giảm nồng độ đường và hemoglobin A1c (HbA1c) trong huyết tương tương tự với thuốc chống đái tháo đường nhóm sulfonylurea. Mức liều tối thiểu có tác dụng hạ glucose huyết của Meglitinid ít hơn 18 đến 25 lần so với glyburid và glimepirid. Mức độ giảm phụ thuộc vào liều dùng hàng ngày khoảng 0,25 – 16 mg. Khác với các thuốc chống đái tháo đường sulfonylurea, Meglitinid không kích thích tiết insulin khi lượng glucose máu không tăng và lượng insulin được giải phóng sẽ giảm khi nồng độ glucose máu xuống thấp.
Meglitinid tác động lên kênh kali và calci của tế bào β tuyến tụy một cách có chọn lọc, không có tác động lên tế bào xương, cơ tim hay tuyến giáp.
Meglitinid kích thích bài tiết insulin một cách sinh lý hơn so với sulfonylurea nên Meglitinid có vai trò để kiểm soát tăng đường huyết sau bữa ăn theo nguyên tắc “ăn một bữa, dùng một liều; không ăn, không dùng”.
Các tác dụng nội mạch của Meglitinid cao nhất ở mức glucose trung gian (3 đến 10 mmol/L) và nó không làm tăng giải phóng insulin đã được kích thích bởi nồng độ glucose cao (lớn hơn 15 mmol/L). Meglitinid dường như có tính chọn lọc đối với tế bào β tuyến tụy và dường như không ảnh hưởng đến cơ xương, cơ tim hoặc mô tuyến giáp.
Trong các nghiên cứu so sánh, cả ngắn ngày lẫn dài ngày, Meglitinid sau khi hạ chỉnh liều có tác dụng bằng glyburid và tác dụng hơn glipizid để điều trị tăng đường huyết ở người đái tháo đường type 2 trước đó chưa được điều trị bằng các thuốc uống chống đái tháo đường khác. Giống như sulfonylurea, liệu pháp Meglitinid thường làm tăng nồng độ insulin huyết sau bữa ăn. Tác dụng hạ đường huyết của Meglitinid không bị ảnh hưởng bởi thời gian mắc bệnh, chủng tộc hoặc tuổi.
Meglitinid tác động không đáng kể đến nồng độ lipid (cholesterol toàn phần, LDL, HDL) và fibrinogen trong máu. Với các bệnh nhân đã được điều trị bằng các thuốc chống đái tháo đường khác thì cân nặng không thay đổi khi chuyển sang dùng Repaglinide trong khi đó với các bệnh nhân dùng Meglitinid là lựa chọn đầu tiên thì cân nặng tăng khoảng 3,3%.
Ứng dụng/ Chỉ định trong y học
Meglitinid là một loại thuốc sử dụng đường uống để bổ sung vào chế độ ăn uống và tập thể dục nhằm kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Meglitinid có thể được dùng phối hợp với metformin hoặc thiazolidinedion, khi dùng đơn độc không kiểm soát được đường huyết. Nếu dùng phối hợp vẫn không kiểm soát được đường huyết, thì cần phải cân nhắc thay bằng insulin.
Dược động học
Hấp thu
Meglitinid đường uống được hấp thu nhanh sau khi uống trước bữa ăn, sinh khả dụng tuyệt đối được ước tính là khoảng 73%. Nồng độ đỉnh trong huyết tương thường xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi uống. Thời gian bắt đầu tác dụng là trước 20 phút và thời gian tác dụng khoảng 4 giờ.
Phân bố
Thể tích phân bố của Meglitinid khoảng 31 lít. Meglitinid liên kết mạnh với protein huyết tương tới 98%, chủ yếu liên kết với albumin hay acid α1 – glycoprotein. Meglitinid có thể phân bố vào sữa mẹ.
Chuyển hóa
Meglitinid được chuyển hóa ở gan. Chuyển hóa là thông qua hydroxyl hóa, sau đó là glucuronid hóa. Các chất chuyển hóa chính có hoạt tính chống đái tháo đường ít hơn Meglitinid , nhưng chất chuyển hóa phụ isoprene có hoạt tính chống đái tháo đường tương đương với Meglitinid .
Thải trừ
Nửa đời thải trừ của Meglitinid là khoảng 1,5 giờ. Meglitinid chủ yếu đào thải qua nước tiểu (83%) và phân (khoảng 10%).
Những điều cần lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc
Chống chỉ định
Quá mẫn với Meglitinid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Bệnh nhân bị đái tháo đường type 1 phụ thuộc vào insulin.
Bệnh nhân đái tháo đường hôn mê (tăng áp lực thẩm thấu) hoặc không hôn mê do bị nhiễm ceton.
Người suy gan nặng.
Trẻ em dưới 12 tuổi.
Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Thận trọng
Thận trọng khi dùng Meglitinid cho các bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, người cao tuổi, suy dinh dưỡng hoặc rối loạn chức năng tuyến thượng thận hoặc tuyến giáp có thể tăng tính nhạy cảm với hạ đường huyết.
Với người suy thận, không cần điều chỉnh liều khởi đầu, nhưng cần thận trọng khi tăng liều.
Với người suy gan, cũng không cần điều chỉnh liều khởi đầu, nhưng khoảng thời gian chờ để tăng liều phải dài hơn (>1 tuần).
Người cao tuổi thường nhạy cảm với tình trạng hạ đường huyết, nên phải theo dõi chặt chẽ hơn khi bắt đầu điều trị với Meglitinid .
Khi cần có thể ngừng trị liệu bằng Meglitinid đối với người bệnh bị sốt cao, chấn thương, nhiễm khuẩn, phẫu thuật và tạm thời thay thế bằng insulin.
Cần thận trọng khi lựa chọn bệnh nhân phù hợp, liều dùng và hướng dẫn đầy đủ cho người bệnh là rất quan trọng để tránh xảy ra hiện tượng tụt đường huyết điều trị bằng Meglitinid .
Độc tính ở người
Triệu chứng
Tác dụng phụ đáng lo ngại của Meglitinid giống như các loại thuốc trị đái tháo là hạ đường huyết.
Các triệu chứng thường gặp nhất là tiêu hóa nhất thời, tiêu chảy và giảm khả năng tình dục.
Chưa có trường hợp nào được thông báo về quá liều ở người.
Trên gan
Trong một số thử nghiệm lâm sàng lớn, sự gia tăng aminotransferase huyết thanh trong khi điều trị bằng Meglitinid là không phổ biến và có tần suất tương tự với giả dược. Tất cả các trường hợp tăng men huyết thanh xảy ra đều không có triệu chứng và được giải quyết nhanh chóng khi ngừng điều trị. Kể từ khi được phê duyệt và sử dụng rộng rãi, đã có một số ít báo cáo về tổn thương gan rõ ràng trên lâm sàng do Meglitinid
Thời gian khởi phát dao động từ 2 đến 8 tuần và kiểu tăng men huyết thanh thường là ứ mật hoặc hỗn hợp. Vàng da và ngứa nổi rõ. Không có các đặc điểm dị ứng miễn dịch và tự kháng thể. Tất cả các trường hợp đã công bố đều đã được tự giới hạn, giải quyết trong vòng 1 đến 2 tháng là dừng.
Tương tác với thuốc khác
Có tổng cộng 482 loại thuốc được biết là có tương tác với Meglitinid , được phân loại là 18 loại tương tác chính, 436 loại trung bình và 28 loại tương tác nhỏ.
Atazanavir | Atazanavir làm thay đổi nồng độ trong máu và tác dụng của Meglitinid . |
Clopidogrel | Phối hợp các thuốc có thể dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc lượng đường trong máu thấp. |
Enoxacin | Enoxacin đôi khi có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết. |
Gemfibrozil | Kết hợp các thuốc có thể làm tăng nồng độ Meglitinid trong máu đến mức nguy hiểm. |
Ketoconazole | Ketoconazole có thể làm tăng nồng độ Meglitinid trong máu. |
Liotrix | Liotrix có thể can thiệp vào việc kiểm soát đường huyết và làm giảm hiệu quả của Meglitinid . |
Mecasermin | Sử dụng cùng nhau có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp. |
Nilotinib | Nilotinib có thể làm tăng nồng độ Meglitinid trong máu. |
Quinestrol | Quinestrol có thể cản trở việc kiểm soát đường huyết và làm giảm hiệu quả của Meglitinid |
Valdecoxib | Sử dụng Valdecoxib cùng Meglitinid làm tăng nguy cơ hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp. |
Ziprasidone | Ziprasidone có thể cản trở việc kiểm soát đường huyết và làm giảm hiệu quả của Meglitinid . |
Một vài nghiên cứu của Repaglinde trong Y học
Hiệu quả và an toàn tim mạch của Meglitinides
Meglitinides là một nhóm thuốc uống hạ đường huyết hiện được phê duyệt để điều trị bệnh đái tháo đường týp 2 (T2DM). Hai phân tử meglitinide, Repaglinide và Nateglinide, hiện đang được sử dụng. Repaglinide được ưa chuộng hơn vì hiệu quả hạ đường huyết vượt trội của nó. Chúng có hiệu quả khiêm tốn với mức giảm trung bình của huyết sắc tố glycosyl hóa (HbA1c) nằm trong khoảng từ -0,2 đến -1,50% với liệu pháp riêng lẻ.
Việc giảm thêm HbA1c có thể xảy ra khi điều trị phối hợp với các thuốc hạ đường huyết dạng uống khác. Nhóm thuốc này có hiệu quả trong việc kiểm soát tăng đường huyết sau ăn với nguy cơ hạ đường huyết tối thiểu. Nó cũng hữu ích ở những bệnh nhân có thời gian bữa ăn thay đổi, đặc biệt là ở người già và bệnh nhân suy thận. Có rất ít các nghiên cứu dài hạn về meglitinide để đánh giá kết quả tim mạch hoặc tỷ lệ tử vong ở bệnh đái tháo đường týp 2, mặc dù nghiên cứu về kết quả tim mạch tổng hợp của Nateglinide và Valsartan trong Nghiên cứu về kết quả dung nạp glucose kém (NAVIGATOR) cho thấy không có sự khác biệt giữa Nateglinide và giả dược về kết quả tim mạch tổng hợp cốt lõi.
Bài viết này là một nỗ lực để xem xét hiệu quả và độ an toàn tim mạch (CV) của Meglitinides để giúp các bác sĩ lâm sàng sử dụng nhóm thuốc hạ đường huyết đường uống này một cách thận trọng.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y Tế (2018), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Drugs.com, Interactions checker, Meglitinid , truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2022.
- Go.drugbank, Drugs, Meglitinid , truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2023.
- Philip, J., & Fernandez, C. J. (2021). Efficacy and cardiovascular safety of meglitinides. Current Drug Safety, 16(2), 207-216.
- Pubchem, Meglitinid , truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2023.
- Pubmed, Meglitinid , truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2023.