Magie Trisilicat
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo – Khoa Dược, Trường Y Dược – Đại học Duy Tân.
Danh pháp
Tên chung quốc tế
Magnesium trisilicate
Tên đồng nghĩa
Magnesium silicate hydrate
Magnesium silicon oxide
Tên danh pháp theo IUPAC
Dimagnesium;dioxido-bis[[oxido(oxo)silyl]oxy]silane
Nhóm thuốc
Thuốc kháng acid
Mã ATC
A – Đường tiêu hóa và chuyển hóa
A02 – Các Acid, thuốc điều trị loét dạ dày – Tá tràng và đầy hơi
A02A – Kháng Acid
A02AA – Các hợp chất Magnesium
A02AA05 – Magnesium silicate
Mã UNII
FML8G1U0Y3
Mã CAS
14987-04-3
Cấu trúc phân tử
Công thức phân tử
Mg2O8Si3
Phân tử lượng
260.86 g/mol
Cấu trúc phân tử
Magnesi trisilicat là magnesi silicat hydrat, có thành phần thay đổi gần đúng với công thức Mg2Si3O8.xH20, phải chứa không dưới 29,0% magnesi oxyd [MgO; P.t.l: 40,30] và không dưới 65,0 % silic dioxyd [SiO2; p.t.l: 60,1], cả hai đều tính theo chế phẩm đã nung.
Các tính chất phân tử
Số liên kết hydro cho: 0
Số liên kết hydro nhận: 8
Số liên kết có thể xoay: 2
Diện tích bề mặt tôpô: 145 Ų
Số lượng nguyên tử nặng: 13
Các tính chất đặc trưng
Điểm nóng chảy: 1910ºC
Độ pH: 6,3 – 9,5
Hằng số phân ly pKa: -7.7
Chu kì bán hủy: 16 – 20 giờ
Khả năng liên kết với Protein huyết tương: 33%
Cảm quan
Magnesi trisilicat có dạng bột kết tinh màu trắng mịn, không mùi, hút ẩm nhẹ, không tan trong nước và alcohol.
Dạng bào chế
Bột.
Hỗn dịch: 200 ml.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản
Các dạng bào chế của magnesi trisilicat nên được bảo quản kín trong bao bì gốc của nhà sản xuất, nhiệt độ từ 15 – 30ºC, tránh ánh sáng trực tiếp và hơi ẩm.
Dược lý và cơ chế hoạt động
Magnesi trisilicat được sử dụng làm thuốc kháng acid dịch vị, đồng thời cung cấp magnesi cho cơ thể khi bị thiếu. Theo đó, thuốc hoạt động bằng cách làm tăng độ pH của dịch vị thông qua phản ứng trung hòa với acid clohydric. Hơn nữa, khi ở trong dạ dày, silicon dioxide cũng được hình thành do phản ứng của magnesi trisilicat với các chất chứa trong dạ dày. Đây là một chất dạng keo, có thể bao phủ niêm mạc đường tiêu hóa bị loét để tăng cường tác dụng bảo vệ cũng như chữa lành vết loét.
Ứng dụng trong y học
Thuốc kháng acid
Với tác dụng trung hòa acid dịch vị, magnesi trisilicat cũng như các muối chứa magnesi khác được sử dụng trong điều trị bệnh loét dạ dày – tá tràng. Theo đó, nó thường được chỉ định như một chất bổ sung để bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế các triệu chứng gây ra bởi vết loét. Đồng thời, thuốc cũng làm tăng cường tốc độ làm lành vết thương do viêm loét dạ dày.
Mặt khác, các muối magnesi nói chung có thể làm tăng áp lực thẩm thấu trong ruột, kích thích giải phóng cholecystokin và ngăn cản sự hấp thu của ruột để giữ nước và điện giải, đồng thời kích thích nhu động ruột. Do đó, các muối magnesi thường được phối hợp với muối nhôm trong các chế phẩm thuốc kháng acid dịch vị để điều chỉnh nhu động ruột, làm giảm bớt tác dụng phụ gây táo bón của cation nhôm.
Ứng dụng khác
Không giống như các magnesi silicat tự nhiên như talc và forsterit olivin có dạng tinh thể, magnesi trisilicat tổng hợp là một chất vô định hình. Do đó, bề mặt hoạt tính rất lớn làm cho magnesi trisilicat hữu ích cho nhiều ứng dụng như làm sạch chất hấp phụ (polyol, dầu động vật và thực vật, sắc ký…) Hơn nữa, magnesi trisilicat cũng có vai trò như chất xúc tác, chất mang xúc tác và phương tiện lọc.
Dược động học
Sau khi uống, magnesi trisilicat bắt đầu tác dụng ngay khi đói và kéo dài trong khoảng 30 ± 10 phút. Mặt khác, nếu uống vào bữa ăn hoặc sau khi ăn khoảng 1 giờ, tác dụng của thuốc kéo dài từ 1 – 3 giờ với khoảng 30% lượng magnesi được hấp thu.
Ở người khoẻ mạnh, việc tích lũy một lượng magnesi thấp không gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên ở người suy thận, cần phải thận trọng vì sự tích lũy này có thể làm tăng magnesi huyết.
Ngoài ra, do làm thay đổi pH dịch vị và nước tiểu, magnesi trisilicat có thể làm thay đổi tốc độ hoà tan và hấp thu, sinh khả dụng cũng như sự bài tiết qua thận của một số thuốc. Hơn nữa, các muối magnesi nói chung cũng có xu hướng hấp phụ thuốc và tạo thành một phức hợp không hoà tan, dẫn đến không được hấp thu vào cơ thể.
Lượng magnesi hấp thu được đào thải qua nước tiểu ở người có chức năng thận bình thường với thời gian bán thải trung bình từ 16 – 20 giờ. Trong khi đó, phần không được hấp thu sẽ bị thải qua phân.
Phương pháp sản xuất
Magnesi trisilicat được tổng hợp do phản ứng kết tủa của natri silicat hòa tan trong nước (thủy tinh nước) và muối magie hòa tan trong nước như magie clorua, magie nitrat hoặc magie sunfat.
Độc tính ở người
Các tác dụng phụ thường xảy ra trong quá trình sử dụng magnesi trisilicat bao gồm miệng đắng chát và tiêu chảy (khi dùng quá liều), ít gặp hơn là các triệu chứng cứng bụng, buồn nôn hoặc nôn.
Việc sử dụng magnesi trisilicat liều cao có thể gây ngộ độc và dẫn đến tăng magnesi huyết, các triệu chứng bao gồm: buồn nôn hoặc nôn, khát nước, đỏ bừng, buồn ngủ, lú lẫn, hạ huyết áp, mất phản xạ gân xương, yếu cơ, loạn nhịp tim, ức chế hô hấp, hôn mê và ngừng tim.
Tính an toàn
Ở phụ nữ mang thai, các thuốc kháng acid chứa magnesi nhìn chung được coi là an toàn, miễn là không dùng liều cao và kéo dài. Tuy nhiên, đã có báo cáo về tác dụng phụ như tăng hoặc giảm magnesi huyết, tăng phản xạ gân ở bào thai và trẻ sơ sinh khi có mẹ dùng thuốc trong thai kỳ với thời gian dài và đặc biệt với liều cao.
Ở phụ nữ cho con bú, chưa tài liệu nào ghi nhận về tác dụng phụ của thuốc. Mặc dù magnesi có thể phân bố vào sữa mẹ nhưng liều lượng này chưa đủ để gây ra các tác dụng phụ cho trẻ bú.
Ở trẻ nhỏ, sử dụng các muối magnesi nói chung có nguy cơ tăng magnesi huyết, đặc biệt ở trẻ mất nước hoặc trẻ bị suy thận.
Ở người bệnh suy thận nặng, không được sử dụng các thuốc kháng acid chứa magnesi vì chứng tăng magnesi huyết đã được ghi nhận. Theo đó, các triệu chứng bao gồm hạ huyết áp, suy giảm tâm thần, hôn mê.
Tương tác với thuốc khác
Tất cả các thuốc kháng acid nói chung (bao gồm magnesi trisilicat) đều có khả năng làm tăng hoặc giảm tốc độ và mức độ hấp thu các thuốc khác khi sử dụng đồng thời. Nguyên nhân có thể là do làm thay đổi thời gian của thuốc ở đường tiêu hóa hoặc do hình thành các phức với chúng. Trong đó, magnesi trisilicat có khả năng gắn vào thuốc mạnh nhất.
Sử dụng đồng thời magnesi trisilicat với các tetracyclin, digoxin, indomethacin, hoặc các muối sắt có thể làm giảm sự hấp thu của các thuốc này, dẫn đến giảm tác dụng điều trị.
Magnesi trisilicat cũng có thể làm giảm sự thải trừ của amphetamin và quinidin, dẫn đến tăng tác dụng cũng như độc tính.
Lưu ý khi sử dụng Magnesi trisilicat
Các thuốc kháng acid chứa magnesi nói chung thường gây nhuận tràng nên hầu như không được sử dụng đơn độc. Hơn nữa, khi dùng liều lặp lại có thể gây tiêu chảy, dẫn đến mất cân bằng thể dịch và điện giải. Do đó, khi dùng các chế phẩm kháng acid có chứa hơn 50 mEq magnesi mỗi ngày, cần được theo dõi cẩn thận về cân bằng điện giải và chức năng thận.
Không nên sử dụng magnesi trisilicat kéo dài liên tục trên 2 tuần nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng magnesi trisilicat lâu dài có thể gây sỏi thận silic.
Một vài nghiên cứu của Magnesi trisilicat trong Y học
So sánh việc sử dụng dự phòng hỗn hợp magnesi trisilicat B.P.C., hỗn hợp natri citrat hoặc cimetidin trong sản khoa
Ảnh hưởng của hỗn hợp magnesi trisilicat B.P.C., hỗn hợp natri citrat hoặc cimetidin đối với pH dạ dày và thể tích dạ dày hút được so sánh ở 78 bệnh nhân sản khoa trong phẫu thuật tự chọn (a) hoặc cấp cứu (b). Hỗn hợp magie trisilicat B.P.C. có liên quan đến các giá trị kiềm nhất của pH dạ dày (trung bình (a) 7,9, (b) 7,3; khoảng 2,9-9,1).
Hỗn hợp natri citrat 0,3 mol lít-1 dẫn đến phạm vi giá trị pH hẹp nhất của chất chứa trong dạ dày (trung bình (a) 5,4, (b) 5,9; khoảng 3,9-7,7). Phạm vi thể tích dịch hút của dạ dày rất rộng với cả hai phác đồ kháng acid (magnesi trisilicat 12-172 ml, natri citrat 9-290 ml).
Cimetidine làm tăng pH dạ dày lên hơn 2,5 ở 82% bệnh nhân (trung bình (a) 6,2, (b) 5,0; khoảng 1,6-7,3), và có liên quan đến thể tích dịch dạ dày hút ra nhỏ hơn đáng kể (khoảng 0,5-44 ml). Khi cân nhắc độ pH và thể tích dạ dày cùng nhau, các nhóm bệnh nhân được dùng cimetidin được tìm thấy là gần nhất với “giới hạn an toàn” đã xác định, có độ pH lớn hơn 2,5 và thể tích nhỏ hơn 25 ml.
Tài liệu tham khảo
- 1. Drugbank, Magnesium trisilicate, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2022.
- 2. Frank, M., Evans, M., Flynn, P., & Aun, C. (1984). Comparison of the prophylactic use of magnesium trisilicate mixture B.P.C., sodium citrate mixture or cimetidine in obstetrics. British journal of anaesthesia, 56(4), 355–362. https://doi.org/10.1093/bja/56.4.355
- 3. Pubchem, Magnesium trisilicate, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2022.
- 4. Bộ Y Tế (2012), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
Xuất xứ: Việt Nam