Kali Aspartat
Đặc điểm của Kali aspartat là gì?
Kali aspartat là hợp chất được hình thành từ sự kết hợp giữa kali, một khoáng chất thiết yếu, và axit aspartic, một axit amin không thiết yếu. Hợp chất này đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh hóa của cơ thể, đặc biệt là duy trì cân bằng điện giải và hỗ trợ chức năng tim mạch.
Công thức hóa học
C₄H₅K₂NO₄
Tên IUPAC
Dikali; (2S)-2-aminobutanedioat
Trọng lượng phân tử
209,28 g/mol
Tính chất vật lý
Kali aspartat là chất bột màu trắng hoặc gần như trắng.
Dạng bào chế
Kali aspartat thường được bào chế dưới dạng viên nén, viên nang hoặc dung dịch để uống.
Kali aspartat có tác dụng gì?
Cơ chế tác dụng
Axit aspartic là một axit amin không thiết yếu. Trong điều kiện bình thường, cơ thể có thể tự tổng hợp đủ lượng axit amin này để đáp ứng nhu cầu. Axit aspartic tham gia vào chu trình Krebs, đóng vai trò trong tổng hợp protein, purin, pyrimidin và các chất cần thiết khác.
Ngoài ra, L-aspartate được cho là có thể tăng cường năng lượng và cải thiện hiệu suất vận động, đặc biệt trong các bài tập kéo dài hoặc cường độ cao. Chất này cũng đóng vai trò là chất nền trong quá trình sản xuất năng lượng, hỗ trợ tái tổng hợp glycogen trong cơ bắp.
Kali là cation nội bào, quan trọng trong các chức năng enzym, sự co bóp cơ, và duy trì cân bằng ion trong cơ thể. Tỷ lệ giữa các ion K, Na, Ca, Mg ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng co bóp của cơ tim. Axit aspartic, nhờ khả năng vận chuyển ion tốt, giúp kali dễ dàng đi vào tế bào dưới dạng phức chất.
Kali aspartat hỗ trợ chuyển hóa cơ tim, giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và các bệnh lý tim mạch khác.
Dược động học
Kali: 98% kali tồn tại trong tế bào, chỉ 2% ở ngoại bào. Thận là cơ quan chính đào thải kali, chiếm 90% lượng kali thải ra hàng ngày, 10% còn lại qua đường tiêu hóa.
Chưa rõ thông tin về dược động học liên quan đến Axit aspartic. Chất này được cho là hấp thụ qua ruột non bằng quá trình vận chuyển tích cực
Ứng dụng trong y học
Công dụng của Kali Aspartat bao gồm:
- Cải thiện chức năng tim: Kali aspartat giúp duy trì nhịp tim đều đặn, tăng cường sức mạnh cho cơ tim và ngăn rối loạn nhịp tim.
- Hỗ trợ hệ thống thần kinh: Kali aspartat tham gia vào quá trình truyền thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng tập trung.
- Giảm mệt mỏi: Hợp chất này giúp tăng cường quá trình chuyển hóa năng lượng trong tế bào, từ đó làm giảm cảm giác mệt mỏi.
Kali aspartat thường được sử dụng trong điều trị và hỗ trợ nhiều tình trạng sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thiếu kali. Một số ứng dụng phổ biến bao gồm:
- Bổ sung kali để cải thiện chức năng cơ tim: Kali aspartat được chỉ định trong các trường hợp thiếu hụt kali, giúp tăng cường sức mạnh của cơ tim và ngăn ngừa các rối loạn liên quan.
- Ổn định nhịp tim: Với khả năng điều hòa hoạt động điện của tim, kali aspartat được sử dụng để ổn định nhịp tim, giảm nguy cơ xảy ra các cơn loạn nhịp nguy hiểm.
- Hỗ trợ phục hồi sau mất máu: Hợp chất này được sử dụng để thúc đẩy quá trình phục hồi cơ thể sau những tình trạng mất máu hoặc thiếu máu nghiêm trọng.
- Cân bằng điện giải trong trường hợp sử dụng thuốc lợi tiểu: Kali aspartat thường được chỉ định để bù đắp lượng kali bị mất khi sử dụng thuốc lợi tiểu, giúp duy trì cân bằng điện giải và tránh các biến chứng do thiếu kali.
Nghiên cứu mới trong y học về Kali aspartat
Một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm kiểm tra khả năng của kali aspartat và magie (PAM) trong việc ngăn ngừa loạn nhịp thất do tái tưới máu (RIVA) ở tim thỏ bị thiếu máu cục bộ – tái tưới máu (IR). Nghiên cứu bao gồm 30 con thỏ, được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm: nhóm đối chứng, nhóm thiếu máu cục bộ và nhóm điều trị bằng PAM.
Trong quá trình thí nghiệm, các chế phẩm tâm thất trái của thỏ được tưới máu động mạch để mô phỏng điều kiện thiếu máu và tái tưới máu. Điện tâm đồ xuyên màng và các điện thế hoạt động từ nội tâm mạc và màng ngoài tim được ghi lại trong toàn bộ quá trình.
Nhóm đối chứng: Các chế phẩm tim được tưới liên tục bằng dung dịch Tyrode, một dung dịch sinh lý tiêu chuẩn.
Nhóm thiếu máu cục bộ: Việc tưới máu bằng dung dịch Tyrode bị dừng trong 30 phút để mô phỏng tình trạng thiếu máu cục bộ, sau đó tái tưới máu bằng dung dịch Tyrode.
Nhóm PAM: Sau giai đoạn ngừng tưới máu tương tự, nhóm này được tái tưới máu bằng dung dịch Tyrode có chứa 2,42 mg/L PAM.
Các chỉ số như điện tâm đồ (ECG), khoảng QT, phân tán tái phân cực xuyên thành (TDR), và các điện thế hoạt động được ghi nhận để đánh giá hiệu quả của PAM. Ngoài ra, tỷ lệ xuất hiện loạn nhịp thất (RIVA) được quan sát và so sánh giữa các nhóm.
Kết quả: Ở nhóm thiếu máu cục bộ, TDR và tỷ lệ RIVA tăng đáng kể so với nhóm đối chứng (P < 0,05), cho thấy tình trạng thiếu máu cục bộ và tái tưới máu gây ra rối loạn chức năng điện của tim.
Tỷ lệ xuất hiện RIVA trong ba nhóm lần lượt là: Nhóm đối chứng: 0/10, nhóm thiếu máu cục bộ: 9/10, nhóm PAM: 1/10.
So với nhóm thiếu máu cục bộ, nhóm PAM cho thấy sự giảm đáng kể cả TDR và tỷ lệ RIVA (P < 0,05), chứng minh hiệu quả của PAM trong việc cải thiện tính ổn định điện của tim và ngăn ngừa RIVA.
Kết luận: Kali aspartat và magie (PAM) có khả năng giảm phân tán tái phân cực xuyên thành và ngăn ngừa loạn nhịp thất do tái tưới máu ở tim thỏ. Phát hiện này gợi ý tiềm năng ứng dụng của PAM trong điều trị và phòng ngừa các rối loạn nhịp tim liên quan đến thiếu máu cục bộ và tái tưới máu ở người.
Tài liệu tham khảo
- Chuyên luận Kali L-aspartat, PubChem. Truy cập ngày 19/12/2024.
- Jun Pu, Cuntai Zhang (2008) Effects of potassium aspartate and magnesium on ventricular arrhythmia in ischemia-reperfusion rabbit heart, Pubmed. Truy cập ngày 19/12/2024.
Xuất xứ: Nhật Bản
Xuất xứ: Nhật Bản
Xuất xứ: Nhật Bản
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam