Hiển thị tất cả 8 kết quả

Citalopram

Biên soạn và Hiệu đính

Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo – Khoa Dược, Trường Y Dược – Đại học Duy Tân.

Danh pháp

Tên chung quốc tế

Citalopram

Tên danh pháp theo IUPAC

1-[3-(dimethylamino)propyl]-1-(4-fluorophenyl)-3H-2-benzofuran-5-carbonitrile

Nhóm thuốc

Thuốc chống trầm cảm

Mã ATC

N – Thuốc hệ thần kinh

N06 – Thuốc hưng thần

N06A – Thuốc chống trầm cảm

N06AB – Các thuốc ức chế tái thu nhập Serotonin có chọn lọc

N06AB04 – Citalopram

Phân loại nguy cơ cho phụ nữ có thai

Nhóm C

Mã UNII

0DHU5B8D6V

Mã CAS

59729-33-8

Cấu trúc phân tử

Công thức phân tử

C20H21FN2O

Phân tử lượng

324.4 g/mol

Cấu trúc phân tử

Citalopram là một nitril có cấu trúc 1,3-dihydro-2-benzofuran-5-carbonitril, trong đó một trong các hydro ở vị trí 1 được thay thế bằng nhóm p-fluorophenyl, còn hydro còn lại được thay thế bằng nhóm 3 – (đimetylamino) propyl.

Cấu trúc phân tử Citalopram ( đồng phân S và R)
Cấu trúc phân tử Citalopram ( đồng phân S và R)

Các tính chất phân tử

Số liên kết hydro cho: 0

Số liên kết hydro nhận: 4

Số liên kết có thể xoay: 5

Diện tích bề mặt tôpô: 36.3 Ų

Số lượng nguyên tử nặng: 24

Các tính chất đặc trưng

Điểm nóng chảy: 182 – 188°C

Điểm sôi: 347 – 358°C

Tỷ trọng riêng: 1.2 ± 0.1 g/cm3

Phổ hồng ngoại: Đạt cực đại tại 1506.8cm-1

Độ tan trong nước: 0.00588 mg/mL

Hằng số phân ly pKa: 9.78

Chu kì bán hủy: 35 giờ

Khả năng liên kết với Protein huyết tương: 80%

Cảm quan

Citalopram có dạng bột trắng mịn đến trắng nhạt, tan được trong nước và các dung môi hữu cơ như ethanol, chloroform.

Dạng bào chế

Viên nén: 10 mg, 20 mg, 30 mg, 40 mg.

Viên nang: 30 mg.

Dung dịch uống: 10 mg/ 5 ml.

Dạng bào chế của Citalopram
Dạng bào chế của Citalopram

Độ ổn định và điều kiện bảo quản

Các dạng bào chế của citalopram nên được bảo quản trong bao bì gốc của nhà sản xuất, để ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và hơi ẩm.

Nguồn gốc

Vào năm 1972, citalopram lần đầu tiên được tổng hợp bởi nhà hóa học Klaus Bøgesø và nhóm nghiên cứu của ông tại công ty dược phẩm Lundbeck. Sau đó, citalopram được lưu hành trên thị trường Đan Mạch vào năm 1989 và ở Mỹ vào năm 1998.

Dược lý và cơ chế hoạt động

Citalopram hoạt động bằng cách ức chế tế bào thần kinh trung ương tái hấp thu serotonin (5-HT). Theo đó, mục tiêu phân tử của citalopram là chất vận chuyển serotonin SLC6A4, làm ức chế tái hấp thu serotonin tại khe tiếp hợp.

So với các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs) khác, citalopram có ái lực liên kết yếu hơn đối với các thụ thể histamine, acetylcholine và norepinephrine.

Ứng dụng trong y học

Trầm cảm

Tại Hoa Kỳ, citalopram được chấp thuận trong điều trị trầm cảm nặng. Theo đó, citalopram dường như có hiệu quả tương đương và khả năng dung nạp vượt trội so với các thuốc chống trầm cảm khác. Trong xếp hạng của Viện Y tế và Lâm sàng Quốc gia về hiệu quả và chi phí, citalopram đứng thứ 5 về hiệu quả và thứ 4 về chi phí.

Tuy nhiên, bằng chứng về hiệu quả của citalopram trong điều trị trầm cảm ở trẻ em là không chắc chắn.

Rối loạn hoảng sợ

Citalopram được cấp phép ở Anh cũng như các nước châu Âu khác cho chứng rối loạn hoảng sợ, có hoặc không kèm theo chứng sợ hãi.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Citalopram được cho là có hiệu quả tương tự như fluvoxamine và paroxetine đối với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy citalopram có hiệu quả khi truyền tĩnh mạch trong bệnh nhân OCD kháng thuốc.

Rối loạn tiền kinh nguyệt

Theo một phân tích tổng hợp có đối chứng với giả dược, các SSRI (bao gồm cả citalopram) cho thấy có hiệu quả làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, kể cả khi sử dụng liên tục hoặc chỉ trong giai đoạn hoàng thể.

Các ứng dụng khác

Đối với chứng nghiện rượu, citalopram có khả năng làm giảm nhẹ lượng đồ uống có cồn và tăng số ngày không uống rượu trong các nghiên cứu trên người nghiện rượu. Theo đó, nó hoạt động bằng cách làm giảm ham muốn hoặc làm giảm tác dụng trên thần kinh của rượu.

Mặc dù citalopram ít có hiệu quả hơn so với amitriptyline trong việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, tuy nhiên trong những trường hợp bệnh nhân không đáp ứng, liệu pháp phối hợp có thể hiệu quả hơn.

Citalopram và các SSRI khác có thể được sử dụng trong điều trị chứng bốc hỏa.

Một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên vào năm 2009 không tìm thấy lợi ích cũng như tác dụng phụ ở trẻ tự kỷ dùng citalopram, do đó nó đã làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu SSRIs có hiệu quả để điều trị hành vi lặp đi lặp lại ở trẻ tự kỷ hay không.

Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy citalopram có tương tác với các khớp nối protein cannabinoid trong não chuột, do đó nó được cho là nguyên nhân tiềm ẩn của một số tác dụng chống trầm cảm của thuốc.

Citalopram có khả năng được dung nạp tốt và hiệu quả tương tự như moclobemide trong rối loạn lo âu xã hội.

Có những nghiên cứu cho rằng citalopram có thể có hiệu quả trong việc giảm hành vi hung hăng và bốc đồng.

Citalopram được cho là có hiệu quả vượt trội hơn giả dược đối với các rối loạn hành vi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Hơn nữa, nó cũng đã được sử dụng thành công cho chứng cuồng dâm trong bệnh Alzheimer ở giai đoạn đầu.

Dược động học

Hấp thu

Sau khi uống, citalopram được hấp thu tốt và nhanh chóng qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 4 giờ sau khi uống một liều duy nhất. Sinh khả dụng đạt 80% và không bị ảnh hưởng thức ăn.

Phân bố

Citalopram có đặc tính rất ưa mỡ và có khả năng phân bố rộng khắp cơ thể với thể tích phân bố là 12 L/kg, bao gồm cả hàng rào máu não. Tuy nhiên, chất chuyển hóa của nó là demethylcitalopram không thâm nhập tốt vào hàng rào máu não.

Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương của citalopram và các chất chuyển hóa (dimethylcitalopram, didemethylcitalopram) là 80%.

Chuyển hóa

Citalopram được chuyển hóa chủ yếu tại gan bằng cách N-demethyl hóa bởi CYP2C19 và CYP3A4, chất chuyển hóa chính được tạo thành là demethylcitalopram. Ngoài ra, CYP2D6 cũng chuyển hóa citalopram thành didemethylcitalopram và citalopram N-oxide thông qua các enzym monoamine oxidase và aldehyde oxidase.

Các chất chuyển hóa của citalopram ít có hoạt tính dược lý so với thuốc gốc cũng như không có khả năng đóng góp vào tác dụng lâm sàng của citalopram.

Thải trừ

Thời gian bán thải của citalopram vào khoảng 35 giờ. Theo đó, khoảng 12 – 23% liều citalopram được thải trừ ở dạng nguyên vẹn trong nước tiểu và 10% được thải trừ qua phân. Độ thanh thải toàn thân là 330 mL/phút và độ thanh thải qua thận khoảng 20%.

Phương pháp sản xuất

Trong công nghiệp, citalopram được tổng hợp từ một quá trình gồm nhiều bước liên quan đến sự tương tác của thuốc thử Grignard từ p-bromochlorobenzene và 5-bromophthalide để tạo thành 4′-chloro-4-bromo-2-(hydroxymethyl) benzophenone.

4′-chloro-4-bromo-2-(hydroxymethyl) benzophenone sau đó được cho phản ứng với một Grignard khác là 3-dimethylaminopropyl-magnesium chloride, tạo ra alpha-(3-dimethylaminopropyl)-alpha-(p-chlorophenyl-alpha-4-bromo-2-hydroxymethyl)benzyl alcohol. Tiếp theo, phản ứng đóng vòng được thực hiện với axit photphoric nóng tạo ra 5-bromophthalan.

Cuối cùng, nguyên tử brom được chuyển đổi thành 5-xyanua bằng đồng xyanua và thu được sản phẩm là citalopram hydrobromide.

Độc tính ở người

Độc tính cấp tính

Các triệu chứng nhiễm độc citalopram được ghi nhận bao gồm chóng mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, run, buồn ngủ và nhịp tim nhanh. Hơn nữa, các triệu chứng hiếm khi xảy ra bao gồm lú lẫn, mất trí nhớ, co giật, hôn mê, giảm thông khí, tím tái, tiêu cơ vân và thay đổi điện tâm đồ (bao gồm kéo dài QTc, nhịp nút, loạn nhịp thất và các trường hợp xoắn đỉnh tim là cực kỳ hiếm gặp).

Thai kỳ

Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát ở phụ nữ mang thai. Do đó, citalopram chỉ nên được sử dụng trong thai kỳ sau khi cân nhắc giữa các yếu tố lợi ích và nguy cơ.

Trẻ sơ sinh

Các nghiên cứu được ghi nhận cho thấy trẻ sơ sinh tiếp xúc với citalopram cũng như các SSRI hoặc SNRI khác vào 3 tháng cuối thai kỳ, đã trải qua các biến chứng cần nhập viện kéo dài, hỗ trợ hô hấp và cho ăn qua đường tiêu hóa. Hơn nữa, các biến chứng như thế này có thể phát sinh ngay khi sinh.

Chỉ số độc tính

LD (qua đường miệng ở người): 56 mg/kg.

Tính an toàn

Citalopram thường được dùng một liều vào buổi sáng hoặc buổi tối, có thể uống cùng hoặc không với thức ăn. Mặc dù sự hấp thu của citalopram không tăng lên khi dùng chung với thức ăn, nhưng sử dụng như vậy có thể giúp ngăn ngừa cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, tác dụng phụ này sẽ giảm dần khi cơ thể thích nghi với thuốc.

Citalopram được coi là an toàn và có khả năng dung nạp tốt trong phạm vi liều điều trị. Khác biệt với một số thuốc khác cùng loại, citalopram thể hiện dược động học tuyến tính và khả năng tương tác thuốc là tối thiểu, do đó nó trở thành lựa chọn tốt hơn đối với người cao tuổi hoặc bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo.

Tương tác với thuốc khác

Thuốc Serotonergic

Dựa trên cơ chế hoạt động của SNRI và SSRI bao gồm citalopram, nên thận trọng khi dùng chung citalopram với các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh serotonergic, chẳng hạn như triptans, linezolid (MAOI không chọn lọc có thể đảo ngược), lithium, tramadol, hoặc St. John’s Wort.

Ngoài ra, không khuyến cáo sử dụng đồng thời citalopram với các SSRI, SNRI hoặc tryptophan khác.

Thuốc thần kinh trung ương

Do tác dụng chính trên thần kinh trung ương của citalopram, nên thận trọng khi dùng kết hợp với các thuốc có cùng tác dụng trên hệ thần kinh trung ương khác.

Rượu

Mặc dù citalopram không làm tăng tác dụng đối với khả năng nhận thức và vận động của rượu nhưng cũng như với các thuốc hướng thần khác, bệnh nhân trầm cảm dùng citalopram không được khuyến cáo sử dụng rượu.

Chất ức chế monoamine Oxidase (MAOIs)

Những bệnh nhân sử dụng đồng thời thuốc ức chế tái hấp thu serotonin với chất ức chế monoamine oxidase (MAOI) đã được báo cáo về các phản ứng nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Các triệu chứng bao gồm tăng thân nhiệt, rung giật cơ, cứng đờ, mất ổn định tự chủ với sự thay đổi nhanh chóng của các chỉ số sinh hiệu, thay đổi trạng thái tâm thần.

Theo đó, những phản ứng này cũng đã được báo cáo ở những bệnh nhân gần đây đã ngừng điều trị bằng SSRI và đã bắt đầu điều trị bằng MAOI. Một số trường hợp được trình bày với các triệu chứng tương tự như hội chứng an thần kinh ác tính. Hơn nữa, mặc dù hạn chế nhưng dữ liệu trên động vật về tác dụng của việc sử dụng đồng thời SSRI với MAOI có thể tác động hiệp đồng để làm tăng huyết áp và kích thích hành vi.

Do đó, khuyến cáo rằng citalopram không nên được sử dụng kết hợp với MAOI, hoặc trong vòng 14 ngày sau khi ngừng điều trị với MAOI, và ngược lại.

Thuốc cản trở quá trình đông máu (NSAID, Aspirin, Warfarin…)

Kết quả từ các nghiên cứu dịch tễ học về thiết kế nhóm bệnh và nhóm nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc cản trở tái hấp thu serotonin và xuất huyết đường tiêu hóa trên. Hơn nữa kết quả cũng cho thấy rằng việc sử dụng đồng thời NSAID hoặc aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Theo đó, các tác dụng chống đông máu bị thay đổi, bao gồm tăng chảy máu, đã được báo cáo khi dùng chung SSRI và SNRI với warfarin. Bệnh nhân đang điều trị bằng warfarin nên được theo dõi cẩn thận khi bắt đầu hoặc ngừng sử dụng citalopram.

Lithium

Mặc dù việc sử dụng đồng thời citalopram (40 mg/ngày trong 10 ngày) và lithium (30 mmol/ngày trong 5 ngày) không có ảnh hưởng đáng kể đến dược động học của citalopram hoặc lithium. Tuy nhiên, nên theo dõi nồng độ lithi trong huyết tương và điều chỉnh liều thích hợp vì lithi có thể làm tăng tác dụng serotonergic của citalopram.

Pimozide

Trong một nghiên cứu có đối chứng, một liều pimozide 2 mg sử dụng đồng thời với citalopram 40 mg/ngày (trong 11 ngày) có liên quan đến sự tăng giá trị QTc trung bình khoảng 10 mili giây so với chỉ dùng pimozide đơn độc. Trong khi đó, citalopram không làm thay đổi AUC hoặc Cmax trung bình của pimozide. Hiện tại, cơ chế của tương tác dược lực học này vẫn chưa được hiểu rõ.

Sumatriptan

Đã có một số báo cáo hiếm hoi mô tả bệnh nhân bị suy nhược, tăng phản xạ và mất phối hợp sau khi sử dụng SSRI và sumatriptan. Do đó, cần theo dõi bệnh nhân nếu điều trị đồng thời sumatriptan với các SSRI (bao gồm citalopram).

Carbamazepine

Sử dụng kết hợp citalopram (40 mg/ngày trong 14 ngày) và carbamazepine (400 mg/ngày trong 35 ngày) không ảnh hưởng đáng kể đến dược động học của carbamazepine. Mặc dù nồng độ đáy của citalopram trong huyết tương không bị ảnh hưởng, nhưng carbamazepine có khả năng gây cảm ứng enzyme nên không loại trừ nguy cơ làm tăng độ thanh thải của citalopram.

Metoprolol

Dùng citalopram 40 mg/ngày trong 22 ngày làm tăng 2 lần nồng độ metoprolol trong huyết tương. Theo đó, nồng độ metoprolol trong huyết tương tăng có liên quan đến việc giảm tính lọc của tim. Tuy nhiên, việc dùng chung citalopram và metoprolol không có ảnh hưởng đáng kể về mặt lâm sàng trên huyết áp hoặc nhịp tim.

Imipramine và các thuốc chống trầm cảm ba vòng khác (TCA)

Các nghiên cứu in vitro cho thấy citalopram là một chất ức chế tương đối yếu đối với CYP2D6. Mặc dù dùng đồng thời citalopram (40 mg/ngày trong 10 ngày) với TCA như imipramine (liều duy nhất 100 mg) không ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ trong huyết tương của imipramine hoặc citalopram. Tuy nhiên, nồng độ của chất chuyển hóa imipramine đã tăng lên khoảng 50%.

Hiên tại ý nghĩa lâm sàng của sự thay đổi desipramine vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng chung TCA với citalopram.

Lưu ý khi sử dụng Citalopram

Ngừng điều trị bằng citalopram

Trong quá trình tiếp thị citalopram và các SSRI cũng như SNRI khác, đã có báo cáo tự phát về các tác dụng phụ xảy ra khi ngừng sử dụng các loại thuốc này, đặc biệt là khi đột ngột. Theo đó, các triệu chứng bao gồm: tâm trạng khó nói, khó chịu, kích động, chóng mặt, cảm giác rối loạn, lo lắng, lú lẫn, nhức đầu, hôn mê, cảm xúc không ổn định, mất ngủ và hưng cảm.

Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ đối với các triệu chứng này khi ngừng điều trị bằng citalopram. Hơn nữa, nên giảm liều từ từ thay vì ngừng thuốc đột ngột bất cứ khi nào có thể.

Chảy máu bất thường

SSRI và SNRI, bao gồm cả citalopram, có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Sử dụng đồng thời với aspirin, thuốc chống viêm không steroid, warfarin, và các thuốc chống đông máu khác có thể làm tăng nguy cơ này. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng kết hợp citalopram và NSAID, aspirin hoặc các thuốc khác có ảnh hưởng đến quá trình đông máu.

Hạ natri máu

Hạ natri máu có thể xảy ra do điều trị bằng SSRI và SNRI, bao gồm cả citalopram. Trong nhiều trường hợp, tình trạng hạ natri máu này được cho là kết quả của hội chứng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp (SIADH), và có thể tự hồi phục khi ngừng sử dụng citalopram.

Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm nhức đầu, suy giảm trí nhớ, khó tập trung, lú lẫn, suy nhược và đứng không vững, có thể dẫn đến ngã. Các trường hợp nặng hơn và / hoặc cấp tính bao gồm ảo giác, co giật, ngất, hôn mê, ngừng hô hấp và tử vong.

Bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc bệnh nhân bị suy giảm thể tích có thể có nhiều nguy cơ bị hạ natri máu hơn khi dùng SSRI và SNRI. Do đó, việc ngừng citalopram nên được xem xét ở những bệnh nhân có triệu chứng hạ natri máu và cần tiến hành can thiệp y tế thích hợp.

Kích hoạt hưng cảm/ hưng cảm nhẹ

Trong các thử nghiệm đối chứng với giả dược về citalopram, một số thử nghiệm bao gồm bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, kích hoạt hưng cảm/ hưng cảm nhẹ đã được báo cáo ở 0,2% trong số 1063 bệnh nhân được điều trị bằng citalopram. Trong khi đó, không có bệnh nhân nào trong số 446 bệnh nhân được điều trị bằng giả dược.

Tương tự như đối với tất cả các thuốc chống trầm cảm, citalopram nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử hưng cảm.

Co giật

Mặc dù tác dụng chống co giật của citalopram đã được ghi nhận trong các nghiên cứu trên động vật, nhưng citalopram vẫn chưa được đánh giá một cách có hệ thống ở những bệnh nhân bị rối loạn co giật. Nguyên nhân là bởi những bệnh nhân này đã bị loại khỏi các nghiên cứu lâm sàng trong quá trình thử nghiệm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, co giật xảy ra ở 0,3% bệnh nhân được điều trị bằng citalopram và 0,5% bệnh nhân được điều trị bằng giả dược. Do đó, giống như các thuốc chống trầm cảm khác, citalopram nên được sử dụng cẩn thận ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn co giật.

Chức năng nhận thức và vận động

Trong các nghiên cứu ở những người khỏe mạnh, citalopram với liều 40 mg/ngày không gây suy giảm chức năng trí tuệ cũng như hoạt động tâm thần. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc kích thích thần kinh nào cũng có thể làm giảm khả năng phán đoán, tư duy hoặc vận động, do đó bệnh nhân nên thận trọng khi vận hành máy móc nguy hiểm, bao gồm cả ô tô.

Sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh kèm theo

Kinh nghiệm lâm sàng đối với citalopram ở những bệnh nhân mắc một số bệnh toàn thân kèm theo vẫn còn hạn chế. Do đó, nên thận trọng khi sử dụng citalopram ở những bệnh nhân mắc các bệnh hoặc tình trạng gây ra các phản ứng chuyển hóa hoặc huyết động bị thay đổi.

Ở người suy gan, có sự giảm độ thanh thải của citalopram và tăng nồng độ thuốc trong huyết tương. Do đó, việc sử dụng citalopram ở bệnh nhân suy gan nên được tiếp cận một cách thận trọng và nên dùng liều tối đa thấp hơn.

Ngoài ra, mặc dù citalopram được chuyển hóa nhiều và bài tiết ở dạng không đổi qua nước tiểu với một lượng nhỏ. Tuy nhiên, cho đến khi có đủ số lượng bệnh nhân suy thận nặng trong quá trình điều trị mãn tính với citalopram, cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho những bệnh nhân này.

Một vài nghiên cứu của Citalopram trong Y học

Tính khả thi của phMRI dựa trên ASL với một liều citalopram uống duy nhất để đánh giá lặp lại chức năng serotonin

Đánh giá chức năng serotonin (5-HT) trong não bằng chụp cộng hưởng từ dược lý dựa trên ghi nhãn vòng quay động mạch (ASL) (phMRI) có thể là một công cụ rất hữu ích trong nghiên cứu tâm thần học lâm sàng. Mục tiêu của nghiên cứu này là để xác minh độ tin cậy của phMRI dựa trên ASL sau khi thử uống một chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) trong đánh giá lặp lại chức năng 5-HT của não.

Feasibility of ASL-based phMRI with a single dose of oral citalopram for repeated assessment of serotonin function
Feasibility of ASL-based phMRI with a single dose of oral citalopram for repeated assessment of serotonin function

Trong một nghiên cứu chéo đối tượng, có đối chứng với giả dược, các tác giả đã khảo sát tác động của một liều citalopram đường uống lên lưu lượng máu não (CBF) bằng cách sử dụng chuỗi ASL xung (PASL) ở 12 nữ tình nguyện viên khỏe mạnh. Khả năng lặp lại trong phiên của tín hiệu PASL tốt đối với tất cả các vùng được kiểm tra (wsCV <15%).

Cả hai phân tích dựa trên ROI và voxel đều cho thấy những tác động nhỏ nhưng đáng kể của thử thách citalopram đối với các giá trị CBF ở các vùng não giàu 5-HT, trong đó có con quay trán và đồi thị. Tuy nhiên, những tác dụng này không thể lặp lại giữa các lần điều trị, hầu hết có thể là do kích thước tác dụng nhỏ của thử thách citalopram đường uống lên lưu lượng máu não.

Do đó, các tác giả kết luận rằng độ tin cậy của thử nghiệm-kiểm tra lại PASL phMRI với thử nghiệm citalopram đường uống là thấp, hạn chế độ nhạy của kỹ thuật đối với những thay đổi phụ thuộc vào thời gian và do đó nó được sử dụng như một công cụ nghiên cứu (lâm sàng).

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Drugbank, Citalopram, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2022.
  2. 2. Klomp, A., Caan, M. W., Denys, D., Nederveen, A. J., & Reneman, L. (2012). Feasibility of ASL-based phMRI with a single dose of oral citalopram for repeated assessment of serotonin function. NeuroImage, 63(3), 1695–1700. https://doi.org/10.1016/j.neuroimage.2012.07.038
  3. 3. Pubchem, Citalopram, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2022.
  4. 4. Bộ Y Tế (2012), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

 

Chống trầm cảm

Citalopram STELLA 10 mg

Được xếp hạng 5.00 5 sao
(1 đánh giá) 0 đ
Dạng bào chế: Viên nén bao phimĐóng gói: Hộp 3 vỉ x 10 viên

Thương hiệu: Công ty Liên doanh StellaPharm – Việt Nam

Xuất xứ: Việt Nam

Chống trầm cảm

Citalopram STELLA 20 mg

Được xếp hạng 5.00 5 sao
(1 đánh giá) 0 đ
Dạng bào chế: Viên nén bao phim Đóng gói: Hộp 3 vỉ x 10 viên

Thương hiệu: Công ty Liên doanh StellaPharm – Việt Nam

Xuất xứ: Việt Nam

Chống trầm cảm

Bagocit 20mg

Được xếp hạng 5.00 5 sao
(1 đánh giá) 0 đ
Dạng bào chế: Viên nén bao phimĐóng gói: Hộp 2 vỉ x 14 viên

Thương hiệu: Laboratorios Bago S.A

Xuất xứ: Argentina

Chống trầm cảm

Wazer

Được xếp hạng 5.00 5 sao
(1 đánh giá) 135.000 đ
Dạng bào chế: Viên nén dài bao phimĐóng gói: Hộp 2 vỉ x 14 viên

Chống trầm cảm

Pms-Citalopram 20mg

Được xếp hạng 4.00 5 sao
(1 đánh giá) 450.000 đ
Dạng bào chế: viên nén bao phim Đóng gói: 3 vỉ x 10 viên

Thương hiệu: Pharmascience Inc

Xuất xứ: Canada

Chống trầm cảm

Citopam 20

Được xếp hạng 4.00 5 sao
(1 đánh giá) 150.000 đ
Dạng bào chế: viên nén bao phim Đóng gói: 3 vỉ x 10 viên

Thương hiệu: Sun Pharmaceutical Industries Ltd

Xuất xứ: Ấn Độ

Chống trầm cảm

Citalopram Sandoz 20

Được xếp hạng 4.00 5 sao
(1 đánh giá) 0 đ
Dạng bào chế: viên nénĐóng gói: 2 vỉ x 14 viên

Thương hiệu: Sandoz

Xuất xứ: Thụy Sĩ

Chống trầm cảm

Pramital 40mg

Được xếp hạng 5.00 5 sao
(1 đánh giá) 500.000 đ
Dạng bào chế: Viên nén bao phimĐóng gói: Hộp 2 vỉ x 14 viên

Thương hiệu: Công ty cổ phần TADA Pharma

Xuất xứ: Hy Lạp