Bismuth Subcitrat
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Phan Hữu Xuân Hạo – Khoa Dược, Trường Y Dược – Đại học Duy Tân.
Danh pháp
Tên chung quốc tế
Bismuth subcitrat
Tên danh pháp theo IUPAC
bitmut; tricacboxylat; 2-hydroxypropan-1,2,3-tricarboxylat
Nhóm thuốc
Thuốc bảo vệ các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa.
Mã ATC
A02BX05
A: Thuốc dùng cho đường tiêu hóa và các quá trình chuyển hóa
A02: Các thuốc kháng acid, thuốc có tác dụng điều trị loét dạ dày – tá tràng và triệu chứng đầy hơi.
A02B: Thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng loét dạ dày – tá tràng.
A02BX: Các thuốc chống loét dạ dày – tá tràng khác.
A02BX05: Bismuth subcitrat
Mã UNII
HS813P8QPX
Mã CAS
260-872-5
Cấu trúc phân tử
Công thức phân tử
C 12 H 10 B i K 3 O 14
Phân tử lượng
704.47 g/mol
Cấu trúc phân tử
Các tính chất phân tử
Số liên kết hydro cho: 2
Số liên kết hydro nhận: 14
Số liên kết có thể xoay: 4
Diện tích bề mặt tôpô: 281 Ų
Số lượng nguyên tử nặng: 30
Phần trăm các nguyên tử trong công thức: C 20.29%, H 2.27%, Bi 29.41%, K 16.51%, O 31.52%
Các tính chất đặc trưng
Điểm nóng chảy: > 265 ° C
Khả năng liên kết protein: > 5%
Thời gian bán thải: ~5 ngày
pH: 6,0-8,0
Cảm quan
Bismuth subcitrat có dạng bột tinh thể màu trắng hoặc gần như trắng. Tan được trong nước.
Dạng bào chế
Bismuth subcitrat được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 120 mg.
Độ ổn định và điều kiện bảo quản của Bismuth
Cần bảo quản Bismuth subcitrat trong bao bì kín, tránh nhiệt độ cao, ánh sáng trực tiếp và nơi ẩm thẩm. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản Bismuth subcitrat là ở nhiệt độ dưới 25 °C.
Nguồn gốc
Bismuth subcitrat hay Colloidal Bismuth subcitrat (CBS) là một dạng muối bismuth phức tạp của axit xitric có thể hòa tan trong nước nhưng kết tủa ở pH nhỏ hơn 5. Trong dịch dạ dày, pH tối ưu để kết tủa là 3,5. Bismuth lắng đọng trong các hố loét tùy thuộc vào niêm mạc xung quanh và tạo thành một phức hợp với các protein trên nền vết loét có thể tạo ra một lớp bảo vệ chống lại sự tiêu hóa bởi dịch vị.
Dược lý và cơ chế hoạt động
Bismuth subcitrat là một muối bismuth (hay còn gọi là keo Bismuth subcitrat và Tripotassium dicitratobismuthat). Nó giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách tạo ái lực giúp bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét dạ dày, tuy nhiên chỉ khi có xuất hiện ổ loét mới có tác dụng này.
Bismuth subcitrat được dùng trong điều trị rối loạn dạ dày tá tràng rất hiệu quả. Cơ chế của nó không có nhiều tác dụng trung hòa acid và không ảnh hưởng đến sự tiết acid.
Sau khi uống, Bismuth được tạo thành dạng kết tủa do tác động của acid dạ dày trên bismuth subcitrat. Bismuth subcitrat liên kết với lớp chất nhầy tạo thành một hàng rào cản chống khuếch tán ngược của ion H+.
Ở ổ loét tá tràng và cả dạ dày, nhiều sản phẩm của protein được giải phóng liên tục với hàm lượng lớn do quá trình hoại tử mô. Thông qua hình thành phức chelat, những sản phẩm giáng vị của protein này, cùng với phần kết tủa thu được từ bismuth subcitrat, phối hợp tạo thành một lớp bảo vệ và lớp bảo vệ này thì không bị ảnh hưởng của dịch vị hay các enzym trong ruột. Rào chắn này cũng có tác dụng ngăn chặn pepsin xâm nhập đến vị trí loét.
Bismuth subcitrat nó có tác dụng ức chế hoạt động của đường tiêu hóa. Nó gây tăng tiết glycoprotein chất nhầy và cũng có thể liên kết với lớp chất nhầy dạ dày để hoạt động như một hàng rào khuếch tán với HCl.
Ngoài ra, nó làm tăng tốc độ chữa lành vết loét và gây ra sự tích tụ của yếu tố tăng trưởng biểu bì xung quanh vết loét.
Bên cạnh đó, nó có tác dụng bảo vệ tế bào và làm tăng tiết prostaglandin và bicarbonat ở niêm mạc.
Nó còn có tác dụng diệt khuẩn chống lại Helicobacter pylori (có liên quan đến viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng). Nó cũng giúp ngăn cản sự bám dính của H. pylori vào các tế bào biểu mô và có thể ức chế các enzym do H. tiết ra.
Bismuth subcitrat cũng được sử dụng phối hợp với các thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton hoặc các thuốc ức chế thụ thể H2 của histamin và kháng sinh phối hợp để diệt Helicobacter pylori.
Khi dùng điều trị đơn độc, các hợp chất bismuth subcitrat chỉ diệt được H. pylori ở khoảng 20% người bệnh, nhưng khi phối hợp với kháng sinh hoặc các thuốc ức chế bơm proton giảm tiết acid, có thể đạt hiệu quả diệt vi khuẩn tới 70 – 90% người bệnh.
Dược động học
Hấp thu
Bismuth subcitrat hấp thu rất chậm và tùy vào tình trạng và vị trí loét của của mỗi bệnh nhân. pH của dạ dày cũng ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của Bismuth subcitrat.
Nồng độ thuốc trong huyết tương đạt tối đa khoảng hơn 50 mg / lít sau khi uống Bismuth subcitrat 30 phút.
Bismuth subcitrat không hấp thu vào máu.
Phân bố
Khả năng liên kết với protein của Bismuth subcitrat > 90%.
Các nghiên cứu trên động vật cung cấp dữ liệu hiện có duy nhất về sự phân bố trong mô của bitmut sau khi sử dụng Bismuth subcitrat. Thí nghiệm trên một con chó được cho dùng gấp 20 lần liều Bismuth subcitrat ở người trong 3 tuần, nồng độ Bismuth subcitrat cao nhất được tìm thấy trong thận và chỉ một lượng nhỏ được tìm thấy trong dạ dày, gan, lá lách, các tuyến bạch huyết mạc treo ruột và máu.
Chuyển hóa
Rất ít thông tin chi tiết về quá trình chuyển hóa và nửa đời thải trừ của Bismuth subcitrat được hấp thụ. Chu kỳ bán hủy và đường cong đào thải của Bismuth subcitrat trong máu và nước tiểu có vẻ giống nhau đối với một số hợp chất chứa Bismuth subcitrat.
Thải trừ
Hầu hết Bismuth subcitrat được thải trừ qua phân dưới dạng sulphat bismuth. Một lượng rất nhỏ bismuth có thể hấp thu được bài tiết qua thận.
Tốc độ bài tiết của Bismuth subcitrat qua thận rất chậm chỉ khoảng 2.6% mỗi ngày. Trung bình Bismuth subcitrat bài tiết qua nước tiểu khoảng 411 – 639 mcg/24 giờ trong 4 – 6 tuần điều trị.
Ứng dụng trên lâm sàng của Bismuth
Để điều trị loét dạ dày tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD). Điều trị các bệnh viêm loét và ăn mòn niêm mạc dạ dày và tá tràng: viêm dạ dày, loét dạ dày và tá tràng, chứng khó tiêu chức năng không loét, viêm tá tràng ăn mòn, thay đổi viêm và ăn mòn sau phẫu thuật – viêm hang vị, loét dạ dày tá tràng.
Bismuth subcitrat được dùng trong điều trị hoặc hỗ trợ điều trị cho các tình trạng khó chịu ở dạ dày do các triệu chứng ợ nóng và buồn nôn. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng điều trị triệu chứng tiêu chảy hoặc ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy bất chợt do thay đổi thức ăn.
Bismuth subcitrat còn được sử dụng kết hợp với các thuốc khác (ức chế bơm proton, kháng histamin H2) để điều trị hiệu quả trường hợp loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra.
Độc tính của Bismuth
Một số nghiên cứu cho rằng, các hợp chất bismuth có thể gây ra các bệnh về não. Liều khuyến cáo khi dùng Bismuth subcitrat (480 mg/ngày) dùng trong 8 tuần để điều trị nhiễm Helicobacter pylori cho thấy không gây độc tính so với nhóm chứng. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc Bismuth subcitrat có thể tăng nếu dùng liều cao quá mức so với khuyến cáo như quá liều, dùng thuốc trong một thời gian dài.
Lưu ý và thận trọng khi dùng Bismuth subcitrat
Lưu ý và thận trọng chung
Bismuth subcitrat chống chỉ định đối với người suy thận mức độ vừa tới nặng và trẻ em dưới 14 tuổi.
Trước khi điều trị bằng thuốc bismuth subcitrat bạn nên: báo cho bác sĩ các trường hợp bị dị ứng với thuốc hoặc với bất kì thành phần nào của thuốc.
Lưu ý dùng Bismuth cho phụ nữ đang mang thai
Hiện nay vẫn chưa có đủ thông tin về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng Bismuth subcitrat trên phụ nữ đang mang thai. Vì thế bạn cần báo cho bác sĩ nếu như bạn bắt buộc phải dùng Bismuth subcitrat trong thời gian đang mang thai.
Lưu ý dùng Bismuth cho phụ nữ đang cho con bú
Không có báo cáo đầy đủ về khả năng thâm nhập qua hàng rào sinh lý của Bismuth subcitrat để vào sữa mẹ. Do đó, nếu bắt buộc phải dùng thuốc bạn cần ngưng cho con bú hoặc không dùng thuốc nữa.
Lưu ý khi dùng Bismuth cho người lái xe hoặc vận hành máy móc
Không ảnh hưởng
Tương tác với thuốc khác
Thuốc Bismuth subcitrat có thể gây ra các tương tác với các loại kháng sinh như tetracyclin, chloroquin… để ngăn chặn không cho cơ thể hấp thu thuốc một cách hoàn toàn.
Bismuth subcitrat có thể làm tăng tác dụng chống đông máu khi dùng chung với một số loại thuốc khác như: Clopidogrel, enoxaparin, dabigatran, warfarin,
Dùng chung Bismuth subcitrat với các thuốc giảm đau, hạ sốt hay các Nsaids như ibuprofen, naproxen, aspirin,….. có thể làm tăng các tác dụng phụ.
Bismuth subcitrat có thể gây cản trở một số xét nghiệm X-quang bằng chất cảm quang và có thể gây sai lệch kết quả xét nghiệm.
Một vài nghiên cứu của Bismuth trong Y học
Colloidal bismuth subcitrate cản trở sự xâm nhập của proton vào Helicobacter pylori và làm tăng hiệu quả của thuốc kháng sinh phụ thuộc vào tăng trưởng.
Bối cảnh
Việc tiệt trừ thành công Helicobacter pylori đang trở nên khó khăn hơn, chủ yếu là do tình trạng kháng kháng sinh mới nổi. Các phác đồ điều trị có chứa bismuth đã làm tăng hiệu quả, nhưng cơ chế chưa được biết rõ. Helicobacter pylori là một loài ưa trung tính thích nghi để tồn tại trong môi trường axit dạ dày thông qua sự thích nghi của axit, nhưng thể hiện sự phát triển mạnh mẽ hơn ở pH trung tính. Nhiều loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị H. pylori dựa vào sự phát triển của vi khuẩn.
Mục đích
Tìm hiểu cơ chế tăng hiệu quả của phác đồ điều trị H. pylori có chứa bismuth.
Phương pháp
RNAseq và qPCR, hoạt động của urease ở vi khuẩn đã được thẩm thấu và còn nguyên vẹn, pH bên trong và điện thế màng được đo có và không có keo bismuth subcitrate (CBS). Sự sống sót của vi khuẩn được đánh giá bằng CBS và / hoặc ampicillin.
Kết quả
Các gen liên quan đến quá trình trao đổi chất và tăng trưởng được điều chỉnh khi có CBS ở pH axit. Hoạt động urease của H. pylori đã được thẩm thấu ở pH 7,4 và 4,5 giảm khi có mặt CBS, nhưng hoạt tính của urease nguyên vẹn chỉ giảm ở pH có tính axit. Sự giảm pH trong tế bào chất với quá trình axit hóa bên ngoài đã được giảm bớt bởi CBS. Sự gia tăng điện thế màng trong phản ứng với việc bổ sung urê ở pH môi trường axit không bị ảnh hưởng bởi CBS. Tác động của CBS và ampicillin lên sự sống sót của H. pylori lớn hơn một trong hai tác nhân.
Kết luận
Bismuth không tác động trực tiếp lên men urease hoặc kênh urê. Colloidal bismuth subcitrate cản trở sự xâm nhập của proton vào vi khuẩn, dẫn đến giảm pH tế bào chất dự kiến. Với pH tế bào chất còn trong phạm vi để tăng hoạt động trao đổi chất của vi khuẩn ưa trung tính, hiệu quả của các kháng sinh phụ thuộc vào tăng trưởng được tăng cường.
Tài liệu tham khảo
1. Pubchem, Bismuth, truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
2. Drugbank, Bismuth, truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
3. Subcitrate, C. B. (1988). A Review of its Pharmacodynamic and Pharmacokinetic Properties, and Its Therapeutic Use in Peptic Ulcer Disease; Antona J. Wagstaff, Paul Benfield and Jon P. Monk. Drugs, 36, 132-157.
4. Marcus, E. A., Sachs, G., & Scott, D. R. (2015). Colloidal bismuth subcitrate impedes proton entry into Helicobacter pylori and increases the efficacy of growth‐dependent antibiotics. Alimentary pharmacology & therapeutics, 42(7), 922-933.