Xương Sông (Xang Sông)
Danh pháp
Tên khoa học
Blumea myriocephala DC, thuộc họ Cúc (Asteraceae)
Tên khác
Xang sông, hoạt lộc thảo, rau súng ăn gỏi
Đặc điểm thực vật
- Xương sông thuộc nhóm cây cỏ, sống lâu 2 năm, chiều cao khoảng 0,6 đến 2m, thân cây thẳng đứng, có rãnh chạy dọc, bề mặt gần như nhẵn.
- Lá cây hình trứng dài, lá thuôn dài phần dưới gốc, nhọn phần phía trên, chiều dài từ 15 đến 20 cm, chiều rộng từ 4 đến 5 cm. Mép lá có khía răng cưa. Lá ở phần trên thường nhỏ hơn lá phần dưới. Lá mang hoa nhỏ hơn so với các lá còn lại. Hai mặt lá nhẵn.
- Cụm hoa hình đầu, vàng nhạt, chùy đài ở ngọn.
- Lá bắc có hình sợi, đầu tù, có lông
- Quả bế, hình trụ, 5 cạnh, có một chòm lông màu nâu.
- Khi vò lá và thân cây có tạo ra mùi đặc biệt.
Phân bố- Sinh thái
Xương sông mọc hoang và được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ra còn thấy nhiều ở một số quốc gia khác như Campuchia, Ấn Độ, Lào, Indonesia, Malaysia.
Cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở đất ẩm. Cây sinh trưởng tốt trong mùa xuân và mùa hè. Cây có vòng đời từ 5 đến 6 tháng.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Lá thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Tính vị- Quy kinh
Xương sông có vị đắng, cay, tính ấm, có công dụng hỗ trợ tiêu hóa, tiêu đờm, trừ tanh hôi.
Thành phần hóa học
Trong lá Xương sông có chứa 0,24% tinh dầu (methylthymol, p-cymen, alpha thuyen, alpha pinen, camphen, beta pinen,…)
Tác dụng dược lý
- Chữa ho, sốt ở trẻ nhỏ, trị trường hợp trúng phong hàn, cấm khẩu, nôn, đầy bụng, viêm họng, ho gà.
- Chữa sưng vú (khi kết hợp với Bồ công anh)
- Chữa ho ra máu (khi dùng rễ Xương sông sao vàng)
- Chữa viêm họng (khi kết hợp với Rễ cỏ tranh, rễ chỉ thiên)
- Chữa sốt rét, cảm cúm, phù thũng
- Trị viêm phế quản, loét miệng, hay ra mồ hôi
- Chữa chứng đau nhức do thấp khớp
Một số bài thuốc
Bài thuốc chữa sởi, ho, sốt kéo dài ở trẻ nhỏ
Thành phần: Lá xương sông, Chua me đất, Địa cốt bì, Vỏ rễ dâu, Kinh giới, lượng các dược liệu bằng nhau 8-10 gam
Cách làm: Thêm nước, sắc lấy nước uống. Nếu bị tiêu chảy, bớt vị chua me đất.
Bài thuốc trị phong hàn, cấm khẩu
Thành phần: Lá xương sông, lá xương sông bồ
Cách làm: Lá tươi, giã nát, hòa với nước nóng hoặc sắc để lấy nước uống
Bài thuốc chữa sốt cao, co giật, thở gấp ở trẻ nhỏ
Thành phần: Lá xương sông, Chua me đất
Cách làm: Giã nhỏ, thêm nước nóng, chiết lấy nước uống
Bài thuốc trị nổi mẩn ngứa
Thành phần: Lá xương sông, lá khế, lượng bằng nhau; Chua me đất lượng bằng ½
Cách làm: Giã nát, hòa cùng nước, chiết lấy nước uống. Bã còn lại dùng xoa ngoài
Tài liệu tham khảo
Đỗ Huy Bích (2006), Xương sông, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 2, trang 1153-1154, truy cập ngày 04/01/2025
Đỗ Tất Lợi (2006), Xương sông . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 689-690, truy cập ngày 04/01/2025