Vú Bò (Vú Chó)
Tên khoa học
Ficus simplicissima Lour var.hirta (Vahl) Migo. thuộc họ Dâu Tằm Moraceae.
Tên khác
Vú Bò còn có tên khác là Vú Chó, Sung Ba Thùy.
Nguồn gốc
- Vú Bò được tìm thấy phân bố chủ yếu ở những vùng nhiệt đới châu Á như Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Campuchia.
- Ở Việt Nam,Vú Bò được phân bố rải rác tại khắp các tỉnh từ vùng núi tháp < 600m tới trung du, đồng bằng. Cây Vú Bò thường mọc lẫn với 1 số cây bụi nhỏ ở ven rừng, nương, đồi, hay các lùm bụi quanh làng. Vú Bò là loại cây chịu được bóng, ưa sáng và khô han, hoa và quả của Vú Bò ra không nhiều. Tại các tỉnh phía nam Vú Bò ra hoa vào cuối mùa khô còn các tỉnh phía Bắc, Vú Bò lại ra hoa vào cuối hè hay đầu thu. Quả Vú Bò chín là nguồn thức ăn của nhiều loại động vật gặm nhấm hay chim, sau đó sẽ theo phân của chúng và được phát tán khắp mọi nơi.
Đặc điểm thực vật
- Cây Vú Bò có chiều cao 1-2 m. Ngọn non của Vú Bò có lông. Thân ít phân nhánh có lông dày. Lá Vú Bò mọc so le, thường tập trung ở phần ngọn thân, gốc tròn, hình bầu dục, hơi hình tim có đầu thuôn nhọn. Lá Vú Bò có 3-5 thùy và mặt trên nhám, mặt dưới có lông nhỏ. Ở phần cuống lá có lông dày cứng, mép khía răng, gân 3 gốc, lá kèm hình ngọn giáo.
- Cụm hoa Vú Bò mọc ở các kẽ lá gồm hoa cái và hoa đực, hoa đực không cuống dài 4 , hình đài dính với nhau ở gốc, nhị 2, hoa cái có cuống, thuôn tù, lá đài 4, bầu hình trái xoan.
- Quả Vú Bò là quả phức có hình cầu, chín thì quả có màu vàng.
- Mùa ra hoa quả: tháng 9-12.
Bộ phận dùng
Vú Bò có bộ phận dùng là rễ.
Thu hái, chế biến
Rễ Vú Bò được thu hái quanh năm sau đó được đem khi phơi khô có mùi thơm đặc trưng, có thể dùng Vú Bò tẩm mật, sao hay dùng tươi.
Tính vị, quy kinh
Rễ Vú Bò có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, quy kinh tỳ, phế.
Thành phần hóa học
Trong Vú Bò có chứa acid amin, acid hữu cơ và các chất diterpen, alkaloid, coumarin.
Tác dụng dược lý
- Tác dụng làm long đờm, bình suyễn: thí nghiệm được tiến hành trên chuột nhắt trắng theo phương pháp dùng phenol sulfonphtalein bài tiết qua đường hô hấp. Nước sẵn Vú Bò có tác dụng làm long đờm, cao chiết bằng cồn 70% của Vú Bò có tác dụng trên. Thành phần alkaloid của chiết từ cao Vú Bò không có tác dụng. Thí nghiệm trên chuột lang cho thấy khi gây co thắt khí phế quản bằng phương pháp phun xông histamin, nước sắc Vú Bò dùng theo đường tiêm xoang bụng có tác dụng bình suyễn. Phần tan trong nước và phần không tan trong nước của Vú Bò khi được chiết bằng cồn 70% đều có tác dụng bình suyễn, dạng chiết bằng cloroform và alkaloid không có tác dụng.
- Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây ho bằng phương pháp xông amoniac cho thấy các dạng bào chế từ Vú Bò tiêm xoang bụng đều không thể hiện tác dụng giảm ho rõ rệt. Theo các tài liệu nước ngoài cho thấy dịch ép từ rễ Vú Bò có tác dụng nhuận tràng.
- Các nghiên cứu còn chức minh rằng cây Vú Bò có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh và giảm mức cholesterol.
- Vú Bò cũng được biết là giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, cải thiện sức khỏe của da, giúp giảm cân, cải thiện tinh thần minh mẫn, giảm căng thẳng và lo lắng, cải thiện mức năng lượng tổng thể.
Công năng chủ trị
- Vú Bò có tác dụng tráng gân cốt, khu phong thấp, khử ứ, sinh tân, tiêu thũng. Nhân dân coi Vú Bò là 1 vị thuốc bổ dùng cho người bị bạch đới, hư lao, khí hư, tắc ti sữa, ngoài ra Vú Bò còn dùng để ngâm rượu và chữa phong thấp.
- Từ xưa, Tuệ Tĩnh đã dùng mủ trắng trích từ cây Vú Bò đem trộn với bột nghệ vàng và chế thành viên giúp chữa đại tiện táo kết, trướng đầy bụng. Lá Vú Bò hay quả Vú Bò giã nát chưng với rượu rồi đắp chữa ứ máu bầm tím do bị thương hay ngã.
- Ở Trung Quốc, Vú Bò còn được dùng rễ để chữa phong thấp tê đau, phù thũng, lao thương, vết thương do đâm chém, bạch đới, phụ nữ bế kinh, phụ nữ bị ít sữa.
Một số bài thuốc có chứa Vú Bò
- Vú Bò chữa dạ dày sa đau, viêm tinh hoàn sa tử cung, lòi dom: 30g Vú Bò + hồi đầu, mộc thông, mỗi vị 12g đem sắc lấy nước uống.
- Vú Bò chữa bế kinh, sau đẻ bị ứ huyết gây đau bụng: 30-60g rễ Vú Bò + sắc nước rồi thêm 1 ít rượu rồi uống.
- Chữ đau phong thấp:
- Bài thuốc 1: 60g rễ Vú Bò + 250g móng giò lợn + 60g rượu, thêm 1 ít nước rồi sắc còn nửa bát thì chia thành 2 lần uống trong ngày, cách nhau 4-6 giờ.
- Bài thuốc 2: 10-20g rễ Vú Bò đem sắc hay ngâm rượu với tỉ lệ 1 lít rượu ngâm với 100-200g rễ Vú Bò sao vàng rồi uống 10-15ml/ngày.
- Chữa bệnh thấp khớp mạn: rễ Vú Bò 20g đem sao vàng + 16g dây đau xương sao vàng + 12g rễ sung sao + 12g củ ráy sao + 8g rễ bạch hoa xà + 16g rễ gối hạc sao vàng + 12g thiên niên kiện, tất cả đem sắc nước rồi thêm 1 ít rượu uống.
- Chữa ngực bụng đau nhức, hòn cục: toàn thân cây Vú Bò giã nát + thêm rượu và ít muối rồi đem sao nóng sau đó đắp lên nơi đau.
- Chữa đầy trướng, mặt vàng, ăn không tiêu, kém ăn: ô lông vĩ + nhựa mủ cây Vú Bò đem làm thành viên to bằng hạt nhãn sau đó uống mỗi ngày 1 viên dùng nước sắc gừng để chiêu thuốc.
- Chữa phong thấp tê đau, phù thũng, lao thương, vết thương do đâm chém, bạch đới, phụ nữ bế kinh, phụ nữ bị ít sữa: 15-30g rễ Vú Bò đem sắc thành nước hoặc ngâm rượu uống.
- Sưng đau tinh hoàn: 60-120g rễ Vú Bò tươi đem sắc nước và uống.
- Chữa bạch đới: rễ Vú Bò khô lấy khoảng 60g đem sắc và uống nước.
- Chữa bụng trướng đầy, đại tiện táo kết: Nhựa mủ trắng lấy từ cây vú bò đem trộn trực tiếp với bột nghệ vàng sau đó vo thành viên vừa để uống hàng ngày.
- Bổ tỳ ích khí: Vú bò 20g + đậu khấu 6g+ thảo quả 6g + mộc hương 4g , tất cả đem sắc uống.
- Kiện tỳ hóa thấp, điều trị chứng xơ gan, phù do suy dinh dưỡng, viêm gan mạn: nhân trần 12g, vú bò 20g, diệp hạ châu 16g, rau má 16g, tất cả đem sắc lấy nước uống.
- Khứ đờm giảm ho (ho có đờm, viêm phế quản): vú bò 20g, diếp cá 20g, mạch môn 12g, lá táo 16g. Tất cả đem sắc uống.
- Lợi sữa: trạch tả 20g, vú bò 20g, mộc thông 20g, xuyên sơn giáp 10g. Tất cả đem sắc uống.
- Bổ khí, bổ tỳ, bổ thận, bổ huyết: vú bò 20g, bạch truật 10g, thục địa 10g, đương quy 10g. Tất cả đem sắc uống mỗi thang 1 ngày. Có thể dùng với liều cao đem ngâm với rượu trong 10-15 ngày và uống mỗi ngày 30ml/ngày.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Huy Bích (2006), Vú Bò, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 2, trang 1077. Truy cập ngày 29/01/2024.
- Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Vú Bò , trang 1254. Truy cập ngày 29/01/2024
- Đỗ Tất Lợi (2006), Vú Bò. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 915. Truy cập ngày 29/01/2024