Thuốc Bỏng (Sái Bất Tử/Thổ Tam Thất)

Hiển thị kết quả duy nhất

Thuốc Bỏng (Sái Bất Tử/Thổ Tam Thất)

Tên khoa học

Kalanchoe pinnata

Họ Lá bỏng Crassulaceae

Giới: Plantae

Loài: K. pinnata

Lớp cao hơn: Kalanchoe

Cấp độ: Loài

Bộ: Saxifragales

Tên khác

Thuốc Bỏng có tên khác là Trường Sinh, Thổ Tam Thất, Đả Bất Tử, Diệp Sinh Căn, Lạc Địa sinh Căn, Sái Bất Tử, Sống Đời.

Nguồn gốc

  • Chi Kalanchoe có khoảng 60 loài được phân bố chủ yếu ở vùng Nam Phi, vùng nhiệt đới, ở châu Á chỉ có khoảng 10 loài trong đó hầu hết có mặt ở Việt Nam. Cây Thuốc Bỏng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới. Hiện nay Thuốc Bỏng được phân bố ở 1 số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Thuốc Bỏng thường được thấy ở 1 số vùng ven biển hay vùng núi đá vôi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình.
  • Cây Thuốc Bỏng là cây ưa ánh sáng có khả năng chịu hạn tốt và thường được mọc trên các hốc mùn đá ở vùng núi đá vôi hay trên đồi thấp ven biển, trên cát truông gai. Thuốc Bỏng thường xanh quanh năm, sinh trưởng mạnh ở mùa mưa và hoa được nở vào mùa thu, mùa hè. Tuy nhiên chỉ những cây có tuổi thọ > 1 năm và không bị cắt tỉa mới có khả năng có hoa quả. Thuốc Bỏng tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt hay các chồi gốc và thân bị gãy. Thuốc Bỏng còn có khả năng tái sinh đặc biệt từ các chỗ khuyết của mép lá.

Đặc điểm thực vật

  • Thuốc Bỏng là cây cỏ có chiều cao 40-60cm. Thân Thuốc Bỏng mọc thẳng đứng, nhẵn, hình trụ và có đốm tím. Lá Thuốc Bỏng mọc đối, lá đơn hay có 3-4 lá chét, mọng nước, phiến dày, hình trứng thuôn, mép khía răng tròn, lá cây Thuốc Bỏng có thể nảy mầm ở kẽ các vết khía răng.
  • Cụm hoa Thuốc Bỏng mọc ở ngọn thân theo kiểu cun hai ngả, lá bắc nhỏ, cụm hoa dài 15cm, cuống hoa cũng rất mảnh. Hoa Thuốc Bỏng hình trụ, màu đỏ hay vàng cam sẫm, dài 4-5 cm, mọc thõng xuống dưới trên 1 cán dài, đài hoa có hình trụ chia thành 4 tràng hàn liền thành trụ, 4 thùy, thắt ngang ở phía trên bầu và hàn liền với bầu ở phần gốc, nhị 8, dính vào giữa ống tràng thành 1 hàng, chỉ nhị mảnh, bầu hình thoi, bao phấn thuôn, có 4 lá noãn rời nhau.
  • Quả Thuốc Bỏng gồm 4 đai, mở ở mép trong.
  • Mùa ra hoa quả: tháng 1-3 hàng năm.
Thuốc Bỏng
Thuốc Bỏng

Bộ phận dùng

Bộ phận dùng của Thuốc Bỏng là toàn cây.

Thu hái, chế biến

Thuốc Bỏng được thu hái quanh năm.

Tính vị, quy kinh

Lá cây Thuốc Bỏng có vị ngọt nhạt, nhớt, hơi chua và có tính mát.

Thành phần hóa học

  • Lá Thuốc Bỏng có chứa acid malic, acid citric, acid isocitric, acid alpha ketoglutaric acid fumaric, acid cis aconitic.
  • Toàn cây Thuốc Bỏng có chứa:
    • Các axit hữu cơ: 0,4% axit oxalo axetic, 0,1% axit glyoxylic, 0,5% axit a-xetoglutaric, 32,5% axit malic, 46,5% axit izoxitric, 0,9% axit fumaric, 1% axit pyruvic, 1% axit succinic, 10,1% axit citric, 0,2% axit lactic,1,6% axit cis-aconitic, 0,2% axit oxalic và 0,05- 0,6% axit chưa xác định được.
    • Các glycoside flavonoic: flavonoid glycoside C, flavonoid glycoside A,aglycon, flavonoid glucozit B (quexetic 3-diarabinozit), Kaempferol 3-glycozit.
    • Các hợp chất phenolic: syringic, cafeic, p. hydroxybenzoic, axit p. coumaric.

Tác dụng dược lý

Thuốc Bỏng có tác dụng gì?

  • Cao chiết nước và cồn của Thuốc Bỏng có tác dụng ức chế các trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn tụ cầu vàng và Streptococcus viridans. Cao cồn Thuốc Bỏng có tác dụng mạnh hơn so với cao nước.
  • Lá Thuốc Bỏng có tác dụng kháng khuẩn trên các vi khuẩn gram âm và dương.
  • 3 thành phần bryophyllin A, B và bersaldegenin – 3 – acetat trong cây Thuốc Bỏng tươi có hoạt tính độc trên tế bào in vitro mạnh đối với tế bào A 549.
  • Thuốc Bỏng có thể gây độc với gia súc khi ăn 1 lượng lớn có các triệu chứng độc thần kinh.
  • Cao methanol lá Thuốc Bỏng có hoạt tính chống viêm trên chuột nhắt và chuột cống trong các mô hình thực nghiệm: phù do caragenin và những chất trung gian khác, rỉ dịch chất màu trong viêm phúc mạc, rỉ dịch protein, di cư bạch cầu, viêm khớp do formadehyd, di cư bạch cầu, phù khớp do dầu thông. Các tác dụng này của Thuốc Bỏng là do thành phần beta sitosteroid và 1 số alcol béo.
  • Cao methanol lá Thuốc Bỏng tươi có hoạt tính chống viêm đáng kể với oxazolon, picryl mononatri và bệnh gút do mononatri urat gây ra.
  • Cao lá Thuốc Bỏng làm giảm đáng kể hoạt tính của GPT, GOT cũng như nồng độ hydroxyprolin và làm tăng nồng độ ATP-ase huyết thanh.
  • Cao lá Thuốc Bỏng có hiệu quả ức chế miễn dịch in vivo, ức chế sự tăng sinh tế bào lympho, làm nhẹ cơn khó thở ở chuột lang do kháng thể kháng nguyên.
  • Các acid béo có trong Thuốc Bỏng tham gia 1 phần vào tác dụng chặn miễn dịch in vivo.
  • Cao methanol lá Thuốc Bỏng có tác dung chống loét ở chuột lang và chuột cống, có tác dụng bảo vệ chống tổn thương dạ dày do aspirin, serotonin, indomethacin, reserpin, histamin, ethanol, do stress, acid acetic.
  • Ở chuột nhắt trắng bị nhiễm Leishmania amazoniensis cho uống cao nước lá Thuốc Bỏng làm giảm sự phát triển các tổn thương và số lượng ký sinh trùng có khả năng sống.
  • Cao ether dầu hỏa, ethyl actat của lá Thuốc Bỏng có hoạt tính mạnh, chống lại sự đột biến đảo ngược bởi ethyl-methan-sulfonat ở các chủng salmonella typhimurium TA 102 và TA 100.
  • Cao lá Thuốc Bỏng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Với liều 100mg/kg tiêm phúc mạc kéo dài thời gian ngủ của pentobarrbital, giảm tác dụng đau của acid acetic. Liều gây chết của cao lá Thuốc Bỏng với chuột nhắt theo đường tiêm phúc mạc là 3111,76 mg/kg.
  • Dịch ép từ lá Thuốc Bỏng có tác dụng tiệt khuẩn, được dùng làm thuốc điều trị viêm kết mạc và có khả năng làm mau lên sẹo.
Thuốc Bỏng
Thuốc Bỏng

Công năng chủ trị

  • Thuốc Bỏng có tác dụng tiêm viêm, cầm máu, giảm đau.
  • Lá Thuốc Bỏng được dùng để chữa bỏng, vết thương, lở ngứa, đau mắt đỏ, mặt sưng đỏ, ngộ độc, chảy máu, viêm ruột, loét dạ dày, trĩ nội trĩ ngoại ra máu.
  • Trong y học Ấn Độ, lá Thuốc Bỏng sao qua được dùng để chữa bầm tím, vết cắt của côn trùng độc, nhọt. Đắp vết thương có hiệu quả giảm vết thương bị sưng tím, làm lành vết rách. Dùng thuốc rắc hay bột rắc của Thuốc Bỏng có tác dụng chữa vết loét. Lá chế thành bột giúp kích thích tạo nhú. Nước ép lá Thuốc Bỏng được dùng để trị bệnh sởi, tiêu chảy.
  • Ở Đông Nam Á, Thuốc Bỏng có công dụng chủ yếu là điều trị nhọt, bỏng bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, chóc đầu. Ở Indonesia, lá Thuốc Bỏng dùng làm thuốc uống lợi tiểu, dùng ngoài trị lở loét, đau chân, đau lưng, đau mắt, nhức đầu. Nước sắc Thuốc Bỏng giúp trị phù, sốt, chữa trĩ. Lá Thuốc Bỏng sao khô được dùng làm thuốc đắp lên vết loét trong bệnh phong, ép lá dùng trị sốt bằng cách đắp lên trán,trán. Ở Malaysia, lá vò nát Thuốc Bỏng được dùng để chế thuốc làm săn, trị sâu bọ cắn, kháng khuẩn, Lá tươi Thuốc Bỏng giúp trị lỵ, lao phổi, bệnh tả, thuốc đắp nóng trị chai chân tay, sai khớp.
  • Ở Papua Niu lá non Thuốc Bỏng hơ nóng và đặt lên vết loét trị sưng tấy.
  • Ở Thái Lan, Campuchia, Lào Thuốc Bỏng được dùng để trị bỏng, chai chân tay, bệnh ngoài da, điều trị viêm mắt, thấp khớp, đờm rãi, đau dây thần kinh.
  • Dịch ép lá Thuốc Bỏng điều trị viêm thận cấp.
  • Nước ngâm lá Thuốc Bỏng dùng để tắm điều trị thiếu dinh dưỡng.

Một số bài thuốc có chứa Thuốc Bỏng

  • Chữa mẩn ngứa: lá Thuốc Bỏng + nghể ram + bồ hòn + lá ké, tất cả đem nấu nước và xông, tắm. Kết hợp dùng lá ké sắc uống hay lá ké tán thành bột mỗi lần uống 8g với rượu ngâm đậu đen.
  • Chữa lỵ trị: lá Thuốc Bỏng + rau sam mỗi vị dùng 5-6 g nhai sống hay đem sắc thuốc để uống. Nếu bệnh nhân bị lở hậu môn hay lòi dom thì nấu nước bồ kết ngâm rửa và giã lá Thuốc Bỏng đắp.
  • Chữa bỏng nước, bỏng lửa: lá Thuốc Bỏng giã nhỏ thêm rượu cho ướt rồi đắp lên vùng bị thương, mỗi lần cách nhau 2 giờ.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2006), Thuốc Bỏng . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 116. Truy cập ngày 16/12/2023
  2. Đỗ Huy Bích (2006), Thuốc Bỏng, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 2, trang 912. Truy cập ngày 16/12/2023
  3. Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Thuốc Bỏng , trang 1113. Truy cập ngày 16/12/2023.

Rối loạn bàng quang và tuyến tiền liệt

Tienliets

Được xếp hạng 5.00 5 sao
490.000 đ
Dạng bào chế: Viên nang mềm Đóng gói: Hộp 100 viên

Xuất xứ: Việt Nam