Sòi (Ô Cửu)
Cây Sòi là gì?
Danh pháp
Tên khoa học của Sòi là Sapium sebiferum, cây này thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.
Tên gọi khác
Ô Cửu, Thác Tử Thụ, Ô Thụ Quả, Ô Du, Mộc Tử Thụ.
Đặc điểm thực vật
Sòi thuộc nhóm cây nhỡ với chiều cao rơi vào khoảng 4-6m khi có tuổi thọ lớn. Thân cây màu xám, các lá cây mọc so le với nhau, lá có hình quả trám dài, thường rụng sớm. Cuống lá khoảng 3-7cm, chiều rộng vào khoảng 3-9cm. Đầu lá Sòi nhọn và dài, hai mặt lá đều có màu xanh, không có lông, bóng, mép nguyên. Khi lá non thì mỏng và mềm.
Hoa Sòi mọc thành các bông có chiều dài 5-10cm, mọc từ kẽ lá hoặc phía đầu cành. Hoa đơn tính, trong đó các hoa đực thường chiếm phần trên của bông. Về sau, phần dưới của bông sẽ xuất hiện thêm khoảng 1-4 hoa cái. Hoa có màu vàng hoặc trắng vàng.
Quả Sòi có dạng hình cầu, đường kính vào khoảng 12mm, khi quả chính sẽ có màu đen tía. Quả gồm có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa 1 hạt có hình trứng, trên mặt hạt có đường rãnh dọc. Trong hạt có chứa dầu, còn bên ngoài được bao bởi 1 lớp sáp trắng được gọi là mỡ hoặc bơ.
Tháng 3 tới tháng 4 là mùa hoa, còn tháng 9 là mùa quả.
Dưới đây là hình ảnh cây Sòi.
Phân bố – Sinh thái
Cây Sòi có thể trồng hoặc mọc hoang ở Mỹ, Trung Quốc. Các nước này người ta thường thu hoạch hạt của cây Sòi nhằm ép thành dầu.
Ở Việt Nam, cây Sòi mọc hoang khá nhiều. Tuy nhiên người dân ở miền Trung và miền Bắc cũng có trồng cây Sòi nhằm thu hái lá cây, lá cây Sòi dùng nhuộm màu đen cho lụa và sa tanh. Vì nước ta cắt lá nhiều nên cây thường ra ít quả hơn các nước khác.
Thu hái và chế biến
Nếu muốn lấy hạt, người ta thường thu hoạch quả vào mùa thu. Quả Sòi đem về phơi đến khô, đập lấy hạt bên trong. Khi đun nóng, lớp sáp trên hạt chảy ra, để nguội sẽ thu được sáp đông đặc. Hạt còn lại đem giã nát, ép thu dầu lỏng.
Bộ phận dùng
Các bộ phận có thể sử dụng của cây Sòi là lá, vỏ thân, vỏ rễ và hạt.
Tính vị – Công năng
Lá và vỏ rễ của cây Sòi có tính hơi ấm, vị đắng, không có độc tính.
Công năng chính là tiêu nước, thông tiểu, giải độc và nhuận tràng.
Thành phần hóa học
Trong vỏ rễ, người ta tách ra được 1 chất dưới dạng tinh thể không có màu, hình trụ có tên là Pholoraxetophenon 2,4-dimetyl ete. Ngoài ra, người ra còn tách được Xanthoxylin.
Ở trong lá của cây này có Vitamin E, Tanin, Quercitin, Kaempferol, Beta-sitosterol, Moretenon, Moretenol, chất béo, Acid Ellagic, Acid Galic, Corilagin và Izoquexiyrozit.
Trong vỏ thân Sòi có chứa Acid Sebiferic và 3,4-Di-O-methylellagic Acid.
Hạt Sòi gồm 2 phần chính:
- Sáp bao quanh hạt có chứa chất mỡ, chất mỡ là Acid Palmictic, Acid Linoleic, Acid Lauric, Acid Oleic, Acid Myristic và Acid Stearic.
- Bên trong là dầu béo gồm có Acid Caprylic, Acid Stearic, Acid Linolenic, Acid Capric, Acid Palmitic, Acid Oleic,…
Tác dụng dược lý của cây Sòi
Cây Sòi (trừ phần rễ) chiết bằng cồn 50 độ có khả năng lợi tiểu và giải nhiệt.
Cao chiết xuất của vỏ rễ Sòi có khả năng ức chế sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn như Klebsiella pneumoniae, Streptococcus faecalic, Proteus vulgaris, Escherichia coli,… Còn nước sắc từ lá Sòi có hoạt tính vừa phải trên trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu vàng.
Nước sắc từ lá Sòi bôi vào vết thương trên chuột do trực khuẩn mủ xanh gây ra cho hiệu quả sạch khuẩn sau 3 tới 6 ngày, 8-14 ngày là bệnh khỏi hẳn.
Cao lá Sòi có thành phần Tannin giúp tạo màng thuốc trên vết bỏng. Màng thuốc bám và che phủ để ngăn dịch huyết tương từ vết bỏng thoát ra ngoài, giảm thiểu tình trạng nhiễm độc cấp, mùi hồi của vết thương.
Thử nghiệm khác ở lâm sàng cho thấy vỏ rễ giúp điều trị bệnh sán mảng làm lách, gan sưng to, bệnh viêm gan, ăn kém, sốt.
Cây Sòi chữa bệnh gì?
Vỏ rễ của cây Sòi được người dân sử dụng để chữa bệnh đại tiểu tiện khó khăn, bụng đầy chướng.
Sử dụng lá và rễ cây tươi, giã nát, lấy nước cốt đắp hoặc uống điều trị vết rắn cắn, bỏng chưa có viêm nhiễm. Ngoài ra còn dùng để làm màng che bảo vệ vết mổ. Dùng sáp lấy từ hạt chữa bệnh da liễu.
Y học Trung Quốc dùng Sòi để chữa trị viêm gan, hoàng đản, viêm âm đạo, sáng máng.
Y học Ấn Độ sử dụng dầu béo trong hạt Sòi làm thuốc lợi tiểu, chữa bệnh da liễu, thuốc tẩy, gây nôn và tiêu thũng. Sắc vỏ rễ làm thuốc bồi bổ hoặc chữa khó tiêu.
Một số bài thuốc
Đơn thuốc điều trị mẩn ngứa
Dùng sáp và nhân của hạt Sòi với lượng 100g, 100g nước và 50g hồng đơn. Đun dầu với nước cho nóng rồi mới bỏ Hồng đơn vào. Đun sôi, nước bốc hơi bớt thì lại thêm nước vào, tiếp tục quá trình này đến khi Hồng đơn không còn màu. Dùng cao bôi vào mụn nhọt.
Đơn chữa bụng chướng, ăn kém, thủy thũng
Vỏ rễ của Sòi lấy phần vỏ lụa, phơi khô sau đó tán thật nhỏ. Sử dụng nước cơm rồi viên bột thành các hạt nhỏ như hạt đậu xanh. Hoặc có thể lấy táo đen của Trung Quốc trộn vào bột vỏ rễ và viên thành viên nhỏ.
Tùy mức độ bệnh, mỗi ngày sử dụng 10-20g viên thuốc hoặc tăng lên nếu như cần.
Tài liệu tham khảo
Đỗ Tất Lợi và cộng sự (2004), Sòi trang 246-248, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 06/01/2025.
Xuất xứ: Hàn Quốc
Xuất xứ: Việt Nam